Cho rằng Hoàng Anh Gia Lai được tạo điều kiện sản xuất tốt hơn tại Lào và hoài nghi về năng lực thật sự của Hoàng Anh Gia Lai trong việc bán giá đường rẻ, Hiệp hội Mía đường phản pháo: các nhận xét của Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú là “một chiều”, “thiếu thông tin”.
Như thông tin đã đưa, mới đây, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú đã có bài viết “Khẩn trương đổi mới ngành mía đường Việt Nam” trong đó chỉ ra hàng loạt những bất cập của ngành mía đường nội địa, đồng thời cho rằng, các doanh nghiệp mía đường trong nước nên “tập cạnh tranh với Hoàng Anh Gia Lai” và “trong cuộc cạnh tranh đó, các doanh nghiệp yếu kém hãy sáp nhập, hình thành các công ty lớn đủ quy mô như đã thực hiện trong lĩnh vực ngân hàng vừa qua”.
Ngày 3/3/2015, Tổng Thư Ký Hiệp hội Mía Đường Việt Nam (VSSA) Nguyễn Hải đã có ý kiến phản hồi, cho rằng những ý kiến của Thứ trưởng Tú là “thiếu thông tin hay chỉ nghe thông tin một chiều chưa được kiểm chứng tính chính xác” và muốn “có ý kiến để làm rõ tính chính xác của lý luận”, “bổ sung thêm cho rõ”.
Người tiêu dùng phải mua giá đường cao do lỗi của Bộ?
Nếu trong bài viết của mình, Thứ trưởng Tú đánh giá, “nhiều năm qua, 90 triệu người dân Việt Nam liên tục phải tiêu thụ đường ăn với giá cao gấp rưỡi, thậm chí có thời điểm gấp đôi so với thế giới. Tại thời điểm hiện tại, giá bán đường giao tại cửa các nhà máy trong nước đang cao khoảng gấp rưỡi giá đường ăn thế giới” thì phía Hiệp hội liên phản pháo, cho rằng, giá thành đường của Việt Nam hiện nay có cao hơn một số nước trong khu vực và trên thế giới nhưng không phải là quá cao. Nguyên nhân giá thành đường cao là do giá mía cao.
Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng khẳng định, giá đường tiêu thụ nội địa của Việt Nam thấp hơn nhiều nước trên thế giới – chỉ cao hơn một số ít nước như Brazil, Ấn Độ.
Theo nhận định của VSSA, các năm gần đây giá đường thương mại thế giới gần như luôn thấp hơn giá đường tiêu thụ nội địa của bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, kể cả nước đó sản xuất nhiều đường và xuất khẩu lớn (như Brazil, Thái Lan). Do vậy, chỉ có thể so sánh giá tiêu thụ nội địa của Việt Nam với giá tiêu thụ nội địa của các nước thì mới chuẩn xác, và so sánh giá sỉ với sỉ, lẻ với lẻ.
“Quả bóng trách nhiệm” lần này được VSSA đẩy sang Bộ Công thương, cho rằng, để người tiêu dùng được ăn đường giá rẻ thì yếu tố quan trọng nhất làm ngay sẽ mang lại hiệu quả vô cùng lớn là Bộ Công thương nên có biện pháp để quản lý chặt để triệt nạn đầu cơ làm giá nếu có, không loại trừ bất cứ doanh nghiệp nào có liên quan.
“Người nông dân Việt Nam không bao giờ lỗ”
Tại bài viết vừa rồi, Thứ trưởng Tú cũng đưa ra so sánh: trong khi các doanh nghiệp mía đường trong nước không quan tâm đầu tư vùng nguyên liệu riêng của mình để làm hạt nhân thay đổi cho hoạt động canh tác mía thì HAGL chỉ trong một thời gian ngắn đã làm được điều này. Tuy nhiên, không hài lòng với đánh giá trên, VSSA lập tức đáp lại rằng, trong thời gian qua, để tồn tại và hội nhập trong tình trạng nạn đường lậu hoành hành, các nhà máy đường đã tự nâng cấp, mở rộng, đầu tư công nghệ và thiết bị mới nên nhìn chung về phía công nghiệp phần lớn các nhà máy đường hiện nay đã thay đổi, không thể đánh giá là lạc hậu như một số nhận định.
