Bầu Kiên có đơn khiếu nại viết tay dài 144 trang
Sáng 1-12, trong phiên phúc thẩm, Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) muốn trình bày bản khiếu nại viết trong tù dài hơn 144 trang, trong đó 118 trang gửi TAND Tối cao, 26 trang gửi VKSND Tối cao song HĐXX đề nghị tập trung vào nội dung chính.
Sáng nay 1-12, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội tiếp tục xét xử phúc thẩm vụ Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên), nguyên phó chủ tịch Hội đồng sáng lập ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB), và 5 đồng phạm về tội Kinh doanh trái phép, Trốn thuế, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Khi bị cáo Nguyễn Đức Kiên được gọi ra để thẩm vấn, chủ toạ nhắc nhở: "Đơn khiếu nại của của bị cáo gửi TAND tối cao dài 118 trang, HĐXX đã nghiên cứu kỹ từng nội dung; 26 trang bị cáo gửi VKS, HĐXX cũng đã được nghiên cứu. Đề nghị bị cáo tập trung trình bày nội dung chính".
Bị cáo Kiên nói: "Xin trình bày dài vì bản án với một người không phạm tội 30 năm là rất dài". Bị cáo Kiên đề nghị cho gửi đơn khiếu nại bổ sung, vì đơn này đã nhờ luật sư gõ máy tính lại cho dễ đọc, bổ sung để gửi lại thay thế cho đơn kia. Bị cáo Kiên xin được ký ngay tại toà để gửi cho chủ toạ.
Một thẩm phán nói: Đơn của bị cáo chữ rất khó đọc nhưng chúng tôi cũng đã đọc. Đơn đánh máy chúng tôi cũng sẽ đọc. Sau đó, chủ toạ vẫn chấp nhận để bị cáo ký đơn ngay tại toà để gửi cho thư ký.
Đơn khiếu nại này nói chi tiết về 4 tội danh bị TAND TP Hà Nội tuyên phạt tại phiên toà sơ thẩm cách đây hơn 5 tháng.
Trước đó, chiều 28-11, bị án trong vụ án này là Trần Ngọc Thanh, nguyên Giám đốc Công ty CP Đầu tư ACB Hà Nội, dự toà với tư cách người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đã bất ngờ bị ngất phải đi cấp cứu vẫn đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai, chưa thể tiếp tục dự toà.
Trước đó, tại phiên toà sơ thẩm, bị án Trần Ngọc Thanh cùng với Nguyễn Thị Hải Yến nhận mỗi bị cáo 5 năm tù với vai trò đồng phạm với Nguyễn Đức Kiên song không kháng cáo.
Cũng giống như hôm đầu xét xử, các bị cáo đều trong trang phục xanh, còn riêng bầu Kiên vận áo sơ mi trắng, quần âu. Trong khi các bị cáo khác ngồi tỏ ra căng thẳng thì bầu Kiên cặm cụi ngồi đọc tài liệu trên băng ghế dành cho bị cáo.
Đáng chú ý, bị cáo Kiên đề xuất: “Tại phiên sơ thẩm, toàn bộ phần thẩm vấn tôi bị cách ly. Vì vậy, phiên phúc thẩm tôi đề nghị hạn chế cách ly trong quá trình xét xử. Là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan thì tôi phải được biết các bị cáo khác, luật sư nói gì trong vụ án". Tuy nhiên, sau phần kiểm tra căn cước, đến phần xét xử, bị cáo Kiên vẫn tiếp tục bị cách ly.
Sáng nay, toà bắt đầu thẩm vấn các bị cáo về tội Kinh doanh trái phép.
Bản án sơ thẩm xác định bị cáo Kiên đã thông qua 6 công ty gồm: Công ty CP Đầu tư Thương mại B&B, Công ty CP Tập đoàn tài chính Á Châu, Công ty CP Đầu tư ACB Hà Nội, Công ty CP Đầu tư Tài chính Á Châu, Công ty TNHH Đầu tư tài chính Á Châu Hà Nội và Công ty CP Phát triển sản xuất và Xuất nhập khẩu Thiên Nam để tổ chức kinh doanh cổ phần, cổ phiếu và kinh doanh vàng với tổng số tiền gần 21,5 nghìn tỉ đồng.
