Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Cục đã kiểm tra, rà roát hơn 1.000 cửa khẩu, lối mở và khẳng định Việt Nam chưa cấp bất cứ giấy phép nào cho phép nhập khẩu loại cây tần bì từ Trung Quốc.
Trong thời gian gần đây, trên các mạng xã hội đang lan truyền thông tin, Hà Nội đã mang 10.000 cây có tên khoa học Fraxinus chinensic, loại trưởng thành từ 1 - 2 năm, còn gọi là cây tần bì để trồng thay thế tại 190 tuyến đường tại Thủ đô. Đây là loại cây hấp dẫn loại sâu bọ có tên Emerald, có khả năng đục khoét vỏ, rễ và thân cây làm cho cây chết nhanh, từng tàn phá và là “kẻ thù” của nền nông nghiệp Trung Quốc.
Ông Hoàng Trung, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật khẳng định, trong thông tư về kiểm dịch các sản phẩm có nguồn gốc từ thực vật trước đây và Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật hiện nay, Việt Nam không cho phép nhập bất cứ loại thực vật nước ngoài, có mang theo đất từ quốc gia khác vào lãnh thổ Việt Nam.
Trong khi đó, nếu là cây tần bì trưởng thành, chắc chắn phải có bầu đất thì cây mới sống được. Cục Bảo vệ thực vật cũng loại trừ khả năng nhập lậu cây tần bì vào Việt Nam bởi trong lĩnh vực nhập khẩu giống cây, mức thuế nhập khẩu gần như bằng không.
Trên thế giới, nhiều quốc gia đã có lệnh cấm nhập khẩu loài thực vật này. Khi mắc bệnh khô ngược, loại cây này phát sinh bệnh nấm đặc biệt nguy hại, tổn thất đến hệ sinh thái trong nhiều năm...
Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, nhiều vùng đất ở Tây Nguyên vẫn chưa có hạt mưa nào đổ xuống. Trong khi đó, hàng ngàn ha cà phê, tiêu, điều, lúa… đang dần chết rũ, nguy cơ một vụ mùa thất bát đang hiện hữu trước mắt…
Chúng tôi có mặt tại huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai giữa trưa, trong cái nắng chói chang của mùa khô Tây Nguyên. Hai bên đường là hàng trăm ha tiêu đang héo úa vì nắng hạn. Ông Nguyễn Văn Tư (50 tuổi, trú thôn Hô Bua, xã Chư Pơng), chủ nhân của vườn tiêu hơn 7ha đang loay hoay bên miệng giếng, cố vớt vát những giọt nước còn lại để cứu lấy vườn tiêu.
Vẻ mặt buồn rầu, trên mí mắt hiện rõ những vết thâm quầng sau những đêm dài thức trắng để canh nước tưới. Ông Tư than vãn: “Những năm trước đây, dù hạn hán nhưng giếng nhà tôi vẫn đủ tưới cho 7ha tiêu, nhưng năm nay đã phải khoan sâu thêm hơn 30m cũng chỉ đủ tưới cho hơn 30% diện tích mà thôi. Cứ đà này một hai tuần tới mà không có mưa, chắc tôi đành để mất vườn tiêu mà thôi”. Không riêng gì gia đình ông Tư, mà hàng trăm hộ dân ở xã Chư Pơng, huyện Chư Sê cũng đang nóng lòng đợi mưa vì những giếng nước của họ đang dần bị cạn khô.
Còn tại huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai hàng trăm ha ngô đang vụ trổ cờ cũng chung tình trạng khô héo. Ông Nguyễn Văn Tân, một hộ dân trồng ngô ở đây than thở: “Đã gần 2 tháng nay chưa có hạt mưa nào đổ xuống, sông suối thì đang cạn dần, nếu hết tháng 3 mà không có mưa, chắc nước sinh hoạt cũng chẳng có chứ nói gì đến tưới cho cây trồng…”.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Gia Lai, trên địa bàn tỉnh đã có gần 800ha cà phê, tiêu, ngô… đang có nguy cơ mất trắng do nắng hạn kéo dài. Hiện Sở đang tích cực phối hợp với các địa phương vận động nông dân cần hết sức tiết kiệm nguồn nước, đồng thời, đầu tư thêm kinh phí nạo vét giếng, khai thông mạch nước các hồ, đập, các dòng suối, thậm chí đào giếng ngay trong lòng hồ để tận dụng nguồn nước chống hạn cho cây trồng. Nhiều hộ đồng bào các dân tộc ở các huyện Ayun Pa, Krông Pa đã đầu tư hàng chục triệu đồng để đào, khoan thêm giếng mới lấy nước chống hạn cho cây cà phê.
