Dân Macau có thể hành động từ ngày 1-10
Người dân tại Macau được cho là sẽ có hành động phản đối bắt đầu từ ngày 1-10, Quốc khánh của Trung Quốc. “Các nhà chức trách ở Bắc Kinh đang lo lắng về những gì sẽ xảy ra. Ngày mai (1-10) sẽ có nhiều người tụ tập hơn” - Masato Hasegawa, một giáo sư thỉnh giảng về lịch sử tại Trường ĐH New York – Mỹ cho biết.
----------------------
3 cố vấn cấp cao của chính quyền Hồng Kông từ chức
ít nhất 3 cố vấn cấp cao của chính quyền Hồng Kông, trong đó có Francis Ngai Wah-sing, thành viên Ủy ban Chính sách Trung ương, đã từ chức để phản đối hành động dùng vũ lực của cảnh sát.
-----------------------
Hồng Kông: Xe lao như bay giữa đám đông biểu tình
Đám đông người biểu tình ở khu mua sắm Vượng Giác (Mongkok) – Hồng Kông sáng 30-9 hết hồn khi chứng kiến một chiếc ô tô lao như bay qua dòng người đông đúc nhưng may mắn không làm ai bị thương.
Vụ việc xảy ra lúc 1 giờ 45 phút (giờ địa phương) ngày 30-9. Một chiếc Mercedes-Benz màu xám lao vọt qua đám đông các nhà hoạt động và cảnh sát ở khu mua sắm sầm uất Vượng Giác (Mongkok), trước khi tài xế xuống xe và bỏ trốn.
Không ai bị thương sau vụ việc. Người biểu tình sau đó lập chướng ngại vật để ngăn ô tô chạy qua khu vực này.
Viên tài xế được xác định là Cheung, 59 tuổi, bị bắt tại nhà riêng ở Cửu Long (Kowloon) vì tội lái xe nguy hiểm, sau khi danh tính nghi phạm được tiết lộ trên các phương tiện truyền thông xã hội.
----------------------
Dân Hồng Kông vẫn cố thủ trên các tuyến đường
Hàng chục ngàn người biểu tình đòi dân chủ tiếp tục cố thủ trên các tuyến đường ở Hồng Kông trong sáng 30.9, bất chấp lời kêu gọi "quay về nhà" của chính quyền Hồng Kông.
Chính quyền Hồng Kông kêu gọi người biểu tình đòi dân chủ giữ bình tĩnh và rời khỏi các con đường trong hòa bình nhưng đám đông vẫn cố thủ bên ngoài trụ sở chính quyền Hồng Kông tại quận Central vào tối ngày 29.9 và các con đường chính ở Hồng Kông tại quận Causeway Bay, Mongkok và Admiralty, theo AFP và BBC.
Căng thẳng phần nào được xoa dịu sau khi cảnh sát chống bạo động rút lui, một số người biểu tình ngủ trên đường, một số khác hát hò hoặc hô vang các khẩu hiệu.
Reuters mô tả một số cảnh sát ngồi ở các vệ đường nghỉ ngơi, thư giãn với chiếc điện thoại giữa lúc hàng ngàn biểu tình trên con đường gần đó hát hò và nhảy múa.
Khi được phóng viên Reuters hỏi vì sao có quá ít cảnh sát hiện diện, một cảnh sát viên trả lời: "Thật ra, tôi không có lời giải thích cho bạn. Nhưng chúng tôi mệt mỏi. Chúng tôi cũng chỉ là con người vì thế chúng tôi cần nghỉ ngơi".
Tuy nhiên, những người biểu tình bất chấp lời kêu gọi "quay về nhà" từ chính quyền Hồng Kông, tuyên bố họ sẽ tiếp tục biểu tình cho đến khi nào chính quyền Trung Quốc cho họ được bầu cử tự do.
Vào ngày 29.9, chính phủ Anh kêu gọi quyền biểu tình của người dân Hồng Kông phải được bảo vệ và người dân có quyền biểu tình tuân thủ theo đúng luật pháp.
Chính phủ Mỹ ủng hộ những cuộc biểu tình ở Hồng Kông, kêu gọi các lãnh đạo Hồng Kông kiềm chế, theo người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest ngày 29.9.
Trước đó, vào tháng 8, Trung Quốc đã từ chối yêu cầu cho Hồng Kông được phép tự chọn đặc khu trưởng vào năm 2017 và chỉ cho phép cư dân đặc khu này chọn lựa trong số các ứng viên mà Bắc Kinh đã định sẵn.
Động thái đã dẫn đến phong trào biểu tình đòi dân chủ bùng phát trên toàn Hồng Kông, được biết đến với tên gọi Occupy Central with Love and Peace (tạm dịch: Chiếm lấy khu trung tâm với Tình yêu và Hòa bình, gọi tắt là Occupy Central). Sinh viên, học sinh cũng bãi khóa tham gia biểu tình đòi dân chủ.
