Tin trong nước sớm 18-11-2014: Doanh nghiệp khổ vì hối lộ - Cước phí vận tải ở Việt Nam cao hơn Mỹ và Trung Quốc

  • Cập nhật : 18/11/2014
 Doanh nghiệp khổ vì hối lộ
Doanh nghiệp phải hối lộ trong các hoạt động liên quan đến sản xuất kinh doanh không chỉ khiến doanh nghiệp bị thiệt hại mà còn làm giảm sức hấp dẫn của môi trường đầu tư.
 
Trong bảng xếp hạng Trace Matrix do Trace International - một tổ chức vận động chống hối lội đặt ở Mỹ với các tiêu chí đánh giá như: cách thức doanh nghiệp (DN) quan hệ với chính phủ, luật chống hối lộ…, Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia có chỉ số rủi ro hối lộ cao nhất thế giới.
 
Nhiều khoản chi ngoài luồng
 
Nghiên cứu của Trace International cho thấy Việt Nam đứng thứ 188/197 nước được điều tra về vấn nạn hối lộ trên thế giới. Tổ chức này đánh giá Việt Nam có mức độ rủi ro cao trong quan hệ với chính phủ, ngoài ra còn gánh nặng quản lý và sự trông đợi được “lại quả” cũng cao.
 
Trước đó, báo cáo “Đặc điểm môi trường kinh doanh ở Việt Nam: Kết quả điều tra DN nhỏ và vừa năm 2013” của Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế trung ương (CIEM) khảo sát với 2.500 DN nhỏ và vừa hoạt động trong khu vực chế biến cho thấy môi trường kinh doanh ở Việt Nam nhìn chung không có sự cải thiện trong các năm gần đây. Chi phí phi chính thức và tiếp cận tài chính vẫn là một trong những vấn đề nghiêm trọng cản trở DN, kéo dài từ giai đoạn 2009 đến nay.
 
Thực tế, đến 19% DN được khảo sát cho biết họ phải thanh toán các khoản chi phi chính thức trong năm 2013, trong đó, 29% các khoản chi có liên quan đến dịch vụ công. Mức độ gia tăng của các chi phí không chính thức cũng được ghi nhận khi năm 2013 có 45% DN được hỏi cho biết phải chi những khoản không chính thức, trong khi tỉ lệ này vào năm 2011 chỉ là 38%. Có tới 38,5% DN không chi hối lộ trong năm 2011 nhưng đã phải chi hối lộ trong năm 2013, chi phí cho dịch vụ công đã tăng từ mức 26% năm 2011 lên 29% năm 2013…
 
Muốn thuận lợi, DN “phải biết điều”
 
Giám đốc một DN tư nhân chuyên sản xuất quần áo trẻ em trên địa bàn quận 9, TP HCM cho rằng đã là một DN có con dấu, có hoạt động sản xuất kinh doanh thì chuyện “phải biết điều” với cơ quan nhà nước là hiển nhiên. Ông dẫn chứng DN ông là một trong những đơn vị hoạt động sạch về môi trường, tuân thủ đầy đủ quy định và không có vi phạm trong sản xuất nhưng vẫn không nằm ngoài vấn nạn phải “chung chi” khi làm các thủ tục, chứng từ liên quan đến nhà nước. Thủ tục hành chính hiện quá rườm rà, rắc rối làm nảy sinh cơ chế “xin - cho”. Không đề cập chuyện DN làm sai, ngay cả khi làm đúng quy trình, thủ tục nhưng muốn nhanh, DN đều phải “có gì đó”.
 
“Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất sửa đổi Luật Đầu tư theo hướng cái gì cấm không cho DN làm thì phải ghi rõ trong luật được DN kỳ vọng là bước đột phá. Còn nếu như hiện nay, các quy định, điều luật quá nhiều nảy sinh giấy phép mẹ, giấy phép con” thì DN phải “chung chi” là điều khó tránh” - vị đại diện DN này nhìn nhận.
 
