Indonesia tăng cường sức mạnh quân sự ở biển Đông
Nhằm tăng cường khả năng phòng thủ quân sự ở biển Đông, Indonesia chuẩn bị thành lập một phi đội máy bay chiến đấu F16 và một phi đội trực thăng Apache .
Tờ The Jakarta Post ngày 29.9 dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Purnomo Yusgiantoro cho hay chính phủ nước này đưa ra biện pháp trên để bảo vệ dự án thăm dò mỏ khí đốt lớn nhất châu Á tại mỏ Đông Natuna, thuộc tỉnh đảo Riau.
Ông Purnomo nói: “Việc sản xuất dầu mỏ và khí đốt ở biển Đông là rất lớn và chúng tôi đang chuẩn bị phát triển lĩnh vực khai thác khí đốt lớn nhất ở châu Á. Chúng tôi cần đảm bảo cho hoạt động đó vì nó như một chiến lược của quốc gia”.
Theo báo Jakarta Post hôm 29-9, những tuyên bố trên được đưa ra trong buổi lễ hạ thủy 5 tàu tên lửa tấn công và một tàu tuần tra tốc độ cao tại cảng Batu Ampar, thành phố Batam, tỉnh đảo Riau.
Cũng tại sự kiện này, ông Purnomo tiết lộ rằng số tiền đầu tư cho các hệ thống phòng thủ ở Indonesia đã tăng mạnh trong 5 năm qua, gấp ba lần so ngân sách đầu tư trong giai đoạn 2005 – 2009.
Phó Đô đốc Desi Albert Mamahit, Trưởng Ban Điều phối An ninh Hàng hải (Bakorkamla) kiêm hiệu trưởng Trường Đại học quốc phòng Indonesia, cho biết vùng biển ngoài khơi quần đảo Riau của Indonesia không phải là một phần trong lãnh thổ tranh chấp với Trung Quốc nhưng chúng rất gần với khu vực đó. Ông Desi cho rằng Indonesia cần chuẩn bị đối phó với bất kỳ động thái nào từ các bên có liên quan.
-----------------------
Nhân vật mới, quyền lực nhất quân đội Triều Tiên
Ri Pyong-chol, một sĩ quan chỉ huy trong không quân Triều Tiên đang nổi lên như nhân vật quyền lực nhất quân đội của nước này.
Nhân vật mới, quyền lực, Triều Tiên
Chosul Inbo đưa tin, ông Ri được bổ nhiệm vào cơ quan ra quyết định cao nhất Ủy ban Quốc phòng tại một buổi họp của Quốc hội ở Bình Nhưỡng hồi giữa tuần trước.
"Đây là lần đầu tiên một chỉ huy chiến trường được chỉ định làm một thành viên của Ủy ban quốc phòng", một quan chức chính phủ Hàn Quốc cho biết hôm 26/9. "Chúng ta cần theo dõi xem ông ta sẽ đóng vai trò gì trong tương lai".
Việc ông Ri được đề bạt dường như có chút liên quan tới sự quan tâm đặc biệt của nhà lãnh đạo Kim Jong Un đối với ngành hàng không. Trong số 40 chuyến thị sát liên quan tới quân sự mà Jong Un tiến hành thì có tới 10 chuyến liên quan tới không quân.
"Dường như Kim Jong Un muốn đẩy mạnh năng lực phòng không của Triều Tiên vì sợ Mỹ không kích vào giới lãnh đạo nước này" đặc biệt là vào thời điểm Mỹ oanh tạc các chính quyền ở Trung Đông mà nước này không thích đã trở thành sự kiện hàng năm, Chung Sung-jang thuộc Viện Sejong phỏng đoán.
----------------------
Nga muốn cải thiện quan hệ với Mỹ
Truyền thông Ukraine cho biết các lực lượng “chống khủng bố” ở vùng Donetsk vừa tiêu diệt 1 đơn vị thủy quân lục chiến thiện chiến của Nga
Trả lời phỏng vấn một loạt kênh truyền hình Nga hôm 28-9, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố nước này và Mỹ có thể cần phải trải qua một giai đoạn tái điều chỉnh mối quan hệ mới, đồng thời khẳng định Nga quan tâm đến việc bình thường hóa quan hệ với Mỹ.
