Mỹ sẽ can thiệp sâu ở châu Á
Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 15-11 tuyên bố Washington sẽ “can thiệp sâu hơn bằng việc sử dụng mọi nguồn lực sức mạnh” của mình ở châu Á.
Thông điệp nhằm trấn an các đồng minh châu Á - Thái Bình Dương về chiến lược của Mỹ đối với khu vực giữa lúc ông đang có mặt tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Brisbane, bang Queensland - Úc.
Mặc dù ông Obama không điểm mặt chỉ tên Trung Quốc nhưng theo Reuters, tổng thống Mỹ đã ám chỉ đến tranh chấp trên biển của Bắc Kinh với các nước láng giềng, việc Trung Quốc làm gia tăng mối quan ngại trong khu vực về việc xây dựng quân đội.
Một trật tự an ninh hiệu quả cho châu Á không chỉ dựa trên “sự ép buộc hoặc hăm dọa, nơi các nước lớn bắt nạt các nước nhỏ” mà phải lấy các liên minh được xây dựng trên sự tôn trọng làm nền tảng, ông Obama nói rõ.
Tổng thống Mỹ cũng thẳng thắn nói về các lợi ích lâu dài của Mỹ. Phát biểu tại Brisbane, ông Obama nhấn mạnh: “Không ai có thể nghi ngờ quyết tâm hay cam kết của chúng tôi đối với các đồng minh trong khu vực. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm sâu sắc thêm các cam kết của mình mỗi ngày bằng cách sử dụng mọi phương thức ngoại giao, quân sự, kinh tế và sự phát triển”.
Một lẫn nữa khẳng định Washington hoan nghênh sự trỗi dậy của một nước Trung Quốc thịnh vượng, hoà bình và ổn định, ông Obama tuyên bố Bắc Kinh phải chứng minh mình là một nước có trách nhiệm và tuân thủ các quy tắc tương tự như các quốc gia khác, “cho dù trong thương mại hoặc trên biển”.
Tổng thống Mỹ cũng cảnh báo tranh chấp lãnh thổ tại các quần đảo ở châu Á có thể dẫn đến xung đột. Cũng trong bài phát biểu của mình, ông Obama tuyên bố sẽ đóng góp 3 tỉ USD cho quỹ khí hậu xanh nhằm giúp các nước nghèo bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu.
Dường như có ý ganh đua với Washington, Bắc Kinh hôm 14-11 ký kết hơn 20 thỏa thuận, trị giá hơn 8 tỉ USD với Myanmar nhân chuyến thăm của Thủ tướng Lý Khắc Cường tới nước này.
-------------------------
Chiến đấu cơ Trung Quốc đâm vào toà nhà ở Tứ Xuyên
Một chiến đấu cơ của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) đâm thẳng vào một toà nhà tại Thành Đô, Tứ Xuyên, theo South China Morning Post ngày 16.11.
Theo China News Service, phi công đã nhảy dù thoát ra kịp thời, nhưng đã có ít nhất 7 người bị thương tại hiện trường và đã được đưa đến bệnh viện cấp cứu. Nguyên nhân vụ tai nạn chưa được báo cáo.
Chiến đấu cơ được cho đã đâm vào một chung cư vào lúc 2 giờ chiều ngày 15.11, khi đang trong chuyến bay thử nghiệm. Các nhân viên cứu hộ từ chối bình luận về tình trạng của các nạn nhân, tờ Sunday Morning Post cho biết.
Chiến đấu cơ, nguyên mẫu của chiếc Jian 10-B do Nga sản xuất, đã vỡ thành nhiều mảnh và rơi trong hồ nước nhân tạo trong chung cư sau khi đâm vào toà nhà.
Các nhà phân tích quân sự cho rằng máy bay đã rơi vài phút sau khi cất cánh vì căn cứ không quân nơi máy bay cất cánh chỉ cách hiện trường 10km về phía tây bắc khu trung tâm thương mại Thành Đô.