Trong khi đó, lãnh đạo một DN xuất khẩu cho rằng vấn đề “lại quả”, hối lộ của DN với cơ quan nhà nước là một tệ nạn nhưng nếu mọi người làm đúng luật và bản thân DN quyết tâm không tham gia thì sẽ không có chuyện này. Ông kể: Có lần, cơ quan hải quan làm khó lô hàng nhập khẩu từ Trung Quốc cập cảng TP HCM để sản xuất hàng nội địa. Năm lần bảy lượt họ mời đại diện công ty lên làm việc, giải trình về lô hàng. Có người bàn nên “có gì đó” để được thông quan nhanh hơn nhưng công ty quyết tâm làm đúng luật, sau đó đích thân tổng giám đốc phải ra tận cảng, làm việc với hải quan và chứng minh các giấy tờ cho thấy mình làm đúng. Cuối cùng, lô hàng cũng được thông quan và DN không chi một đồng nào...
-----------------------------

 Méo mó “sức mạnh” của phong bì

Nhiều phụ huynh có suy nghĩ đi quà 20/11 thầy cô bằng phong bì thì con mình sẽ được quan tâm, ưu ái hơn. Ít ai nhìn trực diện rằng - nếu điều đó có thật - cũng không hề tốt cho trẻ.
 
Khi tặng quà cho giáo viên của con ngày 20/11, không ít phụ huynh có mục đích rất rõ ràng: để con được thầy cô quan tâm, ưu ái. Việc phụ huynh đi quà thầy cô bằng “phong bì” phần lớn cũng xuất phát từ mong muốn này của phụ huynh.
 
Ít nhiều có hiện tượng giáo viên (GV) gợi ý, gây áp lực “quà cáp” cho phụ huynh nhưng chắc chắn đó là con số rất nhỏ so với việc phụ huynh chủ động, mong muốn tặng quà cho thầy cô giáo. Mà trong đó có rất nhiều người tặng quà thầy cô vì sợ con mình thua thiệt, tặng để con mình được ưu ái.
 
Vậy nhưng, “đi phong bì để con được quan tâm” có phải là một điều tốt cho con như phụ huynh vẫn tưởng?
 
Một GV ở dạy học ở quận 1, TPHCM chia sẻ, một nhà giáo tâm huyết, nhà giáo thật sự và xác định chọn nghề giáo - nghề không phải để kiếm tiền - họ sẽ chẳng bận tâm đến chuyện quà cáp, chẳng vì quà cáp mà đối xử thiếu bình đẳng với học sinh. Không thầy cô nào hạnh phúc khi nhận quà của phụ huynh đi kèm với thái độ “mua chuộc” hoặc xuất phát từ việc “phải tặng”.
 
Tặng quà xuất phát từ suy nghĩ sợ con không được quan tâm vì không tặng quà lại càng không nên. Vì nếu việc tặng quà tạo nên sự bất bình đẳng giữa các học trò với nhau thì chắc chắn việc con mình được quan tâm hơn không phải là cách giáo dục tốt và vô tình chúng ta giáo dục các em sống xem nặng và phụ thuộc vào vật chất. 
 
GV nào có suy nghĩ vun vén tiền bạc từ phụ huynh trong những ngày lễ, xem đó như thước đo “đong đếm” tình cảm với học trò thì không đáng để phụ huynh phải cảm ơn, tri ân. Sự quan tâm đặc biệt từ một người thầy đối với học trò chỉ vì quà cáp của bố mẹ - liệu có phải là điều cần thiết cho đứa trẻ?
 
Hay nói một cách thẳng thừng, một người thầy chưa hoàn thiện về nhân cách mà quan tâm, ưu ai con bạn thì rằng, chỉ có hại cho đứa trẻ.
 
Nếu không xuất phát từ sự chân thành, tri ân thật sự, phụ huynh đừng tặng quà GV.
 
Khi đi phong bì cho GV với mục đích “mua chuộc”, phụ huynh cũng thường có tâm lý suy diễn, dán nhãn tiêu cực cho nhiều thầy cô giáo như: do thầy cô gợi ý, thầy cô nào chả thích phong bì… Đáng sợ nhất nhiều phụ huynh còn truyền suy nghĩ đó sang con trẻ có hại vô cùng.
 
