Từ 1/1/2015, phạt nặng mua bán xe không sang tên chính chủ
Phòng CSGT, CATP Hà Nội (PC67) cho biết, từ 1/1/2015, thông qua công tác đăng ký phương tiện; điều tra, giải quyết tai nạn giao thông nếu phát hiện chủ phương tiện khi mua bán xe không thực hiện sang tên đổi chủ sẽ bị phạt mức cao nhất là 4 triệu đồng.
Cụ thể, trường hợp chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô không thực hiện việc chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định sẽ bị phạt từ 1 triệu đến 2 triệu đồng đối với cá nhân; từ 2 triệu đồng đến 4 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự không làm thủ tục đăng ký sang tên xe khi mua bán, cho - tặng…
Theo quy định, ngay khi có quyết định điều chuyển, bán, cho, tặng xe, chủ xe phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan đó cấp giấy chứng nhận đăng ký xe đó để theo dõi. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày làm chứng từ chuyển quyền sở hữu xe, tổ chức, cá nhân mua, được điều chuyển, cho, tặng phải đến cơ quan đăng ký xe làm thủ tục đăng ký sang tên, di chuyển xe.
-------------------------
Vụ bà bán bún có nghìn tỷ: nguyên đơn kháng cáo
Cho rằng quyết định của tòa chưa có đủ căn cứ pháp luật, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của mình nên ông Phương đã làm đơn kháng cáo.
Ngày 14/11, ông Thạch Vũ Phương đã đến TAND TP.HCM nộp đơn kháng cáo quyết định đình chỉ giải quyết vụ tranh chấp di sản thừa kế.
Trong đơn ông Phương viết “Tôi là nguyên đơn trong vụ tranh chấp di sản thừa kế với bị đơn là bà Thạch Hà Huệ Lan đã được TAND TP.HCM thụ lý vào ngày 10/10/2012. Sau hơn 2 năm thụ lý giải quyết, ngày 27/10, TAND TP.HCM đã ra thông báo đình chỉ giải quyết vụ tranh chấp và giao Quyết định đình chỉ cho người đại diện của tôi là luật sư Nguyễn Tấn Thi. Đến nay, tòa án vẫn chưa tống đạt quyết định đình chỉ cho tôi – là đương sự trong vụ án và những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan”.
Trong quyết định đình chỉ, TAND TP.HCM nhận định đây là vụ tranh chấp di sản thừa kế tính từ ngày 10/9/1990 đến ngày 6/9/2012, sau khi trừ đi thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện (từ 1/7/1996 – 1/9/2006) thì vụ án đã trên 10 năm, đã hết thời hiệu khởi kiện. Đồng thời ngày 25/8/2014, tòa có yêu cầu nguyên đơn cung cấp văn bản, chứng cứ chứng minh đồng sở hữu tài sản nhưng nguyên đơn không cung cấp được. Do đó TAND TP.HCM đã ra quyết định đình chỉ.
“Tôi không đồng ý với Quyết định đình chỉ vì thấy tòa chưa xem xét kỹ các chứng cứ mà chúng tôi cung cấp cùng những chứng cứ mà tòa thu thập trong quá trình giải quyết vụ án. Đồng thời TAND TP.HCM cũng không xem xét kỹ nội dung khởi kiện, nội dung yêu cầu,... Bởi lẽ trong đơn kiện tôi nêu rõ nội dung khởi kiện là đòi lại tài sản là căn nhà và đất trên đường Tô Hiệu (quận Tân Phú) do bà Huệ Lan đang quản lý", ông Phương nói và cho biết căn nhà trên vốn do mẹ ông là bà Hà Kim Liên cùng các con ủy quyền cho bà Thạch Kim Phát quản lý, sử dụng vào mục đích kinh doanh của gia tộc, chứ không phải của riêng bà Phát.
“Nhận thấy việc đình chỉ này chưa đúng căn cứ pháp luật, gây thiệt thòi về quyền và lợi ích hợp pháp của tôi. Nay tôi làm đơn này yêu cầu Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM xem xét hủy Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự của TAND TP.HCM, trả hồ sơ cho cơ quan này tiến hành xét xử sơ thẩm theo quy định của pháp luật”, ông Phương viết trong đơn.