Thậm chí, theo VSSA, một số nhà máy đường có công suất lớn, công nghệ và thiết bị còn hiện đại hơn nhiều nhà máy đường của các nước trên thế giới kể cả nhà máy đường của Hoàng Anh Gia Lai xây dựng tại Lào. Hiện nay chỉ còn một số nhà máy đường có công suất nhỏ dưới 2000 tấn/ngày, do vùng nguyên liệu mía bị giới hạn không thể phát triển được, nên không cần đầu tư cải tạo kỹ thuật hoặc và mở rộng quy mô công suất mà cần có quy hoạch và cơ cấu lại.
Đồng thời, VSSA cũng lý giải rằng, các điều kiện sở hữu đất đai canh tác mía của nông dân Việt Nam gặp nhiều hạn chế, rất khó cho việc bỏ vốn vào để đầu tư cơ giới hóa. Điều kiện này cách biệt rất xa so với điều kiện của Hoàng Anh Gia Lai đầu tư tại Lào. Tại Lào nhà đầu tư Hoàng Anh Gia Lai được giao đất tốt bằng phẳng, hàng chục nghìn ha thời gian trên 90 năm, chỉ một người làm chủ, đủ điều kiện để bỏ vốn đầu tư nhằm áp dụng mọi kỹ thuật canh tác cần thiết.
VSSA khẳng định, giá đường tiêu thụ nội địa của Việt Nam thấp hơn nhiều nước trên thế giới
Còn về nhận định của Thứ trưởng Tú cho rằng, trong mối quan hệ giữa người nông dân trồng mía với các nhà máy vẫn theo phương thức “mua đứt, bán đoạn” và người nông dân luôn ở thế yếu trong quan hệ này thì VSSA lý luận: “Vì sao các nhà máy mua mía giá cao mà nông dân trồng mía vẫn còn nghèo thì cũng giống trường hợp vì sao Việt Nam xuất khẩu gạo đứng thứ 2 thế giới mà người trồng lúa vẫn khổ”.
Hiệp hội Mía đường khẳng định, khi có bất ổn vì lý do nào đó xảy ra thì Ủy ban Mía đường Quốc giá đã tính toán bù đắp giá mía cho nông dân bằng quỹ mía đường được hình thành từ tiền thuế mía đường, nông dân không bao giờ bị lỗ.
Coi đường của HAGL tại Lào như đường sản xuất của Việt Nam là không hợp lý
Về việc đường Hoàng Anh Gia Lai tại Lào mà Thứ trưởng xem như là đường sản xuất của Việt Nam – ông Nguyễn Hải, Tổng thư ký VSSA cũng cho là “không hợp lý”. Ông Hải đặt câu hỏi: hiện có hơn 4 triệu Việt kiều trên khắp thế giới, họ cũng mở sản xuất, công nhân cũng là Việt kiều, vậy có xem đó là sản xuất như trong nước không?
“Thêm nữa, nếu đường của Hoàng Anh Gia Lai tại Lào có giá thành thấp như Hoàng Anh Gia Lai công bố (mặc dù số công bố chúng tôi chưa biết là đã có tổ chức kiểm toán nào kiểm chứng chưa?) thì tiêu thụ ở đâu cũng dễ dàng cần gì phải yêu cầu được đưa về tiêu thụ tại Việt Nam? Sao không xuất khẩu trực tiếp vào các nước như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc là những quốc gia nhập khẩu đường hàng năm với số lượng gấp hàng trăm lần sản lượng của Hoàng Anh Gia Lai sản xuất? Phải chăng bên sau tiềm lực mạnh mẽ của sản phẩm đường của Hoàng Anh Gia Lai còn có điều gì chưa ổn? Nếu đường của Hoàng Anh Gia Lai với giá thành thấp như thế, có một số ý kiến cho rằng nhập đường này về để dân Việt Nam được ăn đường giá rẻ, liệu Hoàng Anh Gia Lai có bán đường giá rẻ như ý kiến mong đợi đó cho dân Việt Nam không? Hay là bán theo giá của thị trường Việt Nam?” – Vị Tổng thư ký của VSSA dồn dập phản pháo.
