Phòng CSGT, CATP Hà Nội (PC67) cho biết, từ 1/1/2015, thông qua công tác đăng ký phương tiện; điều tra, giải quyết tai nạn giao thông nếu phát hiện chủ phương tiện khi mua bán xe không thực hiện sang tên đổi chủ sẽ bị phạt mức cao nhất là 4 triệu đồng.
Cụ thể, trường hợp chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô không thực hiện việc chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định sẽ bị phạt từ 1 triệu đến 2 triệu đồng đối với cá nhân; từ 2 triệu đồng đến 4 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự không làm thủ tục đăng ký sang tên xe khi mua bán, cho - tặng…
Theo quy định, ngay khi có quyết định điều chuyển, bán, cho, tặng xe, chủ xe phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan đó cấp giấy chứng nhận đăng ký xe đó để theo dõi. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày làm chứng từ chuyển quyền sở hữu xe, tổ chức, cá nhân mua, được điều chuyển, cho, tặng phải đến cơ quan đăng ký xe làm thủ tục đăng ký sang tên, di chuyển xe.
Đại tá Nguyễn Đức Nhâm - người phát ngôn Công an tỉnh Yên Bái cho biết, Giám đốc Công an tỉnh đã giao Phòng PC46 vào cuộc để làm rõ đơn tố cáo của bà Vũ Thị Hoa về nội dung bị “xã hội đen” cho vay nặng lãi, uy hiếp tính mạng của bà này.
Về vụ tố cáo cho vay nặng lãi và đòi nợ kiểu “xã hội đen”, theo Đại tá Nguyễn Đức Nhâm, vụ việc xuất phát từ mâu thuẫn giữa một bên tố cáo bị xù nợ và một bên tố ngược cho rằng mình là nạn nhân của trò vay lãi “cắt cổ”, khiến bà Hoa phải trả gấp 3 tiền vay lên đến hơn 1.000 tỷ đồng.
Hai nữ đại gia vốn là bạn bè của nhau tại thị xã Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn. Cách đây nhiều năm, cả 2 cùng nhau mua nhà ở Hà Nội sinh sống. Từ năm 2008, bà Hoa kinh doanh khai thác mỏ và chế biến khoáng sản. Quá trình làm ăn, bà Hoa đã vay của bà Đào Thị Tình một khoản tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng (theo đơn thư tố cáo).
Gần đây, 2 người bạn đã đưa nhau ra đấu tố trước pháp luật vì những khúc mắc trong chuyện vay nợ làm ăn không thể giải quyết được. Bà Đào Thị Tình (ở quận Hoàng Mai - Hà Nội) làm đơn tố bà Vũ Thị Hoa (cùng ở quận Hoàng Mai - Hà Nội) lừa đảo chiếm đoạt tài sản, xù nợ khoản tiền nhiều tỷ đồng.
Tuy nhiên, mới đây bà Vũ Thị Hoa đã đệ đơn lên Bộ Công an và Công an tỉnh Yên Bái tố cáo ngược lại đối với bà Đào Thị Tình về hành vi cho vay nặng lãi cũng như việc đòi nợ kiểu “xã hội đen”.
Đơn thư của bà Hoa còn được gửi đến cơ quan chức năng - cho rằng, mình chỉ vay gần 400 tỷ đồng nhưng đã trả cho bà Tình số tiền gấp gần 3 lần là hơn 1.000 tỷ đồng. Nhưng bà Tình vẫn không buông tha mà dùng nhiều thủ đoạn tạo ra các khoản nợ vô lý, bắt bà Hoa phải trả.
Theo bà Hoa, bà Tình đã bắt bà Hoa trả lãi suất rất cao, từ 3.000 - 8.000 đồng/triệu/ngày. Tuy nhiên bà Tình không trực tiếp đứng tên cho vay mà thông qua người khác đứng tên.
Tính cả gốc lẫn lãi (đến tháng 3/2014), bà Hoa đã trả cho bà Tình hơn 1.000 tỷ đồng cùng nhiều tài sản có giá trị như: 17kg vàng; một căn hộ chung cư; ba xe ôtô hạng sang, một khu chợ tại TX. Bắc Kạn. Bà Hoa gửi kèm cả bằng chứng về các giấy ký nhận vay trả viết tay thể hiện bà Tình lấy lãi cắt cổ.
