Vô vọng tìm công lý ở cõi dương cho con gái mới hơn 14 tuổi bị con trai Chủ tịch xã cưỡng dâm, người mẹ tội nghiệp đã tìm đến thầy bói nhờ cõi âm giúp đỡ. Tại đây, bà đã mắc phải liên hoàn kế của thầy bói và nhà báo rởm.
Bà phải bán đến tài sản cuối cùng là chiếc giường nằm của hai mẹ con để cung phụng những kẻ lừa đảo.
Mèo mả gà đồng
Mới đây bà Hoàng Thị Lan Phương (SN 1963) ở xã Văn Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) đã tìm đến báo Tiền Phong gửi đơn tố cáo, bà thầy bói tên Hạnh ở thị trấn Kiến Giang, huyện Lệ Thủy và ông Mai Xuân Hiển giả danh báo Thanh tra câu kết với nhau để lừa tiền.
Theo đơn, vào tháng 9/2013, khi bà đang đi chữa bệnh xa nhà, con gái tên T. (SN 1998) ở nhà một mình, bị đối tượng Phạm Khánh Chinh (SN 1992), con trai chủ tịch xã Văn Thủy (Lệ Thủy) cưỡng dâm. Nhận được hung tin, bà tức tốc bỏ chữa bệnh từ miền Nam trở về và ngất xỉu. Đối tượng vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, ngang nhiên thách thức. Quá đau đớn và phẫn uất, bà Phương gửi đơn đi nhiều nơi nhưng không ai giải quyết. Mất hết hy vọng tìm công lý cho con ở cõi dương bà Phương tìm đến bà thầy bói tên Hạnh ở thị trấn Kiến Giang nhờ cõi âm giúp đỡ, trừng trị kẻ đã hại đời con gái bà.
Hai mẹ con bà Phương dắt díu nhau về nhà bà Hạnh và được bà Hạnh phán rằng, cả hai mẹ con đều hạn nặng, tốn tiền nhất là con bé. Để giải được tai ương này, phải mất 20 triệu đồng. Bà Phương đã phải cắn răng đưa cho bà Hạnh 9 triệu đồng và hứa sẽ lo để đưa đủ. Chạy vạy khắp nơi, bà Phương chỉ gom được 19 triệu đồng. Mặc dù chưa đủ số tiền yêu cầu nhưng bà Hạnh cũng nhận lời giúp vì “thấy hoàn cảnh khó khăn”. Đồng thời yêu cầu hai mẹ con chụp ảnh chân dung và để lại chiếc áo đang mặc để bà Hạnh dùng làm phép trừ tà. “Không thấy bà ấy cúng bái gì mà chỉ đưa cho tôi hai bao giấy, có in chữ Trung Quốc, nói là bùa hộ mệnh. Tôi có thắc mắc thì bà ấy nói tiền này dành để gửi vào chùa, nhờ chùa giải hạn” - bà Phương kể.
Tiếp đó, bà Hạnh nói, để sự việc nhanh chóng thành công, ngoài phần âm phù hộ, thì phải có phần dương hỗ trợ. Và bà Hạnh khoe có hai thằng em làm báo, một thằng làm báo Công an, một thằng làm báo “Thanh tra Chính Phủ” (cách gọi của những kẻ lừa đảo để tăng thêm phần uy lực khi có thêm hai chữ Chính phủ). Đồng thời tư vấn cho bà Phương nên chọn báo Thanh tra Chính Phủ vì đây là báo to nhất trung ương. “Mi gặp tau là có phúc rồi. Thằng em tau đang ở gần đây” - bà Hạnh giới thiệu.
Nói đoạn, bà Hạnh gọi chồng là ông Sáng chở bà Phương về nhà ông Hiển ở thị trấn Quán Hàu, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) để trình bày vụ việc. Tại đây bà Phương được tiếp xúc với ông Hiển và được giới thiệu bà Nhàn có mặt trong nhà là vợ.
