Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết lễ hội ngoài việc đề cao các giá trị văn hóa cũng cần loại bỏ các hủ tục không còn phù hợp với xã hội văn minh.
Chiều 2/3, thông tin về những giải pháp của Chính phủ về những bất cập của lễ hội đầu xuân như chen lấn, xô đẩy, ẩu đả, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho biết trước kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán, Thủ tướng có Công điện về tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội.
Tiếp đó, Thủ tướng đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường chỉ đạo để bảo đảm việc tổ chức lễ hội tiết kiệm, tránh phô trương, lãng phí giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
"Chỉnh phủ cũng yêu cầu các địa phương, nhất là nơi diễn ra lễ hội phải kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm minh những hành vi tiêu cực tại các lễ hội, các điểm du lịch", Bộ trưởng Nên cho biết.
Về việc Tổ chức động vật châu Á đã khuyến cáo chấm dứt lễ hội chém lợn ở Làng Ném Thượng (Bắc Ninh), Bộ trưởng Nên cho biết lễ hội Làng Ném Thượng nói riêng, lễ hội dân gian của cộng đồng các dân tộc nói chung, là nghi thức tín ngưỡng, là đời sống văn hóa tâm linh của người dân địa phương.
"Và việc tổ chức lễ hội cần dựa trên nguyên tắc tôn trọng ý nguyện của cộng đồng", Người phát ngôn Chính phủ nói.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cũng lưu ý các lễ hội ngoài việc đề cao các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp và tính nhân văn "cần loại bỏ các hủ tục không còn phù hợp với xã hội văn minh, bảo đảm phù hợp với Công ước quốc tế về bảo vệ sự đa dạng văn hóa của UNESCO mà Việt Nam tham gia".
Bộ trưởng Nên cũng cho rằng các cơ quan thông tin truyền thông khi đăng tải, đưa tin có thời lượng phù hợp, trong đó nêu bật những nét đẹp văn hóa truyền thống trong hoạt động lễ hội.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, doanh nhân nổi tiếng… là những người bị giả mạo trên Facebook nhiều nhất.
Các tài khoản Facebook hoặc Fanpage trùng tên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch nước, Tổng Bí Thư và các Phó thủ tướng Chính phủ và các Bộ trưởng đều xuất hiện trên Facebook, nhưng chỉ có Fanpage của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến được xác nhận là thật.
Mạo danh Facebook lãnh đạo cấp cao
Bộ trưởng Bộ Y Tế vừa chính thức công bố Fanpage của mình do Bộ trưởng quản lý và điều hành, cập nhật những thông tin trong lĩnh vực y tế và tiếp nhận những phản ánh của nhân dân.
Đây là lần đầu tiên, một Bộ trưởng Việt Nam tuyên bố sở hữu Fanpage chính thức.
Tuy nhiên, trước đó đã có rất nhiều tài khoản Facebook và Fanpage giả mạo của các chính khách, đặc biệt là các quan chức chính phủ hàng đầu trôi nổi trên mạng xã hội.
Là người đứng đầu Chính phủ Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng luôn nhận được sự quan tâm của công chúng, trong đó có cộng đồng mạng.
Hiện trên Facebook, có rất nhiều Fanpage mang tên Thủ tướng, trong đó trang Fanapge có nhiều lượt follow (theo dõi) nhất lên đến 760.000 người theo dõi. Hệ thống trang Fanpage này có link đến một website cùng tên, domain của website có địa chỉ đăng ký từ Hoa Kỳ.
Trên Fanpage mang tên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có rất nhiều nội dung không liên quan đến các hoạt động của Thủ tướng Chính phủ, trong khi trang này có những like liên kết “vô tội vạ” đến các Fanpage khác.
Nhiều Fanpage mang tên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng cũng được lập ra, những tài khoản này có thể đến từ những người yêu mến lãnh đạo, hoặc cũng lập ra với mục đích “câu view”...
Fanpage mang tên Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng có 89.000 người theo dõi, nhưng nội dung trên trang lại dùng để chia sẻ các thông tin thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau.
Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang cũng là người bị lấy tên nhiều nhất để sử dụng cho Fanpage và các tài khoản cá nhân, riêng Fanpage mang tên ông có trên 370.000 lượt like.
Những Bộ trưởng hay có dịp tiếp xúc với dân chúng như Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng bị giả mạo Facebook và Fanpage, với lượng like lên đến hàng chục nghìn, trong khi các Bộ trưởng khác trong Chính phủ Việt Nam đều bị giả mạo các tài khoản mạng xã hội với số lượng khác nhau.
Làm thế nào để loại bỏ các tài khoản giả mạo?
Hiện tại, nếu bạn muốn tạo một số tài khoản trùng tên các cá nhân nổi tiếng trên toàn thế giới như Mark Zuckerberg, Steve Jobs, Obama… thì Facebook ngay lập tức sẽ đưa ra cảnh báo: “Dường như bạn đang cố gắng tạo tài khoản cho một người nổi tiếng, tài khoản giả mạo không được chấp nhận trên Facebook, nếu tên của tài khoản này không giống như tên của bạn, Facebook của bạn sẽ bị đình chỉ… Nếu bạn nghĩ đây là sự nhầm lẫn, hãy cho chúng tôi biết”.
Nếu các tài khoản trùng tên nào đó, bị báo cáo liên tục, Facebook cũng đưa tên tài khoản vào trong nhóm những tài khoản có nguy cơ bị giả mạo, để cảnh báo cho người dùng khi họ muốn đăng ký.
Trên giao diện của các trang cá nhân và fanpage Facebook đều cung cấp công cụ để báo cáo các tài khoản spam, giả mạo và đưa những nội dung không phù hợp, người bị báo cáo sẽ buộc phải gửi cho Facebook những tài liệu để xác nhận thông tin cá nhân, tổ chức. Nếu không cung cấp được, tài khoản người dùng sẽ bị loại bỏ.
Những tài khoản mạo danh có thể sử dụng uy tín của những người mà họ mạo danh để truyền bá thông tin sai lệch, hoặc để lừa đảo với những mục đích khác nhau, hoặc đơn thuần để vụ lợi với mục đích kiếm chác.
Nhiều domain quốc tế mang tên chính khách và doanh nhân nổi tiếng đã bị đăng ký và rao bán, có link tới các trang Fanpage, ví dụ Domain trùng tên với Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đang được bán với giá 2.125 USD.
Nếu bạn phát hiện những Fanpage và tài khoản trùng tên, trong đó lấy ảnh đại diện (Avatar) là các chính khách nổi tiếng, bạn nên click thông báo với Facebook để xác định danh tính tài khoản, góp phần đảm bảo cho sự lành mạnh của thông tin trên Facebook nói riêng và mạng xã hội nói chung.
------------------------
Bơ phờ trên chuyến tàu Tết tăng cường
Chuyến tàu tăng cường số hiệu SQ1 từ ga Quảng Ngãi đưa chúng tôi vào lại Sài Gòn sau những ngày nghỉ tết vào chiều tối mùng 8 tết đã khiến nhiều hành khách vô cùng mệt mỏi.
Chúng tôi mua vé ngồi ghế cứng ở toa số 5, khi lên tàu thấy trong toa còn được tăng cường bán thêm nhiều chỗ ngồi là loại ghế phụ (ghế nhựa), hành khách ngồi chật kín cả lối đi.
Ở phía bên trên chỗ để hành lý cho hành khách và phía dưới ghế ngồi cứng là chỗ ngồi của chúng tôi - hành lý của nhiều hành khách vào trước đã nhét chật cứng.
Chúng tôi gọi nhân viên phụ trách của toa tàu đến để phàn nàn thì chỉ nhận được câu nói an ủi rằng hãy thông cảm với nhau trong ngày tết. Không có chỗ để chân, chúng tôi đành phải ngồi bó gối ngay chỗ ngồi của mình.
Ngồi bó gối lâu quá tê cứng cả chân, chúng tôi đành phải lựa chọn giải pháp ra khỏi chỗ ngồi, đi vào các toa tàu khác cho đỡ mỏi mệt, thì thấy ở nhiều toa khác cũng chung tình trạng ghế phụ chật kín lối đi.
Những người ngồi ghế phụ còn khổ sở hơn ngồi ghế cứng như chúng tôi. Ghế phụ chỉ là ghế nhựa nhỏ “di động”, người ngồi không thể ổn định.
