Chất vấn tại Quốc hội: 'Tại sao dân phải đưa hối lộ?'
Sáng 17.11, tại phiên chất vấn của Quốc hội, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) đã chất vấn hai vấn đề là cải cách thủ tục hành chính và phòng chống tham nhũng.
Theo ĐB Thuyền, Chính phủ đã có nhiều cuộc cải cách hành chính nhưng càng cải cách thì bộ máy nhà nước ngày một "phình ra".
“Chức phó bây giờ nhiều quá. Một phòng ba người mà cũng có tới một trưởng, một phó, chỉ còn một nhân viên. Hay như thứ trưởng, cục phó cũng thế, quá nhiều. Mỗi ngành hay cơ quan chỉ nên có một hai phó thôi. Phải để cho ông trưởng làm chứ để phó làm hết rồi ông trưởng không có gì làm”, ông Thuyền nhấn mạnh.
Theo ĐB Thuyền, giảm tổ chức, hành chính nhưng cần nâng cao chất lượng bộ máy phục vụ nhân dân.
Về phòng chống tham nhũng, đại biểu Thuyền cho hay dù Chính phủ có quyết tâm rất lớn nhưng hiệu quả chưa đạt như mong muốn.
ĐB này đưa ra dẫn chứng, về việc kiểm kê dinh Ba (dinh Bảo Đại), từ năm 1949 - 1975, dinh này chỉ có một ông quản gia, kiểm kê tài sản nhưng tài sản không mất cái gì hết. Còn bây giờ, qua nhiều thủ tục nhưng tài sản cứ mất dần mất mòn. Rồi các lĩnh vực khác cũng vậy, nhiều người quản lý, qua nhiều thủ tục nhưng tài sản dân giao phó cứ mất dần.
“Một cán bộ phát biểu trên truyền hình là cán bộ ta chưa bao giờ đòi dân đưa hối lộ cả mà dân cứ đưa. Tại sao phải đưa? Vì dân không có niềm tin vào anh, sợ anh không công tâm thì họ phải đưa thôi. Cho nên cần phải xây dựng lòng tin cho dân, làm cho dân tin”, ông Thuyền nói.
-------------------------
Dự án điện do Trung Quốc làm tổng thầu: Tỷ lệ nội địa hóa gần như bằng 0
Tại buổi chất vấn chiều nay, đại biểu Quốc hội và Bộ trưởng Công Thương đã thừa nhận thực tế, các dự án điện do doanh nghiệp Trung Quốc làm tổng thầu có tỷ lệ nội địa hóa thấp.
Trong phần chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng chiều nay 17/11, đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu) cho hay: Hiện nay, tổng số 24 nhà máy xi măng có 23 nhà máy do nước ngoài làm tổng thầu, trong đó, các nhà máy do Trung Quốc làm tổng thầu phần lớn tỷ lệ nội địa hóa bằng 0 hoặc không lớn hơn 3%. Trong khi đó, các nhà máy do nhà thầu cung cấp từ các nước G7 thì tỷ lệ nội địa hóa đạt xấp xỉ 25%.
Ông Nguyễn Văn Tuyết cho rằng, điều đáng quan tâm, về mặt kỹ thuật, Việt Nam hoàn toàn có thể thiết kế, chế tạo được 40% giá trị thiết bị các nhà máy này.
“Vừa qua, Bộ trưởng cũng ghi nhận về mặt kỹ thuật chúng ta có thể làm được điều đó. Trong 20 dự án nhiệt điện đã đầu tư thì tỷ lệ nội địa hóa gần như bằng 0 tại 15 dự án do nhà thầu Trung Quốc làm tổng thầu. Trong khi đó, những dự án do Việt Nam làm tổng thầu tỷ lệ nội địa hóa đạt 25%. Xin Bộ trưởng cho biết, tại sao như vậy, có phải do sự chỉ đạo thiếu quyết liệt của Bộ hay không và giải pháp khắc phục là gì?, đại biểu chất vấn.