“Sau khi nghe trình bày nội dung vụ việc, Hiển nói đây là vụ nghiêm trọng bởi con bé chưa đủ tuổi thành niên và hứa sẽ tìm lại công lý. Nhưng để làm được việc này phải chạy ngược, chạy xuôi rất vất vả. Vì con, tôi đã đưa cho Hiển 200 USD và 1 triệu đồng tiền mặt. Số tiền này là con gái đầu của tôi đang đi xuất khẩu lao động ở Malaysia gửi về để tôi chữa bệnh” - bà Phương kể.
Tổng cộng bà Phương đã phải đưa cho Hiển gần 30 triệu đồng và hàng chục con gà. Mỗi lần về nhà Hiển ở thị trấn Quán Hàu, bà Nhàn vợ Hiển hay nhắc khéo: “Anh Hiển chồng em khó tính trong ăn uống lắm, anh ấy chỉ thích ăn món gà kho sả thôi”. Để cung phụng cho “nhà báo” Hiển, bà Phương đã phải lần lượt bán ti vi, tủ lạnh. Thậm chí là chiếc giường của hai mẹ con.
Tháng 2/2014, Hiển gọi bà Phương đang chữa bệnh ở miền Nam về, nói “các bài báo in rồi, họ sợ rồi, chị về đi”. Hiển đưa cho bà Phương 3 bài báo, trong đó hai bài đăng trên báo Thanh tra, tác giả là Mai Xuân Hiển và 1 bài đăng trên báo điện tử Tầm Nhìn, tác giả là Mai Xuân Hiển - Hà Vi.
“Hiển tiếp tục kêu vất vả, khổ sở để có được ba bài báo này. Hiển còn bảo người nhà hung thủ đút lót cho Hiển 100 triệu nhưng Hiển từ chối không lấy vì đã nhận lời giúp tôi. Lo Hiển đổi ý không giúp nữa, tôi đành lột chiếc nhẫn vàng một chỉ, tài sản cuối cùng còn lại để phòng thân đưa cho Hiển. Nhận chỉ vàng của tôi, Hiển cầm tay vợ lên đeo vào và nói: “Vừa rồi để con bé được đi giám định em phải nhậu nhẹt với mấy anh công an và lo lót cho mấy ông giám định đó. Kể từ đó, ông Hiển không viết bài nào nữa, tránh gặp mặt tôi và sự việc cũng không ai giải quyết” - bà Phương kể.
Đi tìm tung tích vợ chồng nhà báo rởm
Để làm rõ tố cáo này, PV Tiền Phong đã vào cuộc điều tra và cùng bà Phương gặp trực tiếp các đối tượng lừa đảo. Tại nhà của bà Hạnh thầy bói, có sự hỗ trợ của Công an thị trấn Kiến Giang, bà Hạnh thừa nhận có lấy tiền của bà Phương nhưng khoảng 15 triệu chứ không phải 19 triệu như bà Phương nói. Bà Hạnh cho rằng, mình lấy tiền để cúng giải hạn cho bà Phương chứ không phải lừa đảo và đồng ý trả lại tiền.
“Tôi làm ăn 24 năm nay rất uy tín, các anh cứ hỏi cả cái tỉnh này, ai chẳng đến chỗ tôi cúng. Tôi lấy của con Phương rứa là rẻ vì nhà nó nghèo. Còn đây các anh xem này toàn 50 triệu với hơn cả” - bà Hạnh giới thiệu. Và đúng như lời hẹn, sáng hôm sau tại văn phòng của Công an thị trấn Kiến Giang, bà Hạnh đã trả cho bà Phương 15.200.000 đồng.
Chúng tôi về ngôi nhà mà Mai Xuân Hiển giới thiệu với bà Phương là nhà của mình, nhưng cửa đóng then cài, treo ngay cửa là thông báo bán nhà. Hỏi hàng xóm, mọi người nói lâu rồi không thấy Hiển và Nhàn xuất hiện, hình như là về nhà mẹ đẻ của Nhàn ở xã Duy Ninh. Tại đây, cả bố và mẹ đẻ của Nhàn đều nhận ra chị Phương là người quen vì đã nhiều lần về cho ông bà quà. Riêng Nhàn ngồi lì trong nhà, không chào hỏi ai và ra lệnh cho bố mẹ vào, không được tiếp xúc với chúng tôi.
