Máy bay tàng hình Trung Quốc bị chê kém
Những “món đồ chơi quân sự” của Trung Quốc vẫn thường là bí ẩn với các nước phương Tây. Lần này họ đã phô diễn với mục đích gì?
Triển lãm hàng không Châu Hải ở tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) vừa qua mang đến cho các quan khách một bất ngờ lớn khi Bắc Kinh trình diễn máy bay chiến đấu tàng hình Thẩm Dương FC-31 (hay J-31).
Cuối cùng các chuyên gia có thể đưa ra những đánh giá cụ thể về “con chim sắt” vốn được so sánh với máy bay F-35 của Mỹ.
Sự kiện Châu Hải luôn được giới công nghiệp quốc phòng mong đợi, vì đây có lẽ là dịp duy nhất Trung Quốc chịu “khoe” những thành tựu vũ khí mới nhất vốn thường xếp vào dạng tuyệt mật.
Tên lửa chống hạm, tên lửa không đối đất... trước đó được nhiều chuyên gia nhận xét có thể giúp Quân giải phóng nhân dân Trung Hoa (PLA) tạo được đối trọng với hải quân Mỹ.
Riêng máy bay tàng hình J-31 là một huyền thoại. Sự tồn tại của nó là tâm điểm của đồn đoán trong nhiều năm qua.
Sau lần xuất hiện công khai này có không ít nghi ngờ đã được cởi bỏ và một số sự thật được phơi bày. Phân tích của chuyên gia Reuben F. Johnson của trang phân tích quốc phòng IHS Jane’s Defence.
Thiết kế lỗi?
Thẩm Dương J-31 là mẫu máy bay tàng hình thứ hai được cho là do các kỹ sư Trung Quốc phát triển. “Ông anh cả” của J-31 là chiếc Thành Đô J-20, bay thử lần đầu tiên hồi tháng 1-2011 nhưng không còn thấy xuất hiện cho đến nay.
Chi tiết bên ngoài cho thấy chiến đấu cơ J-31 mô phỏng hình dáng chiếc F-35 của Hãng Lockheed Martin (Mỹ) ở nhiều khía cạnh.
Tuy nhiên, khó nói được đội ngũ thiết kế Thẩm Dương thành công đến mức nào trong việc thiết kế tính năng tránh được radar ở tầm thấp. Công việc này đòi hỏi họ phải sở hữu những bí mật về loại vật liệu chế tạo, cách bố trí động cơ bên trong và thiết kế ống xả để giấu lượng nhiệt phát ra.
Giống như các mẫu máy bay khác của không quân PLA, J-31 sử dụng động cơ do Nga sản xuất, trong trường hợp này là hai mẫu Klimov RD-93, một phiên bản khác của động cơ dùng cho máy bay MiG-29 chế tác bởi Hãng Mikoyan danh tiếng (nay gọi là Tập đoàn chế tạo máy bay Nga MiG).
Qua quan sát chu trình bay của J-31, các chuyên gia nhận thấy máy bay này tiêu tốn quá nhiều năng lượng, mỗi khi đổi hướng lại mất dần độ cao.
Thậm chí kể cả khi bay thẳng ở độ cao ổn định, phi công phải liên tục bơm nhiên liệu phụ vào động cơ nhằm giữ máy bay khỏi “chìm”. Đây là những khiếm khuyết trong thiết kế khí động học của máy bay mà một đội ngũ của Nga hay Mỹ sẽ không bao giờ mắc phải.
Các nhà phân tích hàng không phương Tây chỉ ra rằng mẫu J-31 trình diễn tại triển lãm Châu Hải chỉ là một chiếc máy bay “trơn”, tức không hề trang bị vũ khí. Nếu đó là một nhiệm vụ tác chiến thật sự phải mang một lượng lớn bom đạn, tên lửa thì chiến đấu cơ này có thể còn bay tệ hơn nữa.
Ăn cắp công nghệ
Màn trình diễn của J-31 tại triển lãm hàng không Châu Hải có lẽ đã được lên kế hoạch trùng với chuyến đi của Tổng thống Mỹ Barack Obama đến Bắc Kinh dự hội nghị thượng đỉnh APEC 22.
