Xem xét lại hành vi kinh doanh trái phép của bầu Kiên
Nhóm tội kinh doanh trái phép được thẩm vấn đầu tiên. Bị cáo Nguyễn Đức Kiên bị cách ly khi tòa thẩm vấn những người liên quan đến nhóm tội này.
Ngày 28/11, phiên tòa phúc thẩm xét xử Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm diễn ra theo đơn kháng án của các bị cáo. Cho rằng mình không phạm cả 4 tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Kinh doanh trái phép, Trốn thuế và Cố ý làm trái như đã bị quy kết, Nguyễn Đức Kiên kháng cáo kêu oan, đề nghị xem xét lại toàn bộ bản án.
Mặc dù đã thuê 4 luật sư bào chữa, tại phiên tòa phúc thẩm, “bầu” Kiên trình bầy mong muốn được tự bào chữa, mong được hạn chế thời gian cách ly.
Ngay từ đầu phiên tòa, bị cáo này đã cắm cúi nghiên cứu tài liệu. Ông ta trình bầy: “Bị cáo không thay đổi nội dung kháng cáo, mong tòa tạo điều kiện để bị cáo được trình bày toàn bộ nội dung kháng án”.
Buổi chiều cùng ngày, sau khi tóm tắt lại bản án sơ thẩm, HĐXX chuyển sang phần thẩm vấn.
Tòa tiến hành thẩm vấn theo từng nhóm tội. Nhóm tội kinh doanh trái phép được thẩm vấn đầu tiên. Bị cáo Nguyễn Đức Kiên bị cách ly khi tòa thẩm vấn những người liên quan đến nhóm tội này.
Bản án sơ thẩm cho rằng, dù không được cấp phép ngành nghề kinh doanh tài chính, kinh doanh vàng vật chất và vàng trạng thái, nhưng từ ngày 15/5/2007 đến ngày 3/8/2012, Nguyễn Đức Kiên đã thông qua 6 Cty (trong đó có Cty Thiên Nam) do Kiên là Chủ tịch HĐQT, Chủ tịch Hội đồng thành viên để kinh doanh tài chính và kinh doanh vàng trạng thái trái phép với tổng số tiền hơn 21.000 tỷ đồng.
Hành vi của Kiên bị HĐXX cấp sơ thẩm xác định đã phạm vào tội Kinh doanh trái phép và tuyên phạt 20 tháng tù giam.
HĐXX cấp phúc thẩm thẩm vấn những người liên quan để làm rõ về hành vi kinh doanh giá vàng của bị cáo Kiên tại Cty Thiên Nam.
Theo lời khai của những người bị thẩm vấn, HĐQT đã ủy quyền cho ông Kiên thực hiện giao dịch qua hệ thống điện thoại ghi âm tại ngân hàng ACB.
Ông Nguyễn Đức Thái Hân, Phó Tổng giám đốc ACB khai,
việc giao dịch đặt lệnh qua điện thoại, Nguyễn Đức Kiên là người đặt lệnh. Ngoài Kiên ra không còn có ai khác làm việc này.
Trước đó, tại phiên sơ thẩm, bị cáo Kiên cho rằng, việc thực hiện giao dịch giá vàng là hoạt động mua bán hàng hóa phù hợp với pháp luật, Cty Thiên Nam chỉ kinh doanh giá vàng vì theo giấy phép hoạt động, Cty được kinh doanh hàng hóa, mà kinh doanh giá vàng thuộc loại hình kinh doanh mua bán hàng hóa.
Hành vi kinh doanh giá vàng của Cty Thiên Nam không phạm tội Kinh doanh trái phép.
Sau phiên tòa sơ thẩm, Cty Thiên Nam cũng có kháng cáo cho rằng họ không trực tiếp kinh doanh vàng, mở tài khoản kinh doanh vàng ở nước ngoài, nên Cty này không kinh doanh vàng trái phép.
Theo lập luận của bản án sơ thẩm, tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Lý Xuân Hải và đại diện Ngân hàng Nhà nước khẳng định, các loại hình kinh doanh trạng thái vàng và kinh doanh giá vàng về bản chất là giống nhau.
Kế toán Lê Thị Thu Hà và Phó Tổng giám đốc ACB, ông Nguyễn Đức Thái Hân đều xác định, tại Cty Thiên Nam, ông Kiên là người có quyền quyết định mọi hoạt động kinh doanh trạng thái vàng...
