Theo ông Nguyễn Trọng Lượng - Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, việc tạm đình chỉ hoạt động của Big C The Garden thuộc thẩm quyền của UBND TP Hà Nội chứ không phải quận.
Tại buổi giao ban báo chí do Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều 17/3, ông Nguyễn Thái Dũng, Phó Tổng giám đốc Big C Thăng Long cho biết, sau sự cố tại siêu thị Big C The Garden (chiều 14/3) khiến khoảng 20 người ngất xỉu, nạn nhân được đưa đến bệnh viện bằng xe taxi.
Theo ông Dũng, từ siêu thị Big C đến Bệnh viện 198 chỉ mất 5 phút chạy xe nên siêu thị cử nhân viên đưa người bị ngất ra taxi chứ không chờ xe cứu thương. Toàn bộ nạn nhân cấp cứu tại Bệnh viện 198 trong sự cố này đều được siêu thị thanh toán 100% tiền viện phí.
Tại thời điểm diễn ra sự cố, số lượng phương tiện, xe máy từ tầng hầm gửi xe, ngay dưới tầng hầm kinh doanh của siêu thị Big C lên đến 4.000 xe, gấp 5 lần so với bình thường do có buổi giao lưu giữa các diễn viên Hàn Quốc với người hâm mộ. Sự kiện này do Ban Quản lý Trung tâm The Garden tổ chức, không liên quan đến Big C và Big C không biết đến thông tin kể trên.
Ông Dũng cho hay, Big C thuê mặt bằng kinh doanh tại Trung tâm The Garden từ năm 2010. Ban quản lý tòa nhà cung cấp đầy đủ giấy tờ liên quan đến việc kinh doanh siêu thị nên Big C mới ký hợp đồng thuê mặt bằng.
Còn theo ông Nguyễn Trọng Lượng - Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, việc tạm đình chỉ hoạt động của Big C The Garden thuộc thẩm quyền của UBND TP Hà Nội chứ không phải quận. Tuy nhiên, ông Nguyễn Trọng Lượng cho biết, UBND quận Nam Từ Liêm đã thành lập đoàn kiểm tra việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường đối với Ban quản lý tòa nhà The Garden, cũng như chỉ đạo tổng rà soát lại tầng hầm các nhà chung cư, đặc biệt hệ thống thông gió, thoát khí để phòng ngừa trường hợp tương tự tái diễn.
“Kiểm tra thực tế cho thấy, quá trình vận hành tòa nhà chưa đúng quy trình bảo vệ môi trường đã cam kết”, ông Lượng nói.
Hưởng ứng kế hoạch của Chính phủ về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) do Bộ Tư pháp chủ trì, Báo CAND đã mở chuyên mục “Đóng góp ý kiến vào dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi)”. Đây là một lĩnh vực hiện đang được nhân dân hết sức quan tâm. PV Báo CAND đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hồng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự-Kinh tế, Bộ Tư pháp về những vấn đề liên quan.
Phóng viên (PV): Xin ông cho biết trọng tâm tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) là những vấn đề gì?
Ông Nguyễn Hồng Hải: Việc đưa ra các vấn đề trọng tâm lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) được dựa trên các tiêu chí sau đây: Thứ nhất, có tính cải cách trong công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền dân sự trong thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp, xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta; Thứ hai, nội dung vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của người dân; Thứ ba, hiện còn có những loại ý kiến khác nhau. Theo đó, có 10 vấn đề được Chính phủ xác định là trọng tâm, cụ thể: trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong việc bảo vệ quyền dân sự (Điều 19 và Điều 20 dự thảo Bộ luật); về quyền nhân thân (Điều 30 - Điều 51 dự thảo Bộ luật); về chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự (Điều 119 – Điều 121 dự thảo Bộ luật); về hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự không tuân thủ quy định về hình thức (Điều 145 dự thảo Bộ luật); về bảo vệ người thứ ba ngay tình trong trường hợp giao dịch dân sự bị vô hiệu (Điều 148 dự thảo Bộ luật); về hình thức sở hữu (Điều 203, Điều 224 – Điều 247); về thời điểm xác lập quyền sở hữu và các vật quyền khác (Điều 182 dự thảo Bộ luật); về điều chỉnh hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi (Điều 443 dự thảo Bộ luật); về lãi suất trong hợp đồng vay tài sản (Điều 491 dự thảo Bộ luật); thời hiệu (Điều 167 – Điều 180, Điều 646).
PV: Cho đến nay, kết quả đóng góp ý kiến của các bộ, ngành và nhân dân đối với dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) như thế nào thưa ông?
Ông Nguyễn Hồng Hải: Ở thời điểm này, theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và kế hoạch của Chính phủ thì vẫn đang trong thời hạn lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Bộ luật Dân sự nên việc tổng hợp ý kiến mới chỉ là bước đầu. Bộ Tư pháp chưa nhận được báo cáo đầy đủ của các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức liên quan về các hoạt động và kết quả lấy ý kiến nhân dân.