Cứ mỗi lần có hành khách đi lại hoặc xe đẩy của nhân viên phục vụ bán thức ăn, nước uống cho hành khách trên toa tàu đi qua là hành khách ngồi ghế phụ phải vội vàng xách ghế nhựa đứng lên hoặc nép người vào chỗ hành khách ngồi ghế chính để nhường chỗ đi lại.
Cứ phải liên tục đứng lên, ngồi xuống, nép người... để tránh chỗ, tôi thấy vẻ mỏi mệt xuất hiện trên mặt nhiều người ngồi ghế phụ khi tàu rời ga chưa được bao lâu.
Hơn 22h, khi những chuyến xe đẩy của nhân viên bán thức ăn, nước uống trên tàu cho hành khách bắt đầu nghỉ phục vụ.
Hành khách tranh nhau tìm chỗ dưới sàn tàu, là lối đi lại của hành khách trong mỗi toa tàu, để lót áo mưa, lót chiếu đã mua dưới ga mang lên hoặc lót giấy báo nằm ngủ cho đỡ mệt. Lối đi của toa tàu chật cứng.
Một số hành khách không tìm được chỗ nằm trong toa đành phải tìm chỗ nằm, ngồi ngủ nơi cửa lên xuống hay cạnh nhà vệ sinh, bồn rửa mặt.
Mặc dù trong toa tàu có trang bị nhiều quạt máy, mở vù vù vào ban đêm và thời tiết ban đêm khá lạnh nhưng hơi nóng từ lượng hành khách quá đông ngồi, nằm ngủ vật vạ trên tàu khiến không khí vô cùng bức bối.
Lúc này trong toa gần như không còn chỗ để đi lại. Nhiều hành khách phải trèo cả lên thành ghế cứng để đi vệ sinh vì sợ giẫm đạp vào những người đang nằm ngủ dưới sàn tàu.
Một vài hành khách lịch sự, sau khi ra khỏi nhà vệ sinh đã tháo giày dép của mình ra cầm trên tay vì ngại đạp giày dép bẩn vào chỗ nằm ngủ của người khác. Thú thật, dù khát nước nhưng chúng tôi không dám uống nhiều từ khi lên tàu vì mỗi lần muốn ra khỏi chỗ ngồi để đi vệ sinh thật khó.
Những hình ảnh trên chuyến tàu tăng cường SQ1 từ ga Quảng Ngãi mà chúng tôi đã đi vào mùng 8 tết thực tế không xa lạ với các hành khách thường xuyên đi lại bằng tàu lửa để về thăm quê dịp tết nhiều năm qua.
Trong suốt chuyến đi trên tàu, chúng tôi cứ thấy ngột ngạt, bức bối, đôi chân tê cứng vì tư thế ngồi bó gối... Nhiều hành khách cũng chung tâm trạng như chúng tôi.
Đó là chưa kể trong tôi còn có nỗi lo lỡ có xảy ra sự cố bất trắc trên tàu trong đêm (ví dụ như ai đó hút thuốc vô tình gây cháy) thì làm sao tránh khỏi cảnh giẫm đạp lên nhau khi kẻ nằm người ngồi la liệt và các lối đi gần như bị choán hết chỗ?
Đành rằng trong ngày tết nhu cầu đi lại tăng cao, nhưng tôi nghĩ việc bán ghế phụ đã khiến hàng trăm hành khách phải chịu cảnh vật vã, mệt mỏi đến bơ phờ trên mỗi chuyến tàu tết, chưa kể mối nguy hiểm rình rập.
Rất mong ngành đường sắt nghiên cứu để đảm bảo hành khách có được sự thỏa mái và an toàn hơn trên mỗi chuyến tàu.
------------------
Facebook bị chê 'hơi đơn điệu', thư ký Bộ trưởng nói gì?
Có ý kiến thẳng thắn nhận xét rằng thông tin trên fanpage của Bộ trưởng Bộ Y tế hơi đơn điệu, chủ yếu dẫn link từ các báo.
Không thể hiện quan điểm
Thông tin từ Văn phòng Bộ Y tế cho hay nhằm tiếp nhận phản ánh của người dân, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đưa trang fanpage (Facebook)của mình vào hoạt động tại địa chỉ: https://www.facebook.com/botruongboyte.vn.
