Khi viết bài báo này, tôi luôn bị ám ảnh bởi ánh mắt ngập tràn nước mắt của người mẹ mất con, bà Nguyễn Thị Bích ở xã Lương Sơn (Yên Lập, tỉnh Phú Thọ). Những căn nhà xác xơ, tiêu điều vì thiếu vắng bàn tay chăm sóc của người đàn ông trụ cột trong gia đình và những đứa trẻ gầy guộc nhơ nhuốc, thất học vì bố mẹ chúng đang mòn mỏi kiếm tìm cuộc sống giàu sang nơi miền đất hứa… Đó là thực trạng đang diễn ra ở nhiều vùng quê thuộc tỉnh Phú Thọ nói riêng và nhiều địa bàn trên cả nước nói chung.
Kể từ khi cô con gái Nguyễn Thị Mùi bỏ mạng nơi đất khách quê người, bà Bích sống mà như chết... Hơn 3 năm trôi qua, nỗi đau ấy vẫn chưa hề nguôi ngoai.
Lần giở lại những kỷ vật của cô con gái xấu số, bà Bích nghẹn ngào: “Nếu như lúc ấy, vợ chồng tôi ngăn cản cháu quyết liệt thì sẽ không có hậu quả đau lòng như ngày hôm nay…!”. Rồi bà Bích khóc tức tưởi.
Nước mắt người mẹ mất con cũng khiến tôi không cầm được lòng mình. Gia cảnh cũng có của ăn, của để nhưng khi nghe bạn bè rủ rê sang Trung Quốc làm ăn, có thu nhập cao chị Mùi vẫn xin phép bố mẹ đi làm.
Về phần bố mẹ chị, họ chỉ là những người nông dân quanh năm chân lấm, tay bùn nên khi con gái đưa thông tin về miền đất hứa, cả hai chỉ biết ầm ừ rồi gật đầu đồng ý.
Một năm đằng đẵng lao động nơi xứ người, Mùi làm gì, ở đâu, bà Bích và gia đình cũng chẳng biết. Một năm sau đó, họ nhận được 20 triệu đồng của con gái gửi về nhà, số tiền ấy so với thu nhập của một gia đình thuần nông cũng là một khoản tiền không nhỏ. Nhưng niềm vui chẳng được bao lâu thì họ nhận được tin dữ, Mùi đã tử vong…
Chị là lao động bất hợp pháp nên các công ty phía Trung Quốc từ chối thanh toán các khoản hỗ trợ khi người lao động gặp tai nạn rủi ro.
Một số người xuất cảnh trái phép bị Bộ đội Biên phòng Quảng Ninh phát hiện.
So với trường hợp của nạn nhân Mùi thì chị Nguyễn Thị Chung ở xã Xuân An (Yên Lập) còn may mắn hơn nhiều. Nghe theo lời của đối tượng Nguyễn Hoài Nam ở cùng xóm, chị Chung ứng hai triệu đồng của Nam và nhờ đối tượng này đưa sang Trung Quốc làm thuê.
Khi đi, Nam hứa hẹn sẽ cho chị làm việc tại các xưởng lắp ghép đồ chơi hoặc đóng gói hàng thủ công mỗi tháng thu nhập cũng được vài triệu đồng. Thế nhưng tất cả đều chỉ là những mánh lới lừa đảo của Nam. Trong một lần đi làm về, chị Chung bị hai thanh niên bắt cóc, đánh đập... Để chuộc lại con gái, gia đình chị phải bỏ ra một khoản tiền không nhỏ.
Trao đổi với chúng tôi, một lãnh đạo của Công an tỉnh Phú Thọ cho biết: Qua các vụ xuất cảnh trái phép sang lao động cho thấy, thủ đoạn phạm tội hiện nay của các đối tượng rất tinh vi.
Thông qua các doanh nghiệp Trung Quốc, các chủ lao động là người Trung Quốc biết tiếng Việt đã thông tin, quảng bá tuyển lao động là người Việt Nam sang Trung Quốc lao động. Một số người được bố trí lao động, còn phần lớn chúng lừa bán đi nơi khác.
