Bộ giao thông Nhật Bản vừa yêu cầu hãng cung cấp dịch vụ đặt chỗ taxi Uber ngừng hoạt động, chỉ chưa đầy một tháng sau khi cho phép thí điểm, do loại hình kinh doanh vận tải này vi phạm luật pháp sở tại.
Thông tin được một quan chức Bộ giao thông Nhật tiết lộ với hãng thông tấn AFP ngày 4/3. Theo đó, đại diện cơ quan này đã gặp lãnh đạo Uber cuối tuần qua và yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ “ngay lập tức”.
Diễn biến này được xem như một thách thức nữa đối với hãng cung cấp dịch vụ đặt chỗ taxi trực tuyến, vốn đã vấp phải nhiều phản ứng từ các công ty taxi truyền thống, trong cuộc chiến sinh tồn.
“Thứ Sáu vừa qua, chúng tôi đã gặp các lãnh đạo Uber Nhật Bản và yêu cầu họ dừng chương trình thử nghiệm ngay lập tức do chúng tôi nghi ngờ họ vi phạm luật giao thông Nhật”, vị quan chức Bộ giao thông khẳng định.
“Có hai vấn đề lớn với dự án của họ. Thứ nhất, việc sử dụng tài xế thông thường cho hoạt động taxi sẽ bị xem là kinh doanh taxi không phép, và thứ hai là những lo ngại về an toàn”, bao gồm việc bảo hiểm không đầy đủ.
Phản ứng trước động thái trên của chính phủ, Uber cho biết sẽ tiếp tục làm việc với chính phủ Nhật và khẳng định dịch vụ của mình là “điểm cộng” cho giao thông đô thị tại nước này.
“Trong thời gian một tháng kể từ khi triển khai, chúng tôi đã nhận được nhiều phản ứng tích cực từ các lái xe tham gia chương trình cũng như hành khách…Chúng tôi sẽ tiếp tục những đối thoại đang có với các cơ quan chức năng có thẩm quyền để cung cấp đầy đủ chi tiết về chương trình và giải tỏa mọi lo ngại”, thông báo của Uber viết.
Tại Nhật, Uber đã hoạt động rất tích cực với sự phối hợp chặt chẽ cùng các lái xe taxi chuyên nghiệp. Tuy nhiên, trong dự án thử nghiệm để thu thập dữ liệu vừa qua, công ty này đã cho những lái xe thông thường tham gia chuyên chở khách.
Kể từ khi ra đời năm 2009, Uber đã lớn mạnh không ngừng và hiện được định giá ở mức 40 tỷ USD, với hoạt động tại hơn 200 thành phố khắp 54 quốc gia.
Đến thời điểm hiện tại, dự án mở rộng QL1 đoạn từ Thanh Hóa - Cần Thơ mới đạt 47,3% khối lượng công việc. Hiện có tới 8 gói thầu của dự án này đang bị chậm tiến độ...
Cụ thể hơn, ông Trần Xuân Sanh, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông cho biết, hiện đã có 7 dự án đoạn Thanh Hoá – Hà Tĩnh và 1 dự án Phan Thiết - Đồng Nai được đưa vào khai thác. 30 dự án khác đang triển khai thi công. Đáng chú ý, trong 14 dự án trái phiếu Chính phủ (TPCP)đang tiếp tục triển khai thi công, có 2 dự án chưa đạt yêu cầu về tiến độ là 2 đoạn qua Phú Yên và Bình Thuận.
Riêng các dự án BOT, có tới 6/16 dự án tiến độ thi công còn chậm, gồm các đoạn qua tỉnh Thừa Thiên - Huế, dự án thành phần 2 Quảng Nam, Bắc Bình Định, Nam Bình Định, hầm đường bộ Đèo Cả (chậm phần đường dẫn vào hầm) và đoạn Cần Thơ – Phụng Hiệp.
“Hầu hết các dự án đang thi công móng đường, khối lượng đạt từ 80 – 90%. Nhiều đoạn đã thi công được hơn 50% khối lượng mặt đường bê tông nhựa. Tuy nhiên, có một số dự án tiến độ vẫn còn chậm, khối lượng thi công móng đường đến thời điểm hiện tại chỉ đạt dưới 10% như đoạn BOT Bắc Bình Định - Nam Bình Định”, ông Sanh cho biết.