Trả lời câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết: “Lĩnh vực xi măng chúng tôi không phụ trách. Các đồng chí ở Bộ Xây dựng sẽ thông tin thêm”.
Còn với các nhà máy nhiệt điện, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thừa nhận thực tế về tỷ lệ nội địa hóa nhỏ như đại biểu phản ánh. Bộ trưởng Hoàng cho hay: Tất cả nhà máy nhiệt điện công suất lớn đã và đang xây dựng phần lớn đều sử dụng hình thức nhà thầu EPC (thiết kế, cung cấp thiết bị và thi công rồi sau đó bàn giao cho chúng ta vận hành). Chính vì vậy, trong tổng thầu EPC, phần lớn công việc liên quan đến máy móc, thiết bị do nhà tổng thầu đảm nhận.
Tuy nhiên, theo thừa nhận của Bộ trưởng Công Thương, trong số các máy móc, thiết bị này, kể cả các kết cấu kim loại doanh nghiệp trong nước có điều kiện làm được nhưng trên thực tế, sự tham gia của doanh nghiệp Việt Nam rất ít.
Bộ trưởng Hoàng cho biết thêm, thời gian qua, trong không ít văn bản Chính phủ đã chỉ đạo các chủ đầu tư khi lập hồ sơ mời thầu những dự án này cần phải tách bạch những gói thầu mà doanh nghiệp trong nước có thể làm được khỏi các gói thầu do nhà đầu tư nước ngoài đảm nhận; đặc biệt, trong yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng, trong khá nhiều văn bản đều nêu rõ chủ trương này.
“Rất tiếc, có chủ trương rất rõ ràng, nhưng trong khá nhiều trường hợp, do nhiều lý do, các chủ đầu tư của chúng ta không thực hiện được việc tách các gói thầu này ra. Cho nên, trên thực tế vẫn nằm trong gói thầu của tổng thầu EPC do nhà đầu tư nước ngoài triển khai”, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh.
Đề cập tới các giải pháp, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, Chính phủ cũng giao Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Khoa học - Công nghệ và một số bộ, ngành liên quan thường xuyên xây dựng, ban hành danh mục máy móc, thiết bị Việt Nam có thể sản xuất để khuyến cáo các chủ đầu tư sử dụng những máy móc, nguyên liệu này.
“Định kỳ, chúng tôi công bố danh mục và phổ biến rộng rãi đến các địa phương, các doanh nghiệp. Chúng tôi còn đề nghị Chủ tịch UBND các địa phương trao đổi, khuyến nghị các chủ đầu tư ngoài quốc doanh, khi đầu tư các công trình lưu ý việc này. Về mặt quản lý Nhà nước đã làm như vậy nhưng thực tế hiệu quả chưa cao”, Bộ trưởng thừa nhận.
Ngoài ra, Chính phủ cũng có những giải pháp cụ thể như dự án điện, hiện đang giao ngành điện, cơ khí trong nước… tập trung thử nghiệm chế tạo máy phát công suất 600 MW, sẽ áp dụng ở nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lưu và Quảng Trạch (Quảng Bình). Hiện các doanh nghiệp, tổ hợp trong nước đang triển khai dự án thử nghiệm này. Nếu làm được sẽ mở ra con đường nội địa hóa ngày càng cao phần đầu tư các nhà máy nhiệt điện.
--------------------------
Chuyện làm "con ốc vít": Cần ban hành nghị quyết về vấn đề này!
Thừa nhận ngành công nghiệp hỗ trợ còn nhiều yếu kém, Bộ trưởng Công Thương đề xuất với Quốc hội, ngay trong kỳ họp này, ban hành một nghị quyết có nêu rõ vấn đề về phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Trong phiên chất vấn chiều nay 17/11, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng nhận được nhiều câu hỏi chất vấn liên quan đến vấn đề về phát triển công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam.