Tại tỉnh Kon Tum, tình hình khô hạn đang diễn ra khốc liệt hơn bao giờ hết. Nhiều huyện người dân không chỉ không còn nước tưới tiêu mà đến cả nước sinh hoạt cũng phải chắt chiu. Tại xã Sa Bình, huyện Sa Thầy đã gần 2 tháng nay, hơn 500 hộ dân không còn nước để dùng, giếng chỉ còn trơ đáy, để có nước dùng, nhiều hộ phải đi hàng chục cây số mới xin được nước.
Ông Nguyễn Minh Thuận, Chủ tịch UBND xã cho biết, từ cuối tháng 2/2015, hơn 220 giếng nước trong xã đột nhiên bị cạn trơ đáy, đến giữa tháng 3 thì hơn 500 hộ cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Nhiều hộ dân bỏ hàng chục triệu đồng để khoan, đào thêm giếng nhưng cũng chẳng ăn thua… để cầm cự, nhiều người phải san sẻ từng can nước để dùng.
Tại xã Buôn Choah, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông, nơi đây từng là vùng “rốn” lũ cũng đang điêu đứng vì nắng hạn. Hàng trăm hécta ngô đang vào vụ chăm sóc đành phải bỏ hoang vì không còn nước để tưới. Người dân ở đây cho biết, ngoài việc nắng hạn kéo dài thì hiện nay do thủy điện buôn Tua Sarh đang tích nước nên dòng sông Krông Nô đã bị kiệt nước.
Theo số liệu tổng hợp gửi Bộ NN&PTNT, đến nay 5 tỉnh Tây Nguyên đã có trên 4.500ha lúa bị hạn, trong đó trên 1.200ha mất trắng; trên 1.000ha hoa màu thiếu nước. Đặc biệt, diện tích cây cà phê đang thời kỳ ra hoa bị hạn nặng khoảng 4.200ha. Bộ đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ một số địa phương kinh phí nạo vét kênh mương, tiền điện, dầu... phục vụ chống hạn, lãnh đạo các tỉnh cũng đã cử đoàn công tác về các địa phương kiểm tra.
Sau khi xem xét, các cơ quan liên ngành đã thống nhất kiến nghị UBND các tỉnh đề ra giải pháp chống hạn như: Thành lập ngay các tổ điều tiết nước, hạn chế và sử dụng tối ưu nguồn nước có thể phục vụ cho nông nghiệp, sinh hoạt; chủ động tìm nguồn nước thay thế, ưu tiên cho cây công nghiệp và cây lúa trổ đòng; sửa chữa kịp thời các công trình thuỷ nông hư hỏng, hỗ trợ xăng dầu cho dân bơm tưới.
Ngoài ra, các địa phương tiếp tục rà soát để có chính sách hỗ trợ gạo cứu đói, giống cây trồng và phân bón cho dân. Một số vùng, diện tích nếu có thể cần chuyển đổi ngay sang cây trồng khác nhằm tạo thu nhập cho người dân khi cần thiết. Hạn hán không chỉ gây hại đối với sản xuất mà nó còn tác động đến nhiều mặt của đời sống xã hội. Vì vậy, các tỉnh Tây Nguyên cần chú trọng đến những nhiệm vụ cấp bách khác như phòng chống nguy cơ ô nhiễm môi trường nước, nguy cơ cháy rừng và dịch bệnh.
Đã đến lúc cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa, đồng bộ hơn nữa của Trung ương đối với Tây Nguyên trong cuộc chiến “sống chung với hạn” như ở đồng bằng sông Cửu Long người dân “sống chung với lũ” nhằm tạo ra sự phát triển bền vững, ổn định cho vùng đất giàu tài nguyên thiên nhiên và có vị trí chiến lược quan trọng này.
