Có tới 79% cán bộ, công chức có thu nhập ngoài lương nhưng để kiểm soát những khoản thu nhập mà trong đó có cả quà biếu, quà tặng là không hề đơn giản.
Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Đình Quyền, kê khai tài sản là một trong những giải pháp để tiến tới quá trình kiểm soát tài sản. Ở các nước, để chống được tham nhũng, vấn đề quan trọng nhất là kiểm soát tài sản.
Kiểm soát tài sản không những chỉ để chống tham nhũng mà còn chống rửa tiền, chống buôn lậu, chống trốn thuế, gian lận thương mại... Thực hiện mục tiêu này, Luật Phòng, chống tham nhũng đã giao Chính phủ trình Quốc hội văn bản quy định về kiểm soát tài sản của người có chức vụ quyền hạn. Thế nhưng đây là vấn đề khó và vẫn chỉ dừng ở dự thảo đề án kiểm soát thu nhập quan chức.
Để tiến tới văn bản pháp quy, Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) đã xây dựng một Đề tài khoa học về nội dung này và đã được nghiệm thu xuất sắc. Một thông tin rất lưu ý được công bố là, có tới 79% cán bộ, công chức có thu nhập ngoài lương. Tuy nhiên, để kiểm soát những khoản thu nhập này mà trong đó có cả quà biếu, quà tặng là không hề đơn giản.
Bởi theo quy định của pháp luật, quan chức có quyền công dân - quyền được bí mật về tài sản để bảo đảm an toàn trong các giao dịch. Do vậy, để kiểm soát tài sản quan chức thì trước hết phải kiểm soát được tài sản của toàn xã hội. Nếu cứ để cơ chế tiêu tiền mặt như hiện nay thì không ai giám sát nổi tài sản.
Lấy ví dụ về sự “bất lực” hiện nay, ông Nguyễn Đình Quyền nói: “Chúng ta cứ loay hoay trong việc kiểm soát tài sản của người có chức vụ quyền hạn, thì bố có thể là Bộ trưởng, Thứ trưởng, Chủ tịch UBND tỉnh mà chẳng có tài sản gì cả. Nhưng con là giám đốc một doanh nghiệp lại có hàng nghìn tỷ. Trong trường hợp đó, chúng ta không thể kiểm soát được”.
Trong khi quy định hiện nay là con đã thành niên của quan chức không thuộc diện phải kê khai tài sản, thu nhập. Cũng chính vì những bất cập này mà nhiều cử tri và nhân dân cho rằng, biện pháp kê khai tài sản, thu nhập chỉ là hình thức, không có tác dụng gì nhiều.
Vừa qua, gần 1 triệu người thuộc diện phải kê khai tài sản nhưng chỉ có 5 người phải xác minh, một người bị kỷ luật vì kê khai không trung thực - cũng phần nào nói lên nhận định của cử tri và nhân dân không phải không có cơ sở.
Đối với Việt Nam, cần sớm xây dựng một đạo luật riêng về kiểm soát tài sản, thu nhập, yêu cầu bắt buộc quan chức thanh toán qua ngân hàng. Còn nếu kê khai tài sản dựa vào sự tự giác mà lại không có một thiết chế để kiểm soát lại sự tự giác đó như thế nào thì quả là quá khó cho cơ quan quản lý cán bộ.