Bộ trưởng GTVT cho rằng, không phải ngẫu nhiên mà thời gian qua, nhiều nhà tài trợ quốc tế, các nhà đầu tư, các tập đoàn... đã bày tỏ quan tâm vào dự án sân bay Long Thành. Thậm chí có quốc gia đã “để mắt” đến Long Thành từ 3 - 4 năm trước...
Sau khi phân tích, loại trừ các phương án cải tạo sân bay Tân Sơn Nhất, làm sân bay mới tại Biên Hòa, tạo liên thông với sân bay Cần Thơ, Liên Khương, Cam Ranh… báo cáo giải trình về dự án của Chính phủ đưa ra luận giải về việc lựa chọn Long Thành làm nơi xây dựng sân bay mới.
Về vị trí địa lý, Long Thành có địa hình lý tưởng để xây sân bay, lại nằm ở trung tâm của khu vực Đông Nam châu Á với các đường bay Đông - Tây, Bắc - Nam, thuộc những tuyến bay nhộn nhịp của thế giới, thuận lợi cho việc hành khách và hàng hóa chuyển tiếp, trước khi đi đến các châu lục như: Châu Âu, Trung Đông, Nam Á, Đông Bắc Á, Bắc Mỹ và Châu Đại Dương.
Với các hãng hàng không và liên minh hàng không có nhu cầu làm căn cứ hoặc xây dựng lịch bay nối chuyến cho hành khách, hàng hóa, thì Long Thành cũng được đánh giá là điểm trung chuyển lý tưởng bởi khoảng cách hợp lý, tính hiệu quả cao.
Những điểm hấp dẫn này được khẳng định sẽ giúp thu hút các nhà đầu tư lớn trên thế giới.
Khu vực được công bố quy hoạch cho dự án xây dựng sân bay Long Thành tại tỉnh Đồng Nai.
Bên cạnh đó, việc huy động 5.000 ha mặt bằng để phục vụ dự án, Bộ GTVT cho là khả thi. Phương án giải phóng mặt bằng (GPMB) cho dự án đã được tỉnh Đồng Nai chuẩn bị công phu, bài bản, người dân thuộc diện phải di dời ủng hộ rất cao, tỉ lệ trên 99%. Với cách GPMB từng phần theo tiến độ thì số người dân bị ảnh hưởng đột ngột không lớn, tiết kiệm tài nguyên đất đai và khu vực tái định cư đã sẵn sàng.
“Thiệt hại về lý thuyết đáng kể nhất là phải phá đi hơn 1.700 ha cao su của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, nhưng trên thực tế thì số diện tích cao su này đã ở giai đoạn cuối của chu kỳ khai thác, năng suất mủ thấp, không còn hiệu quả” - báo cáo giải trình bổ sung của Chính phủ nêu rõ.
Khu vực Long Thành cũng có địa hình, địa chất, thủy văn lý tưởng, mặt bằng tương đối bằng phẳng, không quá phức tạp, thuận lợi cho việc làm sân bay. Địa điểm này gần các nguồn cấp vật liệu lớn, đảm bảo đủ và thuận lợi cho công tác xây dựng. Đây cũng là khu vực có khí hậu tốt, có 2 mùa gió Đông Bắc và Tây Nam, ít xảy ra sương mù, bão.
Dù vậy, những khó khăn đối với dự án cũng chất chồng không nhỏ. Chia sẻ lo lắng của nhiều đại biểu Quốc hội về cơ sở đảm bảo tính hiệu quả của sân bay Long Thành khi tham vọng trở thành một trung tâm trung chuyển hàng không mới của khu vực và quốc tế, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng xác nhận, giai đoạn phát triển ban đầu sẽ gặp khó khăn khi cạnh tranh với các cảng hàng không lớn trong khu vực.
Xung quanh Việt Nam hiện đã có sân bay Chek Lap Kok (Hongkong), Changi (Singapore), Kuala Lumpur (Malaysia), Subvabuhami (Thái Lan)... đều rất hiện đại, đang phát huy hiệu quả khai thác tốt.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Thăng cũng thông tin thêm, Singapore hiện chỉ có 5,4 triệu người, Hong Kong trên dưới 6 triệu, Malaysia khoảng 30 triệu, Thái Lan con số này là 67 triệu... Như vậy, không quốc gia nào có được lợi thế so sánh về thị trường với đất nước dân số 90 triệu của Việt Nam.
Về môi trường xã hội, Việt Nam có nền chính trị ổn định, không có xung đột tôn giáo, sắc tộc có thể gây bất ổn xã hội, ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế có thể làm sụt giảm tăng trưởng của ngành hàng không. Khu vực phía nam đất nước cũng được ICAO đánh giá khả năng hình thành cảng hàng không trung chuyển để phục vụ Liên minh hàng không Sky Team.
“Việt Nam là một điểm hướng tới trong xu hướng dịch chuyển các dòng vốn đầu tư - cơ hội để mỗi quốc gia, lãnh thổ đều có thể trở thành miền đất vàng, là điểm đến của thế giới. Những sự luân chuyển như vậy, theo kinh nghiệm, luôn đi kèm với nó là một vài quốc gia, một vài vùng miền nào đó nổi lên nhờ ở sự năng động. Nếu trong thời gian tới đây Việt Nam là quốc gia như vậy và chúng ta có đầy đủ cơ sở để tin vào điều này thì cơ hội tiếp theo chính là tiền đồ tươi sáng của đất nước” – Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng trao đổi thêm.
Bộ trưởng Thăng cho rằng, không phải ngẫu nhiên mà thời gian qua, nhiều nhà tài trợ quốc tế (tổ chức tài chính quốc tế, chính phủ các nước), các nhà đầu tư, các tập đoàn của Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp... đã bày tỏ quan tâm đầu tư vào dự án sân bay Long Thành. Thậm chí có quốc gia đã “để mắt” đến Long Thành từ 3 - 4 năm trước, khi nghe nói khả năng Việt Nam đầu tư làm sân bay tại đây.
Làm phép so sánh giữa việc lựa chọn đầu tư sân bay Long Thành với việc rót vốn vào các công trình giao thông khác, Bộ GTVT dẫn Nghị quyết 13 của TƯ Đảng, nội dung “ưu tiên đầu tư nâng cấp đồng bộ, hiện đại 5 sân bay quốc tế: Nội Bài, TPHCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Cam Ranh. Xây dựng Nội Bài thành cảng cửa ngõ quốc tế của miền Bắc. Huy động vốn ODA và khuyến khích hợp tác công tư để đầu tư xây dựng mới cảng trung chuyển hàng không quốc tế Long Thành”.