Sẽ thành lập cảnh sát điều tra thuế?
Bộ Tài chính vừa đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao bổ sung thẩm quyền khởi tố, điều tra cho cơ quan thuế vào Dự thảo Bộ Luật Tố tụng hình sự (sửa đổi).
Đề nghị này nhằm tăng thêm chức năng, biện pháp cho cơ quan thuế có thể tự điều tra từ lúc phát hiện hành vi trốn thuế cho đến khi có phán quyết cuối cùng. Một số nước trên thế giới như Serbia, Nga, Indonesia, Nhật Bản.. đều có cơ quan tương tự.
-------------------------
Nửa số DN Nhật gặp khó khăn khi đầu tư vào Việt Nam
Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản Hà Nội (JETRO Hà Nội) – ông Atsusuke Kawada cho biết, có hơn một nửa số doanh nghiệp (DN) Nhật Bản đang đầu tư tại Việt Nam nói rằng họ gặp khó khăn, vướng mắc khi đầu tư tại Việt Nam, như thủ tục thuế, hành chính phức tạp, vận hành pháp luật chưa minh bạch.
Con số trên được ông Atsusuke Kawada đưa ra tại buổi lễ ra mắt Bộ phận hỗ trợ DN Nhật Bản (Japan Desk), do Bộ KH&ĐT tổ chức sáng nay (21/11).
Theo Trưởng đại diện JETRO Hà Nội, số liệu truy cập vào website tổ chức này để tìm hiểu thông tin môi trường đầu tư nước ngoài của các DN Nhật cho thấy, Việt Nam đứng thứ hai về lượng tìm kiếm tại khu vực ASEAN (sau Thái Lan). Cụ thể, khoảng 20% số DN Nhật đầu tư ra nước ngoài lựa chọn Việt Nam là điểm đến; gần 70% DN Nhật đã đầu tư vào Việt Nam có dự định mở rộng sản xuất kinh doanh trong 1-2 năm tới.
Lợi thế của Việt Nam so với các nước khác, theo ông Atsusuke Kawada, là nhờ chi phí nhân công rẻ (chỉ bằng một nửa Thái Lan, Trung Quốc), chi phí sản xuất thấp (điện, nước). Tuy vậy, Việt Nam kém Thái Lan về sự rõ ràng, minh bạch của hệ thống pháp luật; cơ sở hạ tầng; công nghiệp phụ trợ (tỷ lệ nội địa hóa của Việt Nam chỉ được 30%, trong khi Thái Lan 60%)…
Dẫn chứng cho hệ thống pháp luật Việt Nam chưa hoàn thiện, vận hành pháp luật chưa minh bạch, ông Atsusuke Kawada cho biết, có DN phản ánh, thuê đơn vị điện lực về sửa chữa hệ thống điện, nhưng khi thanh toán đơn vị điện lực lại không xuất hóa đơn đỏ. “Với DN, thanh toán chi phí nhưng không có hóa đơn đỏ sẽ khiến họ gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi mong Bộ KH&ĐT hỗ trợ giải quyết khó khăn vướng mắc như vậy”, Trưởng đại diện JETRO Hà Nội nói.
Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) cho biết, Nhật Bản hiện là đối tác đầu tư lớn nhất Việt Nam (đứng đầu về cấp vốn ODA và thứ 2 về vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài). Thời gian qua, có nhiều cơ quan cả Việt Nam và Nhật Bản cùng tham gia hỗ trợ các hoạt động đầu tư của DN Nhật. Tuy nhiên, các hoạt động này vẫn chưa chuyên nghiệp, sự ra đời của Japan Desk sẽ khắc phục những điều này.
Theo ông Hoàng, qua Japan Desk, DN Nhật đầu tư vào Việt Nam sẽ được hỗ trợ tiếp cận các chính sách của Việt Nam, tiếp xúc các địa phương, cơ sở hạ tầng…
Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài, tới nay, Nhật Bản có 2.434 dự án đầu tư còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký 36,507 tỷ USD; trong 10 tháng năm 2014, các nhà đầu tư Nhật Bản đã đăng ký đầu tư 1,66 tỷ USD vào Việt Nam (chiếm 12,1% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam).
-------------------------
Chủ tịch, tổng giám đốc cũng thuộc diện giảm biên chế
Chủ tịch công ty, thành viên hội đồng thành viên, tổng giám đốc, phó tổng giám đốc và các chức danh lãnh đạo của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên bị dôi dư do cổ phần hóa cũng thuộc diện giảm biên chế.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định về chính sách tinh giản biên chế, trong đó nêu rõ đối tượng tinh giản biên chế nếu có dôi dư do rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, nhân sự theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền của Đảng, Nhà nước, hay dôi dư do cơ cấu lại công chức theo vị trí việc làm song không thể bố trí, sắp xếp được việc làm khác; những công chức chưa đạt trình độ đào tạo theo tiêu chuẩn chuyên môn,
Các cán bộ có 2 năm liên tiếp được phân loại, đánh giá xếp vào mức hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực, hoặc có một năm hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực cũng thuộc diện giảm biên chế.