Đại biểu Quốc hội Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiên - Huế) cho biết: Năm 2007, Bộ Công nghiệp có Quyết định 34 về phê duyệt quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) đến năm 2010 tầm nhìn 2020. Trong đó đã xác định vai trò quan trọng của CNHT là khâu đột phá để phát triển nhanh và bền vững các ngành công nghiệp chủ lực của Việt Nam trong quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Năm 2011, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có quyết định về chính sách phát triển một số ngành CNHT.
Nhưng cho đến nay, sau nhiều năm, CNHT Việt Nam chưa có gì đáng kể. “Xin hỏi Bộ trưởng, có phải vì Việt Nam thiếu các chính sách cụ thể để thúc đẩy CNHT phát triển? Nếu đúng, trách nhiệm của các Bộ ngành, trong đó có trách nhiệm Bộ trưởng?”, đại biểu Mạo đặt câu hỏi.
Đáp lại câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định: Đúng là CNHT trong thời gian vừa qua có khá nhiều vấn đề. Qua một số kỳ họp, đại biểu Quốc hội cũng quan tâm đặt vấn đề này. Có một số đại biểu Quốc hội hầu như kỳ họp nào cũng nêu và có một số đề xuất Chính phủ, với sự tham mưu của các Bộ, ngành, sớm có những cơ chế chính sách phù hợp để khuyến khích lĩnh vực này. Gần đây nhất, năm 2011, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 12 về một số chính sách khuyến khích CNHT; Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định ban hành một số chính sách đối với 6 nhóm hàng hóa liên quan đến CNHT trong lĩnh vực cơ khí chế tạo ô tô, điện tử, dệt may, da giầy, hàng nhựa. Gần đây nhất, theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đã ban hành quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Như vậy, nói về chính sách, theo Bộ trưởng Hoàng, nước ta cũng đã quan tâm, tuy nhiên, do cấp độ pháp lý của những chính sách này còn đang thấp, chưa đạt yêu cầu, thậm chí chưa có nghị định, thậm chí nhiều đại biểu cho rằng cần có Luật về Công nghiệp hỗ trợ. Chính vì thực tế này nên chưa tạo thuận lợi cho CNHT phát triển.
Theo Bộ trưởng, nói tới CNHT ở nước ta mới chủ yếu nói đến phụ tùng, linh kiện, nguyên phụ liệu. Tuy nhiên, để có thể phát triển lĩnh vực này, đòi hỏi quy mô sản xuất phải khá lớn, đủ để cho sản xuất với số lượng nhiều. Qua đó, giá thành có thể cạnh tranh được, và tổ chức sản xuất thuận lợi hơn.
Tuy nhiên, thời gian vừa qua, nhiều sản phẩm hàng hóa dung lượng thị trường chưa đủ. Chẳng hạn, với ô tô, mỗi năm, các cơ sở sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước chỉ sản xuất được khoảng 70.000 xe, mà của rất nhiều chủng loại khác nhau, của hơn 10 nhà lắp ráp, sản xuất. Cho nên, khó có doanh nghiệp nào cung cấp linh kiện phụ trợ nào lại đứng ra cung cấp cho các nhà sản xuất này với nhiều chủng loại khác nhau.
Theo thống kê, với 1 sản phẩm ô tô, mỗi năm phải có sản lượng 100.000 xe thì doanh nghiệp làm CNHT mới có thể phát huy được. Nhưng vừa qua, nước ta chưa đạt được điều này. Đây cũng là nguyên nhân, theo Bộ trưởng, làm cản trở CNHT phát triển.
Riêng về dệt may, da giầy, do sản xuất hàng hóa Việt Nam lớn, vừa qua các doanh nghiệp trong nước đã cố gắng, tỷ trọng nội địa hóa tăng lên. Theo số liệu thống kê, hiện tại, dệt may có thể tự lo liệu 50% nguyên phụ liệu trong nước, da giầy cũng đạt khoảng 60%.