Cảnh sát đã phong toả hiện trường ngay sau khi phi công báo cáo chiến đấu cơ gặp tai nạn. Các nhân chứng của quân đội tại hiện trường tin rằng người phi công đã làm hết sức để tránh thiệt hại và thương vong.
Một chuyên gia thuộc quân đội Bắc Kinh cho biết vấn đề về động cơ, việc mất thông tin liên lạc hoặc thời tiết xấu do mây mù dày đặc tại Thành Đô, Tứ Xuyên có thể là nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn.
Tháng 12 năm ngoái, một phi công quân đội Trung Quốc đã chết sau khi chiến đấu cơ một chỗ ngồi Jian-8 bị rơi ở tỉnh Chiết Giang trong một cuộc tập trận đêm.
-------------------------
Pháp - Nga lình sình quanh chiến hạm Mistral
Chiếc chiến hạm chở máy bay lên thẳng Mistral đầu tiên mà Pháp đóng theo đơn đặt hàng của Nga lẽ ra phải chuyển giao cho Nga ngày 14/11, nhưng đoàn đại biểu chính thức của Nga đã không lên đường sang Pháp do ngày giờ chuyển giao vẫn không rõ ràng.
Nửa tháng trước, Phó Thủ tướng Nga phụ trách công nghiệp quốc phòng Dmitri Rogozin tuyên bố đã nhận được bức thư của DCNS – Công ty đóng tàu Pháp chịu trách nhiệm đóng 2 chiếc Mistral cho Nga – kèm theo lời mời phía Nga cử đoàn đại biểu sang Pháp dự lễ bàn giao chiếc Mistral đầu tiên vào ngày 14/11. Để chứng thực, ông Rogozin đã đưa lên trang mạng của mình bức ảnh chụp lá thư mời đó.
Nhưng chỉ vài ngày sau, Ban Giám đốc DCNS đã sa thải Yves Destefani, người chịu trách nhiệm việc bàn giao Mistral cho Nga. DCNS không tiết lộ lý do sa thải nhưng theo báo chí Pháp, lý do rất có thể là bức thư mời mà Yves Destefani gửi sang Nga.
Tiếp đó, tờ tuần báo Pháp Nouvel Observateur tiến hành điều tra và được biết phía Nga không ngụy tạo bức thư mời và trong đó quả thật có ghi rõ ngày bàn giao 14/11. Hơn thế nữa, thư mời tương tự cũng được gửi đến nhiều quan chức cao cấp Pháp. Thậm chí, trên Internet còn xuất hiện cả chương trình chi tiết lễ bàn giao và sơ đồ đường đi dẫn đến nơi tổ chức lễ bàn giao. Nhưng mọi chuyện chỉ đến đó là dừng lại.
Ngày 12/11, một đại diện cao cấp của phía Nga cho biết mặc dù ngày bàn giao sắp đến nhưng phía Pháp vẫn “án binh bất động”, không liên lạc thêm gì với phía Nga. Nói cách khác, phía Pháp “treo lơ lửng” việc bàn giao chiếc Mistral đầu tiên cho phía Nga. Bởi vậy, đoàn đại biểu Nga quyết định không lên đường sang Pháp.
Mới đây nhất, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp tuyên bố không thể nêu đích xác được ngày bàn giao lần thứ hai. Nhưng đồng thời ông vẫn khẳng định việc bàn giao chắc chắn sẽ diễn ra trong thời gian tới. Theo lời ông, mọi người đều đang chờ quyết định của Tổng thống Francois Hollande.
Trước đó, báo chí Nga và Pháp cho biết ngày bàn giao chiếc Mistral đầu tiên có thể trì hoãn tối đa là 3 tháng. Điều này đã được ghi rõ trong bản hợp đồng ký năm 2011 giữa Nga và Pháp về thương vụ Mistral. Bản hợp đồng cũng ghi rõ là trong thời gian 3 tháng đó, phía Nga không có quyền đệ đơn kiện phía Pháp nếu nguyên nhân trì hoãn là những hoàn cảnh “có tính chất chính trị”.
