Tại huyện Lâm Bình (tỉnh Tuyên Quang) đã có thêm 2 nạn nhân của xuất khẩu lao động giúp việc ở Saudi Arabia kiểu làm… nô lệ. Họ, người trắng tay trở về, gánh nợ, người mất tiền nhưng vẫn còn kẹt ở Trung Đông.
Gia đình chị Tô Thị Dung trình bày sự việc với PV Báo Lao Động.
Về đến nhà vẫn còn bị đe dọa
Tại thôn Bản Dạ, xã Bình An (huyện Lâm Bình), chúng tôi đã tìm gặp được chị Tô Thị Dung - người vừa được gia đình nộp tiền “bồi thường hợp đồng” về nước. Cả chị Dung và gia đình rất sợ, họ cảnh giác với người lạ vì nhận được nhiều tin nhắn đe dọa.
Ông Lưỡng - bố chồng chị Dung - cho biết: “Từ khi đưa được Dung về, gia đình tôi vừa mừng, vừa lo. Lo phải dốc sức kéo cày trả nợ khoản tiền “chuộc thân” cho Dung và ngại nếu phản ánh với báo chí sẽ bị trả thù”. Bà Xuân - mẹ chồng chị Dung - cho biết, tháng 8.2014, cô Niềm, giới thiệu là người của Chi nhánh Hải Dương - Cty CP TMDV&XNK Hải Phòng (số 7, B5, Khu đô thị Đại Kim, Hoàng Mai, Hà Nội) tới các gia đình vận động, mời chào các phụ nữ tuổi từ 18-45 sang Trung Đông làm nghề giúp việc, mà không mất nhiều kinh phí và gia đình đồng ý cho Dung để đổi đời, nhưng nào ngờ.
Chủ tịch xã Bình An Ma Văn Sử cho biết: Từ tháng 8.2014 trở lại đây, chị Nguyễn Thị Niềm giới thiệu là người của Chi nhánh Hải Dương đến xin xác nhận của chính quyền địa phương 7 trường hợp đi làm giúp việc gia đình tại Saudi Arabia. Vừa qua, tại xã chỉ có trường hợp chị Tô Thị Dung về nước, còn các trường hợp khác chưa có thông tin gì.
Bị đối xử như nô lệ
Theo lời chị Dung, các thủ tục để sang Saudi Arabia được Chi nhánh Hải Dương làm trong vòng 15 ngày. Trong hợp đồng nêu rõ, thời gian làm việc tại nhà chủ không quá 12h/ngày; tiền lương 1.300SR (tương đương 8 triệu đồng) chủ sử dụng LĐ thanh toán cho NLĐ vào ngày 1-5, đầu tháng tiếp theo; chỗ ăn ở được chủ sử dụng lao động cung cấp miễn phí; thời gian thực hiện hợp đồng 2 năm; chủ sử dụng LĐ đảm bảo thời gian nghỉ ngơi cho LĐ để có sức khỏe làm việc lâu dài… Nhưng, thực tế bên ấy, hằng ngày phải lao động cật lực, bị đối xử tàn tệ.
Chị Dung cho biết, ngày 11.8.2014 bay sang Saudi Arabia và được vào làm cho chủ nhà ở TP. Hail. Gia đình này có trên 11 người. Từ 6h sáng, chuẩn bị thức ăn cho cả nhà, sau đó lau dọn nhà cửa, chăm sóc cây cối, chăm chim, dê, cừu… đến 2-3h sáng hôm sau mới được đi nghỉ. “Đồ ăn, thức uống là đồ thừa của gia chủ, ngủ nhà kho. Sau 2 tháng liên tục chảy máu cam, hoa mắt, chóng mặt. Không chịu được nữa, nên đã phản ánh về Cty, kêu cứu gia đình” - chị Dung kể.
“Trong thời gian này, tôi liên tục nhận được lời nhắn đe dọa của chị Niềm và người của Cty. Để được về nước, gia đình phải vay mượn 25 triệu đồng bồi thường việc phá hợp đồng. 3 tháng tiền lương của tôi, chủ nhà và Cty môi giới cho rằng dùng khoản đó bồi thường việc vỡ hợp đồng…” - Dung cho biết.