Sáng 1-12, toà tập trung nội dung kinh doanh vàng trái phép. Cấp tòa sơ thẩm nhận định giấy phép kinh doanh của Công ty Thiên Nam chỉ là sản xuất hàng may mặc, thêu ren, xuất nhập các sản phẩm ngành công nghiệp nhẹ, thủ công mỹ nghệ… song hoàn toàn không có chức năng kinh doanh vàng vật chất và vàng trạng thái.
Công ty này đã ký thoả thuận với Ngân hàng Vietbank để nhận chuyển giao, kế thừa và tiếp tục thực hiện hợp đồng uỷ thác tài chính giữa Vietbank với Ngân hàng ACB. Theo đó, tiếp nhận toàn bộ trạng thái kinh doanh giá vàng ngoài lãnh thổ Việt Nam (còn gọi là kinh doanh vàng trạng thái hoặc kinh doanh giá vàng hoặc kinh doanh vàng ghi sổ, vàng tài khoản).
Quá trình doanh nghiệp này kinh doanh trái phép, tuy bị cáo Kiên không trực tiếp ký lệnh mua bán vàng trạng thái, song lại giữ vai trò quyết định việc kinh doanh bất hợp pháp của doanh nghiệp.
Mặc dù bị cáo Kiên, bị cáo Lý Xuân Hải cho rằng giá vàng cũng là hàng hóa và doanh nghiệp được phép kinh doanh hàng hóa, song theo quy định của pháp luật hoạt động kinh doanh vàng thuộc loại hình kinh doanh có điều kiện và phải có giấy phép.
Để giải thích rõ cho mô hình kinh doanh “vàng trạng thái”, Lý Xuân Hải, nguyên tổng giám đốc Ngân hàng ACB, so sánh: “Như cá độ bóng đá, nếu không có bóng đá thì không có cá độ bóng đá; không có kết quả xổ số thì không có lô đề… Nó dựa vào kết quả xổ số nhưng lại không phải là xổ số”.
( Theo Người Lao Động)
-------------------------
Bầu Kiên xin đọc đơn kháng án dài 118 trang
"Bản án 30 năm với người không có tội là rất dài", bị cáo Nguyễn Đức Kiên đã nói như vậy trong phiên xử khi trình bày nội dung lá đơn chống án bổ sung. Trước đó, bầu Kiên đề nghị được đọc lá đơn kháng án dài 118 trang giấy, nhưng đã không được HĐXX chấp thuận.
Bầu Kiên bị cách ly
Trước khi phiên xử sáng nay bắt đầu, vị chủ tọa phiên tòa đã hỏi tình hình sức khỏe của bị án Trần Ngọc Thanh (cựu Giám đốc Cty ACBI, bị tòa sơ thẩm tuyên 5 năm 6 tháng tù). Ở ngày đầu xét xử hôm 28/11, ông Thanh có vấn đề về sức khỏe, đột ngột ngất tại chỗ, phải cấp cứu.
Trả lời chủ tọa phiên tòa, đại diện lực lượng hỗ trợ tư pháp thông báo, ông Thanh vẫn phải điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai.
Giống ngày khai tòa, bầu Kiên vẫn luôn tranh thủ mọi thời gian rảnh nghiên cứu tài liệu ngay trước vành móng ngựa.
Trước khi vào phần thẩm vấn, HĐXX dành thời gian phổ biến quyền và nghĩa vụ cho người có quyền lợi liên quan (vắng mặt hôm 28/11).
Bước vào phần thẩm vấn, HĐXX cho cách ly bị cáo Kiên để đảm bảo yếu tố khách quan trong quá trình xử lý vụ án.
Mở màn cho phiên xét hỏi sáng nay, Tòa gọi hỏi đại diện Cty cổ phần phát triển sản xuất và xuất nhập khẩu Thiên Nam (viết tắt Cty Thiên Nam). Theo bản án sơ thẩm, đây là doanh nghiệp đã ủy quyền cho Nguyễn Đức Kiên thực hiện giao dịch trạng thái vàng, qua hệ thống điện thoại ghi âm tại Ngân hàng ACB. Liên quan đến những yêu cầu của Cty Thiên Nam tại tòa, vị đại diện cho rằng, đến ngày 1/12, ông này vẫn chưa nhận được văn bản nào của cty liên quan đến việc giữ hay hủy yêu cầu.
Điểm lại lịch sử của Cty Thiên Nam, chủ tọa phiên tòa đề nghị người đại diện điểm lại những lãnh đạo của Cty, tuy vậy, ông này tỏ ra khá lúng túng, thiếu thông tin.
