Sau khi phát hiện Giám đốc Sở Công thương tỉnh Gia Lai - ông Huỳnh Ngọc Tục - sử dụng bằng giả để tiến thân, UB Kiểm tra Tỉnh ủy đã đề nghị thu hồi lại “điều kiện” tiến thân của ông Tục, nhưng chức vụ của ông này thì vẫn được “bảo toàn”.
Dư luận Gia Lai thắc mắc, không biết Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy Gia Lai đề nghị trường ĐH Luật Hà Nội và Học viện Chính trị khu vực III thu hồi bằng tốt nghiệp ĐH Luật và bằng tốt nghiệp Cao cấp lý luận chính trị đã cấp cho ông Tục để làm gì?
Để thuận lợi trên con đường tiến thân, ông Tục đã sử dụng bằng tốt nghiệp THPT giả. Từ đó ông có cơ hội nâng cao bằng cấp, từng giữ các vị trí Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Gia Lai, Bí thư Huyện ủy Mang Yang và hiện tại là Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Công thương.
Theo văn bản số 736/SGDĐT-KTQLCLGD của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai về việc xác minh tính hợp pháp của giấy chứng nhận tốt nghiệp cấp 3 hệ bổ túc văn hóa của ông Huỳnh Ngọc Tục thì kỳ thi bổ túc văn hóa cấp 3 năm 1977 tại Gia Lai không có hội đồng thi cấp 3 Nguyễn Huệ; khóa thi năm 1977 là ngày 7/6/1977 chứ không phải ngày 28/5/1977 như trong bằng của ông Tục. Kết quả xếp loại trúng tuyển là khá hoặc trung bình chứ không có kết quả xếp loại B như trong giấy chứng nhận tốt nghiệp cấp 3 của ông Tục. Trong hồ sơ lưu trữ kỳ thi các năm từ 1978-1980 không tìm thấy thí sinh nào là Huỳnh Ngọc Tục.
Trao đổi với PV Dân trí, UBKT tỉnh ủy Gia Lai cho biết, UBKT Tỉnh ủy đã có văn bản đề nghị trường ĐH Luật Hà Nội và Học viện Chính trị khu vực III thu hồi bằng của ông Tục. Văn bản của UBKT Tỉnh ủy đã gửi đi vài tháng nay nhưng trường ĐH Luật Hà Nội chưa hồi âm. Còn về phía Học viện Chính trị khu vực III, Học viện này cho rằng khi nào bằng ĐH của ông Tục bị thu hồi thì Học viện mới có thể thu hồi bằng cao cấp chính trị đã cấp cho ông Tục.
Chức năng, quyền hạn của UBKT Tỉnh ủy cũng chỉ dừng lại ở việc ra đề nghị trên.
Dư luận cho rằng việc thu hồi bằng cấp đối với ông Tục chẳng có ý nghĩa gì bởi chiếc ghế Giám đốc Sở của ông vẫn đang được “bảo toàn”!
Một bé trai 6 tuổi đã bị cha dượng đánh gãy chân tay và bầm tím nhiều vị trí trên cơ thể, hiện cháu bé đang được cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM).
Tối 4/11, Công an phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, TPHCM, cho biết đang tạm giữ hình sự nghi can Nguyễn Tấn Sĩ (28 tuổi, quê tỉnh Bến Tre, tạm trú đường Tân Hòa Đông, phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân) để làm rõ hành vi đánh đập cháu Trần Văn Minh Hiếu (6 tuổi, con riêng của vợ) đến gãy tay chân.
Theo thông tin ban đầu, khoảng 18h tối cùng ngày, chị Trần Ngọc Liên (39 tuổi, mẹ của bé Hiếu) nhận được điện thoại của Hiếu thông báo cháu đã bị cha dượng đánh gãy tay chân và đang rất đau đớn.
Nhận được tin, chị Liên đang bán hàng ở đường Tên Lửa (quận Bình Tân) đã tức tốc chạy về nhà xem sao.
Khi chị Liên về đến nhà thì thấy cháu Hiếu bị thương khắp người, hai tay bên trái, phải và chân phải bị gãy. Lúc này, kẻ gây ra các thương tích cho bé Hiếu là Nguyễn Tấn Sĩ vẫn đang ngồi ở nhà. Lo lắng cho con, chị Liên yêu cầu Sĩ phải lấy xe gắn máy chở Hiếu đến Bệnh viện quận 6 cấp cứu.
Hay tin Hiếu bị cha dượng bạo hành, người dân đã gọi điện báo công an. Khi Sĩ vừa đưa Hiếu vào Bệnh viện quận 6 cấp cứu và đang có ý định bỏ trốn thì Công an phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân đã có mặt mời Sĩ về trụ sở để làm rõ.
Tại Công an phường Bình Trị Đông, Sĩ đã thừa nhận hành vi đánh đập đối với bé Hiếu. Hiện Công an cũng đang lấy lời khai của chị Trần Ngọc Liên để củng cố, lập hồ sơ chuyển lên công an quận Bình Tân xử lý Sĩ theo thẩm quyền.