Thông điệp rõ ràng nhất cho ông Obama là một tấm băngrôn của nước chủ nhà: “Không quân PLA nỗ lực không ngừng để hiện thực hóa giấc mơ một Trung Quốc có lực lượng vũ trang hùng mạnh”.
Đây không phải là trường hợp đầu tiên Bắc Kinh áp dụng chiến thuật “ngoại giao vũ khí”. Tháng 1-2011, thời điểm chiếc máy bay tàng hình J-20 bay lần đầu tiên cũng trùng với chuyến thăm chính thức của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates đến Bắc Kinh.
Theo kênh Fox News, điều trớ trêu là trong khi tại hội đàm, nhà lãnh đạo Mỹ kêu gọi Trung Quốc ngưng ngay các cuộc tấn công mạng và ăn cắp thông tin mật trong lĩnh vực công nghiệp và công nghệ của Mỹ thì chiếc J-31 mới trình làng lại được cho là sản phẩm của việc ăn cắp công nghệ.
Bí mật thiết kế của máy bay tàng hình F-35 được cho là lọt vào tay Trung Quốc sau khi các tin tặc nước này tấn công vào một nhà thầu phụ của Hãng Lockheed Martin.
Các chuyên gia đánh giá kỹ thuật, thiết kế và trang bị của F-35 đều xuất hiện ở cả chiếc J-20 và J-31, nhưng có lẽ phía Trung Quốc vẫn chưa hoàn toàn làm chủ được công nghệ vốn thuộc về người khác.
Nga từng bán công nghệ cho Trung Quốc?
Theo CNN, trước đây từng có tin đồn rằng một nhóm thiết kế người Nga đã mang những bí mật của Tập đoàn Mikoyan đến Trung Quốc để giúp chế tạo chiếc Thẩm Dương J-31, nhưng một quan chức cao cấp của MiG đã phủ nhận điều này.
“Theo những gì tôi biết thì người Trung Quốc chế ra mẫu này, và họ dường như đã hoàn thành công việc chỉ với sức mình”, chuyên gia giấu tên này nhận định.
Qua màn trình diễn vừa rồi của J-31 thì có lẽ vị quan chức MiG nói sự thật. Vì nếu có người Nga giúp đỡ, chiếc máy bay tàng hình của Trung Quốc đã hoạt động tốt hơn thế.
-------------------------
G20 đặt mục tiêu tăng trưởng hàng nghìn tỉ USD
Các nhà lãnh đạo G20 đã thông qua nhiều biện pháp cải cách nhằm nâng mức tăng trưởng kinh tế chung thêm 2.1% vào năm 2018, bất chấp thực tế suy thoái kinh tế ở vài quốc gia chủ chốt, theo AFP ngày 16.11.
Bản cam kết có tên gọi “Kế hoạch hành động Brisbane” sẽ nâng mục tiêu tăng trưởng kinh tế chung hơn 2%, thúc đẩy phục hồi kinh tế và tạo nhiều việc làm. AFP dẫn tuyên bố chung của Tổng thống Mỹ Barack Obama và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết: “Những biện pháp này sẽ giúp kinh tế thế giới có thêm hơn 2 nghìn tỉ USD, đồng thời tạo ra hàng triệu việc làm”.
Kế hoạch trên đồng thời đưa ra sáng kiến toàn cầu, kêu gọi đóng góp 70 nghìn tỉ USD đến năm 2030 để xây dựng cơ sở hạ tầng, phục vụ sản xuất. Cụ thể, các cơ cấu liên chính phủ, khu vực tư nhân, ngân hàng phát triển đa quốc gia và nhiều tổ chức quốc tế khác phục vụ cho mục tiêu kết nối này sẽ có trụ sở tại Sydney, Úc.
Bên cạnh đó, các nền kinh tế lớn nhất thế giới quyết tâm trừng trị những công ty đa quốc gia có hành vi trốn thuế.
