Hong Kong: Người biểu tình ra tối hậu thư
Phong trào Chiếm trung tâm ra tối hậu thư vào hạn chót 1-10, đặc khu trưởng Lương Chấn Anh phải đáp ứng yêu cầu về bầu cử đồng thời phải từ chức. Nếu không, phong trào Chiếm trung tâm sẽ phát động chiến dịch mới. Tổng Thư ký Liên đoàn Sinh viên Hong Kong Chu Vĩnh Khang cảnh báo sinh viên sẽ tiếp tục bãi khóa và mở rộng khu vực chiếm đóng nếu đặc khu trưởng Lương Chấn Anh không đáp ứng yêu cầu. PGS Trần Kiện Dân, người đồng sáng lập phong trào Chiếm trung tâm, cho biết nếu ông Lương Chấn Anh từ chức, người biểu tình sẽ ngưng chiến dịch chiếm đóng một thời gian ngắn.
----------------------
Biểu tình Hong Kong: Những thách thức cho chính quyền Bắc Kinh
Maya Wang, nhà nghiên cứu về Trung Quốc nói rằng Bắc Kinh dần đánh mất quyền kiểm soát tại Hong Kong: "Việc từ chối dân chủ ở Hong Kong đã phản tác dụng. Những người ở đây đã mất niềm tin vào chính quyền trung ương". Tình hình trên vẫn còn chuyển biến, nhưng theo tạp chí Time, có thể rút ra năm điều từ tình sự bất ổn của Hong Kong:
1- Dân Hong Kong không chỉ biết quan tâm đến tiền
Các cuộc biểu tình chứng tỏ rằng người dân Hong Kong không chỉ quan tâm đến việc kiếm tiền hay sự thăng tiến của bản thân.
Cuộc biểu tình là một lát cắt trung thực hơn về xã hội Hong Kong khi phong trào chính trị lan rộng đến mọi tầng lớp nhân dân.
2 - Bất bình đẳng xã hội cũng là động lực
Trong khi dân chủ hơn là mục số 1 trong chương trình nghị sự của người biểu tình, vấn đề sinh kế cũng được đề cập. "Giấc mơ Hong Kong" giờ đây đã trở thành một nơi đắt đỏ hơn bao giờ hết để sống.
Giá mua nhà vượt quá sức của nhiều người dân. Mọi người cảm thấy các chính sách của chính phủ không công bằng để làm lợi tầng lớp vốn đã giàu có.
Hong Kong là một nền kinh tế phát triển có khoảng cách thu nhập vào hàng lớn nhất trên thế giới. Nhu cầu tự lựa chọn người lãnh đạo của đại đa số người dân Hong Kong thể hiện sự mong chờ của họ vào một chính quyền mới với những động thái thiết thực hơn cho các tầng lớp trung lưu.
3 - Khoảng cách Hong Kong và đại lục
Công dân Hong Kong ngày càng phẫn nộ khi du khách và cư dân Trung Quốc mua tất cả mọi thứ từ căn hộ cho tới những vật dụng khác...
Người dân địa phương cũng cho rằng những người đến từ đại lục quá đỗi thô lỗ. Phương tiện truyền thông Hong Kong thường lên án các bậc phụ huynh Trung Quốc cho phép con cái đi tiểu hoặc thậm chí đi vệ sinh ở nơi công cộng.
4 - Cuộc đối đầu không cân sức
Hong Kong đang đòi hỏi nền dân chủ một cách tuyệt đối, trong khi Trung Quốc lại muốn áp đặt ý chí của mình lên các vùng lãnh thổ “khó bảo”. Bắc Kinh chủ trương kiểm soát chặt chẽ các bất đồng chính kiến bên trong quốc gia.
----------------------
Ông Lương Chấn Anh tuyên bố không từ chức
Phát biểu tại cuộc họp hàng tuần trước Hội đồng Hành chính, ông Lương cho biết: “Trước khi thực hiện nguyên tắc phổ thông đầu phiếu, muốn thay đổi nhân sự thì Hồng Kông chỉ có con đường chọn lãnh đạo theo quyết định của ủy ban bầu cử (do Bắc Kinh đưa ra)”.
Ông Lương cũng kêu gọi người biểu tình không tin vào tin đồn Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) và cảnh sát đại lục có thể được triển khai để trấn áp người dân.
Dù vậy, đặc khu trưởng Hồng Kông không cho biết các biện pháp mà chính quyền sẽ dùng để đối phó với người biểu tình và cũng không nói rõ liệu giới chức thành phố có gặp gỡ các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ hay không.