---------------------
Hỗ trợ Hà Giang 38,72 tỷ đồng thực hiện đề án trí thức trẻ
Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định hỗ trợ 38,72 tỷ đồng cho Hà Giang để thực hiện Đề án trí thức trẻ của tỉnh giai đoạn 2014 - 2017. Số tiền này chiếm 80% tổng nhu cầu kinh phí của Đề án.
Thủ tướng cũng chỉ đạo, trên cơ sở báo cáo của UBND tỉnh Hà Giang, Bộ Tài chính bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương từ nguồn kinh phí cải cách tiền lương để thực hiện và chịu trách nhiệm về nội dung và số liệu báo cáo.
UBND tỉnh Hà Giang sử dụng nguồn kinh phí ngân sách trung ương hỗ trợ và bố trí ngân sách địa phương để thực hiện Đề án. Việc quản lý và sử dụng số kinh phí hỗ trợ thực hiện theo quy định hiện hành.
----------------------
Khi Tổng cục trưởng Đường bộ trực tiếp 'bắt' xe quá tải
Chỉ trong một buổi chiều thực tế một số tuyến quốc lộ thuộc địa bàn Hà Nội, đích thân Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cùng đoàn công tác đã xử lý hàng chục trường hợp vi phạm quá tải. Có thể thấy, bấy lâu nay, nhiều người cho rằng, Hà Nội có “ít” xe quá tải là chưa chính xác.
Một buổi chiều cuối tuần, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện đã đích thân chỉ huy việc bắt giữ hàng loạt xe chở quá tải trên một số tuyến đường thuộc địa bàn TP Hà Nội. Cụ thể vào khoảng 14h30 ngày 13/3, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Huyện cùng đoàn công tác Tổng cục đã kiểm tra thực tế các xe quá tải trên đường Hồ Chí Minh thuộc địa bàn thị trấn Quốc Oai, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội. Khi đang di chuyển theo hướng Hà Nội – Hòa Bình, đoàn đã phát hiện nhiều chiếc xe hiệu Howo đang lưu thông ngược chiều theo hướng từ Hòa Bình về có dấu hiệu chở hàng quá tải.
Ngay lập tức, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Huyện đã chỉ đạo lực lượng Thanh tra quay đầu xe đuổi theo các phương tiện này để kiểm tra. Tuy nhiên, khi lực lượng thanh tra giao thông yêu cầu được lái xe xuất trình giấy tờ và đưa xe về trạm cân lưu động để cân đã vấp phải sự bất hợp tác của lái xe này vì anh này luôn bận “gọi điện thoại”.
Sau một giờ cố thủ trong đường ngang, biết không thể thoát khỏi sự kiểm soát của lực lượng chức năng, lái xe đưa xe ra để kiểm tra tải trọng, và kết quả là chiếc xe này đã chở tổng tải trọng 46 tấn, vượt hơn 2 lần tải trọng cho phép. Đến 15h30, đoàn công tác tiếp tục cơ động kiểm tra trên đại lộ Thăng Long, thì phát hiện xe BKS 29C-40864 thuộc Công ty TNHH ĐTSX&TM Thái Dương (thị trấn Quốc Oai, Hà Nội) chở đất đang lưu thông về hướng trung tâm thành phố có dấu hiệu quá tải.
Đoàn kiểm tra lập tức bám theo, khi lên đến đường vành đai 3 đoạn trên cao đoạn gần ngã ba Pháp Vân thì dừng được phương tiện để kiểm tra. Kết quả cho thấy, chiếc xe này vừa vi phạm cơi nới kích thước chiều cao thùng chở hàng và vượt quá 2 lần tải trọng cho phép. Đoàn kiểm tra đã buộc lái xe phải đưa xe đi hạ tải và cắt thùng ngay tại chỗ. Đây chỉ là hai trong gần chục trường hợp quá tải bị xử lý trong buổi thực tế của Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam.
Cho đến thời điểm này, chắc hẳn nhiều người dân vẫn chưa thể quên trong 2 ngày liên tiếp cuối tháng 1/2015, trên địa bàn Hà Nội đã xảy ra 3 vụ tai nạn chết người liên quan đến xe tải chở vật liệu xây dựng. Cụ thể, trong sáng 26/1, tại khu vực gầm cầu Thăng Long, phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm đã xảy ra vụ tai nạn khi xe tải đâm vào xe máy khiến một người tử vong tại chỗ.
