Ngày 4/3, khi trả lời phỏng vấn, tướng Vincent Brooks, Tư lệnh lục quân Mỹ tại Thái Bình Dương cho rằng, việc Trung Quốc tăng ngân sách quốc phòng không đáng báo động, nếu Bắc Kinh không dùng nguồn lực quân sự này để gây hấn và Mỹ phải theo sát những động thái của quân đội Trung Quốc.
Tướng Vincent Brooks nhấn mạnh, Trung Quốc đã tiến hành những hành động gây hấn trên biển và trên không hoặc gây áp lực trong các cuộc đối thoại song phương với những quốc gia đang phải lựa chọn quan hệ với Mỹ hay Trung Quốc. Do đó, việc cần thiết là phải đối thoại minh bạch với Trung Quốc nhằm tránh hiểu nhầm giữa Bắc Kinh với đồng minh của Mỹ trong khu vực.
Mức tăng thấp nhất
Ngày 5/3, Thủ tướng Lý Khắc Cường chính thức thông báo, ngân sách quân sự của Trung Quốc năm 2015 sẽ tăng 10,1%, tương đương với 142 tỉ USD. Thủ tướng Lý Khắc Cường cũng nhấn mạnh, Trung Quốc phải hướng tới mục tiêu thành một cường quốc về biển. Trong báo cáo công tác của chính phủ do ông Lý Khắc Cường trình bày trước Quốc hội, Thủ tướng Trung Quốc đã 2 lần nhắc tới cụm từ “cường quốc về biển”. Cụm từ “cường quốc về biển” lần đầu tiên được đưa ra trong báo cáo tại Đại hội 18 với nội hàm: Nâng cao năng lực khai thác tài nguyên biển, phát triển kinh tế biển, bảo vệ môi trường sinh thái biển, kiên quyết bảo vệ cái gọi là chủ quyền và lợi ích quốc gia về biển.
Theo bà Phó Doanh (Oánh), người phát ngôn báo chí của kỳ họp thứ 3 Quốc hội Trung Quốc khóa 12, ngân sách quốc phòng Mỹ năm 2016 sẽ là 585 tỉ USD, tăng 24,7 tỉ USD so với năm 2015 và gấp 4 lần so với Trung Quốc. Mặc dù Nga chi 93,9 tỉ USD cho quân sự năm 2016, chỉ bằng 66% so với Trung Quốc, nhưng lại tăng 10,2 tỉ USD so với năm 2015. Theo tờ Sina Military Network, việc mua sắm vũ khí và trang thiết bị quân sự mới sẽ chiếm phần lớn chi tiêu quân sự của Trung Quốc sau khi Bắc Kinh tăng ngân sách quốc phòng thêm 10% trong năm nay (lên mức 142 tỉ USD), mức tăng thấp nhất trong 5 năm qua (11,2% năm 2012, 10,7% năm 2013 và 12,2% năm 2014).
Tướng nghỉ hưu Từ Quang Dụ nhận định, mức tăng chi tiêu quốc phòng hai con số vẫn sẽ tiếp tục trong nhiều năm tới bởi chi tiêu quân sự tính theo đầu người của Trung Quốc thấp hơn nhiều so với Nhật và Mỹ. Giới quân sự Trung Quốc cho rằng, nếu mức tăng dưới 10% sẽ “không đủ” đáp ứng mục tiêu hiện đại hóa của quân đội nước này. Giới quân sự cho rằng, Trung Quốc sẽ mua thêm tàu ngầm Type 636M lớp Kilo, trị giá 200 triệu USD và tàu đổ bộ đệm khí lớp Zubr, trị giá 85 triệu USD. Ngoài ra, không quân và Hải quân Trung Quốc sẽ nâng cấp cho khoảng 50 chiến đấu cơ J-10 và J-11, cùng 20-30 máy bay ném bom và máy bay lớn khác. Dự kiến, Hải quân Trung Quốc sẽ được bổ sung thêm 1-2 khu trục Type 052C/DD, 2-3 tàu hộ tống Type 54A và 3-4 tàu hộ vệ Type 056, cùng một số tàu ngầm thông thường và tàu ngầm hạt nhân.
Tờ New York Times dẫn lời ông Richard Bitzinger, chuyên gia nghiên cứu quân sự Trung Quốc thuộc Viện Nghiên cứu Rajaratnam, Đại học Quốc gia Singapore và chuyên gia phân tích Phillip Saunders thuộc Đại học Quốc phòng Washington cho rằng, việc tăng cho quốc phòng luôn lớn hơn kinh tế chứng tỏ, ban lãnh đạo Trung Quốc muốn tăng chi cho quân sự bất chấp điều gì đang diễn ra. Giới phân tích nhận định, việc Bắc Kinh duy trì tăng trưởng ngân sách quốc phòng trên hai con số trong bối cảnh kinh tế khó khăn, cho thấy quyết tâm hiện đại hóa quân đội của ban lãnh đạo nước này. Nhiều người nói rằng, câu hỏi bây giờ không phải vì sao Trung Quốc không ngừng tăng ngân sách quốc phòng, mà Bắc Kinh sẽ sử dụng số tiền này vào lĩnh vực nào và ai là đối tượng nhằm trong ống ngắm.
Băn khoăn và lo lắng
Theo ông David Helvey, Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đặc trách Đông Á, Washington lo ngại trước sự thiếu minh bạch về quân sự ngày càng gia tăng của Trung Quốc và hành vi ngày càng quyết đoán của Bắc Kinh trên biển. Theo nhận định của chuyên gia Zack Cooper đến từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Mỹ đã thất bại trong việc ngăn cản Trung Quốc tiến hành các hoạt động khiêu khích tại khu vực nhạy cảm này. Còn theo bà Mira Rapp Hooper, Giám đốc Trung tâm Sáng kiến minh bạch châu Á, chuyên gia tại CSIS, những hòn đảo nhân tạo mới có thể hỗ trợ Bắc Kinh thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông.
Ngày 3/3, mạng Jane’s Defense Weekly (Anh) đăng bài “Có bằng chứng về khả năng xuất hiện phiên bản cải tiến của Đông Phong-31” bởi trước đó (26/2) Tư lệnh Bộ Tư lệnh Chiến lược Cecil Haney cho rằng, Trung Quốc đang nâng cấp tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Đông Phong-31 thành Đông Phong-31B. Đông Phong-31 có tầm bắn 8.000km, Đông Phong-31A đạt mức 11.200km.
Ngày 3/3, trang tin Down Jones Newswires và iMarket Report đã lên án hành vi vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, đồng thời vạch rõ âm mưu bành trướng lãnh thổ của Bắc Kinh khi ồ ạt xây dựng cơ sở hạ tầng trên các đảo, bãi đá tranh chấp ở Biển Đông. Trước đó, trên trang tin Wall Street Journal, 2 tác giả Jeremy Page (từ Bắc Kinh) và Julian Barnes (từ Washington) cũng đề cập tới việc Trung Quốc tạo ra một chuỗi pháo đài có thể khống chế đường không và đường biển bằng cách đảo hóa trái phép và điều này cho thấy, Bắc Kinh không từ bỏ tham vọng độc chiếm Biển Đông. Tuy nhiên, hành động này của Trung Quốc sẽ không làm tăng tính hợp pháp về yêu sách chủ quyền tại Biển Đông theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).
Còn theo nhận định của chuyên gia James Hardy, biên tập viên phụ trách khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của Tạp chí IHS Janes’s Defence Weekly, các cơ sở của Trung Quốc ở Trường Sa rõ ràng dùng cho mục đích quân sự. Bởi từ chỗ chỉ có một số cơ sở nhỏ bằng bê tông, hiện Trung Quốc đã có các đảo đầy đủ với sân bay trực thăng, đường băng, cảng và các phương tiện để hỗ trợ cho một lực lượng lớn binh sĩ. Theo ông James Hardy, những cơ sở hạ tầng kể trên sẽ cho phép Trung Quốc thực hiện yêu sách “đường lưỡi bò” một cách mạnh mẽ hơn. Trong khi đó, ông Ian Storey, chuyên gia nghiên cứu về Biển Đông tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, lại cho rằng, các cơ sở này có khả năng được sử dụng để thực thi tuyên bố chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc, đồng thời gia tăng áp lực đối với các tàu chiến và tàu bảo vệ bờ biển của những quốc gia hữu quan; và điều này chứng tỏ, chính sách của Bắc Kinh đối với “đường lưỡi bò” cơ bản không thay đổi.
Trung - Nhật vẫn to tiếng
Ngày 5/3, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga đã bày tỏ quan ngại trước việc ngân sách quốc phòng của Trung Quốc liên tục tăng trưởng ở mức 2 con số trong 5 năm liên tiếp; đồng thời mong muốn Bắc Kinh nâng cao tính minh bạch trong chính sách quốc phòng. Tổng Tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản Kawano Katsutoshi cũng coi đây là “tình trạng hiện đại hóa quân đội không bình thường” và sẽ chuẩn bị để phòng vệ tương ứng.
