Súng, đạn, máy phá sóng... là các mặt hàng quản lý đặc biệt, muốn nhập khẩu, sử dụng phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của pháp luật, đặc biệt phải có giấy phép của cơ quan quản lý chuyên ngành. Nhưng trên thực tế, hiện nay, các mặt hàng nói trên vẫn đang thâm nhập vào nước ta qua đường hàng không khiến cho việc quản lý trở nên phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với việc đảm bảo an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.
Phát hiện nhiều vụ vận chuyển súng đạn qua đường hàng không
Vụ việc mới đây nhất được phát hiện vào trước Tết nguyên đán Ất Mùi mấy ngày. Theo đó, chiều 14/2/2015, Công an quận Tân Bình, TP HCM cho biết, cơ quan này đang phối hợp cùng Trung tâm An ninh hàng không sân bay quốc tế (SBQT) Tân Sơn Nhất để điều tra, làm rõ về một vụ chuyển kiện hàng chứa một khẩu súng qua đường cửa khẩu sân bay này.
Thông tin ban đầu, khoảng 15h ngày 11/2, lực lượng làm nhiệm vụ tại SBQT Tân Sơn Nhất khi kiểm tra hàng hóa của kho hàng hóa nội địa đã phát hiện một kiện hàng trong số hàng hóa của Công ty cổ phần dịch vụ hàng hóa Sài Gòn - SCSC (địa chỉ trên đường Phan Thúc Duyện, phường 4, quận Tân Bình) có nghi vấn. Qua kiểm tra thực tế, lực lượng này phát hiện bên trong kiện hàng có chứa một khẩu súng màu đen hiệu Sharp Tiger, trong đó báng súng và ống ngắm đều bằng nhựa cứng nhưng được tháo rời.
Nếu đúng lịch trình thì kiện hàng nói trên sẽ được sắp xếp lên chuyến bay của hãng VietJet Air, khởi hành từ TP HCM đi Vinh (Nghệ An) lúc 17h40 cùng ngày. Bước đầu cơ quan chức năng xác định, kiện hàng trên do anh N.T.D. (34 tuổi, thường trú Hà Nội, tạm trú quận Tân Bình) là nhân viên của đại lý thuộc Công ty Cổ phần Thương mại dịch vụ vận tải BHK (trụ sở đóng tại quận Bình Tân) gửi ngày 11/2, khai báo trên tờ hướng dẫn gửi hàng là "ống hơi công nghiệp".
Qua làm việc, anh D. cho biết kiện hàng trên do Công ty TNHH Vận chuyển hàng hóa Kerry (trụ sở đường Bạch Đằng, phường 2, quận Tân Bình) gửi cho Công ty cổ phần Thương mại dịch vụ vận tải BHK ngày 11/2. Tiếp tục làm việc với đại diện Công ty Kerry, cơ quan chức năng xác định ngày 10/2, chi nhánh Công ty Kerry ở tỉnh Bình Thuận có nhận từ một người tên Hoàng gửi cho một đối tượng ở tỉnh Cao Bằng. Sau đó, chi nhánh ở Bình Thuận gửi vào chi nhánh ở TP HCM để chuyển cho khách. Công an quận Tân Bình đã tiến hành lập biên bản tạm giữ tang vật trên để xác minh, điều tra mở rộng vụ việc.
Ngoài vụ việc mới nhất này thì từ cuối tháng 12/2014 đến nay, cơ quan chức năng đã phát hiện gần 10 vụ vận chuyển vũ khí trái phép qua đường hàng không. Như ngày 16/1/2015, nhân viên bộ phận soi chiếu hàng hóa (Trung tâm An ninh hàng không) của SBQT Tân Sơn Nhất kiểm tra 36 kiện hàng của Công ty Kerry TTC (trụ sở ở phường 4, quận Tân Bình) gửi chuyển ra Hà Nội trên chuyến bay VJ198 từ TP HCM đã phát hiện có nhiều vật phẩm nghi là súng nên cấp báo cho các đơn vị liên quan đến kiểm tra thì tìm thấy trong hộp carton có chứa các bộ phận được tháo rời của một khẩu súng nên lập biên bản thu giữ. Sau khi hoàn tất hồ sơ bước đầu, ngày 18/1, Trung tâm An ninh hàng không đã bàn giao hồ sơ vụ việc cho Công an quận Tân Bình thụ lý điều tra theo thẩm quyền.
