Phương án tính lương hưu được đưa ra tại phiên thảo luật dự thảo luật Bảo hiểm xã hội ngày 23.10 đang là mối quan tâm của nhiều đại biểu Quốc hội và người lao động.
Theo ĐB Ngô Văn Minh, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam, có đến 15% số lao động khi về hưu ở TP.HCM lương thấp hơn mức chuẩn nghèo của TP. Trong ảnh là người lao động lãnh lương hưu tại Q.8, TP.HCM - Ảnh: Diệp Đức Minh
Theo khoản 2 điều 56 dự thảo luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) quy định từ 1.1.2018, mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương đóng BHXH tương ứng với số năm đóng BHXH. Cụ thể: lao động nam nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm, năm 2019 là 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm, từ năm 2022 trở đi là hai mươi năm. Lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi là 15 năm đóng BHXH. Sau đó cứ thêm mỗi năm, người lao động quy định tại điểm a và b khoản 2 điều này được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.
“Nghe mà lòng nặng trĩu”
Nếu tính bình quân 15 năm cuối so với 10 năm cuối trước khi nghỉ hưu thì lương hưu đối với cán bộ công chức giảm trung bình từ 3,6 - 6,1% và đối với LLVT giảm từ 4,4 - 7,2%. Nếu tính trung bình 20 năm so với 10 năm cuối trước khi nghỉ hưu thì lương hưu đối với cán bộ công chức giảm trung bình từ 4 - 13%, LLVT giảm trung bình từ 10 - 24%
ĐBQH Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang)
Bà Lê Thị Lan Hương, giáo viên trường mầm non tại Hà Nội, bày tỏ: “Công việc của tôi vất vả đi từ sáng, chiều về muộn, thu nhập thấp. Giờ tuổi cao vẫn cố gắng bám trụ vì chỉ còn dăm năm nữa là về hưu. Tôi và các đồng nghiệp nghe thông tin lương hưu từ năm 2018 sụt giảm 10% mà lòng nặng trĩu. Không biết khi về hưu, với đồng lương ít ỏi có đủ sống hay không”.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Xuân Hà, cán bộ cơ quan nhà nước nghỉ hưu vào đúng tháng 1.2018 - thời điểm dự thảo luật dự kiến có hiệu lực - nhẩm tính: ở thời điểm nghỉ hưu, hệ số lương của bà là 4,65 và mức lương cơ bản là 5,3 triệu đồng. “Nếu theo cách tính hiện nay, tính lương bình quân 10 năm cuối đóng BHXH cộng lại, tôi được nhận một khoản lương hưu là 4,8 triệu đồng. Theo cách tính mới giảm 10%, lương hưu của tôi chỉ còn hơn 4,3 triệu đồng. Với những người về hưu không có khoản thu nhập nào khác, lúc ốm đau, bệnh tật, thêm được vài trăm nghìn đồng cũng đáng quý lắm rồi. Chỉ vì mình nghỉ hưu muộn hơn 2 tháng so với đồng nghiệp, mà bị giảm lương hưu liệu có đáng?”, bà Hà lo lắng.
Mặc dù biết rằng, trong phương án trình QH, các nhà làm luật mong muốn cân đối quỹ BHXH, tránh khỏi vỡ quỹ và đảm bảo nguyên tắc đóng - hưởng, song người lao động vẫn tỏ ra băn khoăn. Anh Nguyễn Quốc Túy, cán bộ một viện nghiên cứu, chia sẻ: “Trước đây, lương thấp nên nhà nước đã đưa ra phương án tính bình quân lương hưu 10 năm trước khi về hưu cộng lại. Bây giờ, mức lương của người lao động ở các khu vực khác nhau không đồng đều. Nếu lấy bình quân lương hưu cả quá trình công tác, mức lương hưu của người lao động sẽ bị ảnh hưởng rất lớn, nhất là những công nhân lao động vốn dĩ mức lương hiện tại của họ hơn 3 triệu đồng, đã không đáp ứng đủ mức sống tối thiểu, nay lại giảm lương hưu họ sẽ sống sao?”.