Sau hồi lâu thuyết phục, Nhàn chấp nhận ra gặp chúng tôi nhưng với điều kiện phải giao toàn bộ điện thoại, máy ghi âm, máy ảnh cho Nhàn đi cất. Nhàn cho rằng, mình không phải vợ Hiển mà chỉ là quen biết và khẳng định Mai Xuân Hiển làm ở báo Thanh tra Chính Phủ. Nhàn một mực chối không lấy tiền vàng của chị Phương mà chỉ có lấy 40 USD do chị Phương mừng tuổi năm mới, 1kg cao khỉ, một số trứng, không thừa nhận lấy gà. Tại buổi tiếp xúc, Nhàn nhiều lần mạt sát chị Phương, rằng: “Mi là đồ vô phúc, vô ơn. Người ta đã giúp rồi còn đi kiện”.
Mặc dù chối bay chối biến mối quan hệ vợ chồng với Hiển và không lấy tiền chị Phương, nhưng trong các tin nhắn hội thoại giữa chị Phương và Nhàn còn được lưu giữ, Nhàn thừa nhận tất cả và cho rằng: “Mẹ con nhà mày đưa cho chồng tao bao nhiêu chồng tao đi chơi gái hết rồi”.
PV Tiền Phong đã liên lạc qua điện thoại với Mai Xuân Hiển, ông Hiển thừa nhận có viết bài giúp chị Phương nhưng không lấy tiền. Tuy nhiên, Hiển đã từ chối gặp chị Phương để đối chất và từ chối xác nhận mình đang làm cho báo nào với lý do: “Anh muốn biết tôi là ai thì cứ đến tòa soạn tôi mà hỏi”.
Liên quan đến nhà báo rởm Mai Xuân Hiển, bà Hạnh cho biết, là quen biết qua bà Nhàn ở thị trấn Quán Hàu, vì bà Nhàn hay lên cúng bái. Bà Nhàn giới thiệu, có chồng là Hiển làm ở báo Thanh tra Chính phủ. Việc Hiển lấy tiền của bà Phương hay không bà Hạnh không biết, nhưng có lần Hiển nói với bà Hạnh, vụ này phải lấy của bà Phương 50 triệu. Bà Hạnh cho biết thêm, Hiển còn lừa cả mình: “Có lần Hiển sang nhà tôi nói thiếu tiền để mời mấy anh công an nhậu lo việc cho con Phương, hỏi mượn tôi 1,5 triệu nhưng đến giờ vẫn chưa trả” - bà Hạnh nói.
------------------------
Ôm nợ vì đá “lạ”
Sau nhiều tháng thu mua rầm rộ, khoảng hơn 1 tuần trở lại đây, thương lái Trung Quốc ngừng “ăn hàng” khiến một số đầu mối buôn đá “lạ” người Việt như ngồi trên lửa.
Cách đây khoảng 3 tháng, bắt đầu có một số thương lái người Trung Quốc trực tiếp mang mẫu một loại đá, sau này được lái buôn gọi là đá mềm hay đá phấn, tới 2 huyện Ngọc Hồi và Đắk Glei, tỉnh Kon Tum để đặt mua hàng.
Đưa hàng trái phép từ Lào về
Tại địa phương không có đá mềm theo mẫu nên các thương lái người Việt Nam sang Lào khai thác, thu mua sau đó vận chuyển về nội địa bán lại cho thương lái Trung Quốc. Rầm rộ nhất là tại huyện Ngọc Hồi vì có cửa khẩu Bờ Y giáp với Lào - Campuchia.
Thương lái tên là N. (ngụ thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi) - đang làm ăn bên Lào, thường xuyên mang đá về Việt Nam qua cửa khẩu Bờ Y bán sang tay cho thương lái Trung Quốc - cho biết khi thu mua tại Lào, tùy vào chất lượng của đá mà có giá bán khác nhau, dao động từ 200.000 đồng đến 4 triệu đồng/kg.