Nhiều phụ huynh đang ảo tưởng về “sức mạnh” của tiền bạc, vật chất. Đâu chỉ chuyện quà cáp thầy cô, xin thưa nhiều vấn đề khác trong nuôi dạy con, hiện nay nhiều phụ huynh cũng dùng tiền, quà cáp để giải quyết như dùng tiền để “mua chuộc” con học, con làm việc nhà, mua quà để trẻ hết mè nheo, khóc nhè…
 
Ban giám hiệu nhiều trường học đã từng “tiếp” những phụ huynh lên phàn nàn GV nhận quà cáp nhưng… không quan tâm đến con mình.
 
Trong mắt một số phụ huynh, dường như lúc nào con mình cũng bị thua thiệt .Nhưng thay vì khích lệ sự nỗ lực, cố gắng của chính đứa trẻ, nhiều ông bố bà mẹ lại có xu hướng lấp đầy điều đó bằng sự bao bọc, bằng vật chất hay mong muốn trẻ được “ưu ái” từ người khác…
 
Chắc chắn đó không phải là điều một đứa trẻ cần cho cuộc sống của mình. Trẻ cần có một môi trường tình cảm chân thành, trân trọng chứ không phải môi trường “phong bì” đặt nặng quyền lực của đồng tiền lên trên hết! 
--------------------------
 Cước phí vận tải ở Việt Nam cao hơn Mỹ và Trung Quốc
Nếu tính trong tổng giá trị sản phẩm quốc nội (GDP) thì cước phí vận tải của Việt Nam cao hơn Mỹ, còn so sánh riêng trong lĩnh vực vận tải đường bộ thì chi phí này cao hơn Trung Quốc và các nước khu vực Đông Nam Á.
 
Theo quy định hiện hành, nhà nước không thực hiện kiểm soát giá đối với giá cước vận tải thông thường, việc xây dựng giá cước vận tải do các doanh nghiệp, hợp tác xã chủ động xây dựng phương án giá theo thị trường và đăng ký kê khai giá cước với các cơ quan quản lý nhà nước trước khi áp dụng thu cước theo quy định.
 
Dựa trên kết quả nghiên cứu tại báo cáo Tạo thuận lợi thương mại, tạo giá trị và năng lực cạnh tranh của Ngân hàng thế giới (năm 2013) thì chi phí logistic của Việt Nam còn tương đối cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới, ước tính vào khoảng 20,7% so với tổng giá trị sản phẩm quốc nội (GDP) trong khi tỷ lệ này của của Mỹ 7,7%, của Singapore là 8%, các nước thuộc khối EU là 10%, Nhật 11%, tỷ trọng này cũng cao hơn các nước đang phát triển trong khu vực như Thái Lan (khoảng 18%), Trung Quốc (khoảng 19%).
 
Nếu lấy tỷ lệ chi phí vận tải trong tổng chi phí logistic là 56% như nghiên cứu Chiến lược phát triển giao thông vận tải Việt Nam do JICA thực hiện năm 2010 (VISSTRAN 2) thì chi phí vận tải ở nước ta hiện đang chiếm khoảng 11,8% tổng giá trị sản phẩm quốc nội.
 
Các nghiên cứu trên đều lý giải nguyên nhân khiến chi phí vận tải chiếm tỷ trọng tương đối cao trong giá thành hàng hóa công nghiệp vì: Vận tải hàng hóa bằng đường bộ vẫn đóng vai trò chủ đạo (khoảng 80% trong toàn ngành vận tải) trong khi đó phương thức vận tải đường biển, đường sông rẻ hơn chưa được phát huy đúng tiềm năng;
 
Một nguyên nhân khác là do cơ cấu các cấp đường trong kết cấu hạ tầng đường bộ của Việt Nam có nhiều bất cập. So sánh với một số nước trong khu vực như Thái Lan, Philippin thì mạng lưới đường bộ Việt Nam có mật độ cao hơn nhưng tỷ lệ đường bộ có năng lực thông hành lớn (đường cao tốc, đường nhiều làn) thì lại nhỏ, chất lượng mặt đường cũng thấp hơn, khiến cho thời gian vận chuyển bị kéo dài, tải trọng thông hành trên đường thấp, đẩy chi phí vận tải tăng lên.
 
Cùng với đó, sự phân bố của các vị trí đầu mối logistics như nhà ga, cảng, sân bay chưa thuận tiện cho các khu công nghiệp và vùng sản xuất hàng hóa xuất nhập khẩu. Ví dụ hầu hết hàng hoá xuất nhập khẩu của khu vực đồng bằng sông Cửu Long đều phải kết nối bằng đường bộ qua các cảng thuộc khu vực TPHCM và Bà Rịa-Vũng Tàu.
 