Theo bà Hoa, vào một số thời điểm khó khăn, việc thanh toán tiền bị chậm. Số lãi chậm trả được bà Tình cộng vào gốc tạo thành khoản vay mới. Lãi suất được tăng theo cấp số nhân. Bà Hoa cũng cho rằng, bà Tình đã dùng nhiều thủ đoạn ép bà ký vào nhiều giấy vay do bà Tình đưa ra. Theo đó, số tiền ghi trên các giấy vay này không phải là tiền vay thực tế.
Đơn cử như việc bà Hoa tố cáo, ngay tại phòng làm việc của một cán bộ điều tra thuộc Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an Yên Bái, bà Tình từng ép ông Nguyễn Văn Dĩnh (chồng bà Hoa) ký vào giấy vay 55 tỷ đồng. Thực chất, những khoản vay này không có thật.
Bà Hoa còn tố cáo bà Tình đã siết nợ theo kiểu "xã hội đen", nhiều lần cho con cháu, đối tượng lưu manh đến nhà bà đe dọa sẽ xâm hại tính mạng, sức khỏe,... để bắt ký giấy vay nợ.
Thậm chí, bà Tình cho người dẫn "đầu gấu" đến uy hiếp ở công ty của chồng bà Hoa ở TX Bắc Kạn. Có lần, các đối tượng ném gạch đá vào nhà lúc nửa đêm. Sự việc đã gây hoang mang cho gia đình bà Hoa suốt thời gian dài.
Theo bà Hoa, sau những lần như vậy, bà đều trình báo cơ quan công an sở tại nhưng không thấy tình trạng chấm dứt, cơ quan công an cũng không có động thái xử lý vụ việc.
Bà Hoa cho rằng, việc bà Tình tố cáo bà lên cơ quan công an về việc lừa đảo này không ngoài mục đích tạo áp lực bắt bà Hoa trả khoản nợ không có thật. Bà Hoa cho biết, bà vẫn giữ nhiều giấy vay nợ thể hiện hành vi cho vay nặng lãi của bà Tình. Bà Hoa cung cấp một số tài liệu chứng tỏ bà Tình cho vay nặng lãi, chẳng hạn như Bản kê tính lãi do bà Tình chính tay viết, món vay 125 tỷ đồng trong 29 ngày có số lãi hơn 21 tỷ đồng.
Bà Hoa còn nói rằng, còn có một số gia đình khác sống ở TX Bắc Kạn cũng là nạn nhân trò cho vay nặng lãi của bà Tình. Sở dĩ mình phải làm đơn tố cáo bà Tình vì bà Tình đã “ép người” quá đáng.
Theo tìm hiểu của PV Dân trí, vụ việc này đã từng được Văn phòng Chính phủ và Viện trưởng VKSNDTC chỉ đạo, yêu cầu làm rõ. Đơn của bà Hoa sau đó được chuyển cho Công an tỉnh Yên Bái thụ lý. Mới đây, Phòng Cảnh sát điều tra về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46 - Công an tỉnh Yên Bái) tổ chức cuộc đối chất giữa 2 nữ đại gia để làm rõ chuyện vay nợ như tố cáo.
Xung quanh vụ việc, Đại tá Nguyễn Đức Nhâm cho biết, Công an tỉnh Yên Bái chỉ nhận được đơn của bà Hoa chứ chưa nhận được đơn của bà Tình. Hiện Phòng PC46 đang vào cuộc điều tra để làm rõ.
Theo ông Nhâm, Công an tỉnh Yên Bái xác định đây là vụ việc phức tạp, không chỉ xảy ra trong tỉnh mà còn liên quan đến tỉnh ngoài. Vì vậy, thời gian điều tra có thể bị kéo dài. Thậm chí ông Nhâm cho rằng, sắp tới, nhiều khả năng vụ việc sẽ được chuyển giao cho Công an TP Hà Nội thụ lý.
"Hiện CQĐT đang xác minh vụ việc có hay không có “xã hội đen” theo đơn thư của bà Hoa nên chưa thể khẳng định ngay được mà phải chờ đến khi có kết quả. Công an tỉnh Yên Bái sẽ gửi thông báo cụ thể đến các cơ quan báo chí để thông tin đến độc giả" - ông Nhâm nói.
------------------------
Quán bar không phép, ngang nhiên thả “bom âm thanh” hành dân "mất ăn mất ngủ"
Nhiều quán bar hoạt động sai quy định, hệ thống cách âm không đúng theo quy chuẩn đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân Thủ đô.
