Tại Việt Nam, việc tăng giá thuốc lá không phải là lý do chủ yếu làm tăng buôn lậu. Điều này được kết luận từ những căn cứ cụ thể.
Căn cứ đầu tiên là giá của phần lớn thuốc lá nhập lậu cao hơn giá thuốc lá hợp pháp được sản xuất trong nước: Mức giá trung bình của các loại thuốc lá nhập lậu vào VN thường cao hơn mức giá trung bình của các nhãn hiệu thuốc lá hợp pháp khoảng từ 30% đến 60%.
Căn cứ thứ hai, có thể thấy hương vị (hay còn gọi là “gu hút”), tác động nhiều hơn đến việc lựa chọn sử dụng thuốc lá lậu tại Việt Nam chứ không phải giá cả. Kết quả điều tra tiêu dùng thuốc lá tại 12 tỉnh ở Việt Nam năm 2012 cho thấy: Trên 70% người sử dụng thuốc lá lậu là do hương vị, tò mò, bạn bè mời; Chỉ có 15% người sử dụng thuốc lá lậu là do giá thấp.
Tại Việt Nam, số lượng thuốc lá buôn lậu tăng hay giảm không có mối liên quan tới mức tăng thuế trong những năm qua.
Số liệu của Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam về thuốc lá lậu ở Việt nam từ năm 2007 đến năm 2013 cho thấy số lượng thuốc lá buôn lậu tăng hay giảm không liên quan đến các thời điểm tăng thuế. Thậm chí số lượng thuốc lá lậu cũng có sự sụt giảm từ năm 2009 là thời điểm sau khi tăng thuế năm 2008 (870 triệu bao) đến năm 2011 (750 triệu bao). Việt nam cũng mới chỉ điều chỉnh thuế của các loại thuốc lá về một mức 55% vào năm 2006 và tăng lên 65% năm 2008, trong khi buôn lậu thuốc lá là vấn đề xảy ra từ nhiều năm nay. Thậm chí năm 2014, thuế thuốc lá còn chưa tăng nhưng theo Hiệp hội thuốc lá Việt Nam, lượng thuốc lá buôn lậu tăng đột biến 30% trong 5 tháng đầu năm 2014.
Căn cứ thứ ba, theo lý thuyết, sự khác biệt về thuế và giá thuốc lá giữa các nước góp phần làm gia tăng buôn lậu. Tuy nhiên thực tế tại Việt Nam cũng như các nước cho thấy việc buôn lậu thuốc lá còn do rất nhiều nguyên nhân như: Hiệu quả của hoạt động kiểm soát buôn lậu, khả năng kiểm soát tại các biên giới; Khả năng kiểm soát sản phẩm thuốc lá buôn lậu tại mạng lưới bán lẻ thuốc lá của các nước; Mức độ minh bạch hay tham nhũng trong công tác chống buôn lậu của các nước.
Tình trạng buôn lậu thuốc lá cần giải quyết bằng nhiều biện pháp khác, việc không tăng thuế không phải là giải pháp giúp giảm tình trạng buôn lậu. Rất nhiều quốc gia trên thế giới cũng có buôn lậu thuốc lá nhưng điều đó không ảnh hưởng tới tác động tích cực của việc tăng thuế thuốc lá.
Buôn lậu thuốc lá xảy ra ở cả những nước có mức thuế cao
và những nước có mức thuế thấp
Bằng chứng tại 76 quốc gia cũng cho thấy không có mối liên hệ giữa giá thuốc lá và buôn lậu. Tại các nước có mức giá thuốc lá thấp, tình trạng buôn lậu xảy ra với mức độ cao hơn những nước có mức giá thuốc lá cao
Những căn cứ trên cho thấy sẽ không hợp lý nếu kết luận nguyên nhân chính của việc tăng buôn lậu thuốc lá là do tăng thuế thuốc lá. Do đó Nhà nước cần tăng cường kiểm soát buôn lậu thuốc lá thay vì do dự không tăng thuế bởi các lợi ích sức khỏe và kinh tế đạt được từ việc tăng thuế lớn hơn rất nhiều các tổn thất về buôn lậu. Theo tính toán nếu với mức tăng thuế từ 65% hiện nay lên 105% năm 2015 và tăng lên 145% vào năm 2018 thì tổng thu ngân sách nhà nước từ thuế thuốc lá giai đoạn 2015-2020 sẽ là 230.494 tỷ đồng. Quan trọng hơn, mức tăng thuế này sẽ ngăn ngừa được rất nhiều thanh thiếu niên Việt Nam hút thuốc và ngăn ngừa được 726.000 ca tử vong sớm đến năm 2020 do các bệnh liên quan đến thuốc lá.
Chương trình “Phòng chống tác hại thuốc lá” đồng ý với ý kiến cho rằng để chống buôn lậu cần đồng bộ với các biện pháp quản lý thị trường. Thực tế Việt Nam có thể làm được điều này (bằng chứng là giai đoạn những năm 1990 và 2009-2011 đã kiểm soát khá tốt buôn lậu thuốc lá). Nếu thực hiện được, sẽ làm tăng thêm hiệu quả của chính sách thuế cả về mặt điều tiết tiêu dùng lẫn tăng thu ngân sách.
CÁC BIỆN PHÁP NGĂN NGỪA BUÔN LẬU THUỐC LÁ GỒM:
- Tăng cường kiểm soát mạng lưới bán lẻ, cấp phép đối với cơ sở bán lẻ thuốc lá.
- Xử phạt thật nghiêm đối với các trường hợp kinh doanh thuốc lá lậu.
- Tăng cường truyền thông về quy định cấm kinh doanh thuốc lá buôn lậu cho người bán lẻ và công chúng.
- Tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng chống buôn lậu thuốc lá.
Theo: LĐ