Vì nể mặt các đồng minh, Pháp gần đây nói rằng hoãn kế hoạch giao cho Nga tàu chiến Mistral để...chờ tình hình Ukraina! Nhưng nền kinh tế và người đóng thuế ở Pháp không đủ kiên nhẫn nên mới có chuyện người đứng đầu công ty đóng tàu của Pháp mời Nga đến nhận tàu.
Ngày 29/10 vừa qua, Phó Thủ tướng Nga Dmtri Rogozine đã cho đăng trên tài khoản Twitter của mình bức thư của đơn vị đóng tàu Mistral mời phía Nga tới dự lễ trao tàu vào ngày 14/11/2014 tại Saint Nazaire, Pháp. Trong thư còn có đầy đủ các chi tiết lễ tân, đón tiếp.
Ngay lập tức, Paris đã phải cải chính và nhấn mạnh, thời điểm 14/11 không có giá trị. Bộ trưởng Kinh tế Pháp Michel Sapin nhắc lại tuyên bố của Phủ Tổng thống Pháp vào ngày 3/9 vừa qua, là Paris chỉ giao tàu chiến cho Moskva nếu nhận thấy hội đủ các điều kiện, tức là tình hình ở Ukraina phải được cải thiện rõ rệt.
Vậy bây giờ đã hội đủ điều kiện chưa? Paris tuyên bố rằng việc chuyển giao con tàu đầu tiên là không thể chấp nhận do tình hình chính trị hiện nay. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Pháp thông báo ý định kiên quyết thực hiện hợp đồng. Tuy vậy, Paris cũng đã có động thái trấn an đồng minh. Ngày 31/10, chính phủ Pháp ra thông báo sa thải Yves Destefani, Giám đốc công ty đóng tàu Pháp DCNS, vì đã viết thư mời Nga đến nhận tàu.
Mistral là loại tàu chiến lớn nhất, chỉ sau hàng không mẫu hạm Pháp Charles-de-Gaulle, dài 199m, trọng tải 21 ngàn tấn, có tốc độ di chuyển là 19 hải lý/giờ. Là tàu chỉ huy kiêm vận tải chuyển quân, Mistral có thể chở được 450 binh sĩ, 16 trực thăng hạng nặng, 2 xe lội nước hoặc 4 thuyền đổ bộ. Tàu cũng có thể chở được tới 60 xe bọc thép hoặc xe tải hậu cần. Trên tàu có một bệnh viện 69 giường, với hai phòng giải phẫu.
Ngay trước khi ký hợp đồng đóng tàu cho Nga, vào năm 2011, chủ đề này đã gây tranh luận tại Pháp, nhiều sĩ quan cao cấp lo ngại chuyển giao công nghệ cao cho Nga. Bây giờ, nếu giao tàu chiến cho Nga, Pháp sẽ bị Mỹ và châu Âu chỉ trích, đặc biệt là từ phía nước vùng Baltic và Ba Lan. Nguy cơ là Pháp có thể không được tham gia các hợp đồng hiện đại quân đội Ba Lan, trị giá hàng chục tỷ euro.
Thế nhưng, nếu không giao tàu, thì hình ảnh và uy tín Pháp, trong tư cách nhà xuất khẩu, sẽ bị tổn hại và ngân sách quốc phòng Pháp cũng bị hao hụt. Bên cạnh đó, khoảng 300 lao động trên công trường đóng tàu Saint Nazaire bị đe dọa. Theo ông Thomas Gomart, chuyên gia thuộc Viện Quan hệ Quốc tế Pháp, thì các yêu cầu chính trị nội bộ có thể thắng thế đối với các thách thức địa chiến lược. Sự sống còn của tổ hợp công nghiệp quân sự phụ thuộc vào việc thực hiện các hợp đồng quan trọng này. Chính vì thế, bên quân đội Pháp, nhất là Hải quân, người ta vẫn tin tưởng là hợp đồng giao tàu sẽ được thực hiện, vì theo họ, tàu Mistral không phải là một vũ khí chiến lược.
Chưa kể hợp đồng này lúc thương thảo không có kèm điều khoản về bối cảnh quan hệ giữa Nga và Ukraina.
