Bắt em ruột 'cậu Thủy' làm hài cốt liệt sĩ giả
Em ruột và là một mắt xích trong đường dây làm hài cốt liệt sĩ giả của Nguyễn Thanh Thúy (tức “cậu Thủy”) đã bị tống đạt khởi tố về tội “Lừa đảo chiếm tài sản” và “Xâm phạm hài cốt”.
Đại tá Nguyễn Văn Kỷ, Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Trị cho biết, sáng 21/11, tại thị trấn Chờ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, Cơ quan An ninh điều tra Công an Quảng Trị phối hợp Công an tỉnh Bắc Ninh tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Văn Hoành em ruột và là một mắt xích trong đường dây làm hài cốt liệt sĩ giả của Nguyễn Thanh Thúy (tức “cậu Thủy”), về tội “Lừa đảo chiếm tài sản” và “Xâm phạm hài cốt”.
Công an tỉnh Quảng Trị, đã quyết định gia hạn điều tra vụ án và gia hạn tạm giam lần thứ 3 đối với bị can Nguyễn Thanh Thúy và Mẫn Thị Duyên.
Bước đầu Cơ quan An ninh điều tra xác định, từ tháng 12/2012 đến tháng 7/2013, vợ chồng “cậu” Thủy đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền 8 tỷ đồng.
-------------------------
Cán bộ xã chặn tiền thờ cúng lãnh án
Ngày 21/11, TAND huyện Long Mỹ (Hậu Giang) xét xử sơ thẩm và tuyên phạt bị cáo Phan Văn Thoa, 59 tuổi, cán bộ LĐTB&XH xã Xà Phiên 26 tháng tù về tội tham ô tài sản.
Theo cáo trạng, từ đầu năm 2009 đến giữa năm 2011, ông Thoa nhiều lần kê khống danh sách những người được hưởng tiền thờ cúng liệt sĩ, không cấp tiền truy lĩnh cho các đối tượng hưởng bảo trợ xã hội để chiếm đoạt tổng số tiền gần 26 triệu đồng.
Ngoài ra, ông còn cấp sai nhiều trường hợp không thuộc diện được hưởng tiền thờ cúng liệt sĩ vào dịp lễ, tết, gây thất thoát ngân sách nhà nước gần 20 triệu đồng.
--------------------------
“Né” nhà quan, đường thẳng biến thành hình chữ Z
Một đoạn của con đường Đằng Hải (quận Hải An, Hải Phòng) đã bị bẻ gập thành hình chữ Z để tránh khu đất “vàng” - nơi đang mọc lên những biệt thự lộng lẫy. Khu biệt thự được nắn thẳng, vuông vức nhưng đoạn đường bị bẻ gập với những khúc cua tay áo, trở thành nỗi kinh hoàng của người dân khi đi qua đây.
Đi qua con đường Đằng Hải (nằm ngay cạnh khu trung tâm hành chính quận Hải An - Hải Phòng), đoạn đường đang thẳng bỗng bị bẻ quặt một cách thô bạo thành 3 ngã rẽ theo hình ziczac.
Năm 1988, ông Hoàng Văn Thanh lúc đó là Bí thư Đảng ủy xã Đằng Hải (nay là phường Đằng Hải) đã vận động nhân dân hiến đất làm đường dài hơn 1km thẳng tắp trở thành niềm tự hào của người dân nơi đây. Năm 2011, tại phường Đằng Hải triển khai dự án xây dựng khu trung tâm hành chính quận Hải An nằm sát ngay con đường Đằng Hải.
Dự án được phê duyệt năm 2006, thu hồi hơn 25ha, không hiểu sao phần đất nằm ngay sát đường Đằng Hải sau đó lại biến thành khu biệt thự. Để khu biệt thự này được vuông vắn, chính quyền địa phương đã nắn con đường Đằng Hải vốn thẳng tắp thành hình chữ Z. Phần đất nằm ngay sát con đường là của một cán bộ quận Hải An. Vụ việc khiến người dân bức xúc gửi đơn khiếu kiện. Năm 2012, ngôi nhà dừng lại khoảng 1 năm, sau đó lại tiếp tục thi công.
Ông Trần Văn Nghĩa - Chủ tịch UBND, kiêm Bí thư Đảng ủy P.Đằng Hải xác nhận: “Trước đây đường Đằng Hải là con đường thẳng, từ năm 2006 UBND TP.Hải Phòng có quy hoạch xây dựng Trung tâm hành chính quận khiến con đường này bị thành hình như vậy. Tuy nhiên, việc đường bị cắt, tạo các khúc cua đó không hợp lý, gây mất ATGT. Trước các kiến nghị của người dân về việc này, chúng tôi cũng chỉ biết kiến nghị lên cấp trên đề nghị giải quyết”.
-------------------------
Nợ 242 tỉ tiền thuế, Tập đoàn khai thác vàng Besra vẫn quyết ở lại Việt Nam
Ngày 20.11, Giám đốc thương mại tập đoàn Besra – Chủ đầu tư hai mỏ vàng Bồng Miêu và Phước Sơn – Paul Seton đã đưa ra thông điệp quyết tâm ở lại Việt Nam cho dù tập đoàn này đang nợ 242 tỉ đồng tiền thuế từ năm 2013 đến nay.
