Vụ rơi thanh thép khiến 1 người đi đường chết, 3 người bị thương tại dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) một lần nữa gióng lên tiếng chuông về an toàn khi thi công các công trình ở khu dân cư, đường giao thông.
Cần cẩu, những đống bê tông, sắt thép trọng tải hàng tấn đặt giữa đường luôn là nỗi ám ảnh với người đi đường khu vực thi công dự án Cát Linh - Hà Đông - Ảnh: Lê Quân
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, hàng loạt tuyến phố của Hà Nội như Nguyễn Trãi, Cầu Giấy, Hoàng Cầu… đang trở thành đại công trường xây dựng, quây rào, tôn che kín để phục vụ thi công tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, Nhổn - ga Hà Nội, đường Vành đai 2 trên cao…
Trên tuyến Nguyễn Trãi, Hoàng Cầu, các đơn vị đã thi công xong phần móng cột và đang lao dầm tại nhiều đoạn. Đặc biệt, để thi công các nhà ga, đơn vị thi công phải xây dựng giàn giáo quây kín phía trên chiếm toàn bộ bề ngang lòng đường, khiến người đi đường hằng ngày nơm nớp lo ngại mỗi khi đi qua bên dưới. Chưa kể, để thi công, những chiếc cần cẩu vươn lên sừng sững giữa đường thường xuyên vận chuyển vật liệu sắt thép nặng vài tấn lên cao luôn là nỗi ám ảnh của rất nhiều người dân hằng ngày phải lưu thông trên các tuyến đường trên.
“Bê tông rơi xuống đường thì có mà tan xác”
Tại QL32, đoạn đối diện Quận ủy Nam Từ Liêm đang ngổn ngang nhiều tảng bê tông nặng tới nửa tấn/tảng xếp thành hàng rào tới 5 - 6 m nằm chênh vênh ở dải phân cách giữa lòng đường, trong khi hàng rào phía dưới đường rất thấp. Bà Nguyễn Thị Vinh, một người dân sống gần khu vực này, lo lắng: “Mỗi lần đi qua đây tôi đều thấy thót tim. Chẳng may tảng bê tông rơi xuống đường thì có mà tan xác”.
Mới cảnh báo đã có tai nạn
Trao đổi với PV Thanh Niên tối qua, ông Trần Xuân Sanh, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông, cho biết ngày 15.10 đoàn công tác của Bộ GTVT đã kiểm tra hiện trường thi công dự án Cát Linh - Hà Đông và đưa ra cảnh báo về mặt an toàn thi công. Ngày 16.10, Cục đã có văn bản nhắc nhở, lưu ý Ban quản lý dự án, nhà thầu thi công phải rà soát quy trình, yêu cầu thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn như tăng cường biển báo, ghi số điện thoại người phụ trách công trường lên các biển báo. Tuy nhiên, chỉ ít lâu sau lời nhắc nhở này, tai nạn đã xảy ra.
Mai Hà
Tại TP.HCM, việc thi công nhiều công trình ở khu dân cư, sát đường phố cũng ẩn chứa nguy cơ mất an toàn. Trên công trình Trung tâm xúc tiến thương mại Hàng Hải (đường Lê Thánh Tôn, Q.1), hai chiếc cần cẩu thường xuyên hoạt động hết công suất. Đây là khu vực đông dân cư, dự án lại nằm ngay sát khu dân cư khiến người dân nơi đây rất bất an. Cách đó không xa, dự án Saigon Plaza do Công ty CP Quốc Cường Liên Á làm chủ đầu tư, một chiếc cần cẩu đặt ngay sát lề đường khiến người dân đi qua đi lại thấy ớn.
Mới đây, Sở Xây dựng TP.HCM tiến hành kiểm tra 19 dự án và đã phát hiện một số dự án vi phạm về sử dụng cần trục không đảm bảo quy định, an toàn lao động. “TP đã có quy định rõ ràng, không phải cần trục muốn thò ra đường lúc nào thì ra. Nhưng đa số chưa tuân thủ. Tuy nhiên, có điều khó hiện nay là chỉ mới có quy định như vậy mà chưa có hình thức chế tài, xử phạt hành chính, chỉ khi nào chết người công an mới vào cuộc”, một cán bộ Sở Xây dựng nói.
Theo ông Nguyễn Bật Hận, Phó chánh thanh tra Sở GTVT TP.HCM, tuần qua thanh tra đã lập 21 biên bản vi phạm hành chính các nhà thầu để xảy ra nhiều sai phạm gây mất an toàn giao thông, nhắc nhở 21 trường hợp.
Rà soát dự án trên toàn quốc
Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Ban Quản lý đường sắt đô thị (BQL ĐSĐT) TP.HCM, cho biết ngay khi vụ tai nạn tại công trình đường sắt Cát Linh - Hà Đông xảy ra, BQL ĐSĐT TP lập tức yêu cầu các nhà thầu, tư vấn giám sát tăng cường kiểm tra, rà soát, rút kinh nghiệm, đặc biệt công tác lắp cẩu phải tuân thủ đúng các quy trình đã đặt ra.
Trong tháng 10 vừa qua, đơn vị đã cho kiểm tra toàn bộ xe cẩu đang hoạt động tại tất cả công trường dọc tuyến số 1, đảm bảo đáp ứng tất cả yêu cầu về thiết bị cẩu lắp. Chủ đầu tư đã thay thế ngay trưởng ban an toàn của nhà thầu CIENCO 6 bằng người mới có năng lực hơn. Tất cả nhà thầu, nhà thầu phụ phải ban hành quyết định bổ nhiệm giám sát lắp cẩu. Hằng ngày phải có biên bản kiểm tra thực tế thiết bị lắp cẩu, được giám sát và nhân viên an toàn của nhà thầu xác nhận.
