Biểu tình ở Hong Kong vẫn sôi sục trong ngày Quốc khánh Trung Quốc
Từ sáng sớm nay, hàng trăm người biểu tình đã tụ tập bên ngoài các cửa hàng sang trọng và thiết lập các rào chắn tạm thời trước nguy cơ có thể xảy ra các cuộc đụng độ. Ở phần lớn các khu vực khác của Hong Kong, sự hiện diện của cảnh sát cũng khá hạn chế.
M. Lau, 56 tuổi, đã nghỉ hưu cho biết, ông đã từng tham gia các cuộc biểu tình trên đường phố Hong Kong trong những năm 80 của thế kỷ trước và muốn làm điều đó một lần nữa trong một phong trào do sinh viên và các nhà hoạt động dẫn đầu.
Ông M.Lau nói: “Bố mẹ và ông bà chúng tôi đã đến Hong Kong vì tự do và luật pháp. Cuộc biểu tình này là nhằm duy trì hệ thống pháp luật đã 160 tuổi của chúng tôi cho thế hệ tiếp theo”.
Trước lo ngại cuộc biểu tình có thể dâng cao trong ngày Quốc khánh, các sinh viên Đại học Hong Kong đã đưa ra lời kêu gọi trực tuyến, kêu gọi mọi người không có những hành động cản trở lễ thượng cờ diễn ra vào 8 giờ sáng nay.
----------------------
Sinh viên Hồng Kông quay lưng trong lễ thượng cờ Trung Quốc
Sáng 1.10, những người đòi dân chủ ở Hồng Kông đã tập trung về quảng trường Bauhinia, nơi diễn ra lễ thường cờ Trung Quốc mừng ngày Quốc khánh. Đặc khu trưởng Lương Chấn Anh đã có mặt tại đây, theo Wall Street Journal.
Theo Bangkok Post, có khoảng vài trăm người biểu tình tại khu vực quảng trường Bauhinia. The Guardian cho biết lễ thượng cờ diễn ra suôn sẻ mà không có sự phá rối nào, trừ một vài tiếng la ó phản đối của người biểu tình bị chặn bên ngoài.
Theo Wall Street Journal, thủ lĩnh nhóm Scholarism Joshua Wong đã đến lễ thượng cờ. Cậu nói rằng một tài xế taxi đã chở mình đến đây miễn phí.
Theo South China Morning Post, Wong và các bạn đã được vào quảng trường. Trước đó một ngày, Oscar Lai, người phát ngôn Scholarism (nhóm Học dân tư triều), đã tuyên bố nếu không được vào, tương tự năm trước, họ sẽ đứng im lặng và trật tự bên ngoài.
Wong và đồng môn sau đó đã quay lưng lại khi lá cờ được kéo lên, hai tay bắt chéo thành hình chữ X ngang đầu.
Khi Đặc khu trưởng Lương Chấn Anh bước vào, một số người hét lên "689 từ chức đi!". 689 là số phiếu ông Lương giành được từ hội đồng 1.200 người có quyền bầu Trưởng đặc khu Hồng Kông.
Trong đám đông vẫn có một nhóm ủng hộ Đặc khu trưởng Hồng Kông, họ hô vang "ủng hộ Lương Chấn Anh".
Trong một diễn biến liên quan, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) Ban Ki-moon ngày 30.9 hối thúc chính quyền Trung Quốc và người biểu tình đòi dân chủ Hồng Kông giải quyết các bất đồng trong hòa bình, sau khi cảnh sát dùng hơi cay và dùi cui trấn áp người biểu tình.
Tổng thư ký Ban “hiểu đây là vấn đề nội bộ, nhưng hối thúc tất cả các bên giải quyết các bất đồng trong hòa bình và đảm bảo các nguyên tắc dân chủ”, AFP dẫn lời người phát ngôn của ông Ban cho biết.
----------------------
Những kịch bản tại Hong Kong
Tiến thoái lưỡng nan
Một số nhà phân tích ở Hong Kong cho rằng nếu nhận định cuộc biểu tình vượt ra ngoài tầm kiểm soát, Bắc Kinh sẽ triển khai quân đội từ Quảng Đông tới và ban bố tình trạng thiết quân luật.
Quả thật Bắc Kinh lo ngại nếu người Hong Kong giành được quyền bầu cử theo nguyên tắc phổ thông đầu phiếu, các phong trào đòi tăng quyền tự trị sẽ bùng nổ ở Tân Cương và Tây Tạng.
Nhưng sử dụng vũ lực ở Hong Kong sẽ gợi lại ký ức về cuộc biểu tình Thiên An Môn năm 1989, sự kiện đã gây khó cho quan hệ giữa Trung Quốc và phương Tây trong rất nhiều năm. Chưa kể Hong Kong là một trong những trung tâm tài chính hàng đầu thế giới, tụ tập đông đảo giới truyền thông quốc tế, nên hành động bạo lực nghiêm trọng ở đây sẽ bị cả thế giới lên án.
Mạnh tay với Hong Kong cũng sẽ làm tiêu tan kế hoạch chiêu dụ Đài Loan “hồi hương” một cách hòa bình và tồn tại theo mô hình “một quốc gia, hai chế độ”. Không phải ngẫu nhiên mà nhà lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu tuyên bố Đài Loan đang theo dõi sát sao mọi diễn biến ở Hong Kong.
Đặc khu trưởng sẽ mất chức?
Một số nhà quan sát cho rằng vài ngày qua, chính quyền Trung Quốc đã tỏ dấu hiệu muốn tìm một giải pháp phi bạo lực. Thứ nhất, Bắc Kinh không tuyên bố ủng hộ đặc khu trưởng Hong Kong Lương Chấn Anh, nhân vật bị người biểu tình căm ghét. Thứ hai, nhà chức trách Hong Kong đã tạm rút lực lượng cảnh sát chống bạo động ra khỏi các khu vực người biểu tình chiếm giữ.
