Luật BHXH mới chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2016, theo lộ trình phát triển mở rộng đối tượng tham gia, BHXH Việt Nam đặt ra mục tiêu nâng số người tham gia BHXH bắt buộc từ 11 triệu như hiện nay lên 29 triệu vào năm 2020.
“Mạng lưới an sinh xã hội ở Việt Nam hiện còn mỏng manh, trợ cấp xã hội do Nhà nước bao cấp còn lớn, hàng triệu người không có lương hưu, khi về già thì Nhà nước phải trợ cấp. Đây là vấn đề lớn mà chúng ta phải quan tâm” là chia sẻ của bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của quốc hội tại hội thảo khu vực phía Bắc hướng tới đảm bảo an sinh xã hội cho người dân thông qua việc triển khai thi hành Luật Bảo hiểm xã hội, do Ủy ban này kết hợp với Bộ LĐ-TB&XH, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam tổ chức trong sáng 12/3, tại Hà Nội.
Luật BHXH mới chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2016, theo lộ trình phát triển mở rộng đối tượng tham gia, BHXH Việt Nam đặt ra mục tiêu nâng số người tham gia BHXH bắt buộc từ 11 triệu như hiện nay lên 29 triệu vào năm 2020.
Tuy nhiên, hiện nay theo báo cáo của BHXH Việt Nam, số người tham gia BHXH bắt buộc mới chiếm hơn 70% tổng số lao động thuộc diện phải tham gia BHXH bắt buộc; chiếm khoảng 0,5% tổng số lao động thuộc diện tham gia BHXH tự nguyện. Đáng lưu ý phần lớn lao động trong khu vực phi chính thức, nông dân chưa tham gia loại hình BHXH này. Tỷ lệ tham gia BHXH còn thấp, mới chiếm hơn 20% tổng lực lượng lao động.
Từ năm 2018 sẽ áp dụng tính đóng bảo hiểm xã hội trên tổng thu nhập của người lao động.
Điều này có nghĩa là trong tương lai, đất nước sẽ phải đối mặt với hàng triệu lao động bước vào tuổi nghỉ hưu không có thu nhập từ lương hưu, gánh nặng này sẽ thuộc về Nhà nước, đó là phải trợ cấp xã hội cho hàng triệu người để hỗ trợ cho cuộc sống của họ.
Đây cũng là lý do của việc sửa đổi Luật BHXH lần này, hướng đến đảm bảo an sinh xã hội cho người dân thông qua việc bổ sung, điều chỉnh chính sách để mở rộng nhanh hơn diện bao phủ BHXH, đồng thời Nhà nước có chính sách để khuyến khích, hỗ trợ lao động trong khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện, hướng đến năm 2020 có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia BHXH tự nguyện, hướng đến năm 2020 có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia BHXH.
Đồng thời đảm bảo an toàn, cân đối quỹ BHXH thông qua việc xây dựng lộ trình hợp lý nhằm điều chỉnh công thức tính lương hưu theo nguyên tắc mức hương phải dựa trên cơ sở mức đóng và tăng thời gian đóng BHXH để đảm bảo cân đối với thời gian hưởng BHXH của người lao động.
Luật BHXH mới đã bổ sung mở rộng đối tượng tham gia BHXH đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động mùa vụ hoặc một công việc nhất định có thời hạn từ 1 tháng đến dưới 3 tháng tham gia BHXH bắt buộc; người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn tham gia BHXH bắt buộc trong phạm vi 2 chế độ hưu trí và tử tuất; có chính sách khuyến khích người tham gia BHXH tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ…
Những người bắt đầu tham gia BHXH từ ngày 1/1/2016 mới chịu tác động điều chỉnh của Luật này. Như vậy, đến năm 2045, mới có người lao động đầu tiên hưởng lương hưu theo nguyên tắc đóng – hưởng.
“Mở rộng đối tượng chính là câu chuyện khó khăn mà hiện Chính phủ cũng còn đang rất lúng túng. Bộ LĐ-TB&XH sẽ sớm có các văn bản hướng dẫn sau khi lấy ý kiến của người dân và doanh nghiệp”, ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết.
Theo ông Huân, trong khi quy mô của đa số doanh nghiệp (DN) Việt Nam còn nhỏ, tính cạnh tranh thấp, quy định mở rộng đối tượng áp dụng BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện, để đảm bảo tính khả thi, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, tăng cường công tác quản lý lao động, thực hiện khai trình lao động theo quy định của Bộ luật Lao động, Luật Việc làm, Luật Doanh nghiệp; cơ quan BHXH cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý đối tượng, cải cách thủ tục hành chính và triển khai các biện pháp hỗ trợ DN và người lao động trong thực hiện quy định này.
Việc thực hiện một số thay đổi trong chính sách BHXH có tác động trực tiếp, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động; quy định lộ trình về tiền lương đóng tiệm cận dần với tiền lương và thu nhập thực tế của người lao động có tác động trực tiếp đến chi phí sản xuất, ảnh hưởng đến doanh thu và lợi nhuận của DN,... do đó trước thời điểm áp dụng thì cần có sự thông tin, truyền thông một cách mạnh mẽ để người dân hiểu và đón nhận.
Đại diện cho phía DN, ông Doanh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hải Dương chia sẻ hiện các DN đang hoạt động có nhiều khó khăn, nhưng nỗi sợ lớn nhất là sợ người lao động bỏ việc, sợ không quản lý được lao động. Trong quá trình tổ chức thực hiện Luật BHXH mới, cần làm thế nào để người lao động và DN yên tâm tham gia, tạo cho họ niềm tin. Cần xác định cơ chế để thực hiện cụ thể từ trung ương đến địa phương, đến các cấp cơ sở. Cơ chế bảo vệ quyền lợi chính đáng của DN và người sử dụng lao động.
Đứng trước những lo lắng của nhiều đại biểu tại hội thảo về khả năng mở rộng đối tượng rất khó khả thi nếu như BHXH Việt Nam không cải tiến và nâng cao cung cách, thái độ làm việc, ông Đỗ Văn Sinh, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho rằng, BHXH Việt Nam đã xác định nhiệm vụ chiến lược mở rộng đối tượng, đồng bộ với hiện đại hoá, đơn giản hoá thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho người tham gia. Đồng thời, Nhà nước cần phải có sự hỗ trợ cho các đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. Công tác phát triển đối tượng giao cho hệ thống chính quyền địa phương.
Để thực hiện những quy định nhân văn, đảm bảo an sinh xã hội mà BHXH là trụ cột, đòi hỏi sớm có những văn bản hướng dẫn phù hợp, cùng quy chế phối hợp và phát huy trách nhiệm, thay đổi cung cách, thái độ làm việc của các cơ quan, đơn vị liên quan từ Trung ương đến địa phương.
Theo: Thu Uyên - CAND