Hiện Nga vừa gây sức ép, vừa tỏ ra không cần. Cách đây một tháng, Phó Tư lệnh Hải quân Nga phụ trách vấn đề vũ trang, Victor Bursuc tuyên bố Nga không phụ thuộc vào Pháp trong vấn đề chế tạo tàu Mistral và có thể tự đóng các chiến hạm kiểu này. Theo ông Bursuc, đây chỉ là một trong những hợp đồng hợp tác kỹ thuật quân sự không hơn không kém. Trước đó, phát ngôn viên điện Kremlin, Sergei Ivanov tuyên bố Nga sẽ kiện Pháp trong trường hợp nước này không giao Mistral và yêu cầu trả tiền bồi thường hủy hợp đồng.
Tính đến thời điểm này, các cố vấn thân cận của Tổng thống Pháp Francois Hollande vẫn tin tưởng là Paris sẽ thực hiện hợp đồng giao tàu cho Nga, bởi vì Nga và châu Âu “đang ở trong giai đoạn làm dịu căng thẳng. Tình hình chưa bao giờ tốt như hiện này”.
---------------------------
Thái Lan "nóng" trở lại sau đảo chính
Thái Lan sẽ áp dụng các biện pháp từ mềm dẻo đến cứng rắn đối với hoạt động của các phe phái hay các nhóm chính trị vi phạm pháp luật.
Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha ngày 4/11 đưa ra lời cảnh báo mạnh mẽ có thể áp dụng điều 44 của Hiến pháp Thái Lan hiện nay để trấn áp các đối tượng chống đối Chính phủ. Cảnh báo được đưa ra khi Thủ tướng Thái Lan thừa nhận có các hoạt động ngầm đi ngược lại những nỗ lực cải cách Thái Lan của chính quyền hiện nay.
Trong cuộc họp nội các chiều 4/11, Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Trật tự quốc gia (NCPO) kiêm Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha chỉ thị các cơ quan hữu quan Thái Lan áp dụng các biện pháp từ mềm dẻo tới thiết quân luật đối với hoạt động của các phe phái hay các nhóm chính trị vi phạm pháp luật. Thủ tướng Prayuth còn cảnh báo áp dụng điều 44 trong hiến pháp Thái Lan nếu thấy cần thiết.
Ủy ban Bảo vệ Trật tự quốc gia gồm phần lớn các tướng lĩnh thực hiện cuộc đảo chính quân sự hôm 22/5 vừa qua và điều 44 hiến pháp Thái Lan trao toàn quyền cho Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Trật tự quốc gia (NCPO) thực hiện các hoạt động mang tính lập pháp, hành pháp hay tư pháp để trấn áp các hoạt động phá hoại việc cải cách hay an ninh quốc gia.
Cảnh báo của Thủ tướng Prayuth đưa ra trong bối cảnh Thái Lan trong hai tuần trở lại đây bắt đầu xuất hiện các hoạt động mang tính chính trị mà theo chính quyền Thái Lan là ảnh hưởng đến công cuộc cải cách và ổn định chính trị xã hội.
Một số mạng truyền thông bắt đầu đưa thông tin về cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra mặc dù đã có khuyến cáo của Chính phủ. Một số tổ chức xã hội được thành lập với danh nghĩa nhằm hỗ trợ tiến trình cải cách của Chính phủ mà chưa có sự cho phép của chính quyền.
Trong khi đó, đại diện các nhóm chính trị lớn từng có xung đột lớn với nhau trước cuộc đảo chính 22/5 đã khẩu chiến, đe dọa tập hợp lực lượng trở lại bất chấp thiết quân luật vẫn đang có hiệu lực. Các động thái này được cho là gây sức ép với việc Hội đồng Lập pháp quốc gia Thái Lan ngày 12/11 tới đây xem xét hồ sơ bãi nhiệm cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra cũng như cơ quan lập pháp cao nhất này xem xét có tiếp nhận hay không đối với hồ sơ bãi nhiệm cựu Chủ tịch Quốc hội Somsak và cựu Chủ tịch Thượng viện Nikhom, hai đồng minh thân cận của bà Yingluck.
---------------------------
Những tiêm kích nào sẽ được trưng bày tại triển lãm hàng không Chu Hải?