Ngoài ra, các trường hợp như chủ tịch công ty, thành viên hội đồng thành viên, tổng giám đốc, phó tổng giám đốc, giám đốc, phó giám đốc, kế toán trưởng, kiểm soát viên của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do nhà nước làm chủ sở hữu thuộc diện dôi dư do thực hiện cổ phần hóa, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, phá sản... cũng thuộc diện phải giảm biên chế.
Những người bị ốm đau có xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền; người lao động đang trong thời gian mang thai, nghỉ thai sản, đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi... thì chưa thuộc trường hợp xem xét tinh giản biên chế.
Chính phủ quy định cụ thể chế độ của người thuộc diện giản biên chế như có tuổi đời dưới 53 tuổi đối với nam, dưới 48 tuổi đối với nữ và không đủ điều kiện để hưởng chính sách về hưu trước tuổi nếu thôi việc ngay thì được trợ cấp 3 tháng tiền lương hiện hưởng để tìm việc làm và được trợ cấp 1,5 tháng tiền lương cho mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội.
-------------------------
Chủ tịch Vietcombank làm Phó Chủ tịch Hiệp hội ngân hàng Châu Á
Tại Đại hội thường niên Hiệp hội Ngân hàng châu Á (ABA) lần thứ 31 vừa qua tại Oman, Chủ tịch Vietcombank Nghiêm Xuân Thanh đã vượt qua hai ứng cử khác được bầu làm Phó Chủ tịch Hiệp hội ngân hàng Châu Á.
Đại hội thường niên Hiệp hội Ngân hàng châu Á (ABA) lần thứ 31 diễn ra trong hai ngày 19 và 20/11 vừa qua tại Muscat – thủ đô của Vương quốc Oman, Vietcombank là ngân hàng Việt Nam duy nhất tham dự sự kiện quan trọng của cộng đồng ngân hàng trong khu vực năm nay.
Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank đồng thời là Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) đã tham dự sự kiện này. Bên cạnh các chuyên đề nghị sự, một trong các sự kiện quan trọng của Đại hội năm nay là bầu ra Chủ tịch và Phó Chủ tịch HĐQT mới của ABA nhiệm kỳ 2015-2016.
Căn cứ kết quả thảo luận và bỏ phiếu, ông Nghiêm Xuân Thành đã được HĐQT ABA tín nhiệm lựa chọn làm Phó Chủ tịch mới của ABA sau khi vượt qua 2 ứng cử viên tiềm năng khác. Vị trí Chủ tịch mới của ABA đã được tiếp quản bởi ông Daniel Wu, TGĐ của Tập đoàn ngân hàng Chinatrust Financial Holdings Co., Ltd. (Đài Loan) và cũng là Phó Chủ tịch ABA nhiệm kỳ 2013-2014 vừa qua.
Việc Chủ tịch HĐQT Vietcombank cũng đồng thời là Chủ tịch VNBA và tân Phó Chủ tịch của ABA sẽ góp phần nâng cao hơn nữa hình ảnh và vị thế của Vietcombank tại thị trường tài chính trong nước cũng như tại các thị trường khu vực và quốc tế trong thời gian tới.
ABA là một diễn đàn và tiếng nói chính thống của các ngân hàng tại khu vực châu Á. Các thành viên ABA đều là các ngân hàng hàng đầu tại mỗi quốc gia, bao gồm những nền kinh tế mạnh của khu vực như Nhật Bản, Singapore, Malaysia, Hồng Kông, Đài Loan, Thái Lan và Ấn Độ. Nội dung thảo luận hàng năm của ABA đều là những chủ đề về kinh tế và tài chính-ngân hàng mang tính thời sự của khu vực và quốc tế.
-------------------------
Vì sao DN Đức e ngại đầu tư vào Việt Nam?
Chiều 19/11, tại đối thoại Kinh tế Việt-Đức, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Năng lượng Đức Sigmar Gabriel cho biết, hiện có rất nhiều doanh nghiệp Đức muốn đầu tư vào lĩnh vực thương mại và đào tạo tại Việt Nam.
Tuy nhiên, vấn đề cơ sở hạ tầng, con người được đào tạo như thế nào, cấp phép đầu tư tại Việt Nam ra sao..., các doanh nghiệp Đức muốn rõ ràng. Hiện, có 239 dự án đầu tư trực tiếp từ Đức vào Việt Nam, với tổng số vốn đăng ký 1,34 tỷ USD; kim ngạch thương mại 2 chiều đạt 10 tỷ USD/năm.
-------------------------