Thay vào đó, ông Lương khẳng định việc tiếp tục các hành vi bất hợp pháp sẽ không làm cho chính quyền đặc khu thay đổi quyết định về cải cách chính trị của Hồng Kông. Ông Lương kêu gọi: “Phong trào “Chiếm lĩnh trung tâm” nhiều lần nói rằng nếu phong trào ra ngoài tầm kiểm soát, họ sẽ mau chóng ngừng nó lại. Bây giờ, tôi yêu cầu họ thực hiện lời hứa và ngăn chặn chiến dịch (biểu tình) ngay lập tức”.
Ông Lương lo ngại người biểu tình phong tỏa các tuyến đường trên đảo Hồng Kông và Cửu Long đã làm ảnh hưởng đến các dịch vụ khẩn cấp. Thừa nhận cuộc biểu tình có khả năng kéo dài nhưng ông Lương cũng ngụ ý Bắc Kinh sẽ không lùi bước.
Trưa ngày 30-9, đám đông người biểu tình ở khu Kim Chung (Admiralty) tiếp tục lan rộng dù nhiều người phải đeo kính râm, che dù để chống lại cái nắng oi bức. Khu vực Vượng Giác (Mong Kok) ước tính có khoảng 1.000 người, trong khi vịnh Đồng La (Causeway Bay) có hơn 2.000 người đang tụ tập.
Phong trào biểu tình đặt ra hạn chót vào ngày 1-10, ngày Quốc khánh của Trung Quốc, để chính quyền đặc khu đáp ứng yêu cầu cải cách chính trị và cũng là thời hạn chót buộc ông Lương Chấn Anh từ chức. Đồng thời, nhóm biểu tình cho biết “sẽ công bố kế hoạch bất tuân dân sự mới” trong ngày 1-10.
Ngày 01-10 bắt đầu kỳ nghỉ lễ mừng quốc khánh của Trung Quốc nên số lượng người tham gia biểu tình dự kiến đông hơn rất nhiều.
-----------------------
Mỹ ủng hộ người biểu tình Hồng Kông
Nhà Trắng đang theo sát những cuộc biểu tình đòi dân chủ tại Hồng Kông và cho biết "nước Mỹ ủng hộ khát vọng của người dân Hồng Kông".
Reuters ngày 30.9 dẫn lời người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest tuyên bố: "Nước Mỹ ủng hộ việc bỏ phiếu phổ thông tuân theo đúng luật cơ bản tại Hồng Kông và nước Mỹ ủng hộ khát vọng của người dân Hồng Kông".
"Chúng tôi tin rằng tính chính đáng trong chức vụ Trưởng đặc khu của Hồng Kông sẽ tăng lên đáng kể nếu mục đích tối thượng của luật cơ bản trong việc bầu cử bằng bỏ phiếu phổ thông có thể đạt được", Earnest cho biết.
"Một xã hội cởi mở với mức độ tự trị cao nhất có thể, và được điều hành dựa trên luật pháp, là điều tối cần thiết cho sự ổn định, thịnh vượng của Hồng Kông”, Wall Street Journal dẫn lời Earnest.
Nhà Trắng cũng kêu gọi chính quyền Hồng Kông ứng xử với người biểu tình bằng thái độ kiềm chế.
Wall Street Journal cho biết Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ đề cập vấn đề nhân quyền với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm Trung Quốc tháng 11 tới đây.
Ngoài ra, phát ngôn viên Nhà Trắng cũng đề cập việc Trung Quốc kiểm duyệt nội dung liên quan đến Hồng Kông trong ngày 29.9. "Tôi được nghe báo cáo rằng Instagram bị chặn hôm nay, và có nhiều nỗ lực nhằm kiểm duyệt những trang web đang cập nhật về tình hình", Earnest cho biết.
----------------------
Lãnh đạo Đài Loan ủng hộ biểu tình ở Hồng Kông
Ngày 29.9, lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu tuyên bố chính quyền của ông “hoàn toàn thông cảm và ủng hộ người dân Hồng Kông trong việc đòi bầu cử lãnh đạo đặc khu theo phương thức phổ thông đầu phiếu đầy đủ”. Ông Mã còn kêu gọi Trung Quốc lắng nghe tiếng nói của người dân đồng thời xử lý cuộc biểu tình một cách thận trọng và hòa bình, theo CNA. Hồi tuần trước, ông Mã khẳng định Đài Loan sẽ không trở thành “Hồng Kông thứ 2” sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nêu lại ý tưởng thống nhất với Đài Loan theo mô hình “một nhà nước, hai chế độ” đang áp dụng với Hồng Kông.
Cùng ngày, khoảng 100 người tuần hành ở Đài Loan kêu gọi cảnh sát Hồng Kông chấm dứt trấn áp biểu tình, theo Reuters. Nhóm này còn đòi ngừng ngay lập tức tất cả đàm phán về kinh tế, chính trị giữa Đài Bắc và đại lục.