Đối với Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên, theo báo cáo của ông Sanh, tất cả các dự án cả TPCP và BOT đều đạt tiến độ yêu cầu. Hiện thời tiết khu vực Tây Nguyên đang thuận lợi, các đơn vị đang tranh thủ thi công thảm bê tông nhựa.
Đề cập đến các dự án BOT, BT, PPP do Bộ Giao thông vận tải đang quản lý, ông Cục trưởng cho biết, hiện Bộ GTVT đang quản lý tới 54 dự án BOT, BT, PPP với tổng mức đầu tư lên tới hơn 168 nghìn tỷ đồng. Trong số này có tới 47 dự án đường bộ với tổng mức đầu tư hơn 160 nghìn tỷ đồng, gồm 41 dự án BOT, 6 dự án BT.
Theo ông Sanh, hiện vẫn còn một số dự án chưa được cấp Giấy chứng nhận đầu tư (GCNĐT), thời gian giải quyết bị kéo dài, do nhà đầu tư chưa đáp ứng đầy đủ các điều kiện về vốn chủ sở hữu, vốn đầu tư ra ngoài doanh nghiệp, cam kết cấp vốn của tổ chức tín dụng (Dự án Thái Nguyên – Chợ Mới)…
“Việc chậm được cấp GCNĐT sẽ ảnh hưởng đến tiến độ ký kết hợp đồng chính thức, tiến độ huy động vốn từ các tổ chức tín dụng, tiến độ thi công dự án”, ông Sanh nói.
Theo ông Sanh, có hiện tượng một số nhà đầu tư chưa đáp ứng được tiến độ vốn góp chủ sở hữu theo cam kết dẫn đến tiến độ chậm, điển hình như Dự án BT La Sơn – Tuý Loan, cầu Thái Hà, QL20 Bảo Lộc – Lâm Đồng…
Ngoài ra, việc nguồn cung cấp vật liệu khan hiếm và không đảm bảo chất lượng, nhà đầu tư tổ chức quản lý tại công trường thiếu chuyên nghiệp, chưa huy động đầy đủ năng lực phục vụ thi công theo tiến độ; Công tác phối hợp với các Ban QLDA và các cơ quan chức năng ở địa phương chưa tốt… cũng ảnh hưởng đến tiến độ thi công một số dự án (như BOT QL1 Khánh Hoà, BOT Cần Thơ – Phụng Hiệp, BOT Bắc Nam Bình Định)…
Cùng đó là công tác phối hợp với các Ban QLDA và các cơ quan chức năng ở địa phương chưa tốt; hiểu biết về đầu tư theo hình thức PPP còn hạn chế nên ít nhiều đã ảnh hưởng đến quá trình triển khai dự án như các nhà đầu tư dự án Bắc, Nam Bình Định… Trước sự chậm trễ trên, người đứng đầu Cục Quản lý xây dựng chất lượng công trình giao thông cũng kiến nghị các nhà đầu tư bám sát tiến độ thực hiện của từng gói thầu, dự án đẩy nhanh thi công, bổ sung thay thế nhà thầu yếu kém, nghiêm túc thực hiện dự án theo tiến độ và chất lượng yêu cầu…
Với thái độ kiên quyết, chỉ đạo về tiến độ của các dự án mở rộng QL1 tại cuộc họp của Ban cán sự Đảng Bộ Giao thông vận tải, Bộ trưởng Đinh La Thăng thẳng thắn, theo nghị quyết Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, phải cơ bản hoàn thành dự án trong năm 2015. “Điều này có nghĩa là chỉ còn 10 tháng để thi công. Nếu trừ tiếp những tháng thời tiết xấu như tại khu vực Tây Nguyên thì thời gian thi công chỉ còn 5 – 6 tháng. Nếu không quyết liệt, chắc chắn không xong được. Đặc biệt với đoạn qua Bình Định – Phú Yên”, Bộ trưởng nói.