Khi so sánh giá cước vận tải bằng đường bộ của Việt Nam so với một số nước trong khu vực và trên thế giới thì có thể nhận thấy: Cước phí VTHH của Việt Nam so với các nước trong khu vực và thế giới chỉ ở mức trung bình. Cước phí ở Việt Nam cao hơn Thái Lan và Trung Quốc một chút nhưng lại thấp hơn nhiều so với Nhật Bản và Hàn Quốc. Tuy nhiên, nếu tính mức cước phí này trên mức thu nhập bình quân đầu người thì Việt Nam lại là nước có cước phí vận tải cao nhất, đắt đỏ nhất trong những nước so sánh.
 
Theo phân tích cước phí và chi phí của các loại hình vận tải hàng hóa ở Việt Nam của Trung tâm nghiên cứu GTVT Việt Đức - Trường Đại học Việt Đức, kết quả tính toán và nghiên cứu tiến hành so sánh cước phí vận chuyển giữa ba phương thức là đường bộ, đường thủy nội địa và đường sắt cho thấy: Khi xem xét cước phí vận tải đường dài (trên 100km) thì cước phí vận tải đường bộ cao gần 3.7 lần so với vận tải thủy nội địa, và vận tải thủy nội địa cao gấp khoảng 2.3 lần so với vận tải sắt. Cước phí vận tải luôn có mối quan hệ tỷ lệ thuận với tổng chi phí vận hành phương tiện.
 
Rõ ràng, sự phát triển của hoạt động vận tải hàng hóa Việt Nam đã và đang đóng góp tích cực vào sự phát triển của nền kinh tế. Bên cạnh những mặt tích cực, hoạt động vận tải hàng hóa cũng đã bộc lộ một số mặt hạn chế nhất định.
 
Nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu GTVT Việt Đức - Trường Đại học Việt Đức cũng chỉ ra rằng, để đảm bảo sự phát triển bền vững cũng như nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành vận tải hàng hóa Việt Nam, một số giải pháp trước mặt cần tập trung là xây dựng cổng thông tin điện tử về vận tải hàng hóa; xây dựng chiến lược giảm mãi lộ kết hợp với việc tuyên truyền mạnh mẽ đến đội ngũ lái xe tải.
 
Việc tái cơ cấu thị trường vận tải Việt Nam cũng là một trong những giải pháp quan trọng để giúp ngành vận tải hàng hóa phát triển một cách bền vững. Việc đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng và đặc biệt là cải thiện chất lượng dịch vụ vận tải của ngành vận tải thủy nội địa và đường sắt sẽ thu hút lượng hàng hóa lớn vận chuyển vận bằng hai phương thức này. Đồng thời qua đó sẽ góp phần phát triển hài hòa, cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động vận tải hàng hóa của Việt Nam.
---------------------------
Thủy điện tích nước, dân lo mất nhà
Công trình thủy điện Nậm Nơn hoàn thành, bắt đầu tích nước để vận hành thử nghiệm. Đó cũng là lúc hiện tượng sạt lở đất hai bên bờ sông bắt đầu xuất hiện. Nhiều hộ dân trước kia không thuộc diện di dời sống trong thấp thỏm vì sợ sông “ăn” mất nhà.
 
Công trình thủy điện Nậm Nơn, trên sông Nậm Nơn, thuộc địa bàn huyện biên giới Tương Dương, tỉnh Nghệ An nằm cách công trình thủy điện Bản Vẽ 14km. Đây là công trình thủy điện nằm giữa hai công trình thủy điện Bản Vẽ và Khe Bố. Thủy điện Nậm Nơn được thiết kế hai tổ máy phát điện với tổng công suất 20MW. Sau khi hoàn thành dòng điện từ nhà máy này sẽ hòa lưới điện với đường dây 110KV, góp phần đản bảo an ninh năng lượng của quốc gia.
 