Trước đó, một số vụ việc tương tự cũng bị phát hiện tại SBQT Tân Sơn Nhất. Ngày 1/1/2015, tại kho hàng SCSC (đường Thăng Long, phường 4, quận Tân Bình), cơ quan chức năng phát hiện trong kiện hàng của Công ty Netco (đường Hoàng Văn Thụ, quận Phú Nhuận) có một khẩu súng. Hay chiều 31/12/2014, Công ty TNHH Viet Aviation (đường Trường Sơn, phường 2, quận Tân Bình) gửi kiện hàng khai báo là linh kiện điện tử, linh kiện xe máy... chuyển từ TP HCM ra Hà Nội trên chuyến bay VJ192, nhưng nhân viên an ninh phát hiện trong kiện hàng có chứa nhiều bộ phận của một khẩu súng do Mỹ sản xuất đã được tháo rời.
Trước đó, hai nhân viên Công ty GNN (phường 4, quận Tân Bình) mang cây đàn guitar bên trong cất giấu một quả lựu đạn, một súng trường và 10 viên đạn vào làm thủ tục gửi hàng tại kho hàng quốc nội SBQT Tân Sơn Nhất để chuyển ra phía Bắc cũng bị phát hiện bắt giữ…
Hậu quả khôn lường từ các thiết bị phá sóng nhập lậu
Không chỉ các loại súng đạn, nhiều thiết bị phá sóng cũng bị phát hiện khi được vận chuyển trái phép từ nước ngoài về Việt Nam qua đường hàng không trong các túi chuyển phát nhanh, hành lý. Đây là những thiết bị rất hiện đại, tinh vi nếu không bị phát hiện, ngăn chặn kịp thời sẽ có những hậu quả khôn lường khi các đối tượng nhập khẩu trót lọt vào trong nước.
Có thể kể vào nửa cuối tháng 7/2014, Chi cục Hải quan Chuyển phát nhanh (Cục Hải quan TP HCM) đã phát hiện vụ nhập khẩu trái phép lô hàng thiết bị phá sóng súng bắn tốc độ xe cơ giới. Lô hàng này do một cá nhân ngụ tại quận 3, TP HCM đăng ký hai tờ khai nhập khẩu theo loại hình phi mậu dịch.
Kiểm tra thực tế hàng hóa nhập khẩu, cơ quan Hải quan xác định, toàn bộ các thiết bị nhập khẩu thuộc hai tờ khai trên là các thiết bị điện tử đồng bộ, tất cả đều có xuất xứ Đan Mạch. Tổng cộng gồm 5 bộ (mỗi bộ gồm 1 hộp điều khiển và 4 cục cảm biến cùng các thiết bị phụ trợ), trọng lượng 8,5kg, hiệu Blinder, model Compact series. Kết quả giám định cho thấy, thiết bị này là bộ máy phá sóng lắp trên các loại xe ô tô để phát hiện và vô hiệu hóa sóng phát ra (chức năng đo tốc độ) từ súng bắn tốc độ của lực lượng Cảnh sát giao thông. Đây là mặt hàng thuộc Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu ban hành kèm theo Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20-11-2013 của Chính phủ. Tuy nhiên, sau khi bị cơ quan Hải quan phát hiện, tạm giữ hàng hóa, người đứng tên nhận hàng đã từ chối lô hàng, với lý do phía nước ngoài gửi nhầm!?
Trước đó, Chi cục Hải quan chuyển phát nhanh kiểm tra lô hàng do Công ty Shenzhen Northtong Technology (một công ty ở Trung Quốc chuyên sản xuất các thiết bị về an ninh) gửi cho Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Ánh Sáng Việt, phát hiện 5 bộ thiết bị gây nhiễu thông tin di động không ký mã hiệu, có xuất xứ từ Trung Quốc.
