Đề nghị công binh nổ mìn phá hủy ‘địa đạo’ vàng tặc
Ngày 21.11, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết UBND tỉnh đã có văn bản đề nghị Bộ Tư lệnh Quân khu 5 cho phép lực lượng công binh thuộc Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh tham gia nổ mìn phá hủy các hầm khai thác vàng trái phép trên địa bàn huyện miền núi Tây Trà.
Theo UBND tỉnh, thời gian qua, tình trạng khai thác vàng trái phép ở H.Tây Trà diễn ra nghiêm trọng, gây mất an ninh trật tự và ô nhiễm môi trường. Qua điều tra, tại H.Tây Trà, vàng tặc đào đãi vàng sa khoáng trái phép ở nhiều xã, đào nhiều hầm hố, trong đó tập trung ở khu vực đầu nguồn suối Trà Veo (xã Trà Xinh), đồi Cà Nhút núi Pe, đồi Khung núi Lát (xã Trà Thanh)...
-------------------------
Cựu sếp Agribank chi nhánh 7 TP HCM gây thiệt hại hơn 600 tỉ đồng
Nhóm giám đốc DN tư nhân làm giả hồ sơ vay vốn song Phạm Văn Cử, cựu giám đốc Agribank chi nhánh 7 TP HCM, lại chỉ đạo cấp dưới cho vay mà không thẩm tra theo các quy định dẫn tới hậu quả làm thiệt hại hơn 600 tỉ đồng.
Ngày 21-11, VKSND Tối cao đã tống đạt cáo trạng truy tố 9 bị can về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” và tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Chi nhánh 7 (Agribank Chi nhánh 7); Công ty TNHH Thương mại Mai Khôi (Công ty Mai Khôi) và một số đơn vị liên quan, đồng thời chuyển hồ sơ vụ án và quyết định truy tố ra trước TAND TP HCM.
Đáng chú ý, trong đó có nhóm bị can nguyên là lãnh đạo, nhân viên Agribank Chi nhánh 7, gồm: Phạm Văn Cử (SN 1961), nguyên giám đốc; Kiều Đình Thọ (SN 1980), nguyên trưởng phòng kế hoạch kinh doanh; và Đỗ Thị Thu Hà (SN 1974), nguyên phó Phòng Kế hoạch kinh doanh Agribank Chi nhánh 7, bị truy tố về tội Vi phạm về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Theo cáo trạng, Phạm Đình Cử có quen biết với Phạm Trịnh Thắng (SN 1971), Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Mai Khôi, và Dương Thị Kim Luyến (SN 1972), Giám đốc Công ty Mai Khôi. Từ tháng 11-2008 đến tháng 3-2011, Phạm Đình Cử đã ký 5 hợp đồng tín dụng và mở hợp đồng mua bán ngoại thương (L/C) cho Công ty Mai Khôi vay vốn kinh doanh gạo và phân bón.
Để hợp thức hoá, Thắng đã thoả thuận với nhóm các giám đốc công ty tư nhân ký khống 14 hợp đồng mua bán hàng hoá, xuất hoá đơn giá trị gia tăng làm hồ sơ giả, chứng minh mục đích sử dụng vay vốn. Phạm Văn Cử đã chỉ đạo cấp dưới cho vay mà không thẩm tra thực hiện đúng các quy định.
Đến khi vay được tiền, Thắng và Luyến đã không sử dụng số tiền vay được vào kinh doanh gạo, chỉ sử dụng một phần vào kinh doanh phân bón, phần lớn còn lại sử dụng trả nợ cho lần giải ngân trước và đầu tư bất động sản, làm dự án xây dựng nhà ở cao tầng - trung tâm thương mại. Tính đến nay, các bị cáo đã chiếm đoạt số tiền cả gốc và lãi của Agribank Chi nhánh 7 là hơn 600 tỉ đồng mà không có khả năng thanh toán.
-------------------------
Công an quận Hoàn Kiếm dán thông báo lên kính xe vi phạm
Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã đồng loạt ra quân dán thông báo lên kính xe ô tô vi phạm đỗ rất nhiều trên hè phố các tuyến chính như Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Hai Bà Trưng, Hàng Bài... khiến người đi bộ phải đi xuống lòng đường rất nguy hiểm.
Ngày 21-11, Công an Quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã ra quân dán thông báo lên từng xe nhắc nhở lỗi vi phạm tới chủ xe, đồng thời thông báo tới các cơ quan nhắc nhở nhân viên đỗ xe đúng nơi quy định, trả lại vỉa hè và không gian cho người đi bộ.
Việc làm này của Công an quận Hoàn Kiếm là do các tuyến phố chính của quận trung tâm của Thủ đô Hà Nội, như: Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Hai Bà Trưng, Hàng Bài... có nhiều xe ô tô đỗ trên vỉa hè, khiến người đi bộ không còn đường đi, phải xuống lòng đường đi bộ, không an toàn khi tham gia giao thông.
Được biết, hiện nay trên địa bàn quận Hoàn Kiếm có trên dưới 14 điểm đỗ xe ô tô sai quy định. Lần ra quân này chủ yếu mang tính nhắc nhở, yêu cầu chủ xe chấp hành quy định. Nếu tái phạm, Công an quận Hoàn Kiếm sẽ có những biện pháp xử lý theo quy định pháp luật.