Cuối tháng 8/2014, sau khi công trình hoàn thành, thủy điện Nậm Nơn bắt đầu tích nước để tiến hành vận hành thử nghiệm. Cũng là lúc mực nước dòng sông bắt đầu dâng lên thì hiện tượng sạt lở cũng bắt đầu xuất hiện. Khiến nhiều hộ dân sống trong khu vực lòng hồ trước đó không thuộc diện di dời trở nên hoang mang lo sợ.
 
Chị Lô Thị Vân (SN 1979) trú tại bản Lạ, xã Lượng Minh (Tương Dương, Nghệ An) sợ hãi: “Toàn bộ đất phía sau nhà tôi bị sập xuống sông hết rồi, tường bao quanh nhà cũng bị nứt và sập hết. Buổi tối cũng không giám ngủ vì sợ nhà sẽ sập bất cứ lúc nào”, nhìn vào những vết nứt lớn đang lấn dần sát đến ngôi nhà sàn của mình chị Vân hoang mang lo sợ.
 
Theo quan sát của chúng tôi tại khu vực nhà chị Vân, toàn bộ phần đất vườn phía sau của căn nhà đã bị dòng sông “nuốt” gọn. Bức tường xây kiên cố xung quang căn nhà sàn của chị cũng đã đổ sập. Những vết nứt lớn kéo dài đang ăn dần và lấn ngày một sát vách căn nhà sàn của chị vô cùng nguy hiểm.
 
Không chỉ riêng gia đình chị Vân mà nhiều hộ khác ở bản Lạ sống sát bên dòng sông Nậm Nơn trước kia không thuộc diện di dời nay cũng phải nơm nớp lo sợ vì có thể bị dòng sông “ăn” mất nhà bất cứ lúc nào. Những căn nhà sàn chênh vênh nằm ngay bên dòng Nậm nơn cũng bắt đầu xuất hiện những vết nứt ở khu vực nền nhà khiến người dân hoang mang lo sợ.
 
Chỉ vào vết nứt đang lấn sát dần đến chân cột nhà mình anh Lay Văn Thuận (SN 1964) ở bản Lạ nói: “Mới đầu là vết nứt nhỏ rồi đất bắt đầu đổ sập xuống sông. Nhà tôi có 5 người, còn có các cháu nhỏ nên tôi sợ lắm. Nếu tôi đi làm chúng nó ở nhà chẳng may có chuyện gì thì sao”.
 
Gia đình bà Lô Thị Phượng trước đó đã phải di dời ngôi nhà tạm của mình đến nơi ở mới vì nước nước ngập đến quá chân cột nhà. Sau đó gia đình bà đã được hỗ trợ di dời đến nơi ở mới để đảm bảo an toàn.
 
Nhìn những ngôi nhà sàn chênh vênh bên dòng sông đang cuộn mình chảy chúng tôi hiểu mối lo ngại của rất nhiều hộ dân sinh sống tại đây. Trên con đường độc đạo vào xã Lượng Minh cũng bắt đầu xuất hiện nhiều điểm sạt lở vô cùng nguy hiểm. Phần đất hành lang của con đường đã bị sạt lở, nhiều đoạn đã sạt lở đến mép đường nhựa rất nguy hiểm.
 
Ông Vi Đinh Phúc - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Lượng Minh - cho biết: “Sau khi thủy điện bắt đầu tích nước, bên cạnh đó là mưa lớn kéo dài nên tại bản Lạ có nhiều hộ sinh sống tại gần bờ sông bị sạt lở. Sau khi nắm được tình hình chúng tôi đã tiến hành xác minh và báo cáo lên UBND huyện Tương Dương để có phương án xử lý. Hiện tại huyện cũng đã cho xác minh và có phương án di dời những hộ dân có nguy cơ sạt lở đến nơi ở mới để đảm bảo an toàn”.
 
Cũng theo ông Phúc, sau khi thủy điện Nậm Nơn bắt đầu tích nước con đường dân sinh duy nhất để người dân tại bản Lạ vào khu vực sản xuất của mình cũng đã bị ngập nước. Vì vậy để khắc phục những người dân tại đây phải tự kết bè, làm thuyền nhỏ để làm phương tiện di chuyển vào khu vực sản xuất nên rất nguy hiểm.
 