-----------------------
Người biểu tình Hong Kong tổ chức đêm hội
Đêm qua và rạng sáng nay 30-9, hàng chục nghìn người dân Hong Kong tiếp tục biểu tình trên đường phố bất chấp lời kêu gọi của nhà chức trách là hãy trở về nhà.
Theo AFP, người biểu tình kiểm soát ít nhất bốn khu vực giao thông lớn ở Hong Kong. Họ tổ chức các bữa tiệc, chơi đàn và hát. Tuy nhiên rất nhiều người vẫn lo ngại cảnh sát sẽ lại mở những đợt tấn công bằng hơi cay.
“Chúng tôi không được phép xả láng quá mức. Chúng ta không thể biết điều gì sẽ xảy ra” - AFP dẫn lời người biểu tình Felix Kan, một nhà thiết kế đồ họa. Các nhà tổ chức biểu tình cảnh báo một số trạm cung cấp nước và thực phẩm cho cuộc biểu tình “Chiếm trung tâm” đã bị những kẻ lạ mặt tấn công.
Người biểu tình cũng đã chuẩn bị sẵn áo mưa, khẩu trang và kính bảo hộ để sẵn sàng đối phó với những đợt tấn công bằng hơi cay của cảnh sát. Nhiều người biểu tình kêu gọi đặc khu trưởng Lương Chấn Anh từ chức vì ra lệnh cho cảnh sát hành động quá mạnh tay. Sau khi Anh lên tiếng bày tỏ sự lo ngại, mới đây đến lượt Mỹ cũng kêu gọi chính quyền Hong Kong “kiềm chế”, không dùng vũ lực để đối phó với người biểu tình.
“Mỹ ủng hộ nguyên tắc phổ thông đầu phiếu tại Hong Kong theo Luật Cơ bản” - người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest tuyên bố.
Đại diện chính quyền Hong Kong Cheung Tak-Keung giải thích lực lượng an ninh “không còn cách nào khác” ngoài việc dùng hơi cay để trấn áp đám đông. Khoảng 56 người, trong đó có 12 cảnh sát, đã bị thương trong các cuộc đụng độ hai ngày qua.
Hiện mọi thông tin và hình ảnh về cuộc biểu tình đòi bầu cử tự do ở Hong Kong đang tràn ngập các kênh truyền hình, trang báo, đài truyền thanh khắp thế giới và trên cả các trang mạng xã hội như Twitter, Facebook… Tuy nhiên người dân TQ không hề biết gì về tình trạng căng thẳng ở Hong Kong do truyền thông đại lục không đưa tin gì về sự kiện này. Mãi mới đây bản WSJ tiếng Trung mới chỉ đăng tải thông tin về cuộc biểu tình Hong Kong, 24 giờ sau bản tin tiếng Anh được đưa lên mạng.
Các mạng xã hội phổ biến như Weibo hay Weixin cũng chẳng hề thấy nhắc đến tình hình Hong Kong. Twitter và Facebook đã bị chặn ở Trung Quốc từ lâu và đến hôm nay trang mạng chia sẻ ảnh Instagram cũng bị chặn nốt.
Suốt cả ngày hôm nay, chủ đề được thảo luận sôi nổi nhất trên Weibo là việc một cặp vợ chồng ngôi sao ở Trung Quốc đoàn tụ với nhau. Chủ đề này nhận được hơn 440 triệu lượt truy cập. Xu hướng phổ biến trên Weibo hiện tại là “chụp ảnh tự sướng (selfie) với quốc kỳ Trung Quốc” để kỷ niệm ngày quốc khánh.
Trang cụm từ “biểu tình Chiếm trung tâm” trên trang Weibo sẽ ra kết quả: “Thông tin bạn tìm kiếm không thể xuất hiện theo quy định của luật pháp”. Người sử dụng Internet có thể tra từ Hong Kong, nhưng chỉ ra những kết quả không liên quan đến cuộc biểu tình.
-----------------------
Năm điểm cơ bản trong cuộc biểu tình ở Hong Kong
Hãng tin CNN chỉ ra năm vấn đề bạn đọc cần biết về cuộc biểu tình dữ dội đang nổ ra ở Hong Kong, khiến toàn bộ thành phố trung tâm tài chính châu Á tê liệt.
Hong Kong không giống các thành phố khác ở Trung Quốc
Nằm ở mũi phía đông nam Trung Quốc, Hong Kong là một thành phố hiện đại với 7 triệu dân. Khi Hong Kong trở về với Trung Quốc vào năm 1997, Bắc Kinh cam kết đảm bảo “quyền tự trị cao” cho đặc khu này theo mô hình “một quốc gia, hai chế độ”.