Ngoại trưởng Lavrov lưu ý hiện nay, mọi chương trình hợp tác Nga - Mỹ về chống khủng bố, ma túy, cướp biển đều bị đóng băng. Ngoài ra, ông nhận định NATO vẫn chưa thoát khỏi tâm lý “chiến tranh lạnh”. Bình luận về bài báo của Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Anh David Cameron trên báo The Times, trong đó Nga được liệt vào số các kẻ thù chính của Mỹ, ngoại trưởng Nga tuyên bố sự quy chụp đó không phù hợp với bất kỳ khuôn khổ nào. Ông Lavrov cũng nhấn mạnh Nga tiếp tục tương tác với Mỹ nhưng không thể buộc người Mỹ thân thiện hoặc lắng nghe mình.
Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình CBS hôm 28-9, Tổng thống Obama một lần nữa loại bỏ khả năng đối đầu quân sự giữa Nga và NATO liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine. Theo ông, hiện đã có khả năng giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine. Trái với ý kiến của một số nhà phân tích chính trị, tổng thống Mỹ cho rằng không có mối đe dọa lãnh thổ các nước thành viên NATO từ phía Nga nhưng vẫn trấn an rằng hành động tấn công vào lãnh thổ của bất cứ quốc gia NATO nào cũng có nghĩa là tuyên chiến với toàn bộ liên minh quân sự này, trong đó có Mỹ. Tổng thống Obama cũng nhấn mạnh Nga và Ukraine đã đạt được thỏa thuận tiếp tục cung cấp khí đốt, nhờ đó người dân nước này sẽ không bị lạnh cóng vào mùa đông sắp tới. Ông nhận định vấn đề của Ukraine đã có thể giải quyết được nhờ Mỹ có quan điểm cứng rắn đối với các hành động sai trái của Nga.
Tuy nhiên, tình hình ở vùng Donetsk tại miền Đông Ukraine vẫn cực kỳ căng thẳng. Hãng tin Podrobnosti (Ukarine) cho biết các lực lượng “chống khủng bố” ở Debaltsevo thuộc vùng Donetsk đã tiêu diệt 1 đơn vị thủy quân lục chiến thiện chiến của Nga đêm 28-9. Ngoài ra, điều phối viên của tổ chức phi chính phủ “Kháng thông tin”, ông Dmitry Tymchuk, thông báo các lực lượng thân Nga ngày 29-9 đã hơn 70 lần bắn phá các vị trí đóng quân và chốt kiểm soát của binh sĩ Ukraine tại khu vực chiến sự ở Donbass. Ngay từ sáng 29-9, giao tranh cũng diễn ra trong khu vực sân bay Donetsk. Thêm vào đó, hãng tin TSN xác nhận phe ly khai thân Nga ở Donetsk đã được củng cố lực lượng khi một đoàn xe tăng treo cờ Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng đã xuất hiện ở TP Makeyevka.
------------------------
Ukraine quyết hiện thực hóa giấc mơ châu Âu
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã bảo đảm một nền hòa bình tạm thời ở phía Đông, vốn là cơ hội giúp ông hiện thực hóa giấc mơ có một chỗ ở châu Âu bất chấp sự cản trở từ phía Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Còn một tháng nữa là cuộc bầu cử quốc hội Ukraine dự kiến diễn ra. Ông Poroshenko hy vọng kết quả cuộc bầu cử này sẽ mang lại một liên minh mạnh mẽ để xúc tiến những cải cách sâu rộng bất chấp kế hoạch hòa bình của nhà lãnh đạo này đang chịu chỉ trích mạnh mẽ, thậm chí từ một số đồng minh cũ.
Trong bối cảnh này, Mỹ đã từ chối cung cấp viện trợ vũ khí có độ chính xác cao cho Ukraine để đánh bại phe ly khai thân Nga. Ngoài ra, Liên minh châu Âu (EU) trì hoãn thực hiện một phần thỏa thuận thương mại với Ukraine để xoa dịu Moscow. Những động thái này cho thấy sự hỗ trợ của phương Tây dành cho Kiev vẫn có giới hạn.
Cả NATO lẫn quân đội Kiev nói rằng Nga đã rút một số lượng đáng kể binh sĩ khỏi Ukraine sau khi sự hậu thuẫn của Moscow giúp cán cân sức mạnh nghiêng về phía lực lượng ly khai hồi tháng 8 qua. Tuy nhiên, theo giới phân tích, ông Putin vẫn theo đuổi những bước đi khiến tình hình nội bộ của Ukraine mất ổn định, từ đó cản trở Ukraine gia nhập EU hoặc NATO.