Chiến đấu cơ tàng hình J-31 của Trung Quốc, máy bay chiến đấu Su-35 của Nga sẽ là những tiêm kích sẽ được trưng bày tại triển lãm hàng không Chu Hải tại Trung Quốc trong tháng này.
Được biết tới với tên gọi Triển lãm hàng không vũ trụ và hàng không quốc tế Trung Quốc lần thứ 10, sự kiện này sẽ diễn ra từ 11-14/11 tại triển lãm hàng không lớn nhất Trung Quốc được tổ chức 2 năm một lần tại tỉnh Quảng Đông, miền nam nước này. Khoảng 700 công ty hàng không và 120 máy bay sẽ tham gia triển lãm.
Một quan chức Trung Quốc đã xác nhận rằng nước này sẽ "trình làng" chiến đấu cơ tàng hình J-31 tại triển lãm hàng không Chu Hải.
Được chế tạo bởi tập đoàn máy bay Thẩm Dương, đây sẽ là sự xuất hiện công khai đầu tiên của máy bay chiến đấu hai động cơ J-31. Máy bay này có hình dạng giống chiến đấu cơ tàng hình F-35 của Mỹ. Các blog quân sự bằng tiếng Trung Quốc đã đăng tải các bức ảnh J-31 luyện tập các chuyến bay trình diễn tại Chu Hải hồi tuần trước.
Không quân Trung Quốc cũng sẽ triển lãm các chiến đấu cơ JH-7A và J10, trực thăng Z-8KA, máy bay ném bom tầm trung H-6M được cải tiến có khả năng mang tên lửa hành trình.
Máy bay chiến đấu huấn luyện Hongdu L-15 Falcon không được liệt kê trong danh sách trưng bày, dù hãng Hongdu đã đặc biệt nỗ lực nhằm quảng bá máy bay này tại các triển lãm hàng không khác ở Trung Đông và châu Á.
Cũng không bao gồm trong danh sách là chiến đấu cơ JF-17 do Pakistan và Trung Quốc hợp tác chế tạo, vốn đã xuất hiện tại triển lãm Chu Hải năm 2012. Tuy nhiên, Tập đoàn công nghiệp hàng không Trung Quốc (AVIC) sẽ trưng bày máy chiến đấu cơ FC-1, một biến thể của JF-17 do Trung Quốc chế tạo.
Chiến đấu cơ Su-35 của Nga cũng sẽ được trưng bày lần đầu tiên tại triển lãm hàng không Chu Hải. Nga và Trung Quốc đã đàm phán cho một thỏa thuận về Su-35 kể từ năm 2006 và một lễ ký kết có thể diễn ra vào cuối tháng 11 này.
"Theo tôi được biết, sẽ có một hợp đồng về 24 chiếc Su-35, cùng với một số động cơ dự phòng", Vassily Kashin, một chuyên gia về thương mại vũ khí giữa Nga với Trung Quốc tại Trung tâm phân tích và công nghệ ở Mátxcơva, cho hay. "Các cuộc đàm phán về chuyển giao công nghệ động cơ đang diễn ra riêng biệt và đó là một lĩnh vực hợp tác khác".
Được chế tạo bởi Tập đoàn máy bay thống nhất (UAC), Su-35 được trang bị cùng loại động cơ cho máy bay tàng hình F-50 của Nga, Saturn AL-117S, một biến thể được nâng cấp của động cơ AL-31FN. Trung Quốc đã nhập khẩu động cơ AL-31FN từ Nga cho chiến đấu cơ J-10 do Tập đoàn Công nghiệp Máy bay Thành Đô chế tạo.
Trong khi đó, vào phút chót, không quân Hàn Quốc đã hủy tham gia triển lãm hàng không tại Chu Hải.
Đội bay nhào lộn Black Eagles của không quân Hàn Quốc sử dụng 9 máy bay huấn luyện T-50, được Tập đoàn Công nghiệp hàng không vũ trụ Hàn Quốc (KAI) phát triển với sự trợ giúp kỹ thuật từ hãng Lockheed Martin, Mỹ.
Bộ quốc phòng Hàn Quốc ngày 4/11 đã xác nhận quyết định hủy chương trình biểu diễn tại Chu Hải do những lo ngại của chính phủ Mỹ về nguy cơ rò rỉ công nghệ nhạy cảm.