“Với xu thế thương mại hóa toàn cầu, sự phân công trong chuỗi sản phẩm, chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu ngày càng được quyết định bởi các doanh nghiệp lớn. Cho nên, khi các doanh nghiệp đa quốc gia sản xuất các sản phẩm hoàn chỉnh đã sử dụng mạng lưới xí nghiệp vệ tinh, mạng lưới các doanh nghiệp hỗ trợ hình thành sẵn có để chuyên cung cấp cho các tập đoàn đa quốc gia này. Việt Nam đi sau nên việc len chân được vào chuỗi giá trị toàn cầu cũng là điều hết sức khó khăn, trong bối cảnh chúng ta sức còn đang yếu, kinh nghiệm chưa nhiều”, Bộ trưởng cho hay.
Đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Công Thương, đại biểu Nguyễn Thị Khá nêu: Về lĩnh vực phát triển CNHT, hiện nay, với chủ trương kêu gọi đầu tư từ các doanh nghiệp nói chung, cụ thể là doanh nghiệp có vốn nước ngoài, trong lĩnh vực lắp ráp như ô tô, điện tử, điện thoại di động... thì tỷ lệ nội địa hóa của Việt Nam chiếm bao nhiêu phần trăm? Hiện nay, có dư luận cho rằng, từ những con ốc vít nhỏ cũng phải nhập khẩu từ nước ngoài. Phải chăng, lĩnh vực này, đất nước ta chỉ là nơi bãi đáp để họ thuê một phần lao động phổ thông và hưởng chính sách ưu đãi đầu tư ở Việt Nam? Xin Bộ trưởng cho biết ý kiến của mình về vấn đề này và Bộ trưởng có giải pháp gì cụ thể để cải thiện hơn?
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho hay: Xét chung về lĩnh vực CNHT ở ta còn nhiều hạn chế, nhưng về riêng từng lĩnh vực thì mức độ kết quả có khác nhau. Chẳng hạn, về ô tô, quy hoạch đến 2010 tầm nhìn 2020, rồi quy hoạch mới của Chính phủ phê duyệt đến 2020 và tầm nhìn đến 2030 thì có mức độ tỷ lệ nội địa hóa ô tô có khác nhau.
Trong đó, ô tô chở khách đến 80 chỗ, đã nội địa hóa được 40%; xe chuyên dụng đã nội địa hóa 70%; xe con mới khoảng 10%. Riêng xe máy đã có tỷ lệ nội địa hóa trên 90%, kể cả động cơ, mỗi năm đã xuất khẩu ra nước ngoài kim ngạch trên 280 triệu USD. Giá cả, chất lượng xe nội đã cạnh tranh được và đẩy bật hàng ngoại của một số nước láng giềng. Đây là thắng lợi của CN xe máy.
Về điện tử gia dụng có mức độ nội địa hóa 30-35%, gồm điều hòa, máy giặt, tủ lạnh...; điện tử tin học thì còn thấp, chỉ khoảng 15%; dệt may được 50%, da giầy 60%...
Thừa nhận ngành công nghiệp hỗ trợ còn nhiều yếu kém, Bộ trưởng Công Thương đề xuất với Quốc hội, ngay trong kỳ họp này, ban hành một nghị quyết có nêu rõ vấn đề về phát triển công nghiệp hỗ trợ. Cùng với đó, theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, để ngành này phát triển, các chính sách cần tăng cường việc hỗ trợ khởi nghiệp cho các doanh nghiệp, thành lập một số trung tâm hỗ trợ hoạt động phi lợi nhuận khối doanh nghiệp này; đối với các dự án ODA, có thể dành 1 tỷ lệ vốn vay nhất định nhằm tạo sự thuận lợi cho các doanh nghiệp…
----------------------------
Không có chuyện phát điện cầm chừng để mua điện Trung Quốc giá cao
Trả lời trong phiên chất vấn chiều nay (17/11), Bộ trưởng Công Thương khẳng định, các thủy điện lớn như Hòa Bình, Sơn La… năm nào cũng phát điện vượt sản lượng và đặc biệt là không có chuyện vận hành cầm chừng về phát điện.
Chiều nay 17/11, trong chương trình kỳ họp đang diễn ra, các đại biểu Quốc hội chính thức chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng.
Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng là thành viên Chính phủ đầu tiên trả lời chất vấn kỳ này. Trong 3 năm của nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIII, đến thời điểm này, Bộ trưởng Hoàng là người được chọn trả lời chất vấn nhiều nhất. Đây là lần thứ 3 Bộ trưởng Hoàng đăng đàn trả lời về những vấn đề nóng của ngành Công Thương (kỳ họp thứ III, IV và kỳ họp này) trước Quốc hội.
Là đại biểu đặt câu hỏi chất vấn đầu tiên cho Bộ trưởng Công Thương, đại biểu Đỗ Văn Đương (TPHCM) nêu: Có ý kiến phản ánh doanh nghiệp điện Nhà nước như Thủy điện Hòa Bình công suất lớn nhưng mấy năm qua hoạt động cầm chừng, trong khi chúng ta mua điện của tư nhân, nhập điện của Trung Quốc với giá cao.
Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng xác nhận: “Phản ánh này có đúng không? Đề nghị Bộ trưởng nói rõ để hóa giải hoài nghi của cử tri. Vì sao doanh nghiệp Nhà nước hoạt động cầm chừng để có giải pháp cụ thể?”
Trả lời chất vấn của đại biểu Đương, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho hay: “Tôi khẳng định ý kiến này không có cơ sở. Đảng, Nhà nước, nhân dân chắt chiu xây công trình thủy điện, trong đó có những công trình thủy điện qui mô lớn, đa mục tiêu như Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Tuyên Quang, Trị An, Yaly…
Một trong những mục tiêu khi Quốc hội quyết định xây dựng những công trình này là tận dụng lợi thế, tiềm năng thủy năng để xây dựng công trình này vừa để phát điện, hạn chế, cắt lũ mùa mưa; cấp nước phục vụ sản xuất đời sống nhân dân trong mùa kiệt. Vì thế, không lý do gì chúng ta không khai thác triệt để các thủy điện lớn theo các mục tiêu đã định”.
Bộ trưởng dẫn dụ, trên thực tế, riêng với thủy điện Hòa Bình, rất nhiều cử tri và đại biểu Quốc hội đều biết rõ, từ khi chúng ta xây dựng và vận hành đến nay, công suất thiết kế 1920 MW, sản lượng bình quân một năm 9-10 tỷ kWh. “Theo số liệu của chúng tôi, hầu như năm nào cũng phát vượt con số này. Tức là không có chuyện vận hành cầm chừng về phát điện”, Bộ trưởng Hoàng khẳng định.
Với Thủy điện Sơn La, theo Bộ trưởng Hoàng, thủy điện này đưa vào vận hành trước thời hạn Quốc hội qui định là 3 năm. Trong 3 năm qua, năm nào Thủy điện Sơn La cũng phát vượt sản lượng thiết kế. Mỗi năm phát trên dưới 10 tỷ kWh. Và các thủy điện lớn khác cũng vậy.
Do đó, báo cáo với Quốc hội, Bộ trưởng Công Thương khẳng định: “Không có cơ sở cho việc nói rằng, chúng ta phát điện cầm chừng ở các dự án thủy điện lớn”.
“Chúng ta vẫn quan tâm tới các dự án thủy điện nhỏ và trong thời gian, Bộ Công Thương phối hợp với các Bộ, ngành, nhất là Tài chính, các địa phương đã tìm mọi giải pháp chỉ đạo Tập đoàn điện lực Việt Nam mua điện của các dự án thủy điện nhỏ, tạo thuận lợi cho những dự án này tham gia phát điện cao nhất, qua đó, giá cả được nâng hơn. Gần đây nhất, chúng tôi có thông tư hướng dẫn để về việc Tập đoàn điện lực Việt Nam mua điện của dự án thủy điện nhỏ ngang bằng với các dự án thủy điện khác cũng như tạo điều kiện các dự án này tham gia phát điện cao nhất”, Bộ trưởng Hoàng nhấn mạnh.
----------------------------