Nhà chức trách Kiev có một cơ hội “duy nhất” để chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraina và thiết lập lại hòa bình ở khu vực đông nam đất nước, Ngoại trưởng Ukraina Pavlo Anatoliyovych Klimkin nói với nhật báo Kommersant của Nga.
“Chúng tôi có một cơ hội duy nhất để đi đến hòa bình và phải sử dụng nó. Chúng tôi đã sẵn sàng cho điều này”, ông Klimkin nói trong khi đề cập đến thỏa thuận Minsk được ký trong tháng 2 năm nay.
Nhà ngoại giao Ukraina cũng cho rằng, trong tình hình hiện tại, mỗi người nên làm mọi điều có thể để tiến gần hơn đến hòa bình. Theo ