Dịch hạch nguy hiểm có thể xâm nhập vào Việt Nam
Tin thế giới trưa 25-11-2014: Trung Quốc tập trận, đầu tư để khuếch trương quyền lực - Kenya: thảm sát để gây “chiến tranh tôn giáo”
- Cập nhật : 25/11/2014
Việc Bắc Kinh quyết định tập trận chung với Nga tại Địa Trung Hải vào năm 2015 có ý nghĩa địa chính trị rất lớn, trang tin Đài Loan Want China Times ngày 23/11 dẫn trang tin Đa Chiều của cộng đồng người Hoa ở hải ngoại.
Trong khi đó, báo Mỹ New York Times đưa tin, Trung Quốc đang đầu tư 70 tỷ USD khắp châu Á-Thái Bình Dương để mở rộng quyền lực.
Với Trung Quốc, quyết định tập trận chung có vẻ đơn thuần thể hiện sự ủng hộ Nga, vốn đang bị phương Tây cô lập từ khi nổ ra khủng hoảng Ukraine. Nhưng động thái này cũng có thể được hiểu như một sự biểu dương sức mạnh với phần còn lại của thế giới. Tuy nhiên, theo Đa Chiều, việc này không có nghĩa Trung Quốc là đồng minh của Nga trong một cuộc chiến thực sự. Quyết định tập trận chung với Nga dường như dựa trên lợi ích của chính Trung Quốc nhiều hơn. Trung Quốc hiện có quân đội lớn nhất thế giới, được bổ sung các máy bay tàng hình và một tàu sân bay, nhưng thiếu kinh nghiệm thực chiến vẫn được coi là điểm yếu lớn của quân đội Trung Quốc. Nghiên cứu của Hải quân Mỹ đánh giá, mặc dù hải quân Trung Quốc gồm 235.000 quân, lớn gấp 5 lần Nhật Bản nhưng quy trình chỉ huy và đào tạo vẫn rất lạc hậu so với các nước dẫn đầu thế giới.
Sau khi chuyến bay MH370 của Malaysia Airlines mất tích với 152 công dân Trung Quốc, Bắc Kinh huy động ba chiến hạm cùng 10 vệ tinh tham gia chiến dịch tìm kiếm. Đa Chiều cho rằng, ngoài mục đích tìm kiếm MH370, Trung Quốc còn thu được kinh nghiệm giá trị ở biển Đông và những vùng nước quốc tế như eo biển Malacca. Rõ ràng, thông qua việc tăng cường hiện diện ở Địa Trung Hải, Trung Quốc được lợi vì đây là một khu vực địa chính trị then chốt trong lịch sử.
Tháng 7/2012, ba chiến hạm Trung Quốc lần đầu tiến vào Địa Trung Hải sau khi hoàn thành nhiệm vụ hộ tống gần Vịnh Aden. Tháng 1/2014, tàu hộ vệ Trung Quốc lại cùng các chiến hạm Nga, Đan Mạch, Na Uy tham gia hộ tống tàu chở vũ khí hóa học của Syria qua Địa Trung Hải. Đa Chiều cho rằng, động thái tập trận chung có thể là một minh chứng cho việc Trung Quốc sử dụng lực lượng quân sự nhằm mở một cánh cửa kinh tế sang phương Tây, một phương pháp không có gì khác so với việc phương Tây từng sử dụng pháo hạm để mở cửa Trung Quốc trước kia.
Theo Đa Chiều, dù chính phủ Trung Quốc luôn phủ nhận, song việc quân đội nước này tăng cường hoạt động ở Địa Trung Hải báo hiệu những ý định chiến lược của Bắc Kinh đối với khu vực này. Với công nghệ xây dựng tàu sân bay đang phát triển nhanh chóng và nỗ lực xây dựng hạm đội hải quân hùng mạnh, rất có thể, quân đội Trung Quốc sẽ thường trực một hạm đội tại Địa Trung Hải vào năm 2025, Đa Chiều dự báo.
Theo New York Times, sau Hội nghị cấp cao APEC ở Bắc Kinh, Tổng thống Mỹ Barack Obama vội vã quay về Nhà Trắng, còn Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công du châu Á-Thái Bình Dương, thăm Úc, New Zealand, Fiji. Trung Quốc thông báo chi tới 70 tỷ USD cho vay và phát triển hạ tầng khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Ngoài quỹ dành cho Con đường Tơ lụa mới lên tới 40 tỷ USD, Trung Quốc còn cho 10 nước ASEAN vay và tài trợ các dự án xây dựng hạ tầng 20 tỷ USD. Trung Quốc cũng đề xuất xây dựng khu vực tự do thương mại APEC. New York Times nhận định, tất cả động thái trên rõ ràng nhằm đẩy lùi ảnh hưởng của Mỹ, khẳng định quyền lực tại khu vực của Bắc Kinh.
-------------------------
Kenya: thảm sát để gây “chiến tranh tôn giáo”
Thế giới rúng động với tin các tay súng Hồi giáo cực đoan Al-Shabaab đã chặn xe buýt ở miền bắc Kenya và hành quyết tàn bạo 28 hành khách không theo đạo Hồi.
Theo AFP, chiếc xe buýt chở 60 người vừa rời thị trấn Mandera đến thủ đô Nairobi thì bị chặn lại.
Nhóm 70 phiến quân Al-Shabaab buộc toàn bộ hành khách xuống xe và bắt họ phải đọc kinh Koran. Những người không thuộc kinh thánh đạo Hồi đều bị bắn vào đầu.
Sau đó, chúng rút sang bên kia biên giới Somalia. Hiệp hội Chữ thập đỏ Kenya xác nhận 28 hành khách đã bị sát hại, bao gồm 19 nam giới và 9 phụ nữ.
Ông Adbikadir Mohammed, cố vấn của Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta, mô tả bọn khủng bố muốn châm ngòi một “cuộc chiến tôn giáo” tại Kenya.
“Chúng muốn thổi bùng xung đột giữa người Hồi giáo và phần còn lại ở quốc gia này” - ông Mohammed nhấn mạnh.
Sau đó, Al-Shabaab tuyên bố thực hiện vụ thảm sát để trả đũa vụ an ninh Kenya khám xét và đóng cửa các thánh đường Hồi giáo ở cảng Mombasa tuần trước vì tàng trữ vũ khí.
Liên Hiệp Quốc, Chính phủ Mỹ và Anh đồng loạt lên án vụ thảm sát man rợ. Bộ Nội vụ Kenya cho biết đã triển khai trực thăng quân sự bắn phá một trại huấn luyện của Al-Shabaab, giết chết rất nhiều phiến quân.
-------------------------
Afghanistan: Đánh bom giữa trận bóng chuyền, 45 người thiệt mạng
Ngày 23-11, một kẻ đánh bom tự sát đã kích hoạt khối thuốc nổ giữa đám đông khán giả đang coi một trận đấu bóng chuyền tại Afghanistan, giết chết ít nhất 45 người.
Phát ngôn viên của Tỉnh trưởng tỉnh Paktika, ông Mukhles Afghanistan, cho biết khoảng 50 người bị thương sau vụ tấn công. Hầu hết nạn nhân đều là dân thường.
Kẻ đánh bom mặc áo vest chứa thuốc nổ, trà trộn vào đám đông khán giả đang coi trận chung kết bóng chuyền ở huyện Yahya Khel. Cảnh sát vẫn chưa xác định được những kẻ đứng sau vụ tấn công.
Tỉnh Paktika là nơi hứng chịu vụ đánh bom liều chết đẫm máu hồi tháng 7 vừa qua, làm 89 người thiệt mạng tại một khu chợ đông đúc.
Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế Thomas Bach lên án cuộc tấn công là “hèn nhát”. Có khả năng Taliban đứng sau vụ đánh bom trận đấu bóng chuyền vì tổ chức này từng cấm các sự kiện thể thao suốt 5 năm tại Afghanistan trước khi Mỹ can thiệp quân sự năm 2001.
Từ đầu năm nay, Taliban và các nhóm thánh chiến Hồi giáo khác mở nhiều đợt tấn công liều chết tại Afghanistan. Liên Hiệp Quốc thống kê được chỉ tính riêng nửa đầu năm 2014, gần 5.000 dân thường Afghanistan bị giết hoặc bị thương trong các cuộc xung đột bạo lực.
Cùng ngày 23-11, Tân Hoa Xã dẫn nguồn tin cho biết khoảng 30 tay súng Taliban đã thiệt mạng sau khi chính phủ Afghanistan tiến hành các hoạt động “chống khủng bố”.
“Lực lượng an ninh quốc gia Afghanistan (ANSF) mở chiến dịch chống lại các chiến binh ở tỉnh Nangarhar, Baghlan, Farah và Helmand” – Tân Hoa Xã dẫn nguồn tin đăng tải.
Trong thời gian chiến dịch diễn ra, ANSF thu được nhiều đạn dược, 10 xe gắn máy và 8 phương tiện vận chuyển khác. Lực lượng này cũng vô hiệu hóa 7 quả bom do Taliban đặt bên đường.
Không có thương vong về phía lực lượng an ninh được báo cáo. Tuy nhiên, ít nhất 2 dân thường đã bị thương trong một vụ đánh bom ở tỉnh Khost, phía Đông Afghanistan hôm 23-11, giữa thời điểm ANSF tiến hành chiến dịch.
-------------------------