Sáng qua (28/11) Tòa phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội mở phiên tòa hình sự phúc thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Đức Kiên cùng các đồng phạm. Giống như phiên sơ thẩm, an ninh trong và ngoài phiên tòa được thắt chặt. Ngay cả luật sư ban đầu cũng không được đưa máy tính xách tay vào phòng xử.
“Người đặc biệt” được trích xuất tới tòa
Trước 7h00’, đoàn xe chở các bị cáo đã “cập bến” trụ sở Tòa phúc thẩm TANDTC. Giống như phiên sơ thẩm, an ninh được thắt chặt, chỉ có những người liên quan đến phiên tòa mới được phép vào phòng xét xử, và đương nhiên phải đi qua hệ thống máy soi an ninh.
Đáng chú ý, “người đặc biệt” Huỳnh Thị Huyền Như cũng được trích xuất từ trại giam tới phiên tòa. Trong lúc chờ đợi khai tòa, “nữ bị án ngàn tỷ” tỏ ra khá thoải mái, bắt chuyện với những người quen cũ trước vành móng ngựa.
Phiên xử bắt đầu muộn hơn dự kiến, do vắng khá nhiều luật sư, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (CQL,NVLQ), nguyên, bị đơn dân sự... Đến 8h45’, thư ký phổ biến nội quy phiên tòa. Trong phòng xét xử, người phụ nữ trẻ đẹp áo trắng giản dị - vợ bầu Kiên - ngồi phía cuối phòng lặng lẽ quan sát chồng mình trước vành móng ngựa.
Không nhớ địa chỉ... Cty mình
Chủ tọa gọi hỏi đại diện nhóm 4 Cty liên quan đến vụ án: “Anh cho biết, trụ sở các Cty này giờ ở đâu?”; đáp: “Dạ, cho tôi xin 5 phút chuẩn bị tài liệu để trả lời”. “Lạ thật, đến trụ sở của Cty mình cũng không biết. Thôi được rồi, anh chuẩn bị đi” - thẩm phán chủ tọa tỏ ra ngạc nhiên.
Bầu Kiên tranh thủ lật giở đọc lại bản án sơ thẩm tại vành móng ngựa. Đến 9h20’, HĐXX kiểm tra căn cước các bị cáo. Ông Kiên được gọi đầu tiên. Vẫn mái tóc bạc trắng, dáng người bỗng nhỏ gọn trước vành móng ngựa, bị cáo chậm rãi trả lời các câu hỏi từ phía vị chủ tọa phiên tòa, sau đó đề nghị HĐXX cho triệu tập đại diện Bộ Tư pháp, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư một số tỉnh, và các cá nhân được cho là có liên quan đến vụ án.
Bị cáo Kiên cũng đề nghị được áp dụng quyền tự bào chữa (vị chủ tọa giải thích luôn: “Đó là quyền của bị cáo đã được chúng tôi công bố trong phần thủ tục”).
Không chấp nhận cho “ngồi gần nhau”!
Luật sư bào chữa cho bị cáo Lý Xuân Hải đề nghị HĐXX cho các luật sư cùng bào chữa cho một bị cáo được ngồi gần nhau để thuận tiện việc trao đổi nghiệp vụ. Một luật sư khác đề nghị HĐXX mời những người CQL,NVLQ, nhất là nhóm nhân viên ngân hàng liên quan đến vụ án, mặc dù họ đã có lời khai trong quá trình điều tra.
Luật sư Nguyễn Đình Hưng phàn nàn, rất nhiều thiết bị công nghệ (điện thoại, laptop...) đều không được mang vào phòng xử, trong khi đó, có các tài liệu quan trọng được luật sư lưu trữ ở máy tính xách tay của mình.