Luật cơ bản của Hong Kong, một bản “hiến pháp thu nhỏ”, cho phép thành phố có hệ thống tài chính và luật pháp riêng.
Người Hong Kong được hưởng những quyền tự do dân chủ như tư pháp độc lập, tự do báo chí, quyền biểu tình…
Luật cơ bản cũng ghi rõ người Hong Kong sẽ được hưởng quyền bầu cử tự do dù không xác định thời gian biểu. Hiện tại đặc khu trưởng Hong Kong được một ủy ban 1.200 người thân Bắc Kinh lựa chọn.
Người dân Hong Kong ngày càng bức xúc
Làn sóng biểu tình nổi lên từ hồi tháng 8, sau khi Bắc Kinh tuyên bố Hong Kong sẽ không được bầu cử tự do vào năm 2017 như đã cam kết từ trước.
Các nhóm đòi bầu cử tự do tổ chức hàng loạt cuộc biểu tình ở khu trung tâm tài chính. Chiến dịch biểu tình có tên “Chiếm trung tâm” (Occupy Central).
Thành phần tham gia biểu tình rất đông đảo và đa dạng, từ học sinh, sinh viên cho đến giáo viên đại học, chuyên gia tài chính, tăng lữ…
Sau nhiều tháng cảnh báo, chiến dịch "Chiếm trung tâm" chính thức bắt đầu từ hôm 28-9 với hàng chục nghìn người biểu tình đổ ra đường.
Không phải ai cũng ủng hộ biểu tình
Các nhóm ủng hộ Bắc Kinh như “Số đông im lặng vì Hong Kong” cho rằng các cuộc biểu tình sẽ đe dọa Hong Kong và dẫn tới sự hỗn loạn.
Họ cũng đã tổ chức các cuộc biểu tình chống chiến dịch "Chiếm trung tâm" và đăng quảng cáo trên truyền thông địa phương để phản đối chiến dịch này.
Nhiều doanh nhân có tiếng ở Hong Kong cũng công khai bày tỏ lo ngại các cuộc biểu tình ở khu trung tâm tài chính sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới uy tín của Hong Kong, một thành phố luôn có tiếng là an toàn, ổn định, môi trường kinh doanh tốt.
Khảo sát của ĐH Trung Quốc hồi đầu tháng cho thấy 46% phản đối phong trào "Chiếm trung tâm", còn 31% thể hiện sự ủng hộ phong trào này.
Trung Quốc cho rằng Hong Kong “hiểu sai”
Trong một tài liệu công bố hồi tháng 6, chính quyền Trung Quốc khẳng định Hong Kong không có quyền hưởng chế độ “tự trị hoàn toàn” và người dân đặc khu này “hiểu nhầm” về mô hình “một quốc gia, hai chế độ”.
Một quan chức cấp cao Trung Quốc tuyên bố việc Bắc Kinh duyệt danh sách các ứng viên bầu cử ở Hong Kong là cần thiết để đảm bảo đặc khu trưởng Hong Kong “yêu Trung Quốc, yêu Hong Kong và sẽ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh và phát triển của đất nước”.
Bắc Kinh cũng chỉ trích Anh và Mỹ đứng sau giật dây các cuộc biểu tình ở Hong Kong. Giới quan sát nhận định cả thế giới sẽ theo dõi xem Bắc Kinh phản ứng như thế nào đối với làn sóng biểu tình dữ dội trong hai ngày qua.
Vấn đề của Bắc Kinh là tình thế hiện tại khá lưỡng nan. Chính quyền Trung Quốc không muốn bị xem là nhượng bộ, nhưng cũng sẽ phải cân nhắc khả năng sử dụng vũ lực để trấn áp biểu tình và những hậu quả của nó.
Chính quyền Hong Kong tuân thủ Bắc Kinh
Chính quyền Hong Kong khẳng định người dân đặc khu cần tuân thủ quy định mà Bắc Kinh đưa ra về cuộc bầu cử đặc khu trưởng năm 2017.
Theo đó, khoảng 5 triệu cử tri Hong Kong sẽ có quyền bầu cử đặc khu trưởng, nhưng danh sách ứng cử viên sẽ được Bắc Kinh thông qua.
Những người phản đối cho rằng với hệ thống này, sẽ chỉ có các cá nhân thân cận với Bắc Kinh được bầu làm lãnh đạo Hong Kong.
Tuy nhiên trong bài xã luận trên CNN, đặc khu trưởng Lương Chấn Anh tuyên bố đó là cách hiểu sai.
“Chúng tôi vẫn chưa thảo luận về các khía cạnh quan trọng và chi tiết của quá trình bầu cử đặc khu trưởng. Cảm xúc thuần túy sẽ không đi đến đâu” - ông Lương Chấn Anh nhấn mạnh.