Chắt chiu trả nợ cho Vinashin
“4 năm trước, khi mới về Vinashin (Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam), mỗi sáng mở mắt ra phải lo khoản lãi tính theo ngày là 20 tỉ đồng nhưng đến hôm nay, doanh nghiệp (DN) không còn phải lo lắng nhiều về các khoản nợ cấp bách nữa. SBIC (Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam) đã giải quyết được những điểm then chốt về tài chính để chuyển sang giai đoạn tích lũy trả nợ” - ông Nguyễn Ngọc Sự, Chủ tịch HĐTV SBIC, thông báo.
10-12 năm nữa mới trả hết nợ
Trước khi tái cơ cấu, nợ của Vinashin cập nhật đến cuối năm 2010 lên đến 86.000 tỉ đồng (chưa tính lãi). Bao gồm các khoản nợ nước ngoài là 600 triệu USD vay lại trái phiếu quốc tế của Chính phủ; nợ tín dụng trong nước (chiếm khoảng 37%); nợ của các đối tác nước ngoài và chủ tàu thông qua việc cung cấp vật tư, thiết bị và nợ phát sinh do hủy hợp đồng.
Sau khi được khoanh nợ, xóa và giảm trừ nghĩa vụ nợ thông qua việc chấm dứt hoạt động của Vinashin từ mô hình tập đoàn sang mô hình tổng công ty (SBIC) và đàm phán tái cơ cấu nợ với các chủ nợ cho cả 3 khoản vay nói trên, tính đến năm 2013, SBIC đã giảm được 22.000 tỉ đồng nợ gốc và lãi. Trong đó, giảm 70% nghĩa vụ nợ trong nước (13.152 tỉ đồng - giai đoạn 1), giảm 52% nghĩa vụ nợ trái phiếu quốc tế (6.844 tỉ đồng) và giảm 2.000 tỉ đồng nợ của các đối tác, chủ tàu.
“Đến nay, SBIC đã cơ cấu xong các khoản nợ nước ngoài. Vay trong nước đã xử lý được hơn 50% và đang chuyển sang tái cơ cấu nợ giai đoạn 2. Các khoản nợ còn lại phải trả trong 10-12 năm nữa mới xong với lãi suất thấp” - ông Sự nói.
Về sản xuất kinh doanh, tính đến tháng 9-2014, toàn tổng công ty đã bàn giao được 36/71 tàu, đạt 50,7% kế hoạch với giá trị ước đạt 156 triệu USD. Trong đó, có 13 tàu xuất khẩu với giá trị ước đạt 13,26 triệu USD. Về tổng giá trị sản xuất đã thực hiện được 3.726 tỉ đồng, trong đó lĩnh vực đóng tàu ước đạt 2.762 tỉ đồng, còn lại là các lĩnh vực sửa chữa và công nghiệp phụ trợ.
“Khai tử” 82 công ty con
Bộ Giao thông Vận tải cho biết 9 tháng đầu năm 2014, SBIC đã giảm được 23 đầu mối gồm: giải thể 5 đơn vị, chuyển nhượng vốn 11 đơn vị và tái cơ cấu theo các hình thức khác 7 đơn vị. Như vậy, SBIC đã giảm được tổng cộng 82 công ty con và phải tiếp tục tái cơ cấu 190 DN thành viên khác. Trong đó, 20 DN SBIC sở hữu dưới 20% vốn điều lệ đang được đề xuất Bộ Giao thông Vận tải cho phép đưa ra khỏi danh sách phải tái cơ cấu, chọn thời điểm thích hợp để thoái vốn.
Tiến độ cổ phần hóa (CPH) tại SBIC đang đi nhanh hơn lộ trình và có thể về đích năm 2015, sớm 3 năm so với kế hoạch được phê duyệt. Trong số 244 đơn vị thành viên, SBIC chỉ giữ lại 8 DN.
Ông Sự cho biết sẽ CPH hết 8 công ty con trực thuộc SBIC, nếu có điều kiện thì CPH cả công ty mẹ. Đáng lưu ý là khối ngoại rất quan tâm đến CPH các DN này, có nhà đầu tư là Tập đoàn Đóng tàu Damen (Hà Lan) đã muốn mua 70% cổ phần của Nhà máy Đóng tàu Sông Cấm và là nhà đầu tư chiến lược của Nhà máy Đóng tàu Hạ Long sau khi góp vốn theo hình thức liên doanh thu được kết quả ngoài mong đợi. Tuy nhiên, việc CPH vẫn phải theo lộ trình là bán lần đầu chỉ 32% cổ phần, sau đó nhà nước chỉ còn nắm giữ 30% vốn. Thế nhưng, sau khi “ném” tiền đầu tư dàn trải, tài sản còn lại của các DN thành viên Vinashin có giá trị không lớn, khó đáp ứng được nguồn trả nợ, do vậy phải huy động từ các nguồn khác.