Như vậy khẳng định, việc kinh doanh giá vàng của Cty Thiên Nam như bị cáo Kiên xác nhận chính là hoạt động kinh doanh trạng thái vàng và phải chịu sự điều chỉnh theo quy định tại Điều 4 của Quyết định 03/QĐ/NHNN và phải đăng ký kinh doanh.
Bản án sơ thẩm chỉ ra: Kinh doanh vàng, giá vàng hay vàng trạng thái đều là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, các hoạt động này phải có giấy phép đăng ký kinh doanh, nên lập luận của bị cáo đưa ra tại phiên tòa là không có căn cứ.
17 giờ ngày 28/11, chủ tọa phiên tòa phúc thẩm thông báo dừng buổi xét xử đầu tiên. Thứ hai, 1/12, tòa tiếp tục với phần thẩm vấn.
-------------------------
Phúc thẩm vụ 'bầu' Kiên: 2 bị cáo không kêu oan nữa
Chiều 28/11, HĐXX công bố đơn kháng cáo của các bị cáo. Theo đó, bị cáo Nguyễn Đức Kiên cho rằng mình không phạm 4 tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Trốn thuế, Kinh doanh trái phép và Cố ý làm trái.
Bị cáo Kiên kháng cáo kêu oan, yêu cầu xem xét lại toàn bộ bản án.
Bị cáo Lý Xuân Hải kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Bị cáo này cho rằng ông ta không phạm tội Cố ý làm trái bởi khi ban hành Nghị Quyết ủy thác, Nhà nước chưa có hướng dẫn nên chưa có thiệt hại. Bị cáo không biết việc mua bán cổ phiếu ở ngân hàng ACB. Việc mua cổ phiếu là do ACBS tự ý thực hiện và không gây thiệt hại gì.
Bị cáo Lê Vũ Kỳ kháng cáo xin giảm hình phạt: Bị cáo trình bầy- do nhận thức pháp luật còn hạn chế, chỉ làm theo HĐQT và các thành viên lâu năm khác.
Bị cáo Trịnh Kim Quang kháng cáo kêu oan: Bị cáo này cho rằng mình không cố ý làm trái. Biên bản họp HĐQT là có trước khi có Luật tổ chức tín dụng nên không có thiệt hại, bởi số tiền hơn 718 tỷ đồng, ngân hàng ủy thác đi gửi tiền đã mang lại lợi nhuận cho ACB.
Việc thường trực HĐQT ra hạn mức đầu tư trái phiếu là đúng pháp luật.
Bị cáo Phạm Trung Cang lúc đầu kháng cáo kêu oan, cho rằng Nghị Quyết của ACB có trước Luật tổ chức tín dụng nên bị cáo không phạm tội Cố ý làm trái. Việc ngân hàng ACB cho nhân viên đi gửi tiền, lúc đó bị cáo đã chuyển công tác, không còn làm việc ở ACB.
Nhưng sau đó bị cáo này đã có đơn xin thay đổi nội dung kháng án. Ông Cang không kêu oan nữa và xin nhận tội, xin được giảm xuống mức án treo.
Sau phiên sơ thẩm, bị cáo Huỳnh Quang Tuấn gửi đơn kháng cáo yêu cầu được xem xét lại tội danh. Bị cáo cho rằng mình được mời cuộc họp với ý tư cách là khách mời, không có ý kiến gì.
Bị cáo bị tù giam là không thỏa đáng. Đến trước khi diễn ra phiên tòa phúc thẩm, bị cáo này gửi đơn xin thay đổi nội dung kháng cáo. Ông Tuấn không kháng cáo kêu oan nữa mà xin nhận tội, xin giảm hình phạt, mong được nhận án treo.
Ngoài các bị cáo, một số đơn vị có liên quan cũng gửi đơn kháng án. Cụ thể, Công ty B&B kháng cáo cho rằng Cty không trốn thuế, người đại diện pháp luật của Cty không phải là bà Đặng Ngọc Lan.
Cty Thiên Nam cũng kháng cáo cho rằng họ không trực tiếp kinh doanh vàng, mở tài khoản kinh doanh vàng ở nước ngoài nên cty này không kinh doanh vàng trái phép.
Chiều 28/11, phiên tòa phúc thẩm xử bầu Kiên và đồng phạm tiếp tục với phần thẩm vấn.