Theo nhận định của các nhà phân tích, cuộc khủng hoảng niềm tin hiện nay giữa Nga và các nước Phương Tây khiến Mỹ và một số nước châu Âu gây áp lực mạnh mẽ với Pháp, đòi Pháp không được thực hiện thương vụ Mistral với Nga.
-------------------------
Mỹ, Úc, Nhật kêu gọi giải quyết hòa bình tranh chấp trên biển
Theo AFP ngày 15-11, Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng Úc Tony Abbott và Thủ tướng Nhật Shinzo Abe kêu gọi “đảm bảo tự do hàng hải và hàng không, giải quyết hòa bình các tranh chấp lãnh thổ theo luật pháp quốc tế”.
Ba nhà lãnh đạo cam kết thúc đẩy quan hệ hợp tác an ninh tại châu Á trong thời điểm Trung Quốc đang tăng cường sự hiện diện quân sự trong khu vực và leo thang đòi hỏi chủ quyền vô lý. “Quan hệ đối tác này dựa trên nền tảng vững mạnh của lợi ích và giá trị chung” - tuyên bố chung cho biết.
Trước đó tại Brisbane Tổng thống Mỹ Obama từng cảnh báo nguy cơ xung đột tại châu Á do các tranh chấp lãnh thổ. Ông Obama khẳng định Washington sẽ bảo vệ hòa bình và an ninh trong khu vực. Ông nhấn mạnh Trung Quốc “phải tuân thủ luật lệ như các nước khác”.
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe cũng tuyên bố ông muốn thắt chặt quan hệ quốc phòng với Mỹ và Úc nhằm đảm bảo hòa bình và an ninh trên khắp châu Á - Thái Bình Dương.
Trung Quốc từng nhiều lần công khai chỉ trích việc Mỹ, Úc và Nhật hợp tác an ninh là nhằm kiềm chế sự trỗi dậy của Bắc Kinh.
-------------------------
Bắt thêm 18 nghi can trong vụ bê bối hối lộ của Petrobras
Reuters ngày 14-11 đưa tin có hơn 300 cảnh sát và 50 nhân viên thuế quan đã tham gia chiến dịch vây bắt trên khắp 5 tiểu bang và thủ đô Brasilia.
Trong 18 nghi can này có một cựu giám đốc điều hành và một cựu giám đốc kỹ thuật của tập đoàn Petroleo Brasileiro (Petrobras).
Cảnh sát đã lục soát các công ty lớn tại Brazil, bao gồm một số công ty xây dựng hàng đầu của quốc gia này và thu giữ nhiều tài liệu có liên quan.
Các nhà chức trách Mỹ hiện cũng đang tiến hành các điều tra xung quanh bê bối rửa tiền và tham nhũng của Petrobras.
Cảnh sát Brazil - như BBC đưa tin, cho biết đã chặn các khối tài sản trị giá hơn 270 triệu USD của 36 nghi can trong giai đoạn mới nhất của cuộc điều tra.
Những tháng vừa qua Brazil chấn động bởi một cựu quan chức tập đoàn dầu khí Petrobras tố cáo hơn 40 chính trị gia nước này nhận hối lộ trong vòng 10 năm qua.
Đồng thời vụ bê bối cũng gây áp lực lớn đối với Tổng thống Dilma Rousseff vừa tái đắc cử hồi tháng rồi. Bà Rousseff cam kết sẽ điều tra kỹ về bê bối này bởi bà là Chủ tịch hội đồng quản trị của Petrobras giai đoạn 2003 và 2010.
Petrobras là một trong những doanh nghiệp dầu lớn nhất thế giới. Xì-căng-đan mới khiến cho giá trị ròng của tập đoàn giảm 77% so với năm 2008.
-------------------------