-------------------------
Người đồng tính có phải tham gia nghĩa vụ quân sự?
Đó là câu hỏi được Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Hà Huy Thông đặt ra sáng nay khi thảo luận tại hội trường về Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi).
Ông Thông cho biết, đây cũng là một vấn đề mà các nước rất trăn trở. Những người đồng tính có tham gia thực hiện nghĩa vụ quân sự hay không? Bởi ở đây có hai khía cạnh, một là quyền của người đồng tính, khía cạnh thứ hai là ảnh hưởng, liên quan thế nào đến chất lượng quân đội.
“Điều này chưa đề cập đến, nhưng đây là một vấn đề mà trên thế giới đã tranh cãi rất nhiều, có nước chấp nhận, có nước không, tôi nghĩ Ban soạn thảo cũng nên nghiên cứu vấn đề này”, ông Thông đề xuất.
Ngoài ra, qua thảo luận, một số đại biểu Quốc hội cho rằng đang có sự mất công bằng trong thực hiện nghĩa vụ quân sự khi hơn 80% người tham gia là con em nông dân, còn số con em lãnh đạo và cán bộ nhập ngũ rất ít.
ĐB Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) cho rằng, vấn đề nổi cộm, bất bình trong xã hội hiện nay là đa số con em nhân dân lao động nông thôn tham gia quân đội, con em lãnh đạo ở đô thị tham gia rất ít. Quân đội không tuyển được thanh niên có trình độ tham gia quân đội. Đây là nghĩa vụ rất vẻ vang nhưng lại thành nghĩa vụ riêng của một nhóm công dân nghèo.
Về nghĩa vụ thay thế, có những quan điểm trái chiều về nội dung này. Một số đại biểu Quốc hội là quân nhân cho rằng, đây là nghĩa vụ thiêng liêng nên không thể cho phép “đóng tiền để thay thế cho đi nghĩa vụ quân sự”. Tuy nhiên, một số đại biểu khác cho rằng, hiện nay chỉ có 6% người trong độ tuổi tham gia nhập ngũ, do vậy cần quy định nghĩa vụ thay thế để đảm bảo công bằng.
ĐB Ngô Minh Tiến (Bắc Giang) cho rằng, tham gia nhập ngũ là quyền cao quý của công dân được quy định trong Hiến pháp. Điều này chỉ có thể tính bằng xương máu, không thể tính bằng tiền.
Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa- Vũng Tàu) cho rằng, hiện số lượng công dân tham gia nhập ngũ rất ít, số không tham gia cũng không có nghĩa vụ gì khác. Do vậy, việc quy định nghĩa vụ thay thế nghĩa vụ quân sự cần nghiên cứu, cân nhắc trong dự thảo luật.
-------------------------
Việt Nam lọt tốp 3 quốc gia hạnh phúc nhất thế giới
Tổ chức nghiên cứu kinh tế - xã hội NEF (trụ sở tại Anh) vừa công bố Chỉ số Hành tinh Hạnh phúc (HPI), trong đó Costa Rica, Colombia và Việt Nam đứng đầu bảng xếp hạng 151 quốc gia được đánh giá.
NEF thiết lập một bản đồ sử dụng dữ liệu HPI mới nhất, được xem là phương pháp đo lường toàn cầu về chỉ số hạnh phúc và bền vững tại 153 quốc gia. Kết quả gây ngạc nhiên khi 3 nước Costa Rica, Colombia và Việt Nam dẫn đầu bảng xếp hạng, trong khi các quốc gia phát triển như Anh (xếp vị trí 44), cao hơn so với Đức (47), Tây Ban Nha (62), Canada (65), Úc (76) và Mỹ (105) thậm chí không lọt được vào tốp 10.
Chỉ số HPI của NEF đề cao phương pháp đánh giá, bao gồm tuổi thọ, cảm giác thoải mái và các hành vi tác động đến môi trường chứ không dựa vào mức độ giàu có. Để thu thập dữ liệu, các nhà nghiên cứu của NEF trực tiếp đặt câu hỏi với người dân tại 153 quốc gia về mức độ hài lòng đối với cuộc sống hiện tại của họ.
Về tiêu chí cảm giác thoải mái, người dân trả lời câu hỏi dạng thang điểm từ 0-10, trong đó 0 đại diện cho cuộc sống tồi tệ nhất và 10 là cuộc sống tốt nhất.
Đối với tiêu chí tuổi thọ, bao gồm cả sức khỏe, NEF lấy dữ liệu từ báo cáo phát triển con người UNDP năm 2011.
Cuối cùng là các hành vi tác động đến môi trường, NEF dựa trên đánh giá mức độ tiêu thụ tài nguyên tại mỗi quốc gia do Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) ghi nhận. Đây là phương pháp tính lượng đất cần thiết / bình quân đầu người để duy trì mô hình tiêu thụ của một quốc gia, tức sản lượng trung bình sản xuất ra / 1 héc-ta đất.