Trao đổi với phóng viên về thực trạng trên ông Lý Quang Châu - Chủ tịch UBND huyện Tương Dương cho biết: “Ngay khi có thông tin về sạt lở tại khu vực xã Lượng Minh tôi cùng các đồng chí trong UBND huyện đã vào tận những điểm sạt lở để khảo sát nắm tình hình. Tất cả những điểm sạt lở đều nằm trong những cung trượt được Viện vật lý địa cầu cảnh báo. Chúng tôi cũng đang trao đổi với phía đơn vị đầu tư để có phương án hỗ trợ những hộ dân nằm trong khu vực có nguy cơ sạt lở đến nơi ở mới an toàn hơn”.
------------------------
 Lạnh lẽo hàng Tết
Nguồn hàng đã chuẩn bị sẵn sàng nhưng sức mua trong dịp Tết Nguyên đán vẫn còn là ẩn số.
 
Còn hơn 3 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán. Thời điểm này mọi năm, giới kinh doanh đã nhộn nhịp nhập hàng, chuẩn bị cho mùa kinh doanh Noel, Tết Dương lịch và Âm lịch nhưng năm nay thị trường yên ắng một cách bất thường.
 
Hàng nhiều, sức mua… chưa biết
 
Theo kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng Tết của Sở Công Thương TP HCM, tổng giá trị hàng hóa các doanh nghiệp (DN) chuẩn bị sản xuất, dự trữ, cung ứng cho 2 tháng trước và sau Tết Ất Mùi 2015 là 15.849,4 tỉ đồng, tăng hơn 8.267 tỉ đồng so với Tết 2014. Trong đó, tổng giá trị hàng hóa chuẩn bị nguồn hàng bình ổn thị trường là 8.304 tỉ đồng. Hiện tại, các DN trong chương trình bình ổn thị trường TP HCM đã đẩy mạnh thu mua, dự trữ nguồn nguyên liệu, chuẩn bị đầy đủ để triển khai kế hoạch sản xuất, chăn nuôi, cung ứng hàng ra thị trường dịp Tết.
 
Các hệ thống siêu thị trên địa bàn TP HCM cũng đã chốt xong kế hoạch hàng Tết. Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Giám đốc Maximark Cộng Hòa, cho biết hệ thống siêu thị Maximark đang chuẩn bị kế hoạch tập kết hàng Tết và bàn bạc với nhà cung cấp về giá cả, chương trình khuyến mãi, hy vọng đến cuối tháng sẽ hoàn tất khâu chuẩn bị. Hiện siêu thị Maximark đang tập trung làm việc với những nhà cung cấp hàng truyền thống. Riêng hàng ngoại nhập đã chào giá, sang tháng 12 sẽ về tới cảng.
 
Tại hệ thống siêu thị Co.opmart, bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op, cho biết Saigon Co.op đã làm việc với nhà cung cấp để lên kế hoạch hàng Tết và đang tập trung ở nhóm hàng bình ổn thị trường.
 
Dự kiến, mùa kinh doanh Tết năm nay, Saigon Co.op tăng khoảng 15% lượng hàng bình ổn, 10%-15% ở các nhóm hàng khác, tùy từng mặt hàng. Ngoài ra, hệ thống này cũng đẩy mạnh giỏ hàng Tết Việt và điều chỉnh cho phù hợp hơn với nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng.
 
Nghe ngóng, thăm dò
 
Mặc dù xác định thời điểm này không quá sớm để chuẩn bị, bày bán hàng Tết, nhất là lễ Noel, Tết Dương lịch đang gần kề nhưng tại các siêu thị và chợ, cửa hàng vẫn chưa có không khí kinh doanh mùa lễ Tết. Mọi năm thời điểm này, nhiều cửa hàng, sạp chợ đã mở nhạc Giáng sinh rộn ràng nhưng năm nay yên ắng hẳn.
 
Tại các chợ Phạm Văn Hai, An Đông, Bến Thành… khi nghe chúng tôi hỏi về hàng Tết, đa số tiểu thương đều thở dài cho biết chợ bán rất chậm nên chưa dám chuẩn bị gì, hiện vẫn đang thăm dò thị trường.
 