Đề cập đến các dự án có nhà đầu tư BOT, ông Thăng khẳng định, Bộ GTVT luôn hoan nghênh các nhà đầu tư BOT tham gia các dự án. Bộ trưởng cũng yêu cầu các cơ quan liên quan kiểm soát chặt chẽ, tuyệt đối không để đây thành chỗ mua đi bán lại dự án.
Kiểm toán dự án mở rộng QL1A (đoạn qua tỉnh Quảng Trị) phát hiện nhiều tồn tại
Kiểm toán Nhà nước vừa thông báo kết quả kiểm toán dự án mở rộng QL1A đoạn từ thị xã Đông Hà đến thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị và Dự án đầu tư xây dựng công trình mở rộng QL1 đoạn km 741+170-km756+705, tỉnh Quảng Trị theo hình thức hợp đồng BOT.
Theo kết quả này, tiến độ dự án bị chậm so với hợp đồng BOT đã ký ban đầu 44 tháng. Việc chậm tiến độ này cũng là một trong các nguyên nhân làm tăng tổng mức đầu tư khoảng 178.100 triệu đồng (trượt giá, lãi vay...).
Về công tác quản lý tiến độ thi công các gói thầu, chủ đầu tư và các đơn vị có liên quan đã tổ chức bộ máy quản lý, giám sát đầy đủ; có kế hoạch theo dõi và kiểm soát thường xuyên, tuy nhiên phần lớn các gói thầu đều không đảm bảo tiến độ hợp đồng ban đầu…
--------------------
Trung Quốc tăng chi quốc phòng lên 145 tỷ USD
Ngân sách quốc phòng của Trung Quốc trong năm nay sẽ ở mức khoảng 145 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2014 và là năm thứ 5 liên tiếp tăng trưởng ở mức hai chữ số, bất chấp kinh tế nước này đang tăng trưởng chậm lại.
Thông tin trên được người phát ngôn Quốc hội Trung Quốc, bà Fu Ying khẳng định trong một cuộc họp báo sáng 4/3.
Năm 2014, ngân sách quốc phòng của nước này là 130 tỷ USD, và tăng 12,2% so với năm trước đó. Dù vậy, Lầu Năm Góc và các cơ quan nghiên cứu quân sự quốc tế tin rằng, chi tiêu thực của quân đội Trung Quốc cao hơn từ 40 – 50% con số công bố, do không bao gồm các khoản chi nhập khẩu vũ khí công nghệ cao, chi cho nghiên cứu, phát triển cũng như các chương trình then chốt.
Việc tăng chi tiêu quốc phòng được xem như sự phản ánh sức mạnh kinh tế ngày một tăng của Trung Quốc, cũng như tham vọng của nước này trong việc khẳng định sức mạnh trong khu vực cũng như trên trường quốc tế.
Bắc Kinh thường tuyên bố ngân sách quốc phòng được tăng thêm chỉ nhằm hiện đại hóa quân đội và cải thiện đời sống cho lực lượng quân đội, với khoảng 2,3 triệu quân của nước này.
Mức tăng dự kiến 10%, sẽ được quốc hội thông qua trong phiên họp 5/3, phù hợp với mục tiêu chi ngân sách của chính phủ trong năm 2015, người phát ngôn Fu Ying khẳng định.
Chi tiêu quân sự của Trung Quốc luôn khiến dư luận không khỏi so sánh với xu hướng chung của các nước trong khu vực, với nhiều nước cảm thấy bất an trước sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Trong năm năm nay, dù đã tăng ngân sách quốc phòng lên mức cao kỷ lục và cao hơn năm ngoái 2,8%, con số 42 tỷ USD mà quân đội Nhật được cấp vẫn nhỏ bé so với Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA). Trước đó, Tokyo đã 11 năm liên tiếp giảm chi quốc phòng.
Ấn Độ, quốc gia nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới những năm qua, đã tăng 11% chi quốc phòng trong năm nay, lên mức 40 tỷ USD, với đầu tư lớn cho hải quân và không quân. New Delhi và Bắc Kinh vẫn có tranh chấp về biên giới trên bộ. Quốc gia Nam Á này đã bày tỏ quan ngại về sự hiện diện ngày một tăng của hải quân PLA tại Ấn Độ Dương.