Không chỉ lợi dụng nhập lậu qua những lô hàng quà biếu gửi qua đường bưu điện, một số đối tượng còn nhập khẩu trái phép qua đường hàng không. Ngày 13/5/2014, Chi cục Hải quan cửa khẩu SBQT Tân Sơn Nhất phối hợp với Công an TP HCM kiểm tra và phát hiện một lô hàng nhập khẩu từ Trung Quốc chứa nhiều thiết bị phá sóng. Lô hàng này được nhập khẩu và gửi cho người nhận là ông Nguyễn Văn Trung, ngụ huyện Hóc Môn, TP HCM. Kiểm tra trọng điểm đối với lô hàng này, Chi cục Hải quan cửa khẩu SBQT Tân Sơn Nhất phát hiện có 11 bộ thiết bị điện tử là máy phá sóng điện thoại và 3 thanh kiếm bằng kim loại dài 1,1 m/chiếc.
Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, 11 bộ thiết bị điện tử máy phá sóng điện thoại nêu trên là loại máy phá sóng đời mới, gồm 1 máy chủ và 10 máy phụ cầm tay hiệu Hole site to thetripot. Những thiết bị phá sóng trên là thiết bị gây nhiễu cấm nhập khẩu theo quy định tại Điều 6 Quyết định số 60/QĐ-TTg ngày 2/5/2008 của Thủ tướng Chính phủ, chỉ có các lực lượng Công an, Quân đội được cấp phép mới được nhập khẩu và sử dụng…
Theo quy định chung, súng đạn, thiết bị phá sóng, gây nhiễu thông tin di động đều là mặt hàng cấm nhập khẩu thuộc danh mục vũ khí ban hành kèm theo Pháp lệnh số 16/2011/UBTVQH12 ngày 30/6/2011 và Nghị định 25/2012/NĐ-CP ngày 5/4/2012 quy định pháp lệnh quản lý và sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Đây là các mặt hàng vi phạm nghiêm trọng đến việc đảm bảo an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội. Do đó, với các mặt hàng này, phải có giấy phép nhập khẩu và chỉ có Bộ Quốc phòng và Bộ Công an mới được phép sử dụng đúng mục đích phòng ngừa, ngăn chặn các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia. Các trường hợp đặc biệt khác phải được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho phép.
Tuy nhiên, một số đối tượng vẫn lợi dụng việc cất giấu những mặt hàng này trong các lô hàng quà biếu, quà tặng để gửi về Việt Nam. Điều đáng nói hơn, khi bị cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ, các đối tượng đứng tên người nhận hàng lại đều từ chối, với lý do muôn thuở là do phía nước ngoài gửi nhầm, họ không liên quan gì đến lô hàng?!
Riêng các thiết bị vô tuyến điện không có giấy phép nhập khẩu theo quy định, theo Bộ Thông tin và Truyền thông, việc nhập khẩu và sử dụng các thiết bị này có khả năng gây can nhiễu cho các hệ thống định vị GPS; hệ thống dẫn đường hàng không, hàng hải; hệ thống bảo mật thông tin; hệ thống thông tin phục vụ an ninh, quốc phòng; hệ thống mạng thông tin di động 3G tại Việt Nam…
Theo ông Tống Lê Dân, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu SBQT Tân Sơn Nhất, tình hình buôn bán, vận chuyển các mặt hàng cấm qua đường hàng không về sân bay này vẫn diễn biến hết sức phức tạp; có chiều hướng gia tăng cả về số lượng, tính chất và mức độ phạm tội, với thủ đoạn mới cực kì tinh vi... đòi hỏi lực lượng Hải quan và các ban ngành chức năng phải luôn đặc biệt quan tâm, kiểm tra, giám sát chặt chẽ, nhằm kịp thời phát hiện và ngăn chặn những hành vi phạm pháp nghiêm trọng này.