Cùng ngày 5/3, khi trả lời phỏng vấn Hãng Kyodo News, Đô đốc Hải quân Trung Quốc Doãn Trác đã khuyến cáo Nhật Bản không nên làm gia tăng căng thẳng trên Biển Đông. Theo ông Doãn Trác, nếu Mỹ - Nhật có quyền đưa tàu tới các vùng biển nào đó, Trung Quốc cũng có quyền tương tự. Ông Doãn Trác từng đề cập tới khả năng xảy ra xung đột Trung - Nhật do những tranh chấp về chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Cũng trong ngày 5/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh (Doanh) cho biết, Trung Quốc không chấp nhận yêu cầu vô lý của Nhật Bản đòi xóa trang web quần đảo Điếu Ngư bản tiếng Anh và tiếng Nhật của Trung Quốc và một lần nữa thúc giục Tokyo nhìn thẳng vào lịch sử, tôn trọng sự thực. Trước đó (4/3), Nhật Bản đã gửi công hàm phản đối việc Trung Quốc mở trang web phiên bản tiếng Anh và tiếng Nhật để thể hiện chủ quyền của Bắc Kinh đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Trong báo cáo nghiên cứu năm 2014 của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cơ quan này đã nhắc tới 3 thách thức của Bắc Kinh. Thứ nhất, chiến lược “xoay trục” của Washington ảnh hưởng đến quan hệ Trung - Mỹ. Thứ hai, tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư với Nhật Bản khiến quan hệ Trung - Nhật tiếp tục xấu đi. Thứ ba, các nước lớn can thiệp làm tranh chấp lãnh thổ ngày càng gay gắt. Trước đó (28/2), tờ Breitbart đưa tin, Trung Quốc đang cải tạo bất hợp pháp quy mô lớn ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam nhằm phục vụ mưu đồ bành trướng, độc bá Biển Đông. Giới phân tích cho rằng, hoạt động đảo hóa trên Biển Đông của Trung Quốc nhắm tới nhiều đích. Thứ nhất, củng cố dần tính chính danh đối với tuyên bố chủ quyền phi pháp tại Biển Đông. Thứ hai, ngăn cản khả năng tiếp cận Biển Đông từ các cường quốc, nhất là Mỹ. Thứ ba, tạo điều kiện cho chiến lược “cắt lát xúc xích”.
Ngày 2/3, Tân Hoa xã dẫn lời ông Khúc Tinh, Đại sứ Trung Quốc tại Bỉ, bác bỏ nhận định của học giả người Bỉ Jonathan Holslag nêu trong cuốn “Cuộc chiến tranh sắp tới của Trung Quốc với châu Á” (China’s coming war with Asia) phát hành hôm 27/2. Đại sứ Khúc Tinh cho rằng, Trung Quốc tuy có tranh chấp lãnh thổ với láng giềng, nhưng Bắc Kinh đã giải quyết hòa bình, thông qua đàm phán ngoại giao với 12/14 quốc gia chung biên giới. Theo học giả Jonathan Holslag đến từ Trường đại học Free Brussels, những căng thẳng có khả năng xảy ra tại châu Á đều xuất phát từ những yêu sách quá đáng của Trung Quốc và cuốn “Cuộc chiến tranh sắp tới của Trung Quốc với châu Á” chỉ nhận dạng những vấn đề nan giải ở châu Á, mô tả các hậu quả có thể xảy ra và thảm kịch từ một đại cường chỉ là vấn đề thời gian.
------------------------
Bộ trưởng Tài chính Romania từ chức do cáo buộc tham nhũng
Ngày 15/3, Bộ trưởng Tài chính Romania Darius Valcov đã đệ đơn từ chức sau một loạt cáo buộc tham nhũng.
Phát biểu trên kênh truyền hình tư nhân Antena 3, Thủ tướng Romania Victor Ponta thông báo Bộ trưởng Tài chính Valcov đã đệ đơn từ chức sau khi các công tố viên Romania cáo buộc ông này nhận hối lộ 2 triệu euro (2,1 triệu USD) trong giai đoạn 2010-2013 khi đang giữ chức Thị trưởng thành phố Slatina, miền Nam Romania để hậu thuẫn một công ty tư nhân nhận được các hợp đồng công.
Thủ tướng Ponta cũng đã lên kế hoạch bổ nhiệm người thay thế ông Valcov trong vài ngày tới.
Cuộc điều tra nói trên là một phần trong đợt điều tra tham nhũng nhắm tới các chính trị gia cao cấp và các quan chức chính phủ tại Romania trong những năm gần đây.
Liên quan vụ việc này, Tổng thống Klaus Iohannis trước đó đã yêu cầu ông Valcov đệ đơn từ chức trước khi có thêm nhiều cáo buộc khác.