---------------------------
Phó thủ tướng chỉ đạo xử lý băng nhóm 'xã hội đen'
Phó thủ tướng yêu cầu lực lượng công an khẩn trương bắt 4 tên đang bỏ trốn, trong đó có Hà Tuấn Dũng - cầm đầu băng nhóm tội phạm hoạt động theo kiểu "xã hội đen" ở Quảng Ninh.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa có ý kiến chỉ đạo về xử lý vụ án băng nhóm tội phạm do Hà Tuấn Dũng cầm đầu hoạt động theo kiểu “xã hội đen” ở TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm phối hợp với những bên có liên quan xác minh lảm rõ tổ chức, cá nhân có hành vi tiếp tay, “bảo kê” cho những người có liên quan đến vụ án vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, buôn lậu, gian lận thương mại. Đồng thời khẩn trương, tập trung truy bắt 4 tên đang bỏ trốn, trong đó có Hà Tuấn Dũng - cầm đầu băng nhóm tội phạm hoạt động theo kiểu "xã hội đen" ở TP Móng Cái (Quảng Ninh).
Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Tổng cục Hải quan tăng cường công tác giáo dục chính trị, phẩm chất đạo đức cách mạng, ý thức tổ chức kỷ luật; phòng, chống tiêu cực, tham nhũng cho cán bộ, công chức nhất là ở các khu vực biên giới, cửa khẩu.
Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan nghiên cứu việc thực hiện chính sách tạm nhập tái xuất để phục vụ phát triển kinh tế và khắc phục những sơ hở thiếu sót không để một số người lợi dụng vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, buôn lậu, gian lận thương mại.
Kết quả điều tra, xử lý băng nhóm tội phạm do Hà Tuấn Dũng cầm đầu báo cáo Thủ tướng trong tháng 1/2015.
-----------------------------
Xe Camry mang biển số giả
Bị cảnh sát giao thông phát hiện xe Camry mang biển số giả, tài xế lấy cớ đi nghe điện thoại rồi lẳng lặng bỏ đi.
Sáng 14/11, tổ tuần tra Đội cảnh sát giao thông số 7 (Công an Hà Nội) làm nhiệm vụ tại ngã tư Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân) phát hiện lái xe Camry không thắt dây an toàn nên yêu cầu dừng.
Quá trình làm việc, người điều khiển xe Lê Huy Sơn (43 tuổi, ở quận Thanh Xuân) xuất trình đăng ký có cùng biển số mang tên Nguyễn Văn Tiến (ở quận Đống Đa, Hà Nội). Nghi ngờ biển xe có dấu hiệu làm giả, cảnh sát đã cho xác minh.
Kết quả cho thấy, chiếc xe trên được đăng ký dưới tên một ngân hàng ở Hà Nội với biển kiểm soát khác.
Khi đưa xe về trụ sở công an lập biên bản, người điều khiển xin ra ngoài nghe điện thoại rồi bỏ đi.
Thượng úy Phạm Ngọc Thành - Đội phó Đội cảnh sát giao thông số 7 cho biết, vụ việc đã được bàn giao cho công an quận Thanh Xuân điều tra. Nếu tài xế Sơn không đến trình diện, cơ quan công an sẽ phải triệu tập để làm rõ.
--------------------
Có được mang di ảnh vào phòng xử?
Gần đây, trong một số phiên tòa xét xử các bị cáo có hành vi giết người, khi gia đình bị hại mang di ảnh người chết vào phòng xử đều bị thư ký tòa hoặc thẩm phán nhắc nhở phải cất
Thậm chí có người còn dẫn quy định của tòa là không cho mang hình người chết vào phòng xử. Có luật nào quy định thế không?
Câu trả lời là không. Đây là khẳng định của cả thẩm phán Vũ Phi Long (Phó chánh tòa hình sự TAND TP.HCM) và thẩm phán Phạm Công Hùng (tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM).
Ông Long cho biết trong danh sách những thứ bị cấm đưa vào phiên tòa không có ảnh của người quá cố. Tuy nhiên tại một số phiên tòa, chủ tọa phiên tòa vẫn yêu cầu thân nhân của bị hại không trưng ảnh người quá cố khi hội đồng xét xử đang làm việc.
“Hội đồng xét xử hay các cán bộ tòa án đều rất hiểu và chia sẻ với nỗi mất mát của gia đình người bị hại, nhưng quan niệm của người Việt là tôn kính những người đã qua đời và họ linh thiêng nên cần phải được thờ cúng ở những chốn linh thiêng.
Còn tại phòng xử là nơi làm việc và hội đồng xét xử tuân theo pháp luật, không phải nơi thờ cúng nên đưa hình ảnh đến tòa là không phù hợp”, ông Long giải thích.
Tuy nhiên, ông Long cũng cho rằng đấy là cách giải thích của tòa đối với thân nhân những người bị hại. Còn nếu người ta không đồng ý thì hội đồng xét xử vẫn làm việc bình thường chứ không thể nói rằng quy định không được mang vào.
--------------------------