Bên cạnh đó, những đối tượng là người Việt Nam có quan hệ thân tộc, họ hàng huyết thống với người Trung Quốc, một số phụ nữ xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc lấy chồng… trở về Việt Nam cũng tham gia lôi kéo, rủ rê anh em, họ hàng, người thân, hàng xóm đi sang Trung Quốc làm thuê.
Cá biệt, một số người ở biên giới với vai trò cò mồi, môi giới câu kết với người Trung Quốc về thôn, bản rủ rê, lôi kéo người thân sang Trung Quốc lao động thời vụ thực chất là lừa bán.
Thủ đoạn phổ biến nhất là dùng bẫy “kinh tế” hứa hẹn bố trí việc làm hấp dẫn với mức lương cao. Trong trường hợp này, chúng thổi phồng thông tin quảng cáo, tiếp thị sang Trung Quốc lao động. Nạn nhân của các vụ án này thường là những người dân nhẹ dạ cả tin, mất cảnh giác...
Sau khi thu gom, các đối tượng tổ chức thành từng toán, nhóm 5 đến 10 người, có lúc lên trên 20 người đi theo đường mòn vượt biên trái phép. Có những gia đình, chúng lôi kéo cả vợ, chồng, con cái sang Trung Quốc lao động, sau khi đến Trung Quốc chúng tách vợ, chồng bắt buộc lao động còn các con nhỏ chúng bán đi nơi khác.
Chỉ tay vào những vết xẹo nhằng nhịt trên thân thể, anh Lê Quảng N. (trú tại huyện Yên Lập) là người trở về sau 2 lần bị cảnh sát Trung Quốc bắt giữ do nhập cảnh trái phép ngậm ngùi: “Nhiều lúc trong giấc ngủ, tôi vẫn giật mình thảng thốt. Những trận đòn roi và cảnh sống như địa ngục, thiếu thốn đủ mọi thứ ở nơi đất khách quê người vẫn hằn in trong tâm trí. Tôi những tưởng mình sẽ chẳng bao giờ được trở về quê hương”…
Trường hợp của anh Đinh Công Toàn ở xã Xuân An, Yên Lập (Phú Thọ) thì cũng vô cùng bi đát. Nghe lời những kẻ đưa dẫn, anh bán nhà sang Trung Quốc làm thuê. Tiền đâu chẳng thấy chỉ biết bị đánh đập và đối xử chẳng khác gì một lao động khổ sai thời trung cổ… May mắn lắm, anh Toàn về được nước thì lại phải đối mặt với cảnh nợ nần chồng chất, tình cảnh vô cùng bi đát.
Rất nhiều nạn nhân bị rơi vào cái bẫy của những kẻ mua bán người. Theo thống kê từ năm 2011 đến tháng 6/2014, trên địa bàn tỉnh Lai Châu phát hiện 153 vụ, việc với 1.292 lượt người xuất cảnh sang Trung Quốc lao động thời vụ.
Từ năm 2011 đến tháng 6/2014, trên địa bàn phát hiện 8 vụ việc đưa 9 người sang Trung Quốc lao động thời vụ; 5 đối tượng là cò mồi và 87 người đi lao động thời vụ có dấu hiệu bị mua bán.
Thực tế cho thấy, hầu hết các nghề và công việc mà người lao động xuất cảnh sang Trung Quốc làm thuê đều có mức thu nhập khá hấp dẫn, bình quân người lao động làm việc tại Trung Quốc có mức thu nhập từ 200-300 nghìn VNĐ/ngày và khoảng 5-7 triệu VNĐ/tháng.
Nếu so với thu nhập của người lao động ở địa phương nơi đi thì thu nhập cao hơn. Các nghề có mức thu nhập thấp nhất cũng khoảng 150-200 nghìn VNĐ/ngày (làm thuê, buôn bán, dịch vụ nhỏ…). Trong khi cơ hội việc làm ở địa phương rất thấp, không có nguồn thu phụ, đời sống gia đình khó khăn...
Đây chính là nguyên nhân khiến người lao động đã theo bạn bè, người thân hoặc bị cò mồi đưa sang các tỉnh biên giới Trung Quốc làm việc bất hợp pháp với hy vọng có được thu nhập tốt hơn để nuôi sống gia đình.
Theo: Xuân Mai - CAND