Người biểu tình Hồng Kông đòi lãnh đạo từ chức
Phe biểu tình và các nghị sĩ Hồng Kông đã kêu gọi Trưởng đặc khu Lương Chấn Anh từ chức trong bối cảnh làn sóng biểu tình phản đối các quy định bầu cử mới của Bắc Kinh chưa có dấu hiệu lắng dịu.
Ông Chan Kin-man, người đồng sáng lập tổ chức phòng trào “Chiếm trung tâm”, đã lên tiếng yêu cầu lãnh đạo Hồng Kông từ chức.
“Nếu ông Lương Chấn Anh tuyên bố từ chức, cuộc chiếm đóng này sẽ chấm dứt ít nhất là tạm thời trong một thời gian ngắn và chúng tôi sẽ quyết định động thái tiếp theo”, hãng tin AFP dẫn lời ông Chan tuyên bố với báo giới ngày 30/9.
“Đây sẽ là một tín hiệu rất quan trọng, vì qua đó ít nhất chúng ta biết rằng chính quyền đã thay đổi thái độ và muốn giải quyết cuộc khủng hoảng này”, ông Chan nói thêm.
Trong khi đó, các nghị sĩ Dân chủ đã kêu gọi luận tội ông Lương Chấn Anh, sau khi cảnh sát bắn hơi cay vào những người biểu tình vào tối Chủ nhật.
Một nhóm gồm 10 nghị sĩ ủng hộ dân chủ đã gặp chủ tịch Hội đồng lập pháp vào chiều qua 29/9 để thảo luận các kế hoạch nhằm xúc tiến các thủ tục luận tội chống lại lãnh đạo Hồng Kông.
Bà Emily Lau, chủ tịch đảng Dân chủ, nói với tờ Time rằng theo quy định, nhóm các nghị sĩ phải đợi ít nhất 12 ngày trước khi đưa ra các cáo buộc chống lại ông Lương.
“Quả bóng giờ đây đang nằm trong tay chính quyền. Người dân đã lên tiếng và chúng tôi sẽ hợp tác với họ để cố gắng đảm bảo dân chủ”, bà Lau nói.
Bà Lau cũng khen ngợi những người biểu tình vì sự kiềm chế của họ, dù cảnh sát đã 87 lần sử dụng hơi cay nhằm vào các đám đông hôm 28/9, theo tờ Bưu điện Hoa nam Buổi sáng.
“Không một cửa kính nào bị đập vỡ. Hãy đi khắp thế giới và tìm những cuộc biểu tình lớn như vậy, nơi không hề có cảnh tượng hôi của hay bạo động. Đây là điều chúng ta nên tự hào tại Hồng Kông”, bà Lau nói.
Những người biểu tình tại Hồng Kông đã xuống đường sau quyết định hôm 31/8 của Bắc Kinh nhằm hạn chế các ứng viên cho vị trí lãnh đạo của Hồng Kông vào năm 2017.
Những người ủng hộ dân chủ tại Hồng Kông xem quyết định mới của Bắc Kinh là vi phạm một điều khoản trong Luật Cơ bản (hiến pháp Hồng Kông) và đi ngược với lời hứa của chính quyền trung ương Trung Quốc, trong đó Bắc Kinh từng cam kết người Hồng Kông sẽ được tự do bầu trực tiếp lãnh đạo vào năm 2017.
Chiến dịch “Chiếm trung tâm” đã nổ ra hôm 28/9, sớm hơn kế hoạch dự kiến là vào ngày 1/10, nhằm phản đối các quy định bầu của của Bắc Kinh. Sau 3 ngày, chiến dịch hiện chưa có dấu hiệu lắng dịu.
----------------------
Bác bỏ tin dùng quân đội trấn áp biểu tình
Ngay từ sáng, cảnh sát dùng loa để đàm phán, bắn đạn hơi cay giải tán đám đông nhưng người biểu tình vẫn bám trụ khắp các tuyến đường ở khu Kim Chung (Admiralty), Vượng Giác (Mong Kok), quận Loan Tử (Wan Chai) và Vịnh Đồng La (Causeway Bay).
Hơn 200 xe buýt phải ngừng hoạt động hoặc đổi lộ trình. Sở Giáo dục Hồng Kông thông báo các trường học ở Loan Tử cũng như các quận trung tâm và phía Tây đóng cửa.
Trong tuyên bố cùng ngày, Ngân hàng trung ương Hồng Kông khẳng định sẽ cố gắng giữ thị trường liên ngân hàng và thị trường trao đổi ngoại hối hoạt động như bình thường.
Đến trưa 29-9, cảnh sát chống bạo động rút lui, thay vào đó là cảnh sát thông thường. Thậm chí, một số khu vực tập trung nhiều người biểu tình không hề có bóng dáng cảnh sát.
Trong cuộc họp báo lúc 16 giờ (giờ địa phương), đại diện cảnh sát cho biết chỉ sử dụng “lực lượng cần thiết tối thiểu” trong trường hợp bất đắc dĩ, cụ thể là khi những người biểu tình phớt lờ cảnh báo. Tuy nhiên, cảnh sát không cho biết những hành động bị chỉ trích là mạnh tay quá mức vừa qua có được đặc khu trưởng Lương Chấn Anh bật đèn xanh hay không.
Một số nhà lập pháp kêu gọi luận tội ông Lương hoặc đòi ông từ chức. Thủ lĩnh Đảng Công dân Lương Gia Kiệt khẳng định “sẽ bảo vệ phong trào biểu tình của người dân”. Còn Chủ tịch Đảng Lao động Lý Trác Nhân rớt nước mắt tuyên bố: “Chúng tôi đã mất hy vọng vào chính quyền. Giải pháp duy nhất là ông Lương phải từ chức và cơ quan lập pháp rút lại quyết định cải cách chính trị Hồng Kông”.