Hai tiêu chí đầu tiên sẽ đánh giá mức độ hạnh phúc của người dân, tiêu chí thứ 3 đề cập đến yếu tố bền vững, có nghĩa là người dân trong nước được hỗ trợ mà không cần bất kỳ sự giúp đỡ nào từ bên ngoài.
Do các quốc gia phát triển khó duy trì khả năng tự cung tự cấp (đòi hỏi dân số lớn tham gia sản xuất) nên các quốc gia này dù có thu nhập bình quân đầu người cao nhưng lại không đạt thứ hạng cao vì lép vế ở tiêu chí thứ 3.
Tổ chức NEF, còn gọi là Quỹ Kinh tế mới, được thành lập vào tháng 6-1986 nhằm mục đích đề ra các ý tưởng lớn như tổ chức tài chính phát triển cộng đồng, phân tích dòng tiền địa phương… Trong đó, Chỉ số hành tinh hạnh phúc là chỉ số do NEF tổng hợp từ các số liệu chọn lọc tại các quốc gia, tổ chức quốc tế và số liệu do chính NEF điều tra.
-------------------------
Ưu đãi đặc biệt cho dự án 3 tỉ USD của Samsung
UBND tỉnh Thái Nguyên vừa công bố dự thảo Tờ trình về việc xin ý kiến thống nhất về cơ chế ưu đãi đầu tư Dự án Tổ hợp Công nghệ cao Samsung Thái Nguyên giai đoạn 2 (Dự án SEVT2, vốn đầu tư 3 tỉ USD).
Dự thảo nêu rõ để thực hiện dự án, Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên (Samsung Thái Nguyên) đã kiến nghị được hưởng các ưu đãi đầu tư và đảm bảo đầu tư.
Cụ thể, Samsung Thái Nguyên đề nghị được áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) cho Dự án SEVT2 là 10% trong 30 năm kể từ năm đầu tiên công ty có doanh thu từ dự án; được miễn thuế TNDN trong 4 năm kể từ năm đầu tiên công ty có thu nhập chịu thuế từ dự án và giảm 50% thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo, giảm thêm 50% số thuế phải nộp trong 3 năm sau giai đoạn 9 năm đó.
Dự án SEVT2 được hưởng tất cả các ưu đãi đầu tư khác đang được áp dụng đối với Dự án Tổ hợp Công nghệ cao Samsung Thái Nguyên.
Bên cạnh đó, Samsung cũng đề nghị được miễn tiền thuê đất đối với toàn bộ diện tích đất là 70 ha trong suốt thời hạn thực hiện dự án. Đồng thời, được hỗ trợ 50% tiền thuê hạ tầng khu công nghiệp của nhà phát triển hạ tầng.
Trước đó, Tập đoàn Samsung tuyên bố rót 3 tỉ USD để đầu tư Dự án Tổ hợp Công nghệ cao Samsung Thái Nguyên giai đoạn 2 (Dự án SEVT2). Dự án chiếm diện tích đất trên 70 ha, đặt tại Khu công nghiệp Yên Bình, tỉnh Thái Nguyên. Thời hạn hoạt động của dự án kể từ khi cấp Giấy chứng nhận đầu tư đến ngày 25-5-2062. Dự án dự kiến sẽ sử dụng 30.000 lao động.
Với dự án đầu tư mới này, Samsung đã nâng tổng mức đầu tư vào Việt Nam lên tới 11,2 tỉ USD, trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam. Hiện tại, Samsung đóng góp tới gần 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Cơ sở để UBND tỉnh Thái Nguyên kiến nghị ưu đãi đặc biệt cho dự án SEVT2 là dựa trên những đánh giá về hiệu quả dự án. Tỉnh này cho rằng triển khai Dự án SEVT2 là cơ sở để Samsung Electronics xây dựng thành công Khu tổ hợp SEVT thành một trong những khu tổ hợp sản xuất quy mô hàng đầu thế giới, góp phần tạo ra kỳ tích trong việc phát triển kinh tế của địa phương nói riêng và cả nước nói chung. Thái Nguyên hy vọng có thể trở thành một thành phố công nghiệp được vinh danh trên bản đồ các TP công nghệ hàng đầu thế giới…
Đặc biệt, với khả năng thu hút các doanh nghiệp vệ tinh, Khu Tổ hợp SEVT2 góp phần không nhỏ trong việc phát triển ngành công nghệ phụ trợ trong nước cũng như tạo động lực thúc đẩy công nghệ sản xuất điện tử, viễn thông của Việt Nam phát triển, đồng thời phát triển các loại hình dịch vụ phục vụ sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Tờ trình dự kiến sẽ được trình HĐND tỉnh Thái Nguyên xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 11 HĐND tỉnh Thái Nguyên sắp tới.
-------------------------