Trên tạp chí National Interests, nhà phân tích Elizabeth Economy cho rằng Bắc Kinh có thể sẽ tìm cách phong tỏa cuộc biểu tình trong một phạm vi nhỏ ở Hong Kong và hi vọng người biểu tình sẽ nhanh chóng hụt hơi sau nhiều ngày bám trụ trên đường phố. Cuối cùng, những người trưởng thành sẽ quay lại sở làm, còn học sinh, sinh viên sẽ lại đến trường học.
Phần lớn giới quan sát cho rằng lựa chọn tốt nhất đối với Trung Quốc lúc này là “hi sinh” ông Lương Chấn Anh, thay thế bằng một chính trị gia có uy tín và kỹ năng quản trị mạnh mẽ để thỏa mãn yêu cầu tức thời của lực lượng biểu tình, giúp những cái đầu nóng hạ hỏa.
Sau đó, Bắc Kinh có thể tạo điều kiện cho cử tri Hong Kong có thêm tiếng nói trong việc tuyển lựa ủy ban chọn các ứng cử viên đặc khu trưởng. Như vậy, sự kiểm soát của Bắc Kinh đối với Hong Kong sẽ không giảm sút đáng kể.
Có điều ngay cả những bước đi như thế cũng có thể bị xem là sự nhượng bộ, điều Bắc Kinh khó chấp nhận.
----------------------
Biểu tình tại Hong Kong tiếp tục nóng lên
Theo Reuters, mặc dù lo ngại cảnh sát sẽ dùng vũ lực để giải tán đám đông, các cuộc biểu tình vẫn không có dấu hiệu suy giảm.
Tối hôm 30-9, hàng chục ngàn người Hong Kong vẫn đổ ra đường bất chấp trời mưa lớn. Đến sáng sớm ngày 1-10, người biểu tình tiếp tục đổ xuống các tuyến phố tại khu Trung Tâm.
Các tuyến đường chính tại khu trung tâm tắc nghẽn, việc kinh doanh tại đây bị đình trệ. Từ ngân hàng cho đến các tiệm kim hoàn, các hoạt động giao dịch đều bị tê liệt.
Cuộc biểu tình lan rộng đến bốn khu vực trung tâm Hong Kong. Tại Tsim Sha Tsui, một trong những nơi thu hút đông đảo du khách Trung Quốc, các hoạt động buôn bán cũng bị đình trệ. Tsim Sha Tsui luôn là nơi buôn bán tấp nập mỗi dịp người dân Trung Quốc đổ về Hong Kong nhân ngày lễ Quốc Khánh.
Ngay từ sáng sớm, hàng trăm người biểu tình đứng quay quanh bên ngoài các cửa hiệu sang trọng và lập sẵn các hàng rào xung quanh trong trường hợp xảy ra xô xát.
Ông M.Lau, 56 tuổi, cho biết ông đã tham gia các cuộc biểu tình ở Hong Kong vào năm 1980 và sẽ làm điều này một lân nữa để thể hiện sự đoàn kết với phong trào do các sinh viên phát động.
“Cha mẹ ông bà chúng tôi đến Hong Kong để được hưởng sự tự do và nền pháp trị. Cuộc biểu tình này nhằm duy trì hệ thống pháp lý 160 năm tuổi cho thế hệ tiếp theo” – ông Lau nói.
Đây là một trong những cuộc biểu tình lớn nhất Hong Kong kể từ khi đặc khu này trở về với Trung Quốc năm 1997. Cuộc biểu tình nhằm phản đối việc Trung Quốc chỉ định các ứng viên trong cuộc bầu cử đặc khu trưởng vào năm 2017.
----------------------
Biểu tình tại Hong Kong sẽ nóng trong ngày quốc khánh Trung Quốc 1-10
Theo AFP, hôm qua phong trào “Chiếm trung tâm” ra tối hậu thư yêu cầu chính quyền Hong Kong phải đáp ứng yêu cầu cải cách chính trị trong hôm nay 1-10, nếu không sẽ mở rộng chiến dịch biểu tình.
Trước đó, ông Lương Chấn Anh kêu gọi các nhà tổ chức “Chiếm trung tâm” ngừng cuộc biểu tình “đã vượt ra ngoài tầm kiểm soát”. Ông nhấn mạnh: “Chính quyền Trung Quốc sẽ không đầu hàng trước những lời đe dọa bất hợp pháp của một số người”.
Phản ứng lại, các đại diện biểu tình kêu gọi ông Lương từ chức. Hôm qua, vẫn còn hàng chục ngàn người Hong Kong biểu tình trên đường phố, phong tỏa nhiều khu vực giao thông lớn của thành phố.
Họ chuẩn bị thực phẩm, nước ngọt, lều, áo mưa, khẩu trang, dù... để sẵn sàng đối phó với những đợt tấn công bằng hơi cay của cảnh sát. Các nhà tổ chức cho biết số lượng người biểu tình sẽ gia tăng trong hôm nay 1-10 do người dân Macau sang Hong Kong ủng hộ phong trào “Chiếm trung tâm”.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon hôm qua cũng kêu gọi giải quyết mọi khác biệt ở Hong Kong một cách hòa bình.
Reuters cho biết trong phiên giao dịch hôm qua, chỉ số chứng khoán Hong Kong giảm 1,3%, xuống mức thấp nhất trong vòng ba tháng qua. Các ngân hàng và công ty địa ốc thiệt hại nặng nhất. Tuy nhiên ảnh hưởng kinh tế - tài chính mới chỉ giới hạn ở Hong Kong chứ chưa lan rộng ra châu Á.