Chiều cùng ngày, chính quyền Hồng Kông thông báo hủy chương trình bắn pháo hoa nhân kỷ niệm quốc khánh Trung Quốc (1-10). Ngoài ra, nhân viên tại các tòa nhà chính quyền ở khu Kim Chung nhận được e-mail yêu cầu về nhà “càng sớm càng tốt”.
Báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng suy đoán có thể giới chức trách lo lắng cho sự an toàn của nhân viên hoặc có khả năng cảnh sát sẽ hành động.
Trong khi đó, đặc khu trưởng Lương Chấn Anh trấn an sẽ không có chuyện Bắc Kinh dùng quân đội trấn áp và thông tin đưa xe tăng vào Hồng Kông là không đúng sự thật.
-----------------------
Bắc Kinh mạnh tay kiểm duyệt
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh hôm 29-9 tuyên bố phản đối sự ủng hộ của bên ngoài dành cho những phong trào trái phép như “Chiếm lĩnh trung tâm” (Occupy Central).
Theo Tân Hoa Xã, người phát ngôn của Văn phòng các vấn đề Hồng Kông và Ma Cau của Trung Quốc cho biết Bắc Kinh quyết phản đối mọi hành động phi pháp phá hoại nền pháp trị và gây hại cho bình yên xã hội, đồng thời bày tỏ đồng tình với chính quyền Hồng Kông.
Song song đó, chính quyền Trung Quốc đẩy mạnh kiểm duyệt nội dung internet. Từ ngày 28-9, người dùng không thể truy cập hay đưa ảnh bằng ứng dụng Instagram. Trên mạng Baidu, từ khóa “hơi cay Hồng Kông” (Hongkong tear gas) bị chặn. Mạng xã hội Weibo cũng chặn từ “hơi cay” bằng tiếng Hoa.
Một số tờ báo Trung Quốc lên án cuộc biểu tình “Chiếm lĩnh trung tâm” song phần lớn giới truyền thông nước này im lặng. Trong một bài báo tiếng Hoa (đã bị gỡ), Thời báo Hoàn Cầu kêu gọi dùng cảnh sát vũ trang trấn áp biểu tình giúp cảnh sát Hồng Kông. Bắc Kinh cho rằng những cuộc biểu tình đang được hỗ trợ bởi “yếu tố nước ngoài” nhưng thông tin này chưa được kiểm chứng.
Trong khi đó, nhiều người tụ tập ở TP Đài Bắc - Đài Loan và TP Sydney - Úc để ủng hộ người biểu tình ở Hồng Kông. Tổng Lãnh sự quán Mỹ tại Hồng Kông ra tuyên bố: “Mỹ ủng hộ mạnh mẽ truyền thống bảo vệ luật pháp, quyền tự do cơ bản của con người được quốc tế công nhận - như hội họp hòa bình, tự do ngôn luận và báo chí. Chúng tôi không đứng về phía nào trong cuộc tranh cãi về sự phát triển của nền chính trị Hồng Kông và cũng không hỗ trợ bất kỳ cá nhân hay nhóm chính trị nào”.
----------------------
Tê liệt tài chính
Thị trường chứng khoán Hồng Kông hôm 29-9 sụt giảm vì trung tâm tài chính của hòn đảo bị tê liệt. Ít nhất 29 chi nhánh của 17 ngân hàng cùng các văn phòng, máy rút tiền tự động tạm ngưng hoạt động. Hãng tin Bloomberg cho biết chỉ số Hang Seng giảm 1,9% khi thị trường đóng cửa, mức giảm lớn nhất kể từ ngày 10-9. Giá trị của đồng đô-la Hồng Kông cũng trượt xuống mức thấp nhất trong vòng 6 tháng qua.
Giới phân tích dự báo làn sóng biểu tình tồi tệ nhất kể từ khi Anh trao trả Hồng Kông cho Trung Quốc hồi năm 1997 có thể tác động tiêu cực lâu dài đến kinh tế nơi này. Ông Sean Darby, chuyên gia tại ngân hàng đầu tư Jefferies (Mỹ), nhận định với đài CNBC: “Hồng Kông là một thành phố rất nhỏ với nguồn thu phụ thuộc vào hệ thống tài chính và các thị trường tài chính. Biểu tình có thể khiến các nhà đầu tư e dè hơn khi đổ tiền vào Hồng Kông”.
Ông Andrew Colquhoun, Trưởng bộ phận xếp hạng tín nhiệm quốc gia châu Á - Thái Bình Dương của hãng Fitch Ratings, cho rằng một trong những câu hỏi lớn là “cuộc đối đầu chính trị có ảnh hưởng đến quan niệm Hồng Kông là điểm đến đầu tư ổn định và hấp dẫn hay không”. Đây là một diễn biến không có lợi do Hồng Kông đang bị cạnh tranh ngày càng tăng về vốn đầu tư từ bên ngoài, trong đó có cả Trung Quốc đại lục.
Bất ổn chính trị còn có thể tác động xấu đến ngành bán lẻ Hồng Kông vốn đang phụ thuộc vào giới nhà giàu Trung Quốc, nhất là khi nước này sắp bước vào kỳ nghỉ lễ quốc khánh. Du lịch cũng gặp khó khi hôm 29-9, Úc và Ý đã khuyến cáo công dân tránh những nơi có biểu tình ở Hồng Kông.