Hiệp hội cho rằng, đối với đường của Hoàng Anh Gia Lai tại Lào nếu được cho nhập về Việt Nam thì áp dụng như đường các nước trong khối ASEAN nhập khẩu vào Việt Nam trong lượng hạn ngạch thuế quan hằng năm và áp dụng thuế nhập khẩu theo ATIGA và hiệp định song phương giữa Việt Nam và Lào là đã được ưu đãi nhiều so với xuất xứ các nước khác trong khối ASEAN, chứ không thể xem đó là đường sản xuất trong nước. Nếu không có quản lý điều này về mặt nhà nước, thì doanh nghiệp Việt Nam là Nivl (của chủ đầu tư Ấn Độ), đầu tư nhà máy đường tại Campuchia cũng xem như nhà máy đường trong nước?
Ông Hải cũng bày tỏ bức xúc, rằng “Thứ trưởng yêu cầu các nhà máy đường trong nước nên cạnh tranh với Hoàng Anh Gia Lai trong khi điều kiện cơ bản của 2 đối thủ cạnh tranh hoàn toàn khác nhau” và đặt câu hỏi: “Liệu Nhà nước Việt Nam có tạo điều kiện cho các nhà máy đường Việt Nam như nhà nước Lào tạo điều kiện cho Hoàng Anh Gia Lai tại Lào không?”.
-----------------------
Ùn ứ 5.400 container vô chủ
Cảng biển của Việt Nam trở thành bãi rác của các nước phát triển bởi hàng nghìn container phế liệu bị “bỏ rơi”. Nguyên nhân từ chính sách tạm nhập - tái xuất có nhiều thay đổi, do vậy nhiều doanh nghiệp tham gia tạm nhập, khi không tái xuất được đã “bỏ của chạy lấy người”.
Trên 90% số container phế liệu
Theo báo cáo của Cục Hàng hải Việt Nam, tính đến tháng 8.2014, tại các cảng biển của Việt Nam còn khoảng 5.450 container và 1.323 kiện hàng tồn đọng dạng vô chủ. Đứng đầu là cảng Hải phòng với trên 5.000 container, Quảng Ninh 52 container, Đà Nẵng 99 container, cảng Sài Gòn (TPHCM) có 177 container và 1.323 kiện hàng… Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Nguyễn Nhật cho biết, tại cảng Hải Phòng có những container hàng đã tồn đọng từ 5 - 10 năm. Cụ thể, trong tổng số hơn 5.000 container hàng hóa tồn đọng tại cảng này thì có tới trên 1.000 container tồn từ năm 2006.
Cảng Chùa Vẽ - một trong những cảng lớn thuộc hệ thống cảng Hải Phòng - từ lâu tồn tại 2 khu vực chuyên lưu giữ những container tồn đọng quá 90 ngày. Ông Vũ Nam Thắng - Giám đốc cảng Chùa Vẽ - cho biết: Có những container “vô chủ” ở cảng này đã gần 10 năm. Hiện cảng này có 780 container tồn đọng quá 90 ngày.
Kỷ lục về thời gian nằm chờ tại đây phải kể tới 2 chiếc container chứa thuốc lá của một doanh nghiệp. Gần 10 năm phơi giữa trời mưa nắng khiến vỏ container mục ruỗng, lộ ra ngoài những vỏ bao thuốc lá đã bẹp dúm.
