Tội phạm có yếu tố nước ngoài gia tăng ở TPHCM
TP.HCM xuất hiện nhiều vụ lừa đảo có yếu tố nước ngoài. Các đối tượng sử dụng thủ đoạn nhắn tin, gọi đến nhà thông báo nợ cước điện thoại để dụ người bị hại theo kịch bản có sẵn…rồi chiếm đoạt tài sản.
Sáng 30/11, tại Hội trường Thành ủy, Công an TP.HCM đã tiếp đoàn Bộ Công an do Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn kiểm tra tình hình, kết quả công tác trong năm 2014.
Tại buổi làm việc, Thiếu tướng Nguyễn Chí Thành, Giám đốc Công an TP.HCM báo cáo lãnh đạo Bộ Công an về tình hình, kết quả công tác trong năm 2014. Đồng thời, đề xuất kiến nghị một số vấn đề trọng tâm công tác công an trong năm tới, nhằm tiếp tục giữ vững ổn định an ninh chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trên địa bàn TP.HCM.
Trong năm 2014, Công an TP.HCM phát hiện 6.381 vụ phạm pháp hình sự, tăng 2,62% so với năm 2013. Các loại án nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng như giết người, cướp tài sản, cướp giật tài sản, hiếp dâm đều được kéo giảm mạnh.
Tỷ lệ phá án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng (giết người, cướp sử dụng súng) đạt 95,3%. Một số loại án khác như mua bán chiếm đoạt trẻ em, hiếp dâm, cưỡng đoạt tài sản, cướp giật tài sản…có kết quả khám phá cao.
Trong năm 2014, Công an TP.HCM cũng phát hiện một số băng nhóm, đối tượng hình sự từ các tỉnh, thành phía Bắc, miền Trung dịch chuyển vào TP.HCM câu kết thành các băng nhóm tội phạm có tổ chức, hoạt động tập trung vào các ngành nghề kinh doanh có điều kiện như vũ trường, quán bar, khách sạn hoặc mở dịch vụ cầm đồ, hoạt động “tín dụng đen”. Đặc biệt, tội phạm mua bán người tiềm ẩn nhiều nguy cơ và có dấu hiệu hình thành các đường dây, tổ chức để hoạt động.
Tội phạm trộm cắp tài sản tăng. Trong đó, án trộm đột nhập chủ yếu do các băng nhóm, đối tượng chuyên nghiệp thực hiện, hoạt động tinh vi và có đường dây tiêu thụ tài sản, gây thiệt hại lớn về tài sản cho người dân, nhất là tại các khu dân cư.
Đáng nói trong năm qua, TP.HCM xuất hiện nhiều vụ lừa đảo có yếu tố nước ngoài. Các đối tượng sử dụng thủ đoạn nhắn tin, gọi đến nhà thông báo nợ cước điện thoại để dụ người bị hại theo kịch bản chuẩn bị sẵn. Nguy hiểm hơn, các đối tượng này tự xưng cơ quan công quyền đang thụ lý các vụ án có liên quan, yêu cầu nạn nhân phải cung cấp thông tin, chuyển tiền vào tài khoản của các đối tượng này để chiếm đoạt.
Công an TP.HCM cho biết, đã khởi tố 29 vụ, bắt tạm giam 64 đối tượng (có 15 người Đài Loan, 1 người Trung Quốc) hoạt động lừa đảo với phương thức, thủ đoạn qua điện thoại cho khoảng 200 bị hại, gây thiệt hại 30 tỷ đồng.
Tội phạm về tệ nạn cờ bạc có xu hướng mở rộng về đối tượng tham gia, quốc tế hóa với mức độ và quy mô ngày càng lớn hơn. Nhất là đối với hình thức cá độ bóng đá qua mạng internet với phương thức tiền cược được chung chi nhiều tầng qua hệ thống ngân hàng với tài khoản ảo, hệ thống máy chủ cá cược được đặt tại nước ngoài.
Hoạt động mua bán dâm cũng đã chuyển sang phương hướng chào hàng, môi giới trên mạng internet, người bán dâm có xu hướng hoạt động độc lập ngày càng nhiều, một số hoạt động núp bóng dưới các hình thức dịch vụ trá hình như spa, massage,…
Tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy giảm sâu trên cả 3 mặt (số vụ giảm 9,4%; người chết giảm 9,1%; người bị thương giảm 9,6%), không xảy ra tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, ùn tắc giao thông đã được kiềm chế đến mức thấp nhất, ùn tắc trên 30 phút không còn xảy ra.