Theo chẩn đoán của Bệnh viện quận 6, bé Hiếu bị gãy xương cánh tay trái, gãy xương cẳng chân phải và gãy xương bàn tay phải, ngoài ra nạn nhân còn bị một số vết thương trên thân thể.
Sau khi tiếp nhận, các bác sĩ của Bệnh viện quận 6 đã băng bó các vết thương và nẹp chân, tay cho bé Hiếu. Do tình trạng của nạn nhân khá nghiêm trọng nên Bệnh viện quận 6 đã chuyển bé Hiếu đến Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) để tiếp tục điều trị.
Chị Liên cho biết, Hiếu là con riêng của chị và chồng trước đã ly dị. Cách đây 2 năm, chị có tình cảm và sống như vợ chồng với Sĩ. Cũng theo chị Liên thì Sĩ đã nhiều lần đánh đập bé Hiếu vì bé không nghe lời Sĩ.
Hiện vụ việc đang được công an mở rộng điều tra.
---------------------------
Tổng Công ty đường sắt bị “sờ gáy” vì vi phạm tài chính
Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng vừa chấn chỉnh Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) trong công tác quản lý tài chính liên quan đến các vấn đề về đầu tư mua sắm thiết bị, tính khấu hao máy móc, doanh thu vận tải…
Việc chấn chỉnh này được đưa ra sau báo cáo của đoàn thẩm định tài chính tại ĐSVN cho thấy một số vấn đề tồn tại liên quan đến việc đầu tư mua sắm, quản lý sử dụng máy móc thiết bị phục vụ cho công tác bảo trì của hợp đồng mua sắm thiết bị duy tu, bảo dưỡng cầu và đường sắt (EP) thuộc Dự án Nâng cao an toàn cầu đường sắt trên tuyến Hà Nội - TPHCM với giá trị trên 160 tỷ đồng.
Báo cáo của đoàn thẩm định công tác quản lý tài chính cũng đưa ra tồn tại của ĐSVN trong mua sắm, quản lý, sử dụng số đườn ray bằng vốn vay của Chính phủ Áo; thực hiện tính khấu hao thiết bị máy móc mua sắm bằng vốn vay của Chính phủ Pháp chưa phù hợp vào giá trị sản phẩm công ích hàng năm. Công tác ghi nhận doanh thu vận tải của ĐSVN chưa phù hợp với niên độ kế toán hàng năm. Thực hiện ca làm việc 12h/ngày đối với công tác tuần đường, gác chắn và trực thông tin tín hiệu.
Chấn chỉnh công tác quản lý tài chính và khắc phục những tồn tại, Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu ĐSVN rà soát lại mục tiêu mua sắm thiết bị duy tu, bảo dưỡng cầu và đường sắt thuộc Dự án Nâng cao an toàn cầu đường sắt trên tuyến Hà Nội - TPHCM với trị giá 160 tỷ đồng (các thiết bị này đã được mua sắm, tạm bàn giao cho đơn vị quản lý nhưng chưa đưa vào hoạt động).
Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu ĐSVN xây dựng phương án tổ chức khai thác hiệu quả số tài sản này. ĐSVN phải khẩn trương hoàn thiện các thủ tục đối với Nhà nước về tăng vốn và tài sản của Tổng Công ty đối với số thiết bị của Dự án trị giá 160 tỷ nói trên, trên cơ sở đó tổ chức bàn giao chính thức và hướng dẫn các đơn vị hạch toán tăng vốn và tài sản theo quy định.
Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng yêu cầu ĐSVN phải rà soát lại thủ tục mua sắm đường ray từ vốn vay của Chính phủ Áo. Báo cáo tổng thể việc sử dụng số ray đã mua đến thời điểm hiện nay và kế hoạch sử dụng số ray còn lại trong thời gian tới. Báo cáo chi tiết việc tính giá ray này vào giá trị sản phẩm công ích hàng năm (giá gốc, lãi, phí). ĐSVN phải có báo cáo cụ thể việc tính khấu hao máy móc, thiết bị mua sắm bằng vốn vay của Chính phủ Pháp chưa phù hợp vào giá trị sản phẩm công ích hàng năm.
Người đứng đầu ngành GTVT yêu cầu ĐSVN chấp hành đúng quy định về công tác hạch toán, kế toán. Thực hiện việc hạch toán doanh thu vận tải hàng năm phải đảm bảo đúng niên độ kế toán, doanh thu của năm nào thì được hạch toán vào năm đó, tránh tình trạng tiền bán vé tàu cho năm sau lại được hạch toán vào doanh thu năm trước như đang thực hiện hiện nay.
ĐSVN phải rà soát lại việc thực hiện ca làm việc 12h/ngày đối với công tác tuần đường, gác chắn tại công ty quản lý đường sắt và công tác trực thông tin tín hiệu tại các công ty thông tin tín hiệu để đảm bảo thực hiện đúng quy định của Bộ Luật Lao động - làm việc 8h/ngày.
Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu ĐSVN thực hiện nghiêm túc những chỉ đạo trên và báo cáo kết quả về Bộ GTVT trước ngày 20/11 tới đây.
--------------------------