Trung Quốc xây đảo nhân tạo tại 6 bãi đá ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam là mối đe dọa an ninh,hòa bình và ổn định trong khu vực.
Trang tin Rappler (Philippines) đã dẫn bài phát biểu của Đại sứ Philippines tại Liên Hợp Quốc (LHQ), bà Irene Susan Natividad trước Liên Hiệp Quốc (LHQ) khẳng định như vậy.
Theo đó trong phiên tranh luận mở của Hội đồng bảo an LHQ bà Irene Susan Natividad nói:
“Hành động này của Trung Quốc cũng sẽ hủy hoại đa dạng sinh học làm mất cân bằng sinh thái ở biển Đông. Nó sẽ để lại hậu quả dài hạn cho những cư dân bám biển để sống trong nhiều thế hệ”.
Phó đô đốc Hải quân Philippines Alexander Lopez cho biết quân đội Philippines đang theo dõi những hành động “gây hấn” của Trung Quốc trên biển Đông, nhất là việc xây dựng đảo nhân tạo ở Trường Sa.
Philippines đã nhiều lần cảnh báo thế giới về những hành động “gây hấn” của Trung Quốc trên biển Đông.
Liên quan đến động thái này, báo chí nước ngoài cũng nhiều lần dẫn lời giới chức quốc tế thể hiện thái độ bất bình, lật tẩy những mưu đồ của Trung Quốc.
Sau khi báo điện tử của Quân đội Trung Quốc ngày 26/2 thừa nhận, quân đội nước này đã bắt đầu hoạt động cải tạo trên bãi đá Châu Viên (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam).
Các bức ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy Trung Quốc tiếp tục cải tạo trên 6 bãi đá ngầm thuộc Trường Sa. Giới quan sát quốc tế nói rằng, Trung Quốc đang xây dựng các cảng, kho dự trữ nhiên liệu và có thể cả 2 đường băng.
Giới chuyên gia quốc tế thẳng thắn chỉ rõ: Trung Quốc thiết lập chuỗi đảo nhân tạo tại khu vực quần đảo Trường Sa làm căn cứ đồn trú quân để kiểm soát toàn khu vực.
Nhận định về những hành động cải tạo đảo ngoài Biển Đông của Trung Quốc, ông James Clapper, giám đốc Cơ quan tình báo quốc gia Mỹ phải dùng những từ ngữ khá nặng nề rằng đây là một phần trong nỗ lực “hung hăng” của Bắc Kinh nhằm khẳng định chủ quyền vô lý của mình.
Trước động thái bất chấp luật pháp và dư luận quốc tế của Trung Quốc, ông Lê Việt Trường - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội Việt Nam khẳng định: quân đội Trung Quốc công khai thừa nhận đang cải tạo trên bãi đá Châu Viên (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam).
"Không còn nghi ngờ gì nữa, những hoạt động cải tạo đảo của Trung Quốc chính là nhằm hiện thực hóa yêu sách đường chín đoạn. Các hoạt động này nằm trong cả một lộ trình đã được Trung Quốc tính toán trước.
Việc TQ có thể tuyên bố vùng nhận diện phòng không, xây dựng những căn cứ quân sự trên Biển Đông là điều không còn nghi ngờ, bàn cãi nhiều nữa", ông Trường khẳng định.
Ông Trường cho biết, Ủy ban An ninh Quốc phòng cũng như các cơ quan quản lý, các cấp lãnh đạo của Việt Nam sẽ kiên quyết đấu tranh, yêu cầu Trung Quốc phải dừng ngay việc cải tạo các bãi đá trên Biển Đông đồng thời dừng ngay những hành động phi pháp bất chấp luật pháp quốc tế, tôn trọng chủ quyền Việt Nam.
Theo ông Trường, tiếp tục đấu tranh, đấu tranh liên tục chính là căn cứ pháp lý để Việt Nam kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế, khẳng định chủ quyền của mình.
----------------------
Ông Lavrov: Châu Âu vẫn còn vũ khí hạt nhân có thể bắn tới Nga
Theo Đài Tiếng nói nước Nga, phát biểu tại Geneva, Thụy Sĩ, trong Hội nghị giải trừ quân bị ngày 2/3, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khẳng định vẫn như trước đây, tại châu Âu còn triển khai những vũ khí hạt nhân chiến thuật đủ khả năng nhắm tới lãnh thổ Nga.
Ngoại trưởng Nga lưu ý rằng trong khuôn khổ thực thi chương trình được gọi là Các sáng kiến Tổng thống, những năm 1991-1992, Nga đã cắt giảm đến 3/4 kho vũ khí hạt nhân phi chiến lược của nước mình, chuyển những phương tiện như vậy "vào loại không triển khai và tập trung tại các kho bảo quản trung ương trong phạm vi lãnh thổ quốc gia."