Vài năm trở lại đây, tại Hà Nội mọc lên hàng loạt các quán bar kinh doanh buổi đêm với những dàn âm thanh công suất lớn tạo ra tiếng ồn lớn gây ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của người dân. Đặc biệt, nhiều quán bar ngang nhiên tiến hành kinh doanh khi chưa đủ các quy định của pháp luật, tiềm ẩn những nguy cơ cháy nổ, mất an ninh trật tự.
Theo phản ánh của các hộ dân ở tố dân phố 8A phường Lê Đại Hành (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) sinh sống quanh khu vực quán Bar IBIZA (141 đường Bà Triệu), cứ khoảng 21h30 đêm, quán bar này bắt đầu dựng biển, mở nhạc mạnh gây tiếng ồn lớn đến nhà của các hộ dân xung quanh.
Gia đình bà B. sinh sống sát vách với quán bar IBIZA là một ví dụ, cả gia đình thường xuyên bị mất ngủ gần 1 năm nay kể từ khi quán Bar đi vào hoạt động. “Cứ phải sau 2h sáng, mọi người mới được ngon giấc vì khi ấy quán bar đóng cửa, khách khứa ra về, nhạc mới tắt”, bà B. cho biết. Phía tổ dân phố cũng đã góp ý kiến nhiều lần nhưng quán bar này vẫn ngang nhiên hoạt động và dội những quả “bom âm thanh” lên các nhà dân vào mỗi buổi tối.
Theo tìm hiểu của phóng viên, Ngôi nhà tại số 141 Bà Triệu ban đầu được một công ty thuê lại để tiến hành kinh doanh dịch vụ ăn uống. Tuy nhiên, khoảng 9 tháng trở lại đây, tầng 6 của ngôi nhà này bất ngờ được “hô biến” thành quán bar có tên IBIZA, khách khứa mỗi đêm tấp nập ra vào, nhiều phương tiện còn dựng chiếm hết vỉa hè và tràn xuống lòng đường.
Liên quan đến sự việc trên, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Dân Trí, lãnh đạo phường Lê Đại Hành cho biết đã tiến hành báo cáo lên cơ quan chức năng quận Hai Bà Trưng để có biện pháp xử lý đối với hoạt động của quán bar IBIZA.
Mặt khác, theo thông tin từ cơ quan chức năng, quán bar IBIZA chưa được cấp phép về loại hình quán bar, vũ trường. Phía UBND phường Lê Đại Hành đã nhiều gửi giấy mời đại diện công ty lên làm việc, nhưng đều không đến. Quán bar này cũng nhiều lần bị cơ quan công an tiến hành xử phạt hành chính.
Tương tự như trên, các hộ dân sinh sống tại khu vực đường Phó Đức Chính (phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội) cũng phản ánh về việc quán bar Hero (42M Yên Phụ) mỗi đêm lại bật nhạc chát chúa “dội bom” tiếng ồn vào các nhà dân xung quanh.
Theo ghi nhận của phóng viên, hoạt động kinh doanh của quán bar Hero tương tự như vũ trường, thường chơi nhạc mạnh. Do hệ thống cách âm chưa đảm bảo nên tiếng nhạc gây ồn ra xung quanh nghe rất rõ ràng.
Về đêm, khách khứa phần lớn là các thanh niên lui tới uống rượu, khách đông đến mức quá tải, các cửa ra vào khá nhỏ, điều kiện đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy không đảm bảo.
Phía phường Trúc Bạch cho biết đã nhận được phản ánh của người dân về hoạt động của quán bar Hero và đã báo cáo quận Ba Đình để có kế hoạch kiểm tra và xử lý các sai phạm của quán bar này.
Trước đó, quán bar Luxury (153 Yên Phụ, Tây Hồ, Hà Nội) đã bất ngờ xảy ra hỏa hoạn khiến 13 người bị bỏng nặng và gây thiệt hại hàng chục tỉ đồng. Điều đáng nói, sau vụ hỏa hoạn, cơ quan chức năng vào cuộc mới phát hiện quán bar này kinh doanh không phép. Hiện tại, có rất nhiều quán bar ở Hà Nội đang ngang nhiên hoạt động sai quy định và tiềm ẩn hậu họa khôn lường.
-----------------------------