Bước lùi so với hiện tại
Về cách tính lương hưu theo dự thảo, ĐB Ngô Văn Minh, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam, phân tích: “Khi chúng ta lo cho vấn đề vỡ quỹ bảo hiểm, chế độ an sinh xã hội vẫn sơ khai. Để tránh vỡ quỹ, dự thảo luật quy định kéo dài năm công tác để hưởng lương hưu. Ví dụ, theo quy định hiện hành, người lao động tối thiểu đạt 15 năm công tác sẽ được hưởng mức lương bằng 45%; thế nhưng dự thảo luật lại đang nâng lên tận năm 2016, 2018 phải đủ 18 - 20 năm công tác liên tục mới được hưởng 45% như hiện nay, đã thế mức lương ngày một thấp là điều bất hợp lý. Tôi được biết, ngay tại TP.HCM, trung tâm kinh tế cả nước, có đến 15% số lao động khi về hưu lương thấp hơn cả mức chuẩn nghèo của TP. Điều này sao có thể chấp nhận được! Quy định gì thì quy định, lương hưu cho người lao động, viên chức, công chức phải được cải tiến theo chiều tốt lên, chứ không phải chiều ngược lại”.
Trước đó, phát biểu thảo luận tại hội trường ngày 23.10, ĐB Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) cho rằng, với cách tính này dự thảo là “một bước lùi so với luật hiện hành”. “Nếu tính bình quân 15 năm cuối so với 10 năm cuối trước khi nghỉ hưu thì lương hưu đối với cán bộ công chức giảm trung bình từ 3,6 - 6,1% và đối với LLVT giảm từ 4,4 - 7,2%. Nếu tính trung bình 20 năm so với 10 năm cuối trước khi nghỉ hưu thì lương hưu đối với cán bộ công chức giảm trung bình từ 4 - 13%, LLVT giảm trung bình từ 10 - 24%”, ĐB Thủy phân tích và đề nghị “tính như luật hiện hành để đảm bảo quyền lợi cho người lao động”.
ĐB Y Khút Niê (Đắk Lắk) cũng nhận định, mức lương hưu hằng tháng tại khoản 2 điều 56 của dự luật sẽ làm giảm tiền lương hưu của người lao động một cách vô lý, làm mất đi tính hấp dẫn với BHXH và tạo sự không công bằng giữa người nghỉ hưu trước và sau 2018, đặc biệt là người nghỉ hưu từ sau 2022. Còn ĐB Trương Văn Vở, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai, nói: “Công tác lập pháp liên quan đến vấn đề an sinh xã hội phải cân nhắc cẩn trọng, nếu không tốt hơn thì cũng phải giữ được như hiện hành, chứ sửa đổi luật mà tụt lùi so với trước là không nên”.
Khoản bù đắp cho hao phí lao động
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Bùi Sĩ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của QH, cho rằng cách thức tính lương hưu còn nhiều bất cập đối với phần lớn người lao động hiện nay. Cụ thể, mức đóng BHXH hiện rất thấp, khoảng 70% tiền lương thực tế. Ví dụ, trong khu vực có quan hệ hợp đồng lao động, lương thực tế khoảng 3,8 triệu đồng nhưng đóng BHXH chỉ ở mức của 2,7 triệu đồng. Nhưng tỷ lệ hưởng lương hưu lại rất cao, tới 75% lương trung bình 5 năm hoặc 10 năm cuối cùng cộng lại. Với cách tính lương hưu ấy, có thể có lợi cho người lao động, nhưng lại là nguyên nhân dẫn đến mất cân đối giữa tỷ lệ đóng - hưởng bảo hiểm. Các nước trên thế giới thường không có cơ chế tính lương hưu như ở nước ta, nước nào cao nhất thì lương hưu cũng chỉ là 65% chứ không phải mức 75%. Về nguyên tắc, lương hưu là khoản bù đắp cho hao phí lao động để hưởng khi tuổi già, lúc không còn sức lao động, chứ không phải để sống đàng hoàng bằng lương hưu.
Ông Lợi cũng thừa nhận: “Ban soạn thảo rất đau đầu khi đưa ra phương án tính lương hưu”, đồng thời cho biết có thể sẽ có thêm một phương án mới được đưa ra. Theo ông Lợi, cách tính hiện tại dùng mức lương tối thiểu để đóng BHXH cho người lao động khiến mức lương hưu rất thấp, thiệt thòi cho người lao động. Vì vậy, dự thảo đưa ra phương án đề nghị áp dụng tiền lương đóng BHXH bắt buộc theo quy định bộ luật Lao động, từ ngày 1.1.2018 cách tính tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bao gồm: mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác ghi trên hợp đồng lao động theo pháp luật. Như vậy, chủ sử dụng (đối với khu vực tư), nhà nước (đối với khu vực công) sẽ phải đóng phần nhiều, còn người lao động đóng phần ít hơn. “Việc quy định đầy đủ các yếu tố tiền lương làm căn cứ đóng BHXH là cần thiết để nâng mức hưởng lương hưu của người lao động, góp phần tăng nguồn thu quỹ BHXH”, ông Lợi nói.