Một cán bộ quản lý cảng Chùa Vẽ chia sẻ: Sau mỗi trận mưa, nước ngấm vào các container này, rỉ nước ra khiến chúng tôi phải chịu đựng đủ các loại mùi từ a xít của ắc quy chì đến săm lốp ôtô cũ, giấy vụn mủn… Kinh hoàng nhất là 4 chiếc container hàng đông lạnh cách đây hơn 1 năm. Các container này chứa nội tạng động vật, sau một thời gian dài nằm tại cảng bị phân hủy, những con giòi to như ngón tay lúc nhúc bò ra khỏi container, rồi mùi thối bốc ra khiến ai đi qua cũng kinh sợ. “Sau rất nhiều kiến nghị của cảng, cơ quan chức năng vào cuộc mới tiến hành tiêu hủy được hàng hóa trong 4 chiếc container này. Khi đó chủ hàng phải tốn hơn 20.000USD cho việc tiêu hủy” - ông Vũ Nam Thắng chia sẻ.
Theo Cục Hàng hải Việt Nam, hàng hóa tồn đọng chủ yếu thuộc loại hàng tạm nhập-tái xuất, nhập kinh doanh… đa phần hàng hóa có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Mặt hàng tồn đọng chủ yếu gồm caosu, lốp caosu đã qua sử dụng, quần áo đã qua sử dụng, phế liệu, thiết bị điện đã qua sử dụng, hàng điện tử đã qua sử dụng…. Trong khi, người đứng tên nhận lô hàng là các tổ chức, cá nhân nước ngoài hoặc doanh nghiệp kinh doanh tạm nhập-tái xuất, nhưng do chính sách kiểm soát rất chặt chẽ hàng nhập khẩu qua biên giới nên việc tái xuất hàng hóa gặp khó khăn.
Không có kinh phí để xử lý
Cũng theo ông Nguyễn Nhật, qua kiểm tra thực tế 1.426 container hàng hóa tại cảng Hải Phòng, Cục Hàng hải Việt Nam đã phát hiện và xử lý nhiều vi phạm về việc vận chuyển hàng hoá vào Việt Nam. Trong đó, những mặt hàng không đủ tiêu chuẩn nhập khẩu, hàng hóa tạm nhập tái xuất phải không có giấy phép, hàng hóa thuộc danh mục cấm tạm nhập tái xuất, hoặc đã tạm dừng. Dù đã tính đến việc xử lý hàng hóa tồn đọng, nhưng theo tính toán, phải cần rất nhiều thời gian, cơ quan chức năng phải kiểm tra thực tế hàng hóa, xác định phân loại đối tượng, thời gian thông báo tìm chủ sở hữu…
Theo Thông tư 15 của Bộ Tài chính về xử lý hàng tồn đọng có hiệu lực từ 1.4.2014. Nhưng việc thực hiện thông tư này gặp nhiều vướng mắc về kinh phí. Ông Cao Trung Ngoan - Phó Tổng giám đốc Cty CP Cảng Hải Phòng - cho biết: Cảng Hải Phòng nhiều lần đề nghi Cục Hàng hải, Bộ GTVT và UBND TP.Hải Phòng về việc chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với cảng Hải Phòng xử lý hàng tồn đọng. Cảng Hải Phòng cũng chấp nhận miễn toàn bộ chi phí kho bãi, thậm chí “khuyến mại” chi phí nâng hạ, kiểm hóa để phục vụ xử lý hàng tồn đọng, nhưng tới nay hơn 1.000 container vẫn không thể xử lý được vì kinh phí xử lý quá lớn.
Để giải quyết số hàng hoá tồn đọng nêu trên để giải phóng mặt bằng cho các cảng, Cục Hàng hải cũng đã có đề xuất đối với một số hàng hóa đã có hướng dẫn của Tổng cục Hải quan sẽ tiếp tục thực hiện theo quy định. Còn, với các lô hàng có người nhận ở VN nhưng không xuất trình được giấy phép do Bộ Công Thương cấp sẽ phạt tiền và buộc đưa hàng hóa ra khỏi VN. Trong trường hợp quá 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà doanh nghiệp không thực hiện thì tịch thu hoặc tiêu hủy hàng hóa theo quy định.