Theo một tiểu thương chợ Phạm Văn Hai, chợ trầm lắng hẳn so với cùng thời gian này mọi năm, chưa thấy ai nhập hàng bán dịp Noel, Tết Dương lịch chứ đừng nói đến Tết Nguyên đán. Vẫn chưa thấy công ty, đại lý chào mẫu hàng Tết. Nhiều tiểu thương kinh doanh quần áo chợ An Đông cũng cho biết chưa nhập mẫu mới cho Noel, Tết mà cố gắng đẩy thêm mẫu cũ ra thị trường, có thể đầu tháng sau mới bắt đầu tung mẫu mới cho mùa kinh doanh cuối năm. Khu vực bán bánh kẹo, thực phẩm khô ở tầng hầm chợ An Đông cũng vắng vẻ, tiểu thương vừa bán vừa lo.
 
Sức mua thị trường Tết năm nay vẫn còn là ẩn số nhưng theo giới kinh doanh, lượng hàng hóa cung ứng cho thị trường Tết sẽ dồi dào, mẫu mã đa dạng, chất lượng tốt, giá cả phù hợp. Đặc biệt, hàng nội địa rất phong phú, giá tốt nên người tiêu dùng sẽ có thêm lựa chọn. Sở Công Thương TP HCM dự đoán hoạt động mua bán hàng hóa trên thị trường thành phố Tết này sẽ tương đối ổn định: giá cả các mặt hàng lương thực, thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu ít biến động, nguồn hàng cung ứng ra thị trường đáp ứng đầy đủ nhu cầu người tiêu dùng và sẽ không xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa.
---------------------------
 

Tin Phap Luat Tin Phap Luattổng hợp

Trở về

Bài cùng chuyên mục

Văn phòng luật

Danh sách luật

Danh sách đầy đủ >>

Liên hệ quảng cáo: 0983 006 168

Thiết kế web nhanh

Chuyên gia phát triển hệ thống web portal giá rẻ, chuẩn SEO, chất lượng cao

www.webdesign.vn

Hotline: 098 300 6168

Tin kinh tế 

Tin kinh tế, giao thương, khuyến mãi, quảng bá sản phẩm,trang vàng doanh nghiệp,...

www.tinkinhte.com

Quảng cáo: 098 300 6168

Tin sức khỏe

Hệ thống mạng vì sức khỏe cộng đồng với hơn 300 kênh đang được phát triển

www.tinsuckhoe.com

Hợp tác: 090 620 7650

tinkhoahoc.com- Ads demo

Tin pháp luật

Tin pháp luật, văn bản luật, Văn phòng luật sư, giải đáp pháp luật,...

www.tinphapluat.com

Hợp tác: 090 620 7650

Thế giới thời trang

Thời trang Việt Nam, Shop thời trang, Mua bán thời trang, trang vàng thời trang,...

www.fashion365.vn

Hợp tác: 0127 399 6475

Cổng nhôm đúc

Cổng nhôm đúc, cầu thang nhôm đúc, lan can nhôm đúc, hàng rào nhôm đúc,...

www.congnhadep.com

Tư vấn: 098 206 9958

tinkhoahoc.com- Ads demo

Kiến trúc xanh

Thiết kế biệt thự, thiết kế nhà đẹp, thiết kế sân vườn, thiết kế nội ngoại thất,...

www.kientrucxanh.net

Tư vấn: 098 206 9958

Phong thủy 24h

Phong thủy học, xem tuổi làm nhà, nội thất phong thủy, vật phẩm phong thủy,...

www.phongthuy24h.com

Hợp tác: 098 206 9958

Thiết kế nhà dân

Thiết kế nhà dân, thiết kế biệt thự, dịch vụ xây dựng, sửa chữa nhà ở, văn phòng...

www.thietkenhadan.com

Hợp tác: 098 206 9958

tinkhoahoc.com- Ads demo

Web trên smart phone

Chuyên phát triển web chạy trên smart phone và các thiết bị di động, thân thiện, chuẩn SEO,...

www.mobileweb.vn

Hợp tác: 098 300 6168

Máy lọc nước gia đình

Cung cấp máy lọc nước RO, sửa chữa máy lọc nước, thay lõi lọc máy lọc nước,...

www.maylocnuocgiadinh.com

Hợp tác: 098 206 9958

Thế giới động vật

Khám phá thế giới động vật, động vật hoang dã, thú cưng, chim cá cảnh,...

www.thegioidongvat.net

Hợp tác: 0127 399 6475

tinkhoahoc.com- Ads demo