Thủ tướng Anh cực kỳ quan ngại tình hình Hồng Kông
hủ tướng Anh David Cameron vào ngày 30.9 cho biết ông cực kỳ quan ngại về các vụ xô xát giữa cảnh sát chống bạo động và người biểu tình đòi dân chủ ở Hồng Kông.
Khi được hỏi liệu ông có thấy mình có nghĩa vụ phát biểu về những diễn biến tại Hồng Kông hay không, ông Cameron nói: “Dĩ nhiên. Tôi thấy mình thực sự có nghĩa vụ phải nói”, Reuters đưa tin.
Khi trao trả Hồng Kông về cho Trung Quốc vào năm 1997, Anh và Trung Quốc đã cùng ký một hiệp ước, theo đó, Trung Quốc cam kết sẽ cho phép Hồng Kông “quyền tự trị cao cấp”, bao gồm việc cho phép bầu cử dân chủ để chọn ra đặc khu trưởng.
“Khi chúng tôi đạt được thỏa thuận với phía Trung Quốc, đã có những chi tiết trong thỏa thuận quy định về tầm quan trọng của việc trao cho người dân Hồng Kông một tương lai dân chủ theo mô hình “một đất nước, hai chế độ” mà chúng tôi đã đặt ra với phía Trung Quốc”, ông Cameron nói.
“Vì thế, dĩ nhiên là tôi cực kỳ quan ngại cho những gì đang diễn ra và mong vấn đề sẽ được giải quyết”, Thủ tướng Anh cho hay.
-----------------------
Các lãnh đạo biểu tình Hong Kong bị dọa giết
Một loạt nhà lãnh đạo cuộc biểu tình “Chiếm trung tâm” ở Hong Kong tiết lộ họ đã nhận được thư đe dọa tính mạng.
Theo Reuters, giáo sư xã hội học Chan Kin-Man thuộc ĐH Trung Quốc, người đồng sáng lập phong trào Chiếm trung tâm, cho biết trong vài ngày qua ông đã nhận được vô số thư dọa giết viết bằng tiếng Trung.
“Tôi hiểu rằng một khi gia nhập phong trào, tôi sẽ trở thành kẻ thù của một số người và sẽ bị tấn công” - ông Chan khẳng định.
Giáo sư luật Benny Tai thuộc ĐH Hong Kong cũng cho biết ông đã bị dọa giết nhiều lần. Có một phong bì gửi đến cho ông ghi người nhận là “Ác quỷ”, một phong bì khác chứa một chiếc dao lam.
Năm học giả nổi tiếng Hong Kong khác cũng đã bị dọa giết.
Chưa rõ kẻ nào đứng sau những lời đe dọa này. Tuy nhiên giáo sư Benny Tai cho rằng chính quyền Bắc Kinh không đưa ra lời đe dọa. “Tôi nghĩ Bắc Kinh sẽ phải bảo vệ tôi bởi nếu có điều gì xảy ra, họ sẽ hứng trách nhiệm” - ông Benny Tai nhấn mạnh.
Ông Tai tiết lộ một số nhà tổ chức của Chiếm trung tâm đã đột ngột rời bỏ phong trào này do bị đe dọa. “Chúng tôi hiểu rõ rằng chuyện này luôn xảy ra”.
Một học giả khác là Joseph Cheng thuộc ĐH Hong Kong dù không thuộc nhóm sáng lập Chiếm trung tâm, nhưng cũng bị dọa giết vì lên tiếng ủng hộ cuộc biểu tình.
Ngoài ra, báo Wei Wei Po thân Bắc Kinh còn cáo buộc giáo sư Cheng tội đạo văn và trốn thuế. Báo này đã khiếu nại tới ĐH Hong Kong, buộc trường đại học này phải mở cuộc điều tra. Giáo sư Cheng còn tố cáo việc máy vi tính của ông bị xâm nhập, quan hệ với các học giả ở Trung Quốc tan vỡ.
Một số nhóm người thân Bắc Kinh đã xông vào trường ĐH Hong Kong cản trở các bài giảng của giáo sư Cheng và quấy rối ông. Giáo sư Cheng cho biết vợ ông cũng bị theo dõi.
----------------------
3 đặc điểm của sự kiện Hong Kong
Giáo sư Jonathan London - thành viên Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á tại Đại học Thành thị Hong Kong - viết riêng cho Tuổi Trẻ từ Hong Kong.
Trong những ngày qua và đặc biệt là trong hai ngày vừa qua, toàn thế giới đã thấy một phong trào xã hội bùng nổ ở Hong Kong xoay quanh việc nhiều công dân của thành phố cảng đang nỗ lực yêu cầu chính quyền cải cách cơ chế bầu cử của lãnh thổ.