-------------------------
Cho thôi việc thư ký tòa thu tiền đương sự trái quy định
Ông Tuấn thu bà Ánh 13 triệu đồng và giải thích đó là tiền “định giá tài sản” trong giải quyết tranh chấp đất đai, nhưng không có phiếu thu, hoặc giấy biên nhận.
Chiều 21-11, nguồn tin từ TAND tỉnh Thanh Hóa cho biết, ông Nguyễn Thành Bộ - chánh án TAND tỉnh vừa ký quyết định kỷ luật cảnh cáo đối với ông Nguyễn Ngọc Tuấn- thư ký TAND huyện Thiệu Hóa, vì có hành vi thu tiền định giá tài sản của người dân không đúng quy định.
Chánh án TAND tỉnh cũng có quyết định cho ông Nguyễn Ngọc Tuấn thôi việc theo nguyện vọng cá nhân.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, do có tranh chấp về ngõ đi với hàng xóm, sau nhiều năm UBND xã giải hòa không thành, đầu năm 2014, bà Phạm Thị Ánh, ở thôn 1, xã Thiệu Lý (Thiệu Hóa) gửi đơn đến TAND huyện Thiệu Hóa để yêu cầu giải quyết vụ việc.
Trong thời gian thụ lý, giải quyết vụ việc này, ngày 28-3-2014, ông Nguyễn Ngọc Tuấn thu của bà Phạm Thị Ánh 13 triệu đồng. Ông Tuấn giải thích với bà Ánh thu số tiền này là tiền “định giá tài sản” trong giải quyết tranh chấp đất đai.
Lúc ông Tuấn thu số tiền trên không có phiếu thu, hoặc giấy biên nhận.
Nhận thấy việc ông Tuấn thu tiền của mình không đúng quy định, tháng 9- 2014, bà Ánh đã gửi đơn khiếu nại, tố cáo đến TAND tỉnh Thanh Hóa.
-------------------------
Lại tiếp tục kiến nghị “kỳ án vườn mít”
Bà Nguyễn Thị Hảo (56 tuổi, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang), nhân vật trong bài viết “Gặp người phụ nữ muốn làm chứng cho Lê Bá Mai” vừa có mặt tại TP Hà Nội để tiếp tục gửi đơn kiến nghị về một số tình tiết chưa được làm rõ trong kỳ án này.
Trước đó ngày 1-11, Viện KSND tối cao có công văn gửi các đại biểu Quốc hội báo cáo về quá trình thụ lý giải quyết đơn khiếu nại vụ án Lê Bá Mai phạm tội giết người và hiếp dâm trẻ em tại Bình Phước.
Công văn cho biết sau phiên xét xử phúc thẩm lần 3 ngày 30-8-2013, Viện KSND tối cao nhận được 13 đơn kiến nghị xem xét lại vụ án, trong đó có đơn của bà Nguyễn Thị Hảo nêu một số thông tin và đề nghị được làm chứng trong vụ án.
Tháng 10-2014, tổ công tác liên ngành của Bộ Công an, TAND tối cao, Viện KSND tối cao đã họp và thống nhất kết luận không có đủ căn cứ theo quy định của pháp luật để xem xét lại bản án đối với Lê Bá Mai theo thủ tục tái thẩm và giám đốc thẩm.
Quá trình giải quyết vụ án, các cơ quan tố tụng đã xem xét và quyết định không đưa bà Hảo vào tham gia vụ án với tư cách người làm chứng.
Lý do cho rằng bà Hảo không phải là người liên quan trực tiếp đến vụ án, lời khai của bà Hảo có nhiều mâu thuẫn và không có chứng cứ để kiểm chứng các lời khai này.
Sau khi biết được nội dung công văn, bà Nguyễn Thị Hảo đã có đơn gửi Viện KSND tối cao, Chủ tịch Quốc hội, các đại biểu Quốc hội.
Tại đơn kiến nghị, bà Hảo khẳng định việc Viện KSND tối cao cho rằng máy ghi âm của bà bị tịch thu trước thời điểm vụ án vườn mít xảy ra là không chính xác.
Đây là máy ghi âm bà ghi lại toàn bộ phiên tòa sơ thẩm lần 1 vụ án Lê Bá Mai và nhiều chứng cứ quan trọng khác của vụ án nhưng đã bị đánh cắp.
Bà Hảo đề nghị nếu máy ghi âm của bà bị tịch thu, Công an tỉnh Bình Phước đang tạm giữ thì phải trả lại máy ghi âm cho bà vì đây là tài sản hợp pháp. Bà cũng đề nghị phải đưa ra các biên bản giao nhận máy ghi âm xem ai là người giao máy.
Theo bà Hảo, cuộn băng ghi âm có nhiều thông tin quan trọng có thể minh oan cho Lê Bá Mai.
Tại đơn kiến nghị, bà Hảo cũng yêu cầu được đối chất trực tiếp với những người có liên quan trong vụ án trước sự chứng kiến của Quốc hội, các cơ quan chức năng, luật sư và cơ quan báo chí.
-------------------------