“Nga không cố gắng ổn định tình hình ở Kiev. Ngược lại, Moscow tìm cách đảo lộn mọi thứ” - James Sherr, một chuyên gia tại Tổ chức Chatham House - Anh nhận xét. Thực tế, mối quan hệ giữa Ukraine với EU là vấn đề cốt lõi của cuộc chiến địa chính trị giữa Nga và phương Tây về tương lai của Kiev.
Ở miền Đông, ông Poroshenko đã tìm cách giảm thiểu sự thất bại của các cuộc tấn công quân sự nhằm trấn áp phe ly khai. Thương vong của quân chính phủ hàng ngày hầu như không có và “phần nguy hiểm nhất của giao tranh” đã kết thúc, theo công bố hồi tuần trước của Tổng thống Ukraine.
Không dễ để đoán được bước đi tiếp theo của ông Putin. Tuy nhiên, Tổng thống Ukraine hy vọng Moscow sẽ không hậu thuẫn cho kế hoạch tổ chức các cuộc bầu cử vào ngày 2-11 tới của phe ly khai.
----------------------
ASEAN ra tuyên bố chung lên án Nhà nước Hồi giáo
Tại cuộc đối thoại cấp bộ trưởng ASEAN với Mỹ bên lề kỳ họp Đại hội đồng LHQ ở New York hôm 27-9 (giờ địa phương), lần đầu tiên các bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã ra tuyên bố chung về Nhà nước Hồi giáo.
Theo trang web của ASEAN, tuyên bố chung gồm năm điểm như sau:
● ASEAN lo ngại tình hình gia tăng bạo lực, sự tàn bạo do các tổ chức khủng bố và cực đoan gây ra ở Iraq và Syria. Các tổ chức này có nguy cơ đe dọa toàn Trung Đông. Nếu không được kiểm soát, đe dọa sẽ lan ra phần còn lại của thế giới.
● ASEAN lên án mọi hành động phá hoại, bạo lực và khủng bố dưới mọi hình thức. ASEAN cam kết thực hiện Công ước ASEAN và kế hoạch hành động toàn diện ASEAN liên quan đến ngăn chặn và trấn áp khủng bố tận gốc, ngăn chặn tài trợ khủng bố.
● ASEAN ủng hộ các nghị quyết 2170 và 2178 của Hội đồng Bảo an LHQ về ngăn chặn tuyển mộ, tổ chức, vận chuyển hay trang bị cho cá nhân ra nước ngoài hoạt động khủng bố, ngăn chặn cung cấp hoặc tiếp nhận các dịch vụ đào tạo và hỗ trợ tài chính cho cá nhân ra nước ngoài tham gia khủng bố.
● ASEAN cam kết hợp tác với cộng đồng quốc tế chống chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa cực đoan bằng cách thúc đẩy phong trào ôn hòa toàn cầu, ngăn chặn bạo lực theo luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ.
● ASEAN xem đoàn kết với cộng đồng quốc tế chống chủ nghĩa khủng bố và các nhóm cực đoan là việc làm bắt buộc. ASEAN cam kết hợp tác ở bất cứ nơi nào có xảy ra hoạt động khủng bố.
Trong khi đó tại Mỹ, ngày 28-9 (giờ địa phương), phát biểu trong chương trình 60 phút của kênh truyền hình CBS, Tổng thống Obama thừa nhận các cơ quan tình báo Mỹ đã đánh giá thấp Nhà nước Hồi giáo và nhầm lẫn khi tin tưởng quân đội Iraq. Ông nhận định Syria đã trở thành vùng đất dung dưỡng cho các phần tử thánh chiến toàn thế giới. Ông thừa nhận bộ máy tuyên truyền của Nhà nước Hồi giáo rất giỏi sử dụng mạng xã hội và thu hút được nhiều người mê muội tin vào chúng.
Ông cho rằng can thiệp quân sự vào Iraq và Syria có thể cải thiện tình hình nhưng Syria và Iraq cần phải giải quyết khủng hoảng chính trị riêng. Ông nói: “Chúng ta phải tìm các giải pháp chính trị ở Iraq và Syria nói riêng và Trung Đông nói chung để hòa giải những người theo dòng Sunni và dòng Shiite. Hiện nay đây là nguyên nhân chính của xung đột không chỉ ở Trung Đông mà trên toàn thế giới”.
Cùng ngày 28-9, phát biểu trong chương trình Tuần này của kênh truyền hình ABC, Chủ tịch Hạ viện Mỹ John Boehner nhận định mục đích tiêu diệt Nhà nước Hồi giáo của Tổng thống Obama không thể hoàn thành nếu không điều động bộ binh.