Tại Hà Nội, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội, cho biết đã chỉ đạo tổng kiểm tra tất cả các dự án trên địa bàn như tuyến đường sắt số 3, Vành đai 2 trên cao, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người đi đường, gắn trách nhiệm chủ đầu tư dự án với an toàn thi công trên tuyến.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Bùi Trung Dung, Cục trưởng Cục Hoạt động xây dựng (Bộ Xây dựng), cho rằng dù đã có những quy định cụ thể về năng lực, chuyên môn của cả nhà thầu, đơn vị quản lý, thi công, nhưng gần đây một số vụ việc mất an toàn vẫn xảy ra. Theo ông Dung, điều kiện tiên quyết khi bắt đầu thi công là phổ biến các quy tắc đảm bảo an toàn lao động, điều này cũng đã được đưa vào phần trách nhiệm của chủ đầu tư, nhà thầu, trong nội dung luật Xây dựng năm 2014.
Tại buổi làm việc chiều qua, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng cũng đã đề nghị UBND TP.Hà Nội phối hợp công an, Ban quản lý dự án… đảm bảo lưu thông đi lại với các dự án giao thông đang thi công trên địa bàn, phân luồng từ xa. Ông Thăng cũng chỉ đạo Cục Quản lý xây dựng thanh tra lại toàn bộ dự án giao thông trong cả nước trong thời gian tới, đảm bảo an toàn cho người dân, do đặc thù các dự án vừa thi công, vừa khai thác.
Mấu chốt là quy chuẩn an toàn thi công
Theo ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng VN, vấn đề mấu chốt là quy chuẩn an toàn thi công, ý thức của người lao động VN và việc quản lý, giám sát. 60 - 70% công nhân VN hiện nay đều là lao động tự do, ít người có biên chế chính thức, ý thức tuân thủ quy định cũng chưa cao, coi thường các đồ bảo hộ lao động cũng như quy chuẩn an toàn kỹ thuật. Ngoài ra, ý thức chấp hành quy chuẩn an toàn lao động của một số nhà thầu cũng chưa tốt, thể hiện ở việc ăn bớt động tác trong tổ chức thi công, lắp giàn giáo, tiêu chuẩn an toàn…
“Có một số tiêu chuẩn kỹ thuật quy định về phạm vi, độ cao của cần trục cũng như việc thi công. Nếu như bắt buộc phải thi công thì cần tránh thời gian người dân tham gia giao thông, chọn thời điểm ít người qua lại”, ông Hùng nói. Theo chuyên gia này, trong vụ tai nạn ở Cát Linh - Hà Đông, việc đơn vị thi công vận chuyển vật liệu vào thời gian cao điểm, nhiều người đi lại, mà lại chưa chú trọng đến cảnh báo là sai nguyên tắc, cần phải làm rõ trách nhiệm của tổng thầu, nhà thầu phụ, thậm chí từng cá nhân. “Cần phải đưa ra các quy chuẩn kỹ càng trong xây dựng nội đô như nghiêm cấm vận chuyển, thi công trong giờ cao điểm. Với những công trình mang đặc thù riêng, phải có quy định chặt chẽ hơn như lưới bảo vệ, giờ cẩu vật liệu, khi thực hiện phải đảm bảo an toàn tuyệt đối theo nguyên tắc trong khu vực cần cẩu hoạt động. Đối với thi công nhà trong khu dân cư thì bán kính quay, vị trí nâng vật liệu cần phải khảo sát thật kỹ”, ông Hùng đề nghị.
“Nếu là trách nhiệm của tổng thầu, tư vấn giám sát thì các ông phải đi tù”
Tại cuộc họp chiều qua về dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng yêu cầu tổng thầu EPC và tư vấn giám sát làm rõ trách nhiệm trong vụ tai nạn.
Ông Trương Kiến Huân, Giám đốc dự án thuộc tổng thầu EPC (Công ty hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc) cho rằng tổng thầu đã chịu trách nhiệm phối hợp cứu người, tiến hành đào tạo, bồi dưỡng, sắp xếp nhân lực cho đơn vị thi công. Lý giải việc không có mặt đại diện tư vấn giám sát trên công trường thời điểm xảy ra tai nạn, ông Tống Vận, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH giám sát xây dựng - Viện Nghiên cứu thiết kế công trình đường sắt Bắc Kinh, nói do thời điểm tai nạn không có hoạt động nghiệm thu nên đại diện tư vấn không có mặt. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Thăng, tư vấn không thể ngụy biện chỉ có mặt giai đoạn nghiệm thu, mà phải có mặt tại công trường trong quá trình thi công, giám sát chất lượng thi công cũng như an toàn thi công. Không thể nói là sự việc bất khả kháng, đây là lỗi do biện pháp thi công, mối hàn rất kém, không đảm bảo chất lượng.
“Tổng thầu EPC, tư vấn giám sát cũng phải chịu trách nhiệm chính. Công an đang điều tra làm rõ vụ việc. Xác định rõ nếu là trách nhiệm của tổng thầu, tư vấn giám sát thì các ông phải đi tù. Xí nghiệp cầu 17 - Cienco 1 là nhà thầu thi công phải chịu trách nhiệm trực tiếp trong vụ tai nạn”, ông Thăng nói.
Bộ GTVT cũng yêu cầu ông Phạm Dũng, Chủ tịch HĐTV Cienco 1 viết báo cáo kiểm điểm và sẽ xem xét hình thức kỷ luật vì thái độ vô cảm, vẫn họp giao ban mà không ra hiện trường vụ tai nạn dù bộ trưởng đã có yêu cầu.