Tăng trưởng hay ổn định: Lựa chọn khó cho Việt Nam
Việt Nam đang trong giai đoạn “khó xử”, khi Chính phủ đứng trước hai lựa chọn: Đuổi theo tăng trưởng hay duy trì sự ổn định. Đây là ý kiến tại Hội thảo Kinh tế thế giới và Việt Nam: Thực trạng 2014 và triển vọng 2015 do Ngân hàng VPBank và Cty Chứng khoán VPBank tổ chức ngày 4/11.
Theo đó, nếu đuổi theo sự tăng trưởng, Chính phủ buộc phải gia tăng đầu tư công kéo theo gia tăng nợ công. Nếu lựa chọn sự ổn định như đang làm 3 năm qua, tăng trưởng GDP sẽ bị kìm hãm mức 6%/năm, lạm phát thấp kỷ lục, nhưng tiền đồng giữ giá.
Theo các chuyên gia, Chính phủ cần tập trung giảm nợ công thông qua các hoạt động tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, thúc đẩy đầu tư tư nhân và thương mại. Nếu theo con đường này, lãi suất cho vay sẽ được duy trì ở mức thấp trong năm 2015 và giúp gia tăng lợi nhuận doanh nghiệp.
-------------------------
Tạm ngừng tạm nhập, tái xuất gỗ từ Lào, Campuchia
Bộ Công Thương cho biết đã ban hành Thông tư số 37 về việc tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất gỗ tròn, gỗ xẻ rừng tự nhiên từ Lào và Campuchia kể từ ngày 8/12 tới đây.
Riêng đối với các hợp đồng kinh doanh đã ký trước ngày 8/10/2014, doanh nghiệp được tiếp tục làm thủ tục tạm nhập đến hết 31/12/2014
-------------------------
Triển lãm hàng cao cấp Hàn Quốc tại Việt Nam
Từ nay đến hết 5/11, 11 doanh nghiệp Hàn Quốc đến từ thành phố Bucheon sẽ giới thiệu nhiều sản phẩm, mặt hàng chất lượng cao cho người tiêu dùng Việt Nam tại tầng B1 Trung tâm thương mại Vincom Mega Mall Royal City (Hà Nội).
Đây là năm thứ hai thành phố Bucheon và Phòng Thương mại Công nghiệp Bucheon kết hợp với Phòng Thương mại Hàn Quốc và Công ty Vinexad tổ chức triển lãm tại Việt Nam. Triển lãm nhằm giúp các doanh nghiệp Hàn Quốc mở rộng đầu tư, thương mại vào thị trường Việt Nam.
Các doanh nghiệp cũng có cơ hội giới thiệu các mặt hàng xuất khẩu tiêu biểu, đạt chất lượng cao như điện chiếu sáng, hệ thống đèn, camera nội soi trong y tế, đồ gia dụng, máy in, máy móc thiết bị, máy lọc dầu, mỹ phẩm và nhân sâm Hàn Quốc.
Hiện Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn thứ hai trong tổng số 96 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Hàn Quốc cũng là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam và là nước cung cấp vốn ODA lớn thứ hai cho Việt Nam.
-------------------------
Sẽ cấp giấp phép lái xe quốc tế từ đầu năm 2015
Tổng cục Đường bộ VN cho biết, đầu năm 2015 sẽ bắt đầu triển khai cấp giấy phép lái xe (GPLX) quốc tế. Hiện tại, Thông tư hướng dẫn các thủ tục chi tiết cho việc cấp GPLX quốc tế đang được xây dựng.
Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Tổng cục phó Tổng cục Đường bộ, những người đã có GPLX trong nước, nếu ra nước ngoài học tập, công tác, có nhu cầu sử dụng sẽ được cấp thêm GPLX quốc tế mà không phải trải qua một đợt thi khác.