Tại xã Thọ Bình, huyện Lâm Bình, chị Ma Thị Yến đi Saudi Arabia cùng đợt với Dung, cũng lâm cảnh làm nô lệ, phải kêu cứu. Từ tháng 11.2014, gia đình chị Yến đã nộp vào tài khoản Cty CP TMDV&XNK Hải Phòng 40 triệu đồng theo yêu cầu của Cty này nhưng vẫn chưa được về. Từ Saudi Arabia chị Yến cho biết, từ tháng 8.2014, đã làm cho 3 chủ, ở nhà nào cũng phải làm hơn 16h/ngày, ăn uống kham khổ, bị sàm sỡ, đánh đập… nên phải thông báo với Cty để xin về nước sớm nhưng nay vẫn đang ở “nhà chờ”.
Ở bên Saudi Arabia, chị Dung chỉ mong thoát khỏi cảnh bị đối xử tàn tệ để được về với con gái gần 2 tuổi Ma Khánh Chi. Ảnh: V.L
Trốn tránh trách nhiệm
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Mạnh Phương - GĐ Chi nhánh Hải Dương thuộc Cty CP TMDV&XNK Hải Phòng (TRADIMEXCO) - đã trưng ra các hồ sơ minh chứng Cty được phép xuất khẩu lao động. Ông Phương thừa nhận bà Nguyễn Thị Niềm là cộng tác viên của chi nhánh, hoạt động tại địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Về trường hợp Tô Thị Dung, ông Phương cho biết, do Dung và gia đình liên tục gọi điện đến chi nhánh Hải Dương thông báo không ăn, không ngủ được nên không đảm bảo sức khỏe làm việc, đề nghị cho chị Dung chấm dứt hợp đồng và về nước trước thời hạn, sử dụng lương của chị Dung để chi trả các chi phí và đồng thời gia đình bổ sung nếu không đủ.
Ông Nguyễn Thành Trung - PGĐ Chi nhánh Hải Dương, phụ trách Phòng thị trường Trung Đông - cho biết, ngày 2.10, gia đình chị Dung chuyển cho Cty 20.000.000 đồng, cộng với tiền lương 3 tháng của chị Dung được Cty Sanayed thông báo là 1.050USD. Tổng số tiền trên đã được sử dụng cho việc làm blog visa (giấy phép LĐ), vé máy bay cho chị Dung về nước. Tổng chi phí hết 2.059USD (hơn 43.856.000 đồng) Ông Trung cho rằng, việc chị Dung chấm dứt HĐLĐ và về nước trước thời hạn là hoàn toàn tự nguyện và không có bất cứ áp lực nào.
Ông Phương cho biết, thỉnh thoảng NLĐ điện thoại phản ánh bị đánh đập, sàm sỡ, bị làm việc quá giờ, bị bỏ đói… chi nhánh đã lập tức liên lạc với Cty đối tác Sanayed Internatinonal Recruitment Office để xác minh và giải quyết nhưng họ phủ nhận.
Chiều 11.12, chị L.T.H.V - người được Cty CP đầu tư Vĩnh Cát đưa sang Saudi Arabia, nhân vật gửi thông tin kêu cứu đến Báo Lao Động - cho biết, ông Sơn (đại diện Cty Vĩnh Cát) đã liên lạc, thông tin cho chị V biết, sẽ có người của Cty và Đại sứ quán đến “nhà chờ” nơi chị V đang tạm trú để xác minh vụ việc. Chị V phấn khởi cung cấp thêm, từ khi sang Saudi Arabia đến giờ chị mới được Cty đối xử tử tế, hỏi han và mua thịt gà cho ăn và trấn an rằng nếu ở lại Saudi Arabia sẽ tìm cho chủ tốt. Còn Cty Vĩnh Cát thông báo, đang làm thủ tục để chị V về nước!