Ảnh minh họa.
Hỏi: Em có làm việc cho một công ty truyền thông. Khi em mang bầu 4 tháng thì công ty chấm dứt hợp đồng với em trong khi đó em đã kí hợp đồng lao động (HĐLĐ) 1 năm.
Sau khi thương lượng với công ty, em đã nghỉ việc (từ tháng 08.2013) và vẫn được công ty hỗ trợ đóng bảo hiểm phần công ty phải đóng, em đóng phần NLĐ phải đóng để được hưởng chế độ thai sản theo Luật lao động. Sau khi sinh xong (tháng 12.2013), em đã đưa các giấy tờ cần thiết cho công ty để nộp lên cơ quan bảo hiểm (từ tháng 3.2014). Sau đó em có nhận được thông báo từ phía Cty là bảo hiểm đã thanh toán tiền chế độ thai sản và công ty sẽ trả cho em theo từng tháng.
Nhưng hiện tại, đã 6 tháng, công ty không trả khoản tiền này cho em. Em có làm đơn yêu cầu thanh toán nhưng công ty đã lấy lí do khó khăn chưa thể chi trả bảo hiểm cho em và không có kế hoạch cụ thể nào. Hiện tại em vẫn chưa có việc làm mới do cháu còn nhỏ, kinh tế khá khó khăn. Em muốn hỏi thủ tục yêu cầu công ty chi trả khoản tiền bảo hiểm cho em.
bich……….@gmail.com
Trả lời:
Khoản 3 Điều 39 BLLĐ 2012 quy định:
“Điều 39. Trường hợp NSDLĐ không được thực hiện quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ
3. Lao động nữ quy định tại khoản 3 Điều 155 của Bộ luật này.”
Khoản 3 Điều 155 Bộ luật lao động 2012 quy định:
“3. NSDLĐ không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt HĐLĐ đối với lao động nữ vì lý do kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp NSDLĐ là cá nhân chết, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết hoặc người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động”.
Như vậy, NSDLĐ không được đơn phương chấm dứt HĐLĐ với NLĐ là nữ vì lý do kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi trừ trưởng hợp luật định.
Điều 18 Luật Bảo hiểm xã hội 2006 quy định:
“1. NSDLĐ có các trách nhiệm sau đây:
d) Lập hồ sơ để NLĐ được cấp sổ, đóng và hưởng BHXH;
đ) Trả trợ cấp BHXH cho NLĐ;”
Như vậy, NSDLĐ phải có trách nhiệm chi trả trợ cấp thai sản cho bạn khi Cty thay mặt bạn thực hiện các thủ tục với cơ quan BHXH để bạn được hưởng chế độ thai sản.
Trong trường hợp quyền lợi không đảm bảo, bạn có quyền khiếu nại theo quy định tại Khoản 7 Điều 15 Luật Bảo hiểm xã hội 2006:
“NLĐ có các quyền sau đây:
7. Khiếu nại, tố cáo về BHXH;”
Khoản 1 Điều 130 Luật BHXH 2006 quy định: “1. NLĐ, người đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng, người đang bảo lưu thời gian đóng BHXH và những người khác có quyền khiếu nại quyết định, hành vi của NSDLĐ, tổ chức BHXH khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó vi phạm pháp luật về BHXH, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình”.
Về thẩm quyền và trình tự thủ tục khiếu nại, Điều 131 Luật BHXH 2006 quy định:
“1. Việc giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính về BHXH được thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
2. Việc giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi về BHXH không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này được thực hiện như sau:
a) Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu về BHXH là người có quyết định, hành vi về BHXH bị khiếu nại.
Trong trường hợp người có quyết định, hành vi về BHXH bị khiếu nại không còn tồn tại thì cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện có thẩm quyền giải quyết;
b) Trong trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện tại Toà án hoặc khiếu nại đến cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh;
c) Trong trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện tại Toà án;
d) Thời hiệu khiếu nại, thời hạn giải quyết khiếu nại được áp dụng theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.”