-----------------------
Ukraine mạnh tay tăng lãi suất để cứu tỷ giá
Ngân hàng Trung ương Ukraine hôm qua (3/3) bất ngờ tăng lãi suất cơ bản lên 30% từ mức 19,5%, bất chấp nền kinh tế đang suy thoái. Đây là mức lãi suất cao nhất của Ukraine trong 15 năm, đồng thời cũng là mức lãi suất cao nhất thế giới hiện nay.
Mục đích của việc Ukraine tăng lãi suất là chống lạm phát đang tăng với tốc độ chóng mặt và sự mất giá “không phanh” của đồng nội tệ. Tuy vậy, lãi suất cao được dự báo là sẽ khiến các công ty và hộ gia đình ở Ukraine thêm phần khốn đốn trong bối cảnh nền kinh tế lao dốc.
Từ đầu năm đến nay, đồng Hryvnia của Ukraine đã mất giá khoảng một nửa, sau khi mất giá 50% trong năm 2014. Hiện đồng tiền này đang có mức tỷ giá thấp kỷ lục, khoảng 30 Hryvnia đổi 1 USD trên thị trường tự do.
Bất ổn chính trị và cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine đang đẩy nước này tới sát bờ vực vỡ nợ cấp quốc gia, trong khi nền kinh tế chìm sâu trong suy thoái. GDP của Ukraine đã giảm 15,2% trong quý 4/2014. Tháng 1 vừa qua, lạm phát ở Ukraine vọt lên 28,5%, cao thứ nhì thế giới sau Venezuela.
Hôm qua, nhà chức trách Ukraine tuyên bố ngân hàng lớn thứ tư nước này là Delta Bank vỡ nợ, nhưng chất lượng tài sản của ngân hàng này quá tệ để Ngân hàng Trung ương tiến hành quốc hữu hóa.
Lãi suất mới sẽ có hiệu lực từ ngày 4/3 và là mức lãi suất cao nhất của Ukraine kể từ năm 2000. Đây cũng là là mức lãi suất cao nhất thế giới trong số các nền kinh tế được hãng tin Bloomberg theo dõi. Lo ngại trước sự mất giá từng ngày của đồng tiền, người dân Ukraine đang đổ xô đi mua những mặt hàng giá trị, tương tự như những gì diễn ra ở Nga vào cuối năm ngoái.
Trước khi tăng mạnh tỷ giá vào hôm qua, Ngân hàng Trung ương Ukraine đã siết chặt các biện pháp kiểm soát vốn và có ngày đóng băng giao dịch tiền tệ nhằm ổn định tỷ giá. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Ukraine Valeriia Gontareva cho biết trong một cuộc họp báo rằng, quyết định tăng lãi suất được đưa ra bởi cơ quan này nhận thấy “sự đe dọa của lạm phát gia tăng mạnh do những hệ quả tiêu cực từ cơn hoảng sợ trên thị trường tiền tệ”.
Ngân hàng Trung ương Nga cũng mở rộng một quy định bắt buộc các công ty phải bán 75% số ngoại tệ thu được, cùng với các biện pháp khác nhằm ổn định tỷ giá. Thống đốc Gontareva bày tỏ hy vọng tỷ giá đồng Hryvnia sẽ sớm quay trở lại mốc 20-22 Hryvnia đổi 1 USD.
Giới phân tích dự báo, mức lãi suất kỷ lục sẽ khiến suy thoái ở lại Ukraine năm thứ hai liên tiếp.
Hiện Chính phủ Ukraine đang nỗ lực để được giải ngân khoản cứu trợ tiếp theo từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhằm tránh cảnh vỡ nợ. Hiện Quốc hội Ukraine đã thông qua các biện pháp mà IMF đòi hỏi để đổi lấy chương trình cho vay trị giá tổng cộng 17,5 tỷ USD.
---------------------