Ông Valcov được bổ nhiệm chức Bộ trưởng Tài chính Romania hồi tháng 12 năm ngoái và mới đây từng công bố một dự thảo luật thuế mới dự kiến sẽ được đệ trình lên Quốc hội Romania vào cuối tháng này, nhằm giảm gánh nặng cơ cấu thuế vào năm 2020 để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Romania./.
--------------------------
Mỹ bắt triệu phú dính líu tới 3 vụ án mạng
Triệu phú Robert Durst, người thừa kế của một dòng họ danh giá tại New York, đã bị cảnh sát Mỹ bắt sau cuộc điều tra kéo dài 30 năm liên quan tới 3 vụ án mạng. Dù luật sư nói ông Durst vô tội, người nhà lại thấy nhẹ nhõm và biết ơn khi ông bị bắt.
Theo BBC, cảnh sát liên bang Mỹ ngày 14/3 bắt giữ triệu phú Durst với cáo buộc giết người bạn gái lâu năm Susan Berman, tiểu thuyết gia hình sự, người được tìm thấy bị bắn chết trong căn hộ ở Beverly Hills hồi năm 2000.
Trước đó, ông Durst, một người đàn ông có vẻ ngoài đứng đắn, đã đăng ký lưu trú tại một khách sạn ở New Orleans với cái tên giả.
BBC cho hay nhà triệu phú đã bị cảnh sát Mỹ nghi ngờ và theo dõi trong hơn 30 năm, kể từ khi bà Kathleen McCormack, người vợ đầu của ông Durst mất tích bí ẩn.
Trong vụ mất tích “không manh mối” của bà McCormack, đối tượng bị tình nghi số một là ông Durst lúc đó có đầy đủ các bằng chứng ngoại phạm.
Mười năm sau (2000), các thám tử đã theo dấu triệu phú Durst từ thành phố New York đến Los Angeles sau khi một người “bạn gái lâu năm” của ông là Susan Berman bị giết ngay tại nhà.
Một nguồn tin am hiểu cho hay bà Berman vẫn thường lui tới gia đình Durst trong thời gian trước khi vợ ông Durst mất tích và được xem là người thân thiết nhất với ông sau sự việc này.
Trong cả 2 vụ, Durst đều bị thẩm vấn nhiều lần nhưng rồi các điều tra viên đều không tìm được bằng chứng. Mãi đến năm 2001, Robert Durst mới bị bắt do bị tình nghi đã bắn chết và xả tử thi của người hàng xóm Morris Black.
Tuy nhiên, với khả năng chi mạnh tay thuê luật sư giỏi, nhà triệu phú được tuyên trắng án trong vụ giết người ở Texas, đồng thời chưa bao giờ bị bắt giữ sau cái chết hoặc mất tích bí ẩn của bạn thân.
Mãi cho đến nay, triệu phú hết lần này đến lần khác lách khỏi lưới pháp luật này mới bị bắt với cáo buộc liên quan đến cái chết của bạn gái thân Susan Berman. Thông tin tòa án cho hay John Lewin, một công tố viên được biết đến với thành tích giải quyết nhiều vụ khó, đang dẫn đầu điều tra vụ án của triệu phú Durst.
Dù luật sư của ông Durst tuyên bố thân chủ của mình vô tội, người nhà của triệu phú này lại lên tiếng cảm ơn chính quyền vị đã bắt giữ ông ta. “Chúng tôi thấy nhẹ nhõm và biết ơn những ai hỗ trọ việc bắt giữ Robert”, ông Douglas Durst, anh trai của người bị theo dõi suốt 30 năm qua bày tỏ.
“Chúng tôi hy vọng Robert sẽ bị kết tội”, AP dẫn lời ông Douglas Durst nói.
Robert Durst là người thừa kế của một trong những gia tộc giàu có nhất nước Mỹ. Bố của ông là người đã mua nhiều khu đất đất rộng lớn ở khu vực Manhattan, trung tâm thành phố New York.
-----------------------
Ấn Độ bắt 8 nghi can cưỡng hiếp nữ tu hơn 70 tuổi
Cảnh sát Ấn Độ đã bắt giữ 8 nghi can trong vụ cưỡng hiếp tập thể một nữ tu sĩ đã hơn 70 tuổi hôm 14/3. Nữ tu sĩ sau đó đã cầu cho những hung thủ được tha thứ, bất chấp chấn thương tinh thần mà bà phải trải qua.
Một vụ tấn công tình dục tàn bạo đã xảy ra sáng sớm hôm 14/3 tại trường truyền giáo Jesus và Mary, thuộc quận Nadia, cách Kolkata, thủ phủ bang Tây Bengal, Ấn Độ 80 km.