Cùng ngày, khoảng 15h, tại ngã tư Lĩnh Nam, đoạn đường dẫn lên cầu Thanh Trì (phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai) lại thêm một tai nạn liên quan đến xe tải khiến người đi xe đạp chết ngay tại chỗ. Thương tâm hơn, vào khoảng 2h ngày 27/1, một cô giáo trẻ sau buổi giảng bài trên lớp, khi đi trên đường Phạm Hùng đã bị một xe tải từ phía sau đâm phải, nạn nhân chết ngay tại chỗ.
Và gần đây nhất, vào khoảng 13h15 ngày 16/3, tại Km 154+400 trên QL1B, đoạn qua địa bàn huyện Gia Lâm – Hà Nội, 2 phụ nữ đi trên xe máy mang BKS 36G5 – 062.08, đang lưu thông theo hướng Hà Nội – Thái Nguyên. Khi đến đoạn đường trên thì bất ngờ va chạm với chiếc xe container đi cùng chiều (chưa rõ biển số). Hậu quả, người phụ ngồi sau tử vong tại chỗ, người cầm lái bị thương nhẹ. Nhận được tin báo, lực lượng chức năng khu vực đã đến hiện trường để giải quyết vụ tai nạn và điều tiết giao thông.
Tại hiện trường, chiếc xe máy của nạn nhân bị hư hỏng nặng. Xe container liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn trên đã bỏ trốn, hiện cơ quan Công an đang ráo riết truy tìm. Trao đổi với lãnh đạo Phòng CSGT Hà Nội, phóng viên được biết, mỗi ngày lực lượng chức năng xử lý trung bình từ 70-80 trường hợp liên quan đến xe tải, xe quá tải. Thế nhưng vì sao xe quá tải vẫn ngang nhiên chạy trên nhiều tuyến quốc lộ ven Hà Nội, và tai nạn thương tâm vẫn cứ tiếp diễn?
Mới đây, tại hội nghị triển khai công tác thanh tra năm 2015 của Bộ GTVT, tham luận của Sở GTVT Hà Nội có thống kê, hiện trên địa bàn Hà Nội có 111 đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe container với 795 xe. Các đoàn kiểm tra của Sở GTVT cũng thừa nhận, tình trạng vi phạm trật tự ATGT trong hoạt động vận tải hàng hóa bằng container còn diễn ra khá phổ biến.
Thế nhưng, kết quả công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm hành chính ngoài hiện trường cho thấy trong năm 2014, có 135 trường hợp vi phạm, lập biên bản 131 trường hợp. Trong đó, có 73 trường hợp vi phạm không có phù hiệu; 29 trường hợp vi phạm lỗi không mang theo hợp đồng vận tải; 21 trường hợp lỗi không gắn thiết bị giám sát hành trình và 8 trường hợp vi phạm lỗi khác. Điều đáng nói, kết quả không hề thấy nhắc đến số liệu xử phạt về xe chở quá tải, quá khổ?!
Ngày 17/3, trao đổi với phóng viên, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Huyện thẳng thắn, việc xử lý xe quá tải và vi phạm kích thước thùng chở hàng của Hà Nội còn chậm, vẫn còn nhiều xe quá tải trên địa bàn. Vì vậy, Hà Nội cần thực hiện liên tục để xử lý triệt để vấn đề xe quá tải. Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Huyện nhấn mạnh, năm 2015 sẽ xử lý triệt để xe quá tải, đến nay các xe đường dài của các tỉnh chấp hành tốt, tỷ lệ chấp hành đạt tới 80-90%, còn lại khoảng 13-15 tỉnh ở phía Bắc có mỏ đá, quặng thì việc chấp hành chưa tốt. Vì vậy trong thời gian tới, Tổng cục ĐBVN sẽ ra quân đồng loạt, tăng cường kiểm tra đột xuất ngày và đêm. Trong tháng gần đây sẽ tăng cường xử lý xe quá tải đặc biệt là tại khu vực Hà Nội và các vùng lân cận, Hưng Yên, Hà Nam, Ninh Bình là những nơi cung cấp nguồn vật liệu lớn.
----------------------