-----------------------------------------
HĐXX đã công bố nội dung tóm tắt bản án sơ thẩm với tội danh của các bị cáo
Hành vi phạm tội Kinh doanh trái phép: Mặc dù không được cấp phép ngành nghề kinh doanh tài chính, kinh doanh vàng vật chất và vàng trạng thái, nhưng từ ngày 15/5/2007 đến ngày 3/8/2012, Nguyễn Đức Kiên đã thông qua 6 công ty do Kiên là Chủ tịch HĐQT, Chủ tịch Hội đồng thành viên để kinh doanh tài chính và kinh doanh vàng trạng thái trái phép với tổng số tiền hơn 21.000 tỷ đồng. Hành vi của Kiên bị HĐXX cấp sơ thẩm xác định đã phạm vào tội Kinh doanh trái phép.
Về hành vi trốn thuế: Trong năm 2009, Cty B&B thực hiện các lệnh ủy thác cho Ngân hàng ACB mua bán vàng trạng thái thu được lãi số tiền hơn 100 tỷ đồng, nhưng chỉ bằng việc ký Hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính ngày 25/12/2008 và phụ lục hợp đồng, Cty B&B đã chuyển toàn bộ lợi nhuận kinh doanh vàng trạng thái của Cty cho bà Nguyễn Thúy Hương thụ hưởng để không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp số tiền hơn 25 tỷ đồng.
Bị cáo Kiên là người chủ mưu, trực tiếp thực hiện toàn bộ các khâu trong quá trình kinh doanh. Tại phiên tòa sơ thẩm và tại cơ quan điều tra, bị cáo không thành khẩn. Bên cạnh đó, Đặng Ngọc Lan và Nguyễn Thúy Hương với vai trò là người giúp sức rất tích cực cho Nguyễn Đức Kiên với Đặng Ngọc Lan và Nguyễn Thúy Hương là vợ chồng, anh em ruột thịt trong gia đình, nhưng thấy cần thiết yêu cầu các cơ quan tố tụng làm rõ hành vi của những người này để xử lý theo quy định của pháo luật.
Hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản: Theo bản án sơ thẩm, Cty TNHH một thành viên thép Hòa Phát là Cty có con dấu và tài khoản riêng, hoạt động độc lập và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động của mình.
Nếu có việc Tập đoàn Hòa Phát đang giữ số cổ phiếu của ACBI thì quyền và nghĩa vụ do tập đoàn Hòa Phát thực hiện hoàn toàn không liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của Cty TNHH một thành viên thép Hòa Phát.
Tại phiên sơ thẩm, bị cáo Kiên nhiều lần khẳng định là người có tài sản nhiều ngàn tỷ, không có ý định chiếm đoạt của Cty TNHH một thành viên Thép Hòa Phát. Về vấn đề này, HĐXX cấp sơ thẩm thấy: Ngay sau khi nhận được tiền từ Cty TNHH một thành viên thép Hòa Phát, bị cáo đã chỉ đạo cấp dưới sử dụng tiền vào các mục đích khác nhau.
Hơn nữa, bị cáo cũng không có tác động nào để thực hiện việc giải chấp cổ phần đã chuyển nhượng cho Cty TNHH một thành viên thép Hòa Phát. Điều này càng thể hiện ý thức chiếm đoạt của Kiên.
Hành vi Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng:
Hành vi thống nhất và ban hành chủ trương ủy thác cho nhân viên ngân hàng ACB gửi tiền vào Vietinbank của các bị cáo là làm trái quy định tại Điều 106 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 và gây thiệt hại cho Ngân hàng ACB số tiền hơn 718 tỷ đồng.
Hành vi thống nhất, ban hành chủ trương mua cổ phiếu trên thị trường chứng khoán của các bị cáo Quang, Cang, Kỳ, Hải và hành vi tổ chức thực hiện việc đầu tư cổ phiếu Ngân hàng ACB của Kiên, Kỳ là trái quy định tại Điều 29, Quyết định 27/2007/QĐ- BTC ngày 24/4/2007 của Bộ Tài Chính và đã gây thiệt hại cho Ngân hàng ACB số tiền hơn 687 tỷ đồng.
HĐXX thấy có đủ cơ sở xác định, các bị cáo Nguyễn Đức Kiên, Lê Vũ Kỳ, Phạm Trung Cang, Trịnh Kim Quang, Lý Xuân Hải, Huỳnh Quang Tuấn đã phạm tội Cố ý làm trái như VKS đã truy tố.
-------------------------