Phương án tính lương hưu được đưa ra tại phiên thảo luật dự thảo luật Bảo hiểm xã hội ngày 23.10 đang là mối quan tâm của nhiều đại biểu Quốc hội và người lao động.
Xuất khẩu lao động: Lạ đời kiểu tuyển dụng trước, chạy thủ tục sau
- Cập nhật : 26/10/2014
Tu nghiệp sinh Việt Nam chuyên ngành điều dưỡng tại Nhật Bản. (ảnh có tính minh họa).
Xung quanh vụ Cty CP du lịch dịch vụ dầu khí Hải Phòng (OSC HP) quảng bá, tuyển dụng, thu phí của NLĐ cho chương trình tu nghiệp sinh loại 1 - chuyên ngành điều dưỡng tại Nhật Bản - khi chưa được cơ quan chức năng cho phép, dư luận đặt nhiều câu hỏi về công tác quản lý với các doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực xuất khẩu lao động (XKLĐ). Tình trạng DN XKLĐ tuyển dụng, thu tiền của NLĐ trước rồi mới “chạy” thủ tục XKLĐ cần được chấm dứt.
Cơ quan chức năng không cho phép
Ông Tống Hải Nam - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài nước (CQL) - cho biết, OSC HP chọn đối tác là Hiệp hội Bệnh viện thần kinh Nhật Bản (Hiệp hội). Với tu nghiệp sinh loại 1 (tu nghiệp 1 năm) thì có thể đưa đi vì luật pháp Nhật Bản không cấm, chẳng qua Hiệp hội này chưa làm việc với các cơ quan chức năng Nhật Bản. Phải đợi người ta làm việc xong mới biết cơ quan chức năng Nhật Bản có cho phép tiếp nhận hay không.
Ông Nam cho rằng, việc Hiệp hội chưa làm việc với cơ quan chức năng phía Nhật Bản nhưng Cty đối tác tại Việt Nam - OSC HP - đã quảng bá rầm rộ về chương trình và đến nhiều nhà trường thông báo tuyển người, là không đúng. Cục Quản lý lao động ngoài nước đã gửi công văn yêu cầu OSC HP giải trình sự việc, nhưng đến nay cơ quan này vẫn chưa nhận được giải trình.
Theo ông Nam, các biện pháp “xiết” lại hoạt động các công ty tham gia XKLĐ và hạn chế lừa đảo là phải tăng cường thanh kiểm tra; tích cực thu nhận thông tin từ báo - đài, người dân; tăng cường xử lý vi phạm của DN.
Với câu hỏi đã có thể khẳng định OSC HP sai phạm hay chưa, ông Nam cho hay: “Nếu có đủ bằng chứng OSC HP có tuyển chọn lao động thì đó là dấu hiệu của vi phạm, còn nếu mới có thông tin thì chưa thể nói là vi phạm!”.
Về thời gian xử lý sự việc của OSC HP bao lâu, ông Nam cho biết đang tiến hành đúng theo thủ tục và sẽ kiểm tra, nếu ai có bằng chứng tuyển chọn, thu tiền,… thì thông báo để Cục có thêm căn cứ xử lý.
Chọn đối tác vì… niềm tin!
Tại cuộc trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Nguyễn Văn Thuận - TGĐ OSC HP - khẳng định, chương trình tu nghiệp sinh loại 1 không phải là chương trình của 2 nhà nước ký với nhau mà là chương trình 1 năm - theo luật pháp Nhật Bản là không cấm. Hiệp hội (theo lời ông Thuận là có tới 1.200 thành viên) đã làm việc với Bộ Tư pháp Nhật Bản; Cục Xuất nhập cảnh Nhật Bản và phía Nhật cho phép việc này. Hiệp hội đã khẳng định điều này thông qua… một lá thư, chứ không có bất cứ văn bản, giấy tờ nào khác!
Ngày 4.9.2014, Cục Quản lý Lao động ngoài nước đã có công văn số 1267, yêu cầu OSC HP “không thực hiện hợp đồng và dừng ngay các hoạt động tuyển chọn, đào tạo thực tập sinh”, nhưng ngày 12.9 Cty này vẫn tổ chức gặp mặt những ứng viên, người quan tâm tới chương trình tại Trung tâm Hội nghị quốc tế Lê Hồng Phong (Hà Nội).
Thành phần hội thảo là sinh viên các trường đại học, Hiệp hội, các bệnh viện Nhật Bản; nội dung nói về chương trình tu nghiệp sinh loại 1 và… văn hóa, phong tục Nhật Bản. Ông Thuận khẳng định đây chỉ là một cuộc hội thảo dành cho những người quan tâm chứ không tuyển chọn bất cứ ai. Nhưng từ trước đó, OSC HP đã thu tiền của 77 người, mỗi người 1 triệu đồng, danh nghĩa là “lệ phí dịch hồ sơ gửi sang Nhật Bản cho nhà tuyển dụng xem”.
Việc vừa trình hồ sơ thực hiện đăng ký hợp đồng lên Cục Quản lý Lao động ngoài nước, vừa tổ chức hội thảo dù đã bị cục này yêu cầu dừng mọi hoạt động liên quan đến chương trình, ông Thuận cho rằng ông không sai vì không tuyển người, chỉ tổ chức một cuộc hội thảo đơn thuần.
Theo công văn số 1592 của Cục Quản lý Lao động ngoài nước (ngày 22.10.2014) gửi OSC HP, Ban Quản lý Lao động Việt Nam tại Nhật Bản có công văn báo cáo kết quả làm việc với Hiệp hội Bệnh viện thần kinh Nhật Bản. Theo đó, Hiệp hội và OSC HP đã tuyển được 77 ứng viên là sinh viên đã tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng và trung cấp điều dưỡng và cung cấp cụ thể danh sách ứng viên. Ngoài ra, Hiệp hội còn thông báo các ứng viên này sẽ bắt đầu học tiếng Nhật tại Việt Nam từ tháng 11.2014. Trước đó, trong “Hợp đồng về Chương trình thực tập kỹ năng dành cho người nước ngoài” giữa OSC HP và Hiệp hội dài 21 trang, các điều khoản, quy định, chế độ đãi ngội với thực tập sinh… được quy định rất chi tiết.
Khi được hỏi về việc có tiếp tục hợp tác với Hiệp hội nữa không, ông Thuận cho biết vẫn chờ Hiệp hội lo được giấy tờ để xúc tiến chương trình này. Với 77 ứng viên đã thu tiền “phiên dịch hồ sơ”, theo lời ông Thuận thì OSC HP đã trả lại tiền gần hết…
Về sự hoài nghi vì sao OSC HP dễ dàng tin tưởng Hiệp hội thần kinh Nhật Bản bằng một “giấy xác nhận” về chính năng lực của họ, ông Thuận cho biết: Phải có niềm tin vào đối tác trong quá trình làm ăn!
(Theo laodong)
Trở về