Sau khi nghỉ giải lao để hội ý, HĐXX trở lại và lần lượt trả lời các đề xuất của luật sư, bị cáo, các đương sự khác. Về việc “xin được ngồi gần nhau”, HĐXX không chấp nhận, viện cớ Bộ luật Tố tụng hình sự không quy định HĐXX phải thu xếp chỗ ngồi của các luật sư trong quá trình xét xử.
Về việc đề nghị triệu tập một số cán bộ ngân hàng liên quan, HĐXX cho rằng không cần thiết. Riêng việc máy tính xách tay, HĐXX đồng ý cho các luật sư được đưa vào và sử dụng tại tòa.
Bầu Kiên tiếp tục kêu oan
Buổi chiều, HĐXX dành thời gian tóm tắt nội dung bản án sơ thẩm. Với bầu Kiên, qua việc tóm tắt án sơ thẩm, HĐXX đã nhấn mạnh các tình tiết tăng nặng đối với cả bốn tội danh của bị cáo này. Tuy nhiên, bị cáo Kiên không thay đổi nội dung kháng cáo, tiếp tục kêu oan chứ không xin giảm nhẹ hình phạt.
Cần nhắc lại, theo bản án sơ thẩm, cựu Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB Nguyễn Đức Kiên bị quy kết 4 tội: Kinh doanh trái phép; Trốn thuế; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Cố ý làm trái. Đơn cử hành vi Cố ý làm trái, “bầu” Kiên được xác định trong việc ủy thác tiền gửi và mua cổ phiếu ACB, ông Kiên giữ vai trò quan trọng, quyết định hoạt động của Ngân hàng ACB, và đã có hành vi làm trái quy định, gây hậu quả nghiêm trọng. Do vậy, ông Kiên phải chịu trách nhiệm hình sự cao nhất so với các bị cáo khác.
Theo bản án sơ thẩm, quá trình giải quyết vụ án, ông Kiên “tỏ ra bất hợp tác, không thành khẩn khai báo”, nên không được áp dụng tình tiết giảm nhẹ theo luật định.
Tuy vậy, cũng theo đánh giá của HĐXX sơ thẩm, riêng với tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, do tài sản đã thu hồi, thiệt hại đã được khắc phục, nên cho rằng bị cáo xứng đáng được hưởng tình tiết giảm nhẹ.
Nhiều bị cáo xin giảm nhẹ hình phạt
Vẫn theo bản án sơ thẩm, bị cáo Lý Xuân Hải (nguyên thường trực HĐQT, Tổng giám đốc Ngân hàng ACB) đã thống nhất đề ra chủ trương ủy thác cho nhân viên gửi tiền vào các tổ chức tín dụng “trái quy định của pháp luật”, gây thiệt hại hơn 718 tỷ đồng. Ngoài ra, cựu Tổng giám đốc ACB còn tham gia vào việc thống nhất chủ trương mua cổ phiếu trên thị trường chứng khoán “trái quy định pháp luật”, gây thiệt hại hơn 687 tỷ đồng.
Tại phiên phúc thẩm, cựu Tổng giám đốc ACB Lý Xuân Hải xin giảm nhẹ hình phạt. Tương tự, các bị cáo Phạm Trung Cang, Huỳnh Quang Tuấn đã thay đổi nội dung kháng cáo, từ kêu oan sang xin giảm nhẹ hình phạt, và xin được hưởng án treo.
Đối với ông Nguyễn Ngọc Chung (quyền Tổng giám đốc Cty TNHH chứng khoán ACB - Cty ACBS), án sơ thẩm nhận định hành vi của ông Chung có dấu hiệu phạm tội “Cố ý làm trái...”, song cho rằng ông Chung làm theo chỉ đạo của ông Kiên cùng Hội đồng đầu tư của Cty ACBS, quá trình điều tra “thành khẩn khai báo”, nên chỉ bị đề nghị xử lý hành chính.
Phiên tòa tiếp tục làm việc vào thứ hai (1/12) với phần thẩm vấn.
(Theo Tiền Phong)