Với thể trạng kinh tế hiện nay, Việt Nam vẫn phải duy trì nhập siêu
Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương, nhận định sau một thời xuất siêu ấn tượng, đến năm 2015, Việt Nam có thể nhập siêu khoảng 6-8 tỉ USD, chiếm 5% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Trở về đúng bản chất!
Nhập siêu tính theo tháng đã quay trở lại với con số 582 triệu USD vào tháng 9 và sang tháng 10 là 400 triệu USD. Theo nhận định, xu hướng nhập siêu có thể được duy trì từ thời điểm này và năm 2015 sẽ cán mốc nhập siêu khoảng 6-8 tỉ USD.
Theo chuyên gia kinh tế Bùi Trinh, nhập siêu quay lại cho thấy nền kinh tế có dấu hiệu hồi phục, sản xuất mở rộng. Tuy nhiên, cần phải nhìn vào bản chất của sự hồi phục này. “Nhập khẩu về để sản xuất nhưng giá trị gia tăng kém thì cái lợi chỉ lan tỏa đến các nước đầu tư ở Việt Nam cũng như nhập khẩu hàng của Việt Nam. Hồi phục nền kinh tế theo hướng này cũng chỉ là hồi phục hoạt động gia công, lắp ráp thôi” - ông Bùi Trinh nhận xét. Cũng theo ông Trinh, quan tâm đến chỉ số nhập siêu, xuất siêu là chưa quan tâm đúng đến bản chất của nền kinh tế mà cần quan tâm đến hàm lượng tri thức, giá trị gia tăng từ cơ cấu hàng xuất nhập khẩu.
Chuyên gia kinh tế Phạm Tất Thắng, cố vấn cao cấp - Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công Thương), nhận định rằng trong tình trạng nền kinh tế Việt Nam hiện nay thì vẫn phải duy trì nhập siêu. “Trước đây, Chính phủ và Quốc hội có đặt mục tiêu cân bằng cán cân thương mại vào năm 2015. Theo tôi, mục tiêu này được đặt ra khá mạnh dạn và biện pháp thực hiện mục tiêu chưa có nên khó đạt được” - ông Thắng nêu ý kiến và cho rằng hiện tượng xuất siêu 3 năm qua là hy hữu bất thường của nền kinh tế, phản ánh tình trạng khó khăn của doanh nghiệp trong nước khi không ký được đơn hàng xuất khẩu, cầu giảm dẫn đến thu hẹp sản xuất; khối xuất khẩu thô như nông, lâm nghiệp, khoáng sản vẫn duy trì nên hình thành cán cân nghiêng về phía xuất khẩu.
“Đến nay, thị trường châu Âu, Mỹ và Nhật đã có dấu hiệu khởi sắc, dòng đầu tư vào Việt Nam tăng lên khiến nhu cầu nhập khẩu nguyên vật liệu về sản xuất cũng tăng. Nhập siêu tái xuất hiện mới đúng với thể trạng nền kinh tế của Việt Nam hiện nay” - ông Thắng đánh giá.
Cần cân đối cơ cấu hàng nhập
Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, Việt Nam đang tiến hành đàm phán một loạt hiệp định thương mại tự do và kỳ vọng sẽ được ký kết vào năm 2015 (Việt Nam - EU, Việt Nam - Hàn Quốc, TPP). Do đó, cơ hội để dòng đầu tư nước ngoài tràn vào Việt Nam là rất lớn dẫn đến gia tăng nhập khẩu thiết bị, máy móc.
Chưa kể, hiệu ứng từ sự hồi phục và tăng trưởng kinh tế ở các khu vực trên thế giới cũng sẽ giúp dòng đầu tư từ những hiệp định đã được ký kết trước đây dồn về Việt Nam tăng lên, thúc đẩy hoạt động nhập khẩu tư liệu sản xuất sôi động hơn vào năm tới. Ngoài ra, dựa trên tình hình sản xuất nhiệt điện và dầu khí, dự báo năm 2015, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu than và dầu thô để chế biến.
Ô tô nhập khẩu tại cảng VICT (quận 7, TP HCM) Ảnh: TẤN THẠNH
Do đó, dự kiến cơ cấu hàng hóa nhập khẩu sẽ vẫn gánh phần lớn là nguyên vật liệu, tư liệu sản xuất. Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh cũng chỉ ra: Theo số liệu thống kê, không năm nào hàng hóa nhập khẩu phục vụ tiêu dùng chiếm đến 10%. Phần lớn nhập khẩu rơi vào nguyên phụ liệu sản xuất với 60% và máy móc thiết bị khoảng 30%.
Tuy vậy, thực tế, diễn biến nhập khẩu của Việt Nam đang ghi nhận sự gia tăng của nhóm hàng xa xỉ từ khoảng tháng 8-2014 trở lại đây, khi lũy kế 8 tháng đầu năm, nhập khẩu mặt hàng này đã tăng 12%. Mặt hàng ô tô có kim ngạch nhập khẩu 10 tháng đầu năm đạt 2,8 tỉ USD, tăng đến 48% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng lưu ý, lộ trình cắt giảm thuế sẽ còn thúc đẩy nhập khẩu mặt hàng này trong các năm tới, tạo gánh nặng nhập siêu.
Theo các chuyên gia kinh tế, việc nhập khẩu phục vụ sản xuất là tích cực nhưng cần xem xét đến việc hạn chế tối đa công nghệ lạc hậu, hàng hóa xa xỉ hoặc các sản phẩm tiêu dùng thiết yếu đã sản xuất được trong nước.
Chuyên gia Phạm Tất Thắng cho rằng để có cán cân xuất nhập khẩu lành mạnh, bền vững thì phải có giải pháp thay đổi cơ cấu thị trường, cơ cấu mặt hàng, tập trung vào những mặt hàng có giá trị gia tăng cao như điện thoại di động, linh kiện điện tử, điện lạnh, hàng nông nghiệp công nghệ cao… Ngoài ra, cần đa dạng hóa thị trường nhập khẩu, tránh phụ thuộc vào một thị trường dẫn đến không có lợi về giá.
“Về cơ bản thì nhập siêu là không tốt. Muốn khắc phục tình trạng này chỉ còn cách thay đổi hoàn toàn cấu trúc nền kinh tế. Có thể dịch chuyển 20% xuất khẩu ở khu vực 2 (công nghiệp) sang khu vực 3 (xuất khẩu tại chỗ) để tận dụng tối đa ưu thế sẵn có của Việt Nam” - ông Bùi Trinh đề xuất.
Nhập khẩu từ Trung Quốc vẫn đáng lo
Số liệu thống kê cho thấy nhập siêu từ Trung Quốc với tốc độ tăng trưởng 10%-15%/năm vẫn là vấn đề nan giải trong cơ cấu thị trường xuất nhập khẩu của Việt Nam. Thực tế, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập siêu số 1 của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2014 với 23,1 tỉ USD, gấp đôi thị trường đứng thứ hai là Hàn Quốc. Nhập khẩu từ thị trường này chủ yếu thuộc về khối FDI sản xuất hàng may mặc do nguyên phụ liệu của Trung Quốc có ưu thế về giá rẻ.
Theo: Phương Nhung - NLĐ