-------------------------
Lái xe vi phạm giao thông có... thẻ phóng viên
Tuy chỉ là lái xe của Công ty Truyền thông xanh nhưng Nam lại được cơ quan cấp cho thẻ phóng viên...
Chiều 6/3/2014, tại Km15+300 trên tuyến QL6, đoạn gần Bến xe Yên Nghĩa, quận Hà Đông (Hà Nội), xe ô tô Ford Everest, 7 chỗ ngồi mang BKS 30Y - 5156 lưu thông hướng QL6 về Hà Nội, vi phạm hành vi vượt trong các trường hợp cấm vượt nên bị Tổ tuần tra kiểm soát, Đội CSGT số 7 (Công an TP Hà Nội) ra hiệu lệnh dừng xe kiểm tra.
Vừa xuống xe, tài xế điều khiển xe ô tô trên đã rút thẻ phóng viên mang tên Đỗ Tú Nam (SN 1977), chức vụ Phó Ban xuất bản báo chí của Tạp chí quản lý và yêu cầu CSGT bỏ qua lỗi vi phạm.
Thượng úy Phạm Ngọc Thành, Đội phó Đội CSGT số 7, Tổ trưởng tổ công tác cho biết: Qua những biểu hiện không bình thường, Tổ công tác yêu cầu tài xế xuất trình GPLX, giấy tờ xe để tiến hành lập biên bản. GPLX cũng mang tên Đỗ Tú Nam (1977) ở Điền Xá, Nam Trực, Nam Định. Ngay sau khi lập biên bản vi phạm, Tổ công tác yêu cầu Nam về Trụ sở Đội CSGT số 7 để tiến hành làm rõ.
Tại trụ sở Đội CSGT số 7, Đỗ Tú Nam khai nhận, là lái xe của Công ty Truyền thông xanh và đã được lãnh đạo công ty này làm "Thẻ phóng viên". Nam còn cho biết thêm, trước đó từng vi phạm giao thông, rút thẻ này ra CSGT bỏ qua.
Theo quy định, cơ quan báo chí không có thẩm quyền cấp "Thẻ Phóng viên" cho cán bộ, phóng viên của mình. Những cá nhân hoạt động báo chí trong cơ quan báo chí đủ điều kiện theo quy định sẽ được Bộ Thông tin & Truyền thông cấp Thẻ Nhà báo (có thời hạn 5 năm).
Vụ việc trên Đội CSGT số 7 đang phối hợp Công an quận Hà Đông tiến hành xác minh và làm rõ.
-------------------------
Bắt quả tang xe tải chở 30.000 gói thuốc lá lậu
Ngày 30/11, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ, Công an TP HCM phối hợp với Công an quận Bình Tân tiến hành phân loại hơn 30.000 gói thuốc lá lậu, dán niêm phong và lập hồ sơ xử lý.
Trước đó khoảng 1h15 cùng ngày, tổ công tác của các đơn vị chức năng phối hợp phát hiện chiếc xe tải biển số: 54Y-5114 do tài xế Nguyễn Quốc Trưởng (sinh năm 1972, quê quán Đồng Nai) điều khiển lưu thông trên đường Nguyễn Thị Tú (hướng từ Long An về TP HCM) với dấu hiệu khả nghi nên tiến hành kiểm tra. Khi mở thùng xe tải, lực lượng phối hợp phát hiện hàng chục bao tải bên trong chứa thuốc lá lậu nên tiến hành đưa về trụ sở công an phường Bình Hưng Hòa B, Bình Tân để làm rõ. Tại đây tài xế Trưởng không trưng ra được giấy tờ liên quan chứng minh nguồn gốc số hàng trên. lực lượng phối hợp đã tiến hành kiểm kê và phát hiện 19.800 gói thuốc lá hiệu Jet 8.850 gói thuốc lá điếu hiệu Hero.