Tòa cho gọi hỏi bị cáo Lý Xuân Hải (cựu Tổng giám đốc Ngân hàng ACB, bị tuyên 8 năm tù ở phiên sơ thẩm). Theo đó, ông Hải bị cáo buộc là người đề xuất và tham gia vào việc thống nhất đề ra chủ trương ủy thác cho nhân viên gửi tiền vào các tổ chức tín dụng trái quy định của pháp luật.
Tại bản án sơ thẩm, cựu Tổng giám đốc Ngân hàng ACB bị cho là đã trực tiếp chỉ đạo, điều hành thực hiện việc ủy thác cho nhân viên gửi tiền vào Ngân hàng Vietinbank, gây thiệt hại hơn 718 tỷ đồng.
Ngoài ra, ông Hải còn bị quy kết đã tham gia vào việc thống nhất đề ra chủ trương mua cổ phiếu trên thị trường chứng khoán trái quy định của pháp luật, gây thiệt hại cho Ngân hàng ACB hơn 687 tỷ đồng. Phiên sơ thẩm đánh giá vai trò của bị cáo Hải lớn hơn các bị cáo còn lại, và chỉ sau Nguyễn Đức Kiên.
Bầu Kiên xin đọc đơn kháng án dài 118 trang
Sau hồi thẩm vấn một số nội dung liên quan đến kinh doanh vàng, HĐXX cho gọi bị cáo Kiên vào phòng xử. Theo đó, vị chủ tọa lần lượt hỏi bị cáo về 4 tội danh đã bị tuyên phạt trước đó.
Bầu Kiên xin đọc nguyên văn đơn kháng án, tuy vậy, vị chủ tọa nói rõ: “Đơn đó có 118 trang, hơn nữa, các thành viên HĐXX đã đọc kỹ, nên không cần thiết. Bị cáo có thể trình bày ở phần tranh luận”.
Tại tòa, bầu Kiên xin có đơn khiếu nại bổ sung: “Do tôi viết đơn ở trong trại, do vậy có thể có những sai sót, tôi xin được bổ sung lá đơn nói trên”. Và đề xuất này được HĐXX chấp thuận.
Với lá đơn này, ông Kiên tái khẳng định, 5 công ty của mình được thành lập theo đúng luật định. “Quyết định mua cổ phần là ý chí của tập thể, không phải cá nhân tôi” – bị cáo Kiên khẳng định.
“Trong nội dung phần “Nhận thấy”, tòa sơ thẩm đã không nhận thấy như sau: Các công ty được cấp phép đúng pháp luật và tính đến nay, các công ty này vẫn hoạt động bình thường. Chưa có bất cứ quyết định nào khác từ phía cơ quan chức năng” – lá đơn có đoạn.
“Tôi tin tôi đã làm đúng tại các công ty” – Nguyễn Đức Kiên quả quyết.
Ngay lúc đó, vị chủ tọa ngắt lời bị cáo: “Bị cáo dừng lại, phần “Nhận thấy” là tóm tắt nội dung cáo trạng. Phần “Xét thấy” mới thuộc tòa cấp sơ thẩm. Bị cáo lưu ý”. Bị cáo Kiên đáp lại: “Kính thưa HĐXX, bản án 30 năm đối với người không phạm tội là rất dài. Đề nghị HĐXX cho tôi được trình bày”.
Quá trình phân tích các hành vi bị cáo buộc trong phiên sơ thẩm, bầu Kiên bị HĐXX ngắt lời, dặn dò: “Bị cáo bình tĩnh khi trình bày”. “Dạ, tôi bị huyết áp, tim mạch cao, nên tôi sẽ phải giữ bình tĩnh, thưa HĐXX” – ông Kiên đáp.
“Tòa sơ thẩm đã sửa luật doanh nghiệp một cách bất hợp pháp, vi hiến, nhận thức sai về phấp luật” – Nguyễn Đức Kiên phản pháo bản án sơ thẩm khi cho rằng đã đưa ra một số khái niệm trong kinh doanh chưa từng được ghi nhận trong các văn bản pháp luật. Do vậy, bị cáo Kiên đề nghị HĐXX cấp phúc thẩm tuyên bố mình không phạm tội kinh doanh trái phép.
Nói về hoạt động của Cty Thiên Nam, bị cáo Kiên khẳng định doanh nghiệp này hoàn toàn được phép kinh doanh vàng, sau hồi dẫn hàng loạt văn bản liên quan.
-------------------------