Ngoài số tiền thuế còn nợ, Besra còn nợ 6,5 tỉ tiền Bảo hiểm xã hội chưa đóng cho người lao động. Được biết Besra đầu tư khai thác vàng tại Việt Nam từ hơn 20 năm trước với tổng số vốn 115 triệu USD. Trước khi bị đóng cửa vào tháng 7.2014, số lượng người lao động tại hai mỏ vàng Bồng Miêu và Phước Sơn lên tới trên 1.700 lao động.
Suốt thời gian hoạt động, Besra đã nộp hơn 53 triệu USD tiền thuế, chi hơn 42,5 triệu USD tiền lương cho người lao động và không nợ lương công nhân. Theo ông Paul Seton, nguyên nhân của việc nợ thuế là do giá vàng thế giới sụt giảm mạnh, hơn nữa chính sách thuế tài nguyên của Việt Nam thay đổi, doanh nghiệp này bị tính thuế tài nguyên dựa trên giá bán sản phẩm cuối cùng là vàng thỏi thành phẩm, đã được chế biến sâu chứ không phải thuế tài nguyên dựa trên sản lượng quặng khai thác.
Cách tính như vậy là tính nhầm, không đúng quy định của Thông tư số 105 của Bộ Tài chính, gây thiệt hại cho doanh nghiệp. Theo ông Paul Seton, hiện tại Besra đã có kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ cho hoãn, dãn tiến độ nộp thuế trong 2 năm và cam kết tuân thủ nghiêm chỉnh pháp luật Việt Nam.
Trước câu hỏi của Báo Lao Động rằng nếu mọi yêu cầu của Besra đưa ra nhưng không được Chính phủ Việt Nam đáp ứng thì Besra có tuyên bố phá sản hay bán dự án hay không? Ông Paul Seton khẳng định sẽ thuyết phục bằng được Chính phủ Việt Nam và quyết tâm ở lại Việt Nam để đầu tư đến cùng.
-------------------------
Cán bộ ngân hàng 'ngoắc tay' doanh nghiệp, dân khổ
Tháng 6/2014, chủ “doanh nghiệp” Gia Bảo là Nguyễn Hùng (SN 1972) vợ là Bùi Thị Ngọc Lan (SN 1974) - trú tại 634 đường Duy Tân, TP Kon Tum đến “láng giềng” là bà Lâm Thị Dung trú tại 628 Duy Tân nhờ “bảo lãnh” vay tiền ngân hàng để trả gấp “hai lô hàng” mới mua. Ông Trần Huy Nghiêm - chồng bà Dung cho biết: “Theo thỏa thuận, vợ chồng tôi chỉ bảo lãnh vay số tiền 800 triệu đồng. Hùng - Lan viết giấy, hứa sẽ thế chấp một căn nhà khác. Đến giữa tháng 9/2014, cán bộ thi hành án Kon Tum đến niêm phong nhà, cưỡng chế thi hành án, chúng tôi mới tá hỏa, biết mình bị lừa”.
Theo đơn kêu cứu của ông bà Nghiêm - Dung, gần 17 giờ ngày 20/6/2014 (sắp hết giờ làm việc), vợ chồng Hùng - Lan từ Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam- Chi nhánh Kon Tum gọi điện cho vợ chồng ông bà Nghiêm - Dung đến để ký giấy tờ. Đến nơi, vợ chồng ông thấy Hùng - Lan chờ sẵn, với một cán bộ ngân hàng là Phạm Đình Hải, cùng hồ sơ vay vốn được làm sẵn. Vì lớn tuổi, mắt kém, tin vợ chồng Hùng, Lan và cán bộ ngân hàng, vợ chồng ông Nghiêm không đọc hồ sơ, chỉ nghe nói số tiền bảo lãnh là 800 triệu đồng, rồi ký hồ sơ.
Khi sự việc vỡ lở, qua nghiên cứu hồ sơ, ông Nghiêm cho rằng việc làm của cán bộ tín dụng Hải có nhiều khuất tất, sai quy trình của ngân hàng, như: Không đến nhà thẩm định tài sản (song vẫn có biên bản thẩm định); không cho vợ chồng ông đọc hợp đồng bảo lãnh; hồ sơ trong hợp đồng bảo lãnh (diện tích nhà 68m2) không đúng với thực tế căn nhà ông đang ở (diện tích xây dựng 200m2). Được biết, mãi đến ngày 30/9/2014, Ngân hàng mới chuyển cho ông Nghiêm bộ hồ sơ gồm: Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất; Biên bản định giá ngày 20/6/2014; Biên bản giao nhận giấy tờ tài sản thế chấp ngày 21/6 mà lẽ ra họ phải chuyển ngay khi ký.
Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong trước khi doanh nghiệp Gia Bảo dùng tài sản của vợ chồng ông Nghiêm thế chấp cho Ngân hàng BIDV Kon Tum, từ đầu năm 2014, họ đã được Ngân hàng này giải ngân 3 lần, tổng dư nợ lên đến 1.520 triệu đồng. PV Tiền Phong đến BIDV Kon Tum đăng ký làm việc, nhưng Ngân hàng này từ chối tiếp xúc, trả lời rằng vụ việc này PC 44 Công an Kon Tum chưa có kết luận điều tra, nên họ không cung cấp thông tin, tài liệu.
-------------------------