Hong Kong được trao lại cho Trung Quốc vào mùa hè năm 1997 để trở thành một đặc khu hành chính của Hoa Lục dưới nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ”, nhưng cho đến nay, dân Hong Kong thường cảm thấy một nỗi đau: đó là cảm thấy mình không hề có quyền thật sự trong nền chính trị của lãnh thổ mình đang cư ngụ.
Từ góc nhìn của một nhà quan sát, tôi thấy có ba điểm đặc biệt quan trọng.
1 Dân không được hưởng. Trước năm 1997, Hong Kong bị xem là một thuộc địa tư bản, nhưng trên thực tế trước và sau năm 1997, chính quyền và giới tư bản lớn ở đây đã thành lập một liên minh sâu sắc với chính quyền Trung Quốc nhằm mục đích tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho giới ngân hàng và tài chính thế giới. Tuy nhiên, dân thường hưởng lợi rất ít từ sự liên minh này.
Tuy mức sống ở đây có vẻ rất cao (thu nhập trung bình của người dân khá cao, tỉ lệ triệu phú USD trên dân số đứng thứ nhất trên thế giới...) nhưng thực tế đại đa số người dân Hong Kong có đời sống cực kỳ vất vả. Khoảng cách giàu nghèo ở thành phố cảng này gần như là cao nhất tại châu Á.
Đối với giai cấp trung lưu trở xuống, chuyện làm 12 giờ một ngày, sáu ngày trong tuần là bình thường. Người dân Hong Kong thấy hằng ngày và thấy rất rõ các thực tế trên.
2 Thể chế bầu cử bị hứa hão. Vào năm 1997, chính quyền Bắc Kinh đã cam kết rằng người dân Hong Kong sẽ dần dần được dân chủ hóa. Họ cũng hứa rằng người dân của lãnh thổ này sẽ được quyền bầu trực tiếp đặc khu trưởng vào năm 2017.
Thế nhưng trong những năm qua, nhất là một năm vừa rồi, chính quyền Trung Quốc và Hong Kong tìm mọi cách không thực hiện những cam kết đã hứa.
Theo thể chế bầu cử theo bản hiến pháp mà Anh và Trung Quốc ban hành, dân thường không có quyền chọn các lãnh đạo mà họ yêu thích. Vì thế, dù “lòng dân” ở Hong Kong như thế nào, họ vẫn không thật sự có tiếng nói quyết định trong việc chọn lãnh đạo cho chính họ.
Dù dân cũng có quyền bầu cử đại biểu của họ nhưng số đại biểu do dân bầu chỉ chiếm 50% tổng số ghế trong Hội đồng lập pháp.
Tất nhiên các nhà tư bản lớn lẫn chính quyền Trung Quốc đã đổ rất nhiều tiền vào Hong Kong để ủng hộ các phe bảo thủ.
Trong khi đó, các đảng đối lập cho thấy sự thiếu hiệu quả trong công tác chính trị, đấu tranh một cách thiếu thống nhất, cũng như mất rất nhiều sức lực trong việc đấm đá và đả kích lẫn nhau. Do vậy, độ căng thẳng chính trị tại Hong Kong luôn duy trì ở mức cao.
3 Tự tôn văn hóa. Về văn hóa, người dân ở Hong Kong cũng nhận thấy họ là người Hoa chứ! Nhưng họ cũng có một số sự khác biệt quan trọng so với người dân tại đại lục, chẳng hạn như về kinh nghiệm và điều kiện vật chất mà họ đã giành được hơn một thế kỷ qua.
Họ muốn được tôn trọng và muốn độc lập. Vì lẽ đó, họ không chịu nổi khi Bắc Kinh nói một đằng mà làm một nẻo.
-----------------------
Bắc Kinh sẽ bác yêu cầu từ người biểu tình Hồng Kông
Truyền thông Trung Quốc ngày 30.9 cho biết Bắc Kinh sẽ không đáp ứng yêu cầu của những người biểu tình đòi dân chủ ở Hồng Kông và sẽ đợi những cuộc biểu tình tàn lụi dần.
Đặc khu trưởng Hồng Kông Lương Chấn Anh ngày 30.9 đã lên tiếng yêu cầu các thủ lĩnh phong trào biểu tình đòi dân chủ rút người ra khỏi các con đường “ngay lập tức”, theo AFP.
Tuy nhiên, hàng chục ngàn người biểu tình vẫn cố thủ trên các con đường ở Hồng Kông ngày 30.9 và tuyên bố họ sẽ không giải tán cho đến khi Bắc Kinh cho phép họ tổ chức bầu cử dân chủ.