Một lãnh đạo Chi cục Hải quan cửa khẩu Bờ Y xác nhận tình trạng thương lái người Việt vận chuyển hàng qua cửa khẩu Bờ Y về bán cho thương lái Trung Quốc là có thật. Tuy nhiên, khoảng 20 ngày trở lại đây, lực lượng chức năng bên Lào truy bắt gắt gao nên đã tạm thời lắng xuống. N. cho biết thêm: “Trước đây, chỉ cần mua gom đá xong, thuê người Lào vận chuyển là không bị bắt. Nay thì có thuê người Lào vận chuyển cũng bị bắt, tịch thu đá. Còn người Việt thì không những bị tịch thu mà còn bị tạm giữ người”.
Từ khi phía Lào xử lý gắt gao, thương lái Trung Quốc hạn chế mua đá loại lớn, chuyển sang mua những loại đá dạng sỏi với giá cao hơn rất nhiều. Một cục đá dạng sỏi chất lượng tốt giá bán có thể lên đến hàng chục triệu đồng.
Không chỉ tại huyện Ngọc Hồi, tại xã biên giới Đắk Blô, huyện Đắk Glei, thương lái Trung Quốc cũng tìm đến tận nơi đặt hàng người Việt thu mua đá theo mẫu.
Theo các thương lái người Việt, đá mềm có chất lượng tốt, khi dùng đèn pin soi vào thì ánh sáng có thể xuyên qua. Bên trong hòn đá nếu không vẩn đục hay bị nứt thì sẽ được giá cao. Những viên đá sỏi cũng có cách định giá tương tự.
Trắng tay
Trong vai người mua đá, phóng viên Báo Người Lao Động được N. dẫn xem những viên đá mềm đủ các kích cỡ, màu đỏ, đang được giấu kín trong góc nhà. “Phải giấu, khi nào có khách hỏi mới dám mang ra xem, nếu không sẽ bị tịch thu mất” - N. nói và cho biết số đá này nặng hơn 1 tạ, cách đây nửa tháng được thương lái Trung Quốc hỏi mua với giá 700.000 đồng/kg nhưng N. chưa đồng ý bán. Nay, thương lái Trung Quốc ngừng mua, N. đang khẩn trương tìm mối để bán nhằm thu hồi vốn. “Em xem mua được thì mua giúp cho anh. Giá thấp hơn một chút cũng được, miễn sao thu hồi được vốn” - N. nài nỉ tôi.
Đây là lần thứ ba anh đưa đá mềm từ Lào về Việt Nam để bán. Hai lần trước thăm dò, lần này đánh quả đậm bằng toàn bộ số vốn tích trữ được, nào ngờ thương lái Trung Quốc “lặn không sủi tăm”.
Bi đát hơn trường hợp anh N. là bà N.T.T (ngụ tổ dân phố 6, thị trấn Pkei Kần), người đã bỏ hơn 1 tỉ đồng thu mua được gần 1 tấn đá mềm, khi đang trên đường vận chuyển từ Lào về Việt Nam thì bị lực lượng chức năng Lào bắt giữ. Bà T. coi như mất trắng, hiện phải đi trốn nợ vì trước đó đã vay “nóng” từ nhiều người để làm vốn buôn đá.
Các lái buôn đều khẳng định không biết thương lái Trung Quốc thu mua loại đá này để làm gì.
--------------------------
Súng nổ trong đêm trước cửa nhà, người phụ nữ tử vong
Nghe tiếng gõ cửa, chị H. mở cửa cũng là lúc nhiều tiếng súng nổ và chị đã tử vong sau khi đến cấp cứu tại BVĐK Nghệ An.
Thông tin ban đầu, vụ việc xảy ra vào khoảng 22h tối qua 4/11, trên đường Trần Hưng Đạo, phường Đội Cung, TP Vinh, Nghệ An, chị Ng. Th.Th. H (SN 1982, trú đường Trần Hưng Đạo, phường Đội Cung, TP Vinh) nghe tiếng gõ cửa liền ra mở.
Khi chị H. vừa ra mở cửa thì cũng là lúc những tiếng súng chát chúa hướng vào ngôi nhà chị H. Nghe tiếng súng nổ, người dân nơi đây hốt hoảng chạy ra xem thì thấy chị H. gục xuống trước cửa nhà mình. Mặc dù nạn nhân đã được đưa đi cấp cứu kịp thời tại BVĐK Nghệ An nhưng đã không qua khỏi.