Trước đó, vào thứ Bảy 15.11, Tổng thống Obama nhận định Mỹ không thể một mình “gánh vác” kinh tế thế giới, và các quốc gia khác của G20 “cần nỗ lực hơn để phát triển kinh tế và tạo thêm nhiều việc làm”.
Thủ tướng nước chủ nhà Tony Abbott đánh giá thỏa thuận này “sẽ làm lợi cho toàn thế giới, không chỉ riêng với những nước thuộc G20”. Hội nghị thượng đỉnh G20 đã bước vào ngày thứ 2 tại Brisbane, bang Queensland, Úc.
-------------------------
Nga đưa máy bay ném bom tuần tra gần biên giới Mỹ
CNN ngày 14-11 dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu nói Nga “phải duy trì sự hiện diện quân sự ở phía tây Đại Tây Dương và đông Thái Bình Dương cũng như vùng biển Caribbean và vịnh Mexico”. Trong đó, ông cho biết sẽ gửi máy bay ném bom tham gia các cuộc tập trận gần biên giới Mỹ.
Ngoài ra, Nga cũng sẽ mở rộng sự hiện diện tại vùng Bắc cực, có thể ảnh hưởng đến Alaska và miền bắc Canada.
Kế hoạch này bao gồm phủ rađa khắp khu vực này vào cuối năm nay nhằm giúp Nga sẵn sàng “để đáp trả những vị khách không mời” từ cả hai phía bắc và phía đông vào năm 2015, Hãng tin TASS của Nga dẫn lời ông Shoigu.
Đáp lại, các quan chức Mỹ chỉ trích hành động “khiêu khích” của Matxcơva có thể gây bất ổn. Washington cũng cho biết Nga đã tăng cường các chuyến bay quân sự tại khu vực gần bờ biển nước này trong vài tháng qua, đồng thời cảnh báo Matxcơva cần tuân thủ luật pháp quốc tế.
Trong khi đó, đã có nhiều vụ chạm trán giữa Nga và phương Tây thời gian qua. Giới phân tích thống kê có hơn 40 vụ đối đầu quân sự giữa Nga và phương Tây trong vòng tám tháng qua, chủ yếu trên không.
-------------------------
Nhật chi 1,5 tỉ USD cho quỹ khí hậu xanh
Nhật Bản xác nhận chi 1,5 tỉ USD cho quỹ khí hậu xanh của Liên hợp quốc vào hôm nay 16.11, nhập chung với gói tài trợ 3 tỉ USD của Mỹ nhằm giúp các nước nghèo ứng phó với biến đổi khí hậu.
Truyền thông Nhật đưa tin bên lề hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo G20, tại Brisbane (Queensland, Úc), sau cuộc gặp gỡ bên lề giữa Tổng thống Mỹ Obama và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.
Chúng tôi sẽ thực hiện tốt các cam kết để kiềm chế khí thải nhà kính và xây dựng khả năng phục hồi khí hậu trên toàn thế giới, bằng gói tài trợ lên đến 4,5 tỉ USD cho quỹ khí hậu xanh (GCF), AFP dẫn lời truyền thông Nhật Bản.
Quỹ GCF đến nay đã có 3 tỉ USD của Mỹ, 1,5 tỉ USD của Nhật, và một số đóng góp của các nước Pháp, Đức, Hàn Quốc và các quốc gia phát triển, đang phát triển khác.
GCF được thành lập để các quốc gia phát triển cùng chung tay giúp đỡ các nước nghèo xây dựng môi trường sống xanh sạch và chống lại biến đổi khí hậu. Pháp và Đức, mỗi nước đã đóng góp 1 tỉ USD cho khung công ước.
“Thông báo hôm nay được lập nên bởi tập hợp các nhà lãnh đạo Mỹ, Nhật và các nước khác để hỗ trợ việc cắt giảm khí thải nhà kính trên tòa thế giới”, Christiana Figueres, người đứng đầu Công ước khung về biến đổi khí hậu (UNFCCC) phát biểu và kêu gọi 10 tỉ USD cho số vốn ban đầu từ nay đến cuối năm.