Trong đó, công tác phối hợp giữa Chi cục và các cơ quan liên quan như Tổng cục Cảnh sát, Cục C47B - Bộ Công an, Phòng PC47 - Công an TP HCM, Đồn Công an cửa khẩu sân bay, Tổng cục Hải quan, Cục Hải quan TP.HCM, Chi cục Hải quan Chuyển phát nhanh… cần tiếp tục được phát huy và nâng cao để sàng lọc các đối tượng, kiểm tra, chặn bắt các đối tượng tình nghi hay bắt quả tang vận chuyển trái phép các mặt hàng cấm này.
----------------------
Cấm nới rộng khoang chở hàng của xe khách
Đó là quy định tại Thông tư số 85 của Bộ GTVT quy định về cải tạo phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, có hiệu lực từ ngày 10/3, áp dụng đối với xe cơ giới đã đăng ký biển số hoặc đã qua sử dụng được phép nhập khẩu.
Thông tư quy định 23 trường hợp cụ thể mà chủ phương tiện không được thực hiện khi cải tạo xe cơ giới như: Không cải tạo thay đổi công dụng với xe đã sử dụng trên 15 năm, không cải tạo xe chở người thành loại khác và ngược lại (trừ xe 16 chỗ thành xe tải VAN), không cải tạo hệ thống treo của xe, không thay đổi kích cỡ lốp, không tăng chiều dài toàn xe, không tăng kích thước lòng thùng xe…
Thông tư cũng quy định 7 trường hợp được miễn lập hồ sơ thiết kế xe cơ giới cải tạo, trong đó có trường hợp xe tải tự đổ có nhu cầu tự nguyện cắt thảm thể tích thùng hàng để phù hợp quy định hiện hành.
----------------------
Xem xét việc tịch thu xe máy đi vào đường cao tốc
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải vừa chỉ đạo nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ tăng nặng chế tài xử phạt hành vi điều khiển môtô, xe máy tham gia giao thông trên đường cao tốc, "trong đó xem xét phương án tịch thu xe máy, bán đấu giá để lấy tiền ủng hộ người nghèo".
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Trọng Thái, Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho hay, đơn vị này đang soạn thảo Dự thảo trình các cơ quan liên quan để lấy ý kiến, trong đó việc xử phạt hành vi đi xe máy vào đường cao tốc chỉ là một trong những hành vi của dự thảo.
Một số hành vi khác cũng sẽ được xem xét xử phạt theo hướng tăng nặng như xe chở quá tải trọng, quá số người cho phép, đi xe máy đèo 3-4 người, không đội mũ bảo hiểm…
“Việc có thể tịch thu xe máy nếu đi vào đường cao tốc mới chỉ là ý tưởng ban đầu của Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, chúng tôi sẽ nghiên cứu, xem xét và lấy ý kiến của các bộ, ngành liên quan, nhưng chắc chắn theo hướng tăng nặng xử phạt".
------------------------
Khởi tố 13 đối tượng vận chuyển lậu 700 tấn than
Ngày 3/3, CA TP Hạ Long đã quyết định khởi tố 13 đối tượng liên quan đến vụ khai thác, vận chuyển than trái phép đã được cơ quan chức năng phát hiện bắt quả tang vào đêm 2/3.
Theo đó, đêm 2/3, trên tuyến đường 337, thuộc địa phận phường Hà Khánh, TP Hạ Long, các lực lượng chức năng đã kiểm tra, bắt giữ 11 lái xe điều khiển 9 chiếc xe tải hạng nặng trong đó có 6 xe chở đầy, ước tính có khoảng 700 tấn than và 2 đối tượng đi kèm lo nhiệm vụ bốc xúc.
Các đối tượng khai nhận, số than trên một phần được khai thác từ Hoành Bồ, một phần từ vỉa bãi thải của khai trường 917 của Công ty than Hòn Gai – TKV nằm trên địa bàn phường Hà Khánh.
Vụ việc đang được cơ quan chức năng làm rõ.
---------------------