Tuy nhiên, thực tế đã có nhiều bộ, ngành, địa phương, tổ chức liên quan và cơ quan thông tấn báo chí đã và đang thực hiện việc lấy ý kiến nhân dân dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với từng đối tượng lấy ý kiến...
Bộ Tư pháp cũng đã chủ trì hoặc phối hợp với nhiều cơ quan, tổ chức liên quan để lấy ý kiến về dự thảo Bộ luật, trong đó tập trung vào việc lấy ý kiến của các chuyên gia nước ngoài, nhà quản lý, giảng viên, thẩm phán, luật sư, công chứng viên, hội nghề nghiệp, đại diện các nhóm xã hội...
PV: Qua kết quả đóng góp bước đầu, ông có thể cho biết những vấn đề gì trong dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) được dư luận quan tâm đóng góp nhiều nhất?
Ông Nguyễn Hồng Hải: Nhìn chung những ý kiến mà chúng tôi nhận được là tương đối sát với những nội dung được nêu trong Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và kế hoạch của Chính phủ. Ngoài 10 vấn đề trọng tâm được Chính phủ định hướng, còn có nhiều ý kiến khác có giá trị tham khảo để nghiên cứu chỉnh lý dự thảo Bộ luật về cá nhân, pháp nhân, giao dịch dân sự, đại diện, biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm dân sự, điều kiện giao dịch chung, điều chỉnh hợp đồng do hoàn cảnh thay đổi, hủy bỏ hợp đồng, thừa kế...
PV: Xin ông cho biết thời gian đóng góp ý kiến cho dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) sẽ kéo dài đến bao lâu? Dự kiến khi nào Bộ Tư pháp sẽ trình Quốc hội dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi).
Ông Nguyễn Hồng Hải: Theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và kế hoạch của Chính phủ về việc lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) thì thời gian lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) bắt đầu từ ngày 5 tháng 1 năm 2015 và kết thúc vào ngày 5 tháng 4 năm 2015.
Tuy nhiên, sau thời hạn trên, tổ chức, cá nhân tiếp tục đóng góp ý kiến về dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) thì gửi đến Bộ Tư pháp trước ngày 20 tháng 9 năm 2015 theo địa chỉ: 60 Trần Phú, Ba Đình, Hà Nội hoặc qua hộp thư điện tử: boluatdansu@moj.gov.vn. Báo cáo kết quả lấy ý kiến đối với dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) của bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, tổ chức phải được gửi về Bộ Tư pháp trước ngày 15 tháng 4 năm 2015.
Bộ Tư pháp trình Chính phủ báo cáo tổng hợp kết quả lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) trước ngày 25 tháng 4 năm 2015. Dự thảo Bộ luật được chỉnh lý trên cơ sở ý kiến nhân dân sẽ được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9 của Quốc hội nhiệm kỳ khoá XIII.
PV: Xin cảm ơn ông!
-------------------------
Đang xác minh nhóm người ngăn cản việc tưởng niệm liệt sĩ Gạc Ma
Một nhóm người mặc áo in dòng chữ "DLV" đã ngăn cản người dân đặt hoa tưởng niệm các liệt sĩ tại tượng đài Lý Thái Tổ và tượng đài Quyết tử (Hà Nội) sáng 14/3.
Nhóm người mặc áo đỏ in lo go " DLV" căng cờ trước tượng đài và có hành vi ngăn cản người dân yêu nước vào tưởng niệm các liệt sĩ Gạc Ma.
Chiều 17/3, trả lời câu hỏi về việc ngày 14/3, một nhóm thanh niên mặc áo đỏ in logo giống của công an và dòng chữ "DLV" ngăn cản hoạt động của một số người dân, tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh khi bảo vệ chủ quyền đất nước, ngăn cản người dân đặt hoa tưởng niệm các liệt sĩ tại tượng đài Lý Thái Tổ và tượng đài Quyết tử (Hà Nội) sáng 14/3, Giám đốc Công an Hà Nội, Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung khẳng định, nhóm người trên không thuộc quản lý của Công an thành phố và Ban Tuyên giáo.
Theo Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung, nhân dịp 27 năm ngày Trung Quốc xả súng sát hại 64 chiến sĩ, cưỡng chiếm Gạc Ma (14/3/1988), một số người dân yêu nước đã đặt lẵng hoa tại tượng đài Lý Thái Tổ và tượng đài Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh (bên Hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội). “Công an thành phố Hà Nội được giao nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự. Chúng tôi luôn tôn trọng hành vi, hoạt động của người dân có lòng yêu nước với tất cả các sự kiện, đặc biệt liên quan đến chủ quyền lãnh thổ và tưởng nhớ những anh hùng liệt sĩ, những người đã tham gia bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của đất nước” - Giám đốc Công an TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định.
Về nhóm thanh niên mặc áo đỏ in dòng chữ "DLV", Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung cho biết, có thể đó là lực lượng tự phát, Công an thành phố Hà Nội đang tổ chức xác minh và khi có kết quả sẽ thông tin tới báo chí.
Là người trực tiếp chỉ đạo công tác đảm bảo an ninh tại hiện trường, Thiếu tướng Chung cho hay sau khi thuyết phục nhóm người này đã tự động giải tán.
-----------------------