--------------------------
Các biện pháp trừng phạt Nga có thể kết thúc trong năm 2015
Ủy ban châu Âu (EC) cho biết những biện pháp trừng phạt đối với Nga có thể sẽ kết thúc trong năm 2015.
Ủy ban châu Âu (EC) hôm 4/11 cho biết, các biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp dụng đối với Nga và các biện pháp đáp trả của phía Nga đã có những tác động về tài chính đối với nền kinh tế Liên minh châu Âu. Tuy nhiên, những biện pháp này chỉ có thời hạn và dự kiến sẽ kết thúc vào năm sau.
Trong bản dự báo kinh tế mùa thu vừa được đưa ra ngày 4/11, Ủy ban châu Âu cho biết: việc Liên minh châu Âu, Mỹ và Nhật Bản áp đặt các biện pháp trừng phạt tài chính và thương mại đối với Nga, cũng như nước này áp dụng các biện pháp đáp trả đã tác động thương mại trực tiếp đối với mỗi nước thành viên là khác nhau, nhưng chỉ là hạn chế đối với tổng thể cả khối.
Tuy nhiên, những bất ổn do căng thẳng gây đã có tác động đến niềm tin kinh doanh cũng như niềm tin của người tiêu dùng, làm nhu cầu nội địa trong năm 2014 giảm mạnh. Ủy ban châu Âu cho rằng, các biện pháp trừng phạt này có thể sẽ kết thúc vào năm 2015 và những tác động sẽ giảm dần.
Liên minh châu Âu, cùng với Mỹ đã áp dụng một số biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga với cáo buộc Nga liên quan tới cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Các biện pháp nhằm vào vào lĩnh vực ngân hàng, quốc phòng và năng lượng của Nga cùng một số cá nhân. Hồi tháng 8, Nga cũng đã đáp trả bằng lệnh cấm nhập khẩu 1 năm đối với một số sản phẩm thực phẩm nhất định từ các nước liên minh châu Âu.
----------------------------
Ba Lan mua máy bay không người lái tấn công đề phòng Nga
Quân đội Ba Lan ngày 4/11 cho biết sẽ mua các máy bay không người lái được trang bị vũ khí để hiện đại hóa lực lượng vũ trang nước này, trong bối cảnh căng thẳng với Nga ngày một tăng do vai trò của Mátxcơva trong cuộc khủng hoảng Ukraine.
Thông tin được Bộ quốc phòng Ba Lan công bố. Theo đó nước này cần phải trang bị máy bay không người lái để sẵn sàng cho tình huống bị máy bay không người lái của Nga xâm nhập không phận.
“Chúng tôi sẽ sử dụng các máy bay không người lai để bảo vệ lãnh thổ của mình”, thứ trưởng Bộ quốc phòng Czeslaw Mroczek tuyên bố.
“Người đồng cấp với tôi ở phía Ukraine cho biết, một trong những vấn đề chính đó là các máy bay không người lái Nga đang hoạt động trong không phận Ukraine, để tìm kiếm các trận địa pháo. Ukraine không thể làm gì trong tình hình hiện nay, do vậy đây sẽ là câu trả lời của chúng tôi”, Mroczek nói.
Vác-xa-va sẽ bắn đầu mua các máy bay không người lái trinh sát trong năm 2017, trong khi các mẫu được trang bị vũ khí sẽ được bàn giao trong năm 2018 - 2019, ông Mroczek cho biết thêm. Vị quan chức này cũng tiết lộ rằng đang trong quá trình đàm phán với các nhà cung cấp Mỹ và một số nước khác.
Ba Lan đã quyết định chi 33,6 tỷ USD (42 tỷ USD) để nâng cấp khí tài quân sự trong một thập niên tới. Trong số này có kế hoạch mua các hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không, các xe quân sự bọc thép, máy bay không người lái và tàu ngầm.
Sự leo thang căng thẳng với Nga do vai trò của Mátxcơva trong cuộc khủng hoảng Ukraine đã khiến nhiều quốc gia thành viên NATO ở phía Đông lo lắng, việc họ có thể chịu trừng phạt từ Nga.