Ông Lavrov nhấn mạnh: "Đó là biện pháp chưa từng có, được thực thi bất kể thực tế là tại châu Âu vẫn tiếp tục hoạt động triển khai các loại hình vũ khí hạt nhân có khả năng bắn tới lãnh thổ Nga."
Cũng trong khuôn khổ hội nghị, ông Lavrov tuyên bố nước này sẵn sàng ký văn kiện về khu vực không vũ khí hạt nhân (NWFZ) ở Đông Nam Á.
Ông Lavrov nói: "Nga hoan nghênh việc mở rộng diện tích khu phi hạt nhân, đưa chúng ta tiến đến gần mục tiêu tốt lành là một thế giới không có vũ khí hạt nhân. Đóng góp quan trọng vào tiến trình này là việc năm ngoái các thành viên của 'nhóm năm' đã ký kết Nghị định thư của Hiệp ước về khu vực không vũ khí hạt nhân ở Trung Á. Nga cũng sẵn sàng ký vào Nghị định thư của Hiệp ước Bangkok về khu vực không vũ khí hạt nhân ở Đông Nam Á"./.
-----------------------
Mọi toan tính gây sức ép lên Tổng thống Putin đều vô ích
Hãng thông tấn RIA Novosti ngày 2/3 dẫn tuyên bố của Thư ký báo chí của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov nêu rõ mọi cố gắng gây áp lực lên Tổng thống Nga Vladimir Putin hòng làm ông thay đổi lập trường đều hoàn toàn vô ích.
Trả lời cho câu hỏi liệu Nga có thay đổi lập trường của mình vì những biện pháp trừng phạt của Phương Tây hay không, ông Peskov nhấn mạnh: "Ở những cấp độ khác nhau và không chỉ một lần, chúng tôi đã chỉ ra rằng mọi toan tính hòng gây áp lực lên ông Putin hoặc làm thay đổi lập trường dưới sức ép đều hoàn toàn vô vọng".
Trả lời họp báo cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói rằng những biện pháp trừng phạt đang tác động đáng kể đến nền kinh tế Nga nhưng hiện thời chưa đủ để thay đổi lập trường của ông Putin.
-----------------------
Ireland cáo buộc máy bay ném bom Nga uy hiếp an toàn bay
Một máy bay của Ireland hồi tháng trước đã phải chuyển hướng và một chuyến bay khác bị hoãn để tránh hai máy bay ném bom tầm xa của Nga, bay qua không phận do Ireland kiểm soát, giới chức hàng không nước này khẳng định.
Thông tin được Cơ quan hàng không Ireland (IAA) công bố ngày 3/3, và sự việc được cho là xảy ra hôm 18/2, cùng ngày các chiến đấu cơ Typhoon của không quân Anh được điều lên để áp sát 2 máy bay ném bom Nga gần không phận nước này.
Động thái trên được cho là màn phô trương sức mạnh của Nga, giữa lúc căng thẳng liên quan tới xung đột Ukraine tiếp diễn. Thủ tướng Anh David Cameron từng cáo buộc Nga thách thức sự toàn vẹn lãnh thổ của Kiev.
Mátxcơva luôn bác bỏ các cáo buộc trên và khẳng định máy bay của mình bay trên không phận quốc tế và tuân thủ các thông lệ chung.
Giới chức Ireland cho biết 2 máy bay quân sự của Nga đã bay mà không mở bộ phát đáp tín hiệu, vốn cần thiết để giúp các đài kiểm soát không lưu nhận diện.
“Một chuyến bay xuất phát từ Dublin đã bị hoãn do hoạt động của máy bay quân sự Nga trong khu vực không phận do Anh kiểm soát”, thông cáo của IAA cho biết. “Lộ trình của một máy bay cũng phải thay đổi để đảm bảo rằng nó bay cách xa hai máy bay quân sự Nga”.
Các máy bay phải chuyển hướng hoặc bị hoãn đều là máy bay thương mại “mang theo hàng trăm người”, tờ Irish Examiner khẳng định.
Dù vậy IAA cho biết “không có tác động nào tới an toàn của các chuyến bay dân sự trong vùng không phận mình kiểm soát” bắt nguồn từ sự việc trên.
Các máy bay không đi vào vùng không phận thuộc chủ quyền của Ireland mà chỉ bay qua không phận do nước này quản lý, trong phạm vi 25 hải lý tính từ bờ biển nước này.
Bộ trưởng quốc phòng Anh Michael Fallon từng cảnh báo, NATO cần phải sẵn sàng trước “bất kỳ sự khiêu khích nào từ phía Nga” sau vụ việc nêu trên. London cũng từng triệu đại sứ Nga lên để chất vấn về một sự vụ tương tự hồi tháng Giêng.
----------------------