Tài xế Trưởng cho biết chỉ chở thuê số thuốc lá nhập lậu này từ Long An về TP Hồ Chí Minh cho một chủ hàng. Khi chuyển hàng đến địa điểm tập kết, số lượng thuốc lá khổng lồ này sẽ được chia nhỏ cho các điểm bán lẻ. Sau khi lập biên bản niêm phong gần 30.000 gói thuốc lá lậu trên, lực lượng phối hợp đã giao tài xế Trưởng và tang vật cho Công an quận Bình Tân xử lý theo thẩm quyền.
-------------------------
Từ 1.12.2014: Bắt buộc phải bảo dưỡng định kỳ xe cơ giới
Theo Thông tư 53/2014/TT-BGTVT của Bộ GTGT, tất các cả phương tiện giao thông cơ giới đường bộ từ 1.12.2014 phải bảo dưỡng định kỳ. Áp dụng với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến sử dụng, bảo dưỡng, sửa chữa xe cơ giới tham gia giao thông. Đây là cơ sở để thực hiện bảo dưỡng sửa chữa duy trì tình trạng kỹ thuật xe tốt giữa hai kỳ kiểm định.
Theo báo cáo của Ủy ban ATGT Quốc gia, tỉ lệ những vụ TNGT đường bộ xảy ra do phương tiện không đảm bảo an toàn kỹ thuật chỉ chiếm từ 0,7-0,8 % tổng số vụ TNGT đường bộ. Ngoài ra các vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra cho thấy không có vụ nào có nguyên nhân liên quan đến đăng kiểm phương tiện.
Chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam - Nguyễn Văn Thanh cho rằng nhiều năm nay việc bảo dưỡng định kỳ phương tiện cơ giới bị bỏ ngỏ, trách nhiệm của chủ phương tiện là phải bảo dưỡng chứ không phải cứ ỷ lại vào đăng kiểm.
Do vậy, Thông tư 53/2014/TT-BGTVT, quy định tất cả xe cơ giới phải duy trì các tính năng và tình trạng kỹ thuật thông qua biện pháp bảo dưỡng bắt buộc hoặc sửa chữa theo yêu cầu, trước khi tiến hành bảo dưỡng, sửa chữa phải kiểm tra để đưa ra giải pháp phù hợp và phải được bảo dưỡng theo chu kỳ quy định.
Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm VN Nguyễn Hữu Trí cho biết việc kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, bảo dưỡng, sửa chữa xe cơ giới là hai công việc có tính chất hoàn toàn khác nhau và không có chuyện vênh nhau. Luật Giao thông đường bộ đã quy định rõ, xe cơ giới khi tham gia giao thông phải bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.
Việc kiểm tra hiện nay đang được thực hiện thông qua công tác kiểm định tại các Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới công tác bảo dưỡng là công việc dự phòng được chủ xe, lái xe tiến hành sau một chu kỳ vận hành nhất định trong khai thác nhằm duy trì trạng thái kỹ thuật tốt của xe cơ giới, thường được thực hiện theo nội dung và chu kỳ do nhà sản xuất quy định. Việc thực hiện bảo dưỡng định kỳ xe cơ giới góp phần phát hiện và khắc phục kịp thời các dấu hiệu hư hỏng, thực hiện duy trì tình trạng tốt của xe, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn của phương tiện khi tham gia giao thông.
Đại tá Trần Sơn – Phòng CSGT đường sắt, đường bộ - cũng cho rằng ngoài việc đăng kiểm phương tiện theo quy định, việc bảo dưỡng xe là chuyện đương nhiên, không có quy định thì các chủ phương tiện cũng phải bảo dưỡng. Các nước trên thế giới đã áp dụng từ lâu và tất cả các xe khi xuất xưởng đã có hướng dẫn bảo dưỡng định kỳ với thời hạn không được nhỏ hơn 2 tháng hoặc 1.500km xe chạy tuỳ theo điều kiện nào đến trước, tính từ thời điểm xe xuất xưởng, nhưng phần lớn các chủ phương tiện đều không quan tâm. Không ít các trường hợp chủ phương tiện cũ nát trước khi đăng kiểm đã mượn phương tiện thay thể để qua mặt đăng kiểm, do vậy chứng nhận chất lượng là để bít các lỗ hổng mà từ trước đến nay chúng ta "quên" chưa làm.
-------------------------