GPLX quốc tế do VN cấp sẽ có giá trị sử dụng tương đương tại tất cả các nước tham gia Công ước Vienna. Người sử dụng được quyền điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ tương đương với hạng GPLX quốc tế được cấp. Mới đây VN đã được chấp thuận gia nhập Công ước Vienna với tư cách là một nước thành viên.
-------------------------
Chỉ 11% DN Việt được chuyển giao công nghệ
Sau 4 năm (2010 - 2013), theo dõi hoạt động của hơn 8.000 doanh nghiệp (DN), nhóm nghiên cứu thấy rằng, chỉ 11% DN Việt Nam nhận được chuyển giao công nghệ từ các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Đây là kết quả đưa ra tại Báo cáo Năng lực cạnh tranh và công nghệ ở cấp độ DN tại Việt Nam, do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp cùng Tổng cục Thống kê, Đại học Copenhagen (Đan Mạch) thực hiện, công bố sáng 3/11.
GS John Rand, Đại học Copenhagen - thành viên nhóm nghiên cứu cho biết, phần lớn hoạt động chuyển giao công nghệ cho DN trong nước đến từ các DN nước khác (khoảng 66%); chỉ 1/5 DN Việt có quan hệ với làm ăn với DN FDI (trong khi liên hệ giữa các DN FDI với nhau rất chặt chẽ). Tác động lan tỏa khoa học công nghệ từ DN FDI sang DN trong nước không xuất hiện thông qua các kênh điển hình (đối tác sản xuất).
Ngoài ra, 90% DN Việt không thực hiện và không bỏ kinh phí để nghiên cứu đổi mới công nghệ, do đầu tư tốn kém, khả năng thất bại cao.
Từ thực tế DN FDI chuyển giao công nghệ ít ỏi, chuyên gia kinh tế - TS Phạm Chi Lan kiến nghị xem xét lại chính sách thu hút FDI hiện nay. Theo đó, thay những ưu đãi dựa trên lời hứa của nhà đầu tư bằng ưu đãi trên thực tế chuyển giao công nghệ.
“DN trong nước nhận được ít ưu đãi khó cạnh tranh với các DN FDI nhận được nhiều ưu đãi, nên các DN FDI thường chơi với nhau. Do đó, chính sách cần tạo sân chơi sòng phẳng giữa các DN”, bà Lan nói.
Vị chuyên gia này lấy ví dụ trường hợp của Samsung Việt Nam. Ngoài ưu đãi cho Samsung, cả DN con đi kèm cũng được ưu đãi lớn, như về đất đai, miễn giảm thuế… Trong khi DN trong nước vẫn phải thuê đất giá cao, thuế thu nhập DN 22%, khiến giá sản phẩm cao. “Như vậy DN FDI chơi với DN trong nước làm gì?”, bà Lan nói.
Theo TS Lê Đăng Doanh, khi lợi nhuận của DN chủ yếu dựa vào tài nguyên, cơ chế xin cho, kiếm lời từ quan hệ, DN sẽ chưa đầu tư cho khoa học công nghệ. Trong khi, đầu tư cho công nghệ gặp quá nhiều rủi ro, vừa tung ra sản phẩm mới đã lập tức có sản phẩm nhái, hàng lậu; DN làm hại môi trường thì được lợi, còn hậu quả toàn xã hội gánh. “Chừng nào còn những bất cập đó thì DN Việt chưa thể phát triển”, ông Doanh nói.
-------------------------
Xuất khẩu gạo đạt trên 5,3 triệu tấn
Ngày 3/11, Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, xuất khẩu gạo từ đầu năm đến hết tháng 10/2014 đạt gần 5,36 triệu tấn (giảm khoảng 9% so cùng kỳ năm ngoái), kim ngạch gần 2,34 tỷ USD (giá FOB). Riêng trong tháng 10, Việt Nam xuất trên 570 nghìn tấn, đạt gần 270 triệu USD.
Bộ NN&PTNT cho biết, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam, chiếm trên 32%; tiếp đến Philippines, Malaysia, Ghana và Singapore.
-------------------------