Năng suất lao động (NSLĐ) của NLĐ Việt Nam thấp. Không cần che giấu, vì ai cũng biết sự thấp kém về NSLĐ ở Việt Nam, không chỉ trên bình diện nền kinh tế, mà ngay trong từng ngành, từng khu vực, từng lĩnh vực, kể cả ở những ngành mũi nhọn mà các công dân Việt Nam thường đem ra “khoe”, “đấu” với các quốc gia, khu vực và thế giới.
Trên tất cả các lĩnh vực, các ngành nghề, NSLĐ của Việt Nam hiện chỉ nhỉnh hơn Lào, Campuchia, Myanmar chút ít, còn về tổng thể thấp hơn tất cả các nước ASEAN còn lại. Năm 2013, nếu tính theo giá cố định của USD năm 2005 và quy đổi theo sức mua tương đương, mức NSLĐ bình quân của Việt Nam đạt gần 5.500USD, hơn Lào (5.400USD), Campuchia (4.000USD), Myanmar (3.000USD), nhưng thấp hơn Singapore (98.000USD), Bruney (101.000USD), Philippines (10.100USD) và Thái Lan (14.800USD). Mức NSLĐ của Việt Nam thấp hơn cả mức bình quân ASEAN (10.800USD).
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, NSLĐ Việt Nam vẫn tăng nhưng mức tăng chậm, chủ yếu do tăng NSLĐ nội bộ ngành và chuyển dịch cơ cấu kinh tế và do chuyển dịch cơ cấu lao động. Mấy năm vừa qua chúng ta đạt mức tăng GDP cao, liên tục, là nhờ khai thác sử dụng tài nguyên giá rẻ, mà một trong số các tài nguyên ấy là lao động giá rẻ. Nhưng nay lợi thế giá công lao động thấp của Việt Nam mất dần đi và tiền lương tối thiểu tăng, nhưng NSLĐ tăng rất chậm, có ngành sụt giảm. Đây là điểm bất lợi cho những đòi hỏi tăng lương cho NLĐ của tổ chức CĐ.
Về quan hệ của các nhân tố thuộc nguồn lực với mức lương, những khuyến cáo của các chuyên gia quốc tế, cũng như những tính toán của chuyên gia Việt Nam đều chỉ ra rằng: Trên phạm vi nền kinh tế, mức lương phụ thuộc rất căn bản vào NSLĐ, mức giá và khả năng tăng trưởng GDP. Hiện mức lương tối thiểu (năm 2013) của Việt Nam đã cao hơn Lào, Campuchia, Myanmar và cả Indonesia. Nhưng về cơ bản, tiền lương tối thiểu của NLĐ Việt Nam còn thấp hơn nhu cầu tối thiểu gần 30%.
Vì vậy, trong hơn 2 năm tới (theo lộ trình), nếu Việt Nam đạt được sự ngang mức giữa tiền lương tối thiểu và nhu cầu sống tối thiểu, mà chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam vẫn không được cải thiện, NSLĐ vẫn ở mức thấp như trên, tổ chức CĐ sẽ khó đấu tranh đòi cải thiện hơn nữa mức lương cho NLĐ và Việt Nam sẽ khó thu hút thêm nhiều nhà đầu tư nước ngoài.
Đây là nút thắt trong quan hệ giữa tăng lương và NSLĐ, và cũng là thách thức lớn đặt ra cho nguồn nhân lực Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Theo: LĐ