Theo người dân địa phương, sau khi nghe những tiếng súng nổ ban đầu, họ có nhìn thấy một nhóm đối tượng rượt đuổi bắn nhau trên đường Trần Hưng Đạo. Trong lúc rượt đuổi, nhóm đối tượng này đã nổ súng khiến hai người phụ nữ quét rác ban đêm bị dính đạn và cũng được người dân kịp thời đưa đi cấp cứu.
Nhận được tin báo, lực lượng Cảnh sát 113 Công an tỉnh Nghệ An đã đến hiện trường, thu được một đầu đạn từ súng quân dụng bắn ra.
Hiện nguyên nhân vụ việc đang được Công an Nghệ An điều tra làm rõ.
--------------------------
Công ty y tế Mỹ bị cáo buộc hối lộ quan chức Việt Nam
Công ty Bio-Rad của Mỹ, chuyên sản xuất các thiết bị trong lĩnh vực y tế, đã đồng ý nộp phạt cho chính phủ Mỹ 55 triệu USD để giải quyết các cáo buộc dân sự và hình sự về việc hối lộ giới chức tại 3 quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Thỏa thuận trên đã được Ủy ban chứng khoáng quốc gia (SEC) và Bộ tư pháp Mỹ công bố hôm 3/11.
Công ty Bio-Rad, đặt trụ sở tại Hercules, California đã bị cáo cuộc giả mạo chứng từ để che giấu các khoản thanh toán và đã chi 7,5 triệu USD để hối lộ các quan chức tại 3 quốc gia là Nga, Việt Nam và Thái Lan trong thời gian từ 2005-2010 để giành các hợp đồng.
SEC và Bộ tư pháp Mỹ cho hay Bio-Rad đã nhất trí trả khoản tiền phạt hình sự trị giá 14,35 triệu USD cho Bộ tư pháp và 40,7 triệu USD cho SEC để tránh bị truy tố.
Chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Bio-Rad, ông Norman Schwartz, cho hay ông “hài lòng với sự dàn xếp trên và để khép lại vụ việc này”.
Bộ tư pháp và SEC cho biết, các công ty con của Bio-Rad tại châu Âu và châu Á đã hối thúc các quan chức chính phủ bằng các khoản chi trả cho các công ty trung gian giả mạo. Các lãnh đạo của Bio-Rad chắc chắc đã biết những khoản chi này nhưng phớt lờ.
Một công ty trung gian tại Nga thậm chí còn sử dụng một địa chỉ giả mà thực chất là địa chỉ của một tòa nhà chính phủ Nga, theo SEC.
Các khoản chi trả lớn cho các công ty vốn không có nguồn lực để tiến hành bất kỳ dịch vụ được ký hợp đồng đã gây nghi ngờ. Ngoài ra, các khoản chi trả cũng được thực hiện thông qua các ngân hàng tại Latvia và Lithuania.Vài quan chức “cấp cao” của Bio-Rad đã phê chuẩn các khoản thanh toán, Bộ tư pháp Mỹ cho biết.
Tại Việt Nam, một đại diện bán hàng của Bio-Rad đã cho phép chi các khoản hối lộ các quan chức, trong đó có việc thuê một người trung gian để trả tiền hối lộ, theo SEC. Một quản lý bán hàng của Bio-Rad đã nhất trí các khoản thanh toán vì lo ngại rằng công ty có thể mất 80% doanh thu bán hàng nếu không hối lộ.
Tại Thái Lan, Bio-Rad đã đầu tư vào một công ty địa phương vào năm 2007, vốn có một đường dây hối lộ. Một nhân viên của công ty này đã nhận những khoản hoa hồng bị thổi phồng, vốn sau đó được chia với các quan chức chính phủ Thái.
SEC đã đưa ra lệnh tạm ngừng hoạt động đối với Bio-Rad và Bộ tư pháp phát động một cuộc điều tra hình sự đối với công ty này.
Bio-Rad được thành lập vào năm 1952 tại Berkeley và đã phát triển tới doanh thu 2,1 tỷ USD vào năm 2013 với hơn 7.800 nhân viên.
---------------------------