Xác nhận của Nhận Bản theo sau cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Nhật cùng thủ tướng Úc Tony Abbot, người chỉ quan tâm và tập trung đến vấn dề tăng trưởng kinh tế . Mặc cho sự miễn cưỡng của Úc, biến đổi khí hậu vẫn được các nhà lãnh đạo G20 đề cập trong thông cáo cuối cùng vào hôm nay 16.11.
Trước đó, vào ngày 13.11, hàng trăm người đã cắm đầu xuống cát trên bãi biển Bondi (Úc) để phản đối chính phủ Úc không đưa chủ đề biến đổi khí hậu vào chương trình nghị sự hội nghị G20. Người biểu tình cũng đã tuần hành quanh khu vực hội nghị yêu cầu các nhà lãnh đạo G20 hành động trong việc đối phó với biến đổi khí hậu.
-------------------------
Cuba bênh Triều Tiên trong vấn đề vi phạm nhân quyền
Liên Hiệp Quốc sẽ họp quyết định về các tội ác chống lại nhân loại của Bình Nhưỡng vào thứ Ba tuần sau 18.11, và Cuba hiện là nước bênh vực Triều Tiên trong vấn đề này, theo trang Channel News Asia.
Cuba đã trình một số sửa đổi, bổ sung về trường hợp của Triều Tiên đến Toà án Quốc tế, và bênh vực cho nước này thay vì khuyến khích Toà án tìm ra sự thật thông qua chuyến thăm thực tế, đối thoại trực tiếp với Uỷ ban giải quyết các vấn đề về nhân quyền của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, theo trang Channel News Asia,
Các nhà ngoại giao cho rằng, việc sửa đổi của Cuba đối với trường hợp của Triều Tiên có thể làm tăng thêm sự ủng hộ đối với một số trường hợp phạm tội ác chiến tranh tại các nước châu Phi hiện đang gây tranh cãi tại Toà án Quốc tế.
Trái ngược với Cuba, một bản thảo mới đề cập đến việc sẵn sàng hợp tác với Triều Tiên đã được Liên minh châu Âu gửi đến Liên Hiệp Quốc. Tuy nhiên, EU vẫn giữ cách gọi “tội ác chống lại nhân loại” với Bình Nhưỡng.
“Chúng ta không nói đến vài trăm, vài nghìn hoặc vài chục nghìn trường hợp mà có khả năng đến vài triệu nạn nhân của hành động vi phạm nhân quyền nghiêm trọng trên đất nước này trong 60 năm qua”, ông Param-Preet Singh, người theo dõi các vấn đề về nhân quyền nói.
Sau cuộc họp của Uỷ ban nhân quyền, quyết định sẽ được trình lên 193 thành viên của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc vào tháng tới. Tuy nhiên, vẫn chưa chắc chắn rằng Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc sẽ đồng ý đưa Bình Nhưỡng ra Toà án Quốc tế hay không trong bối cảnh Trung Quốc và Nga là hai nước rất có thể sẽ không ủng hộ việc này.
Bản thảo quyết định của Liên Hiệp Quốc đưa ra thông tin chi tiết về một loạt những trại giam trên đất nước này và tổng kết các hành vi vi phạm nhân quyền của Bình Nhưỡng từ bằng chứng của những người Triều Tiên bị trục xuất.
Bên cạnh Liên minh châu Âu và Nhật Bản, 48 quốc gia khác, bao gồm Mỹ cùng lên tiếng về hành vi vi phạm nhân quyền của Triều Tiên.
Lần đầu tiên trong 10 năm trở lại đây, các lãnh đạo Triều Tiên có cuộc gặp với người báo cáo các vấn đề về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc vào tháng 10. Nước này cũng mời người báo cáo đến Bình Nhưỡng nhằm thể hiện sự hợp tác, với hi vọng sẽ làm giảm nguy cơ bị khởi tố tại Toà án Quốc Tế, Channel News Asia cho biết.
-------------------------