Fanpage do Bộ trưởng Bộ Y tế trực tiếp quản lý và điều hành, cập nhật những thông tin mới trong lĩnh vực y tế và tiếp nhận những phản ánh của quần chúng nhân dân. Một số trang khác được lập ra lấy danh nghĩa và hình ảnh Bộ trưởng Tiến được cơ quan ngôn luận của Bộ Y tế khẳng định là giả mạo.
Dù mới công khai ngày 28/2, nhưng đến 10h sáng 3/3, Facebook của Bộ trưởng đã nhận được 95.000 lượt "like". Bộ trưởng Tiến là bộ trưởng đầu tiên trong Chính phủ đương nhiệm công khai địa chỉ facebook chính thức.
Ngay sau khi thông tin về Facebook chính thức của Bộ trưởng Tiến được công bố, nhiều người dân thể hiện sự ủng hộ. Tranh thủ kênh thông tin này, có bệnh nhân phản ánh tình trạng vệ sinh rất kém tại khoa Thận - Cơ xương khớp, Bệnh viện trung ương Huế nhưng vẫn dành lời khen cho đội ngũ bác sĩ rất nhiệt tình.
Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến bày tỏ lo ngại Bộ trưởng Bộ Y tế quá bận rộn, sẽ không đủ thời gian để trả lời những thắc mắc của người dân trên Facebook, hay thậm chí thẳng thắn nhận xét rằng thông tin trên fanpage hơi đơn điệu, chủ yếu dẫn link từ các báo chứ không cung cấp các thông tin, quan điểm về những vấn đề được dư luận quan tâm.
Fanpage chỉ để tiếp nhận thông tin
Liên quan đến vấn đề này TS Hà Anh Đức, Phó chánh Văn phòng Bộ Y tế, Thư ký Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: “Fanpage của bộ trưởng có mục tiêu chủ yếu là đưa ra các hoạt động của ngành, đầu tiên là cung cấp thông tin đến với công luận, sau khi nhận được những phản hồi, góp ý từ phía người dân, Bộ trưởng sẽ xem xét và có những biện pháp xứ lý thích hợp.
Ví dụ như có những người phàn nàn về thái độ ứng xử của đội ngũ cán bộ y tế, việc đóng tiền hay thủ tục khám bảo hiểm… Trên cơ sở đó Bộ Y tế sẽ liên hệ với các chính sách hiện tại để có những nghiên cứu, điều chỉnh cho phù hợp. Có những vấn đề người dân kiến nghị có thể trả lời trực tiếp trên Fanpage, tuy nhiên, có những việc cần phải chỉ đạo các đơn vị trực thuộc bộ để ngiên cứu.”
Theo TS Hà Anh Đức, vì bản chất Facebook là một kênh để đưa các thông tin đến với dư luận, nên ngành y tế không thể ngồi viết mà phải lấy thông tin từ các báo chính thống, qua đó nhận được những phản hồi của cộng đồng sử dụng.
Facebook chỉ là một trong rất nhiều kênh để ngành y tế tiếp nhận phản hồi. Có rất nhiều người Việt không có máy tính, smartphone để dùng Facebook. Tuy nhiên, đường dây nóng của ngành y tế tiếp cận 1.400 bệnh viện và công bố rộng khắp trên các phương tiện thông tin đại chúng. Và thực tế kênh này đã tiếp nhận được rất nhiều phản hồi của người dân phản ánh những vấn đề chưa hợp lý mà chính họ mắt thấy tai nghe trong quá trình khám chữa bệnh.
Bộ trưởng lướt Facebook trên ôtô
Trả lời về việc Facebook cá nhân và fanpage của bộ trưởng sẽ do Bộ trưởng xử lý hay do các nhóm nhân viên cập nhật, TS Hà Anh Đức cho biết tùy theo thời gian của Bộ trưởng vì đương nhiên Bộ trưởng rất bận rộn không thể lúc nào cũng trả lời các phản hồi của người dân.
"Nhưng có những lúc đi trên ôtô mở iPad hay buổi tối, Bộ trưởng cũng cố gắng tranh thủ xem và trả lời các thông tin mà người dân cung cấp thông qua kênh mạng xã hội", ông Đức cho biết.
--------------------