Theo AFP, sau khi đột nhập tu viện, lục soát, đập phá, lấy trộm tiền và tài sản, 7 đến 8 nghi can đã cưỡng hiếp tập thể một nữ tu hơn 70 tuổi vì bà có hành động chống trả quyết liệt. Hiện các nguồn đưa tin khác nhau về tuổi thật của nữ tu sĩ (71,74 và 75 tuổi).
4 người trong nhóm hung thủ nói trên đã được nhận dạng nhờ hình ảnh quay lại của camera an ninh trong trường truyền giáo.
AFP dẫn nguồn tin từ cảnh sát thông báo đã bắt giữ 8 người, nhưng cho hay không ai trong số này trông giống 4 tên xuất hiện trong camera an ninh của tu viện. Hiện những kẻ tình nghi đang bị cảnh sát thẩm vấn.
Cảnh sát Ấn Độ đang tiếp tục mở rộng tìm kiếm các nghi can khác trên phạm vi toàn quận Nadia. Họ cũng đã đã công bố hình ảnh từ camera và treo thưởng 100.000 rupee (khoảng 1.500 USD) cho những ai cung cấp thông tin về các nghi can.
Nhà chức trách Tây Bengal cũng tuyên bố sẽ có hành động nhanh chóng và mạnh mẽ đối với những kẻ có liên quan.
Trong khi đó, theo Times of India, nữ tu đã được đưa tới bệnh viện lúc khoảng 7h sáng 14/3 sau khi bị tấn công tình dục và đang trong tình trạng ổn định. Trên giường bệnh, nữ tu đau đớn nói: "Trái tim tôi bị vỡ vụn".
Theo lời quản lý bệnh viện, người phụ nữ cao tuổi chỉ quan tâm tới vấn đề an ninh và học sinh trong trường truyền giáo hơn là chấn thương về tinh thần mà bà đã phải trải qua sáng sớm ngày 14/3.
Nhiều người tới thăm nữ tu nhân từ cho hay họ không thể cầm nước mắt khi bà cầu nguyện cho những kẻ đã làm điều ghê tởm với bà được tha thứ.
-------------------
Quân khu phía Tây, Hạm đội phương Bắc Nga được lệnh báo động chiến đấu
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh đặt Hạm đội phương Bắc, các đơn vị lính dù và Quân khu phía Tây trong tình trạng báo động chiến đấu cao nhất kể từ 8 giờ sáng ngày 16/3 giờ Mátxcơva trong khuôn khổ các cuộc tập trận bất ngờ.
Bộ trưởng quốc phòng Nga Sergey Shoigu cho biết tại Trung tâm chỉ huy quốc phòng quốc gia rằng các cuộc tập trận sẽ có sự tham gia của 38.000 quân nhân, 3.360 thiết bị, 41 tàu chiến, 15 tàu ngầm, 110 máy bay và trực thăng.
Các cuộc tập trận, kéo dài tới ngày 21/3, sẽ giúp nâng cao khả năng của Hạm đội phương Bắc nhằm đảm bảo an ninh quân sự của Nga ở Bắc Cực.
“Các thách thức và các mối đe dọa mới đối với an ninh quân sự đòi hỏi cần cải thiện hơn nữa các khả năng chiến đấu của các lực lượng vũ trang và sự chú ý đặc biệt đối với đơn vị chiến lược mới được thành lập ở phía bắc”, Bộ trưởng Shoigu nói.
Trong ngày đầu tiên của cuộc tập trận, quân đội sẽ kiểm tra việc tuân thủ các quy định về thời gian. Sau đó, các lực lượng sẽ tới các khu vực diễn tập, nơi các cuộc kiểm tra và thực hành trình độ sẽ diễn ra, ông Shoigu nói thêm.
Hôm nay, các cuộc diễn tập bắn đạn thật cũng đã bắt đầu trên biển Caspi. Các cuộc tập trận có sự tham gia của tàu tên lửa Dagestan.
“Trong 10 ngày, các quân nhân sẽ thực hiện các nhiệm vụ diễn tập trên biển, các sứ mệnh bảo vệ chống thủy lôi, canh gác và bảo vệ các tàu ngoài cảng”, Quân khu phía Nam cho hay.
Kể từ đầu năm 2015, Nga đã tổ chức khoảng 29 tuổi tập trận ở nhiều nơi, từ vùng Kaliningrad ở phía Tây tới vùng Viễn Đông, từ biển Barent tới biển Caspi và biển Đen. Một số cuộc tập trận hiện vẫn tiếp diễn.
--------------------------