Căng thẳng cũng gia tăng khi NATO chặn được mộ số máy bay có thể mang bom hạt nhân của Nga cùng các chiến đấu cơ khác tại không phận gần EU, vói tổng cộng hơn 100 lần chỉ tính từ đầu ănm
----------------------------
Mỹ cản trở tham vọng kinh tế của Trung Quốc
Báo Wall Street Journal của Mỹ ngày 2-11 (giờ địa phương) tiết lộ Mỹ đã ngăn chặn ý đồ Trung Quốc (TQ) sử dụng tư cách nước chủ nhà hội nghị APEC ở Bắc Kinh sắp tới (ngày 10 và 11-11) để khởi động đàm phán Hiệp định Thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP).
Báo dẫn lời các quan chức Mỹ cho biết trước sức ép của Mỹ, TQ đã buộc phải bỏ hai điều khoản liên quan đến FTAAP trong dự thảo tuyên bố chung của hội nghị APEC sắp tới. Hai điều khoản đó là kêu gọi nghiên cứu tính khả thi của FTAAP và ấn định mục tiêu hoàn tất FTAAP vào năm 2025.
Đối với TQ, FTAAP sẽ bảo đảm cho TQ tiếp tục được ưu đãi tiếp cận thị trường một số đối tác thương mại lớn. FTAAP từng nhiều lần được đưa ra thảo luận tại APEC. Mỹ là nước đầu tiên kêu gọi thảo luận thành lập FTAAP, tuy nhiên sau đó tạm gác FTAAP để tập trung đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) giữa Mỹ với 11 nước, trong đó không có TQ.
Mỹ lo ngại đàm phán FTAAP vào thời điểm hiện tại sẽ làm hỏng nỗ lực đàm phán hoàn tất TPP vốn đang gặp trở ngại ở một số điểm như vấn đề bảo hộ nông nghiệp ở Nhật và cải cách doanh nghiệp nhà nước ở các nước đang phát triển.
Các quan chức thương mại Mỹ cho biết cách đây ba tháng, không khí thảo luận giữa Mỹ và TQ về FTAAP trở nên gay gắt. Tại một cuộc họp ở Bắc Kinh hồi tháng 8, một quan chức thương mại Mỹ khẳng định Mỹ không đồng ý đưa vào dự thảo tuyên bố chung của hội nghị APEC nội dung về khởi động đàm phán FTAAP. Tuy nhiên, TQ vẫn cứ thúc ép.
Đến ngày 14-10, hãng tin Kyodo (Nhật) đưa tin nội dung liên quan đến FTAAP vẫn được giữ nguyên trong tuyên bố chung APEC. Một số nền kinh tế trong APEC phản đối mạnh mẽ và TQ buộc phải nhượng bộ. Dự thảo tuyên bố chung gửi cho các nước thành viên APEC hôm 16-10 đã không còn nội dung về FTAAP.
Giám đốc điều hành Ban Thư ký APEC Alan Bollard cho biết dù không đưa vào tuyên bố chung nhưng chủ đề FTAAP vẫn được thảo luận tại hội nghị APEC.
Theo nghiên cứu của Viện Kinh tế quốc tế Peterson (Mỹ), TPP sẽ khiến TQ mất khoảng 100 tỉ USD kim ngạch xuất khẩu vì các đối tác trong TPP sẽ trao đổi thương mại ít hơn với TQ. Còn nếu FTAAP được thiết lập, kim ngạch xuất khẩu tăng thêm của TQ vào năm 2025 sẽ đạt 1.590 tỉ USD trong khi mức tăng của Mỹ chỉ đạt 626 tỉ USD.
Báo Wall Street Journal ghi nhận đây là lần thứ hai Mỹ ngăn cản tham vọng kinh tế quốc tế của TQ. Trước đó, Mỹ đã quyết liệt vận động hành lang để phản đối kế hoạch lập Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á của TQ. Mỹ lập luận AIIB đặt ra ít tiêu chuẩn hơn so với các ngân hàng phát triển khác và chủ yếu làm lợi cho các công ty phát triển hạ tầng của TQ. Đến nay đã có 21 nước ký thỏa thuận thành lập AIIB nhưng một số nước lớn ở châu Á như Nhật, Hàn Quốc, Indonesia không tham gia.
-------------------------