Dù vậy, so với Mỹ, với ngân sách quốc phòng dự kiến 534 tỷ USD cho năm nay, chưa kể ngân sách chiến tranh 51 tỷ USD cho các chiến dịch tại Afghanistan, Iraq và Syria, Trung Quốc còn khoảng cách rất xa. Tuy nhiên, nhiều khả năng Lầu Năm Góc sẽ còn tiếp tục bị cắt giảm ngân sách trong những năm tới.
------------------------
Chợ Rằm tháng giêng: Thịt cá ế ẩm, rau củ quả "lên hương"
Mặc dù giá tăng “đột biến” nhưng do nhu cầu của người dân trong ngày rằm lớn thứ 2 trong năm nên các gian hàng bán hoa cúng và rau củ quả vẫn tấp nập khách.
Sáng nay, theo ghi nhận của phóng viên tại một số điểm bán hoa quả trên địa bàn TP. Cần Thơ, như: chợ Xuân Khánh, chợ Tân An, chợ An Bình…, tình hình giá cả một số loại hoa phục vụ cho ngày rằm như: hoa huệ, vạn thọ, cúc… đều tăng giá gấp đôi so với ngày thường. Cụ thể, đối với huệ trắng loại thấp nhất từ 3.000 – 4.000 đồng/nhánh (ngày thường cao nhất 3.000 đồng/nhánh), loại 1, 2 có giá từ 7.000 – 9.000 đồng/nhánh ( ngày thường từ 3.000 – 5.000 đồng/nhánh); huệ đỏ, có giá từ 8.000 – 10.000 đồng/nhánh (ngày thường từ 5.000 – 7.000 đồng/nhánh). Riêng vạn thọ, ngày thường có giá cao nhất cũng 5.000 đồng/ nhưng sáng nay có giá từ 8.000 – 10.000 đồng/ nhánh.
Một tiểu thương ở chợ Xuân Khánh cho biết, những dịp như tết và những ngày rằm lớn như thế này người dân có nhu cầu mua hoa về cúng, đi chùa nhiều nên năm nào cũng vậy, đến dịp này là giá huệ tăng gần gấp 2 lần. Tuy nhiên, năm nay bà con trồng huệ tương đối trúng mùa nên bông huệ không bị khan hiếm như những năm trước.
Cũng tại các chợ, các loại rau củ quả và đặc biệt là các mặt hàng chay, như đậu hủ, chả… quầy nào cũng đắt khách, chỉ có điều những mặt hàng này không tăng giá như các loại bông cúng. Tuy nhiên với mặt hàng nấm rơm, dưa leo, giá cao ngất ngưởng, với nấm rơm từ 70.000 – 90.000 đồng/kg; lưa leo 20.000 – 25.000 đồng/kg.
Giá các loại huệ trắng, đỏ gần như tăng giá gấp 2 lần so với ngày thường
Trong khi các sạp hàng hoa, củ, quả, thực phẩm chay đắt hàng thì các sạp bán thịt, cá, gà vịt... rơi vào cảnh ế ẩm.
Chị Nguyễn Thị Hoa – nhà ở phường An Bình cho biết: “Một năm có 2 ngày rằm lớn, do vậy dù giá các loại hoa có tăng mấy thì gia đình tôi cũng phải mua vài chục để đi cúng chùa. Ngoài ra, cũng mua một số rau, củ quả làm mâm cơm chay cúng Phật và tổ tiên. Riêng các mặt hàng rau, củ quả, đậu hủ thì giá chỉ tăng nhẹ so với ngày thường từ 5 -10% nên cũng chấp nhận được.”
Trong khi các sạp hàng chay, rau, củ quả đắt hàng trong ngày rằm tháng giêng thì các sạp bán thịt, cá… tại một số chợ rơi vào cảnh ế ẩm. Theo các tiểu thương ở các chợ cho biết, lượng hàng bán ra so với ngày thường giảm hơn 50%, tuy nhiên do biết trước đa số các tiểu thương đã chủ động lấy ít hàng để không bị thua lỗ.
--------------------------