Ngày 7.11, báo Tiền Phong đăng bài “Loạn nhà báo rởm - Nguyên nhân của sự lộng hành” trong đó có đề cập đến cộng tác viên Lê Phi Long của báo Lao Động tại Quảng Bình (QB) với những sự kiện, câu chữ sai sự thật, vu khống, xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín của cộng tác viên Lê Phi Long.
Hoàng Nam - tác giả của bài viết nói trên đã viết: “Nghiêm trọng hơn, có không ít nhà báo rởm ngang nhiên trưng bảng văn phòng đại diện, văn phòng thường trú ở những vị trí đắc địa trên địa bàn TP.Đồng Hới mà không hề bị xử lý. Đơn cử, ông Lê Phi Long (nhân viên của Bệnh viện Việt Nam - Cu Ba - Đồng Hới, cộng tác viên của báo Lao Động với bút danh Linh Đan) đã ngang nhiên dựng bảng, thành lập văn phòng thường trú của báo này”.
Trước hết, xin khẳng định: Anh Lê Phi Long không phải là “nhà báo rởm”. Là một thạc sĩ khoa học, anh Lê Phi Long bắt đầu viết báo, cộng tác viên (CTV) của báo điện tử VTC News từ năm 2008; từ 2010 đến nay là CTV của Báo Lao Động. Sau 6 năm làm CTV báo tại QB, anh Lê Phi Long đã có nhiều đóng góp về tin bài, hoạt động xã hội từ thiện tích cực. Riêng về số lượng tin bài thể hiện qua nhuận bút cho thấy đây là một cây bút chuyên nghiệp, không thua kém các nhà báo trong biên chế của các tờ báo.
Tại cuộc làm việc với Báo Lao Động chiều 7.11, Phòng Báo chí - Xuất bản và lãnh đạo Sở Thông tin Truyền thông (TTTT) QB khẳng định: “Quá trình hoạt động báo chí trên địa bàn tỉnh QB, ông Lê Phi Long chưa có vi phạm nào về Luật Báo chí và các văn bản hiện hành về hoạt động báo chí. Chưa có phản ánh xấu nào về tư cách, đạo đức, lối sống của ông Lê Phi Long”.
Anh Lê Phi Long hiện công tác tại khoa vi sinh BV Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới. Chiều 7.11, lãnh đạo BV cho biết anh Long chưa bao giờ bị kỷ luật, chưa hề bị nhắc nhở về vi phạm giờ giấc làm việc. “Quan điểm của BV là anh Long làm tốt công việc ở cơ quan, còn ngoài giờ anh Long làm gì là thuộc quyền của anh Long, chịu sự chi phối, điều chỉnh của pháp luật và tổ chức Đảng” - một lãnh đạo BV nói. Suốt 8 năm làm việc tại BV Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới, anh liên tục là lao động tiên tiến và chiến sĩ thi đua.
Tác giả Hoàng Nam của Báo Tiền Phong viết rằng “nhà báo rởm” Lê Phi Long đã “ngang nhiên trưng bảng văn phòng đại diện, văn phòng thường trú (…) tại Đồng Hới (QB) mà không hề bị xử lý”. Về vấn đề này, Sở TTTT tỉnh QB khẳng định rằng, việc đặt văn phòng liên lạc của Báo Lao Động tại QB là do cơ quan Báo Lao Động thực hiện chứ không phải do cá nhân ông Lê Phi Long hoặc bất cứ cá nhân nào khác thực hiện.
Về việc này, hồ sơ tại các cơ quan chức năng tỉnh QB cho thấy, vào ngày 18.12.2013, Ban biên tập Báo Lao Động có công văn số 1157-2013/CV-BLĐ gửi LĐLĐ tỉnh QB đề nghị cho Báo Lao Động mượn 1 phòng làm việc để làm văn phòng liên lạc. Sau đó, LĐLĐ tỉnh QB đã chỉ đạo Trường Trung cấp nghề số 9 (thuộc hệ thống Công đoàn) cho mượn 1 phòng làm việc.
Ông Hoàng Việt Hùng - Giám đốc Sở TTTT tỉnh QB - nói: “Quá trình mở văn phòng liên lạc của Báo Lao Động tại QB, Sở TTTT đã nhận được thông báo và đã trả lời rằng việc mở Văn phòng liên lạc không có trong các quy định hiện hành nên đề nghị cơ quan báo thực hiện và hoạt động theo nhu cầu phát triển, quy định của tòa soạn và đảm bảo đúng quy định của pháp luật”.
Tại cuộc làm việc chiều 7.11, Giám đốc Sở TTTT tỉnh QB thông tin rằng bài viết “Loạn nhà báo rởm - Nguyên nhân của sự lộng hành” đăng trên Tiền Phong điện tử sáng 7.11 đến cuối giờ chiều cùng ngày đã được gỡ đi phần viết liên quan đến CTV Lê Phi Long và Báo Lao Động. Tuy nhiên, ông Hùng nói rằng, xung quanh bài viết này vẫn còn những vấn đề cần được trao đổi, làm sáng tỏ. Lãnh đạo Sở TTTT tỉnh QB đã thống nhất quan điểm việc Báo Lao Động đặt văn phòng liên lạc tại QB với mục đích trao đổi thư từ, thông tin, liên lạc về hoạt động xã hội từ thiện, phát hành báo chí, không phải là cơ quan đại diện của báo.
Ông Văn Tất Thu - Thứ trưởng Bộ Nội vụ: Việc báo Lao Động ký hợp đồng với một viên chức hoặc bất kỳ người lao động nào có đủ năng lực hành vi dân sự làm cộng tác viên cho báo là hoàn toàn thuộc quyền của báo. Luật Lao động cho phép làm việc đó. Còn làm những việc cụ thể như thế nào thì phải tuân thủ luật chuyên ngành.
Ông Hà Minh Huệ - Phó Chủ tịch thường trực Hội nhà báo Việt Nam: “Việc cơ quan báo chí ký hợp đồng với viên chức, người lao động của các cơ quan khác làm cộng tác viên, thông tín viên cho cơ quan báo chí là hoàn toàn được phép, miễn là cộng tác viên, thông tín viên đó có nguồn thông tin đáp ứng yêu cầu của tờ báo. Tờ báo xử lý thông tin đó như thế nào là quyền của báo chí. Tuy nhiên cơ quan báo chí không được cấp thẻ cho cộng tác viên, thông tín viên. Việc cộng tác viên, thông tín viên lấy được nguồn tin để viết báo đó là trách nhiệm của cộng tác viên, thông tín viên theo hợp đồng”.