Tờ Nhân dân Nhật báo (People's Daily) ngày 30.9 đăng một bài xã luận trên website cho rằng những người biểu tình chỉ là “người thiểu số cực đoan” muốn “hủy hoại luật pháp ở Hồng Kông", theo AFP.
“Hành động cực đoan và phá vỡ hòa bình này sẽ dẫn đến mất trật tự xã hội”, Nhân dân Nhật báo cho biết thêm.
Còn tờ China Daily (Trung Quốc) cho rằng những cuộc biểu tình làm ảnh hưởng đến sự ổn định của Hồng Kông.
Tờ Thời báo Hoàn cầu của Đảng cộng sản Trung Quốc thì cho biết: “Chính quyền trung ương (Bắc Kinh) sẽ không chùn bước chỉ vì những sự hỗn loạn mà những người đối lập tạo ra”.
“Người Hồng Kông sẽ thấy rõ ràng rằng chính quyền trung ương sẽ không thay đổi quan điểm, họ sẽ nhận ra rằng vở kịch mà những người đối lập dàn dựng chỉ khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn”, theo Thời báo Hoàn cầu.
Trước đó, vào tháng 8, Trung Quốc đã từ chối yêu cầu cho Hồng Kông được phép tự chọn đặc khu trưởng vào năm 2017 và chỉ cho phép cư dân đặc khu này chọn lựa trong số các ứng viên mà Bắc Kinh đã định sẵn.
Động thái đã dẫn đến phong trào biểu tình đòi dân chủ bùng phát trên toàn Hồng Kông, được biết đến với tên gọi Occupy Central. Sinh viên, học sinh cũng bãi khóa tham gia biểu tình đòi dân chủ.
Cũng trong ngày 30.9, những người biểu tình thiết lập thêm các điểm cung cấp nhu yếu phẩm, thức ăn, nước uống, khăn, lều…, một dấu hiệu cho thấy họ có khả năng sẽ cố thủ trên các đường phố trong thời gian dài, theo ghi nhận của phóng viên Reuters tại Hồng Kông.
Hiện chưa có số liệu chính thức về tổng số người biểu tình, nhưng những người tổ chức biểu tình cho biết có đến 80.000 người tham gia biểu tình đòi dân chủ.
Đến nay đã có 41 người bị thương, trong đó có 12 cảnh sát, sau những vụ đụng độ và 78 người biểu tình bị bắt giữ, trợ lý ủy viên cảnh sát Hồng Kông Cheung Tak-keung cho biết.
----------------------
Phong trào đòi dân chủ ở Hồng Kông lan ra thế giới
Phong trào biểu tình đòi dân chủ tại Hồng Kông vào cuối tuần qua đã lan sang các thành phố khác trên toàn thế giới, tờ South China Morning Post, có trụ sở tại Hồng Kông, đưa tin ngày 30.9.
Các nhà tổ chức của phong trào “Ủng hộ Hồng Kông từ Canberra”, vốn đang diễn ra tại thủ đô của Úc, đã kêu gọi “tất cả những người Hồng Kông tại Canberra” hưởng ứng, đồng thời yêu cầu người tham gia đồng loạt mặt áo đen để đồng nhất với những người đang tham gia “Chiếm Trung Tâm” (Occupy Central) tại Hồng Kông.
“Ngay cả khi chúng ta không thể có mặt tại các buổi biểu tình, chúng ta vẫn phải quyết tâm bảo vệ dân chủ”, các nhà tổ chức cuộc biểu tình tại thành phố Adelaide, miền nam nước Úc, cho biết hôm 29.9.
“Ngay cả khi chúng ta đang ở Úc, trái tim của chúng ta vẫn ở Hồng Kông! Chúng ta đoàn kết với sinh viên tại Hồng Kông”, theo các nhà tổ chức ở Úc.
Các cuộc biểu tình ủng hộ phong trào đòi dân chủ ở Hồng Kông cũng đã diễn ra tại Sydney và Perth.
South China Morning Post cho biết theo điều tra dân số hồi năm 2011, Úc có hơn 74.000 người Úc sinh tại Hồng Kông, chưa kể con cái của người nhập cư từ Hồng Kông sang.
Theo trang Facebook của phong trào “Thống nhất vì Dân chủ: Toàn cầu đoàn kết với Hồng Kông”, nhiều cuộc biểu tình dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 1.10, tức Quốc Khánh Trung Quốc, tại Toronto (Canada), Copenhagen (Đan Mạch), Hamburg (Đức), Seattle (Mỹ) và Dublin (Ireland).
Ngoài ra, người ủng hộ phong trào đòi dân chủ tại Hồng Kông được cho là cũng lên kế hoạch tổ chức tuần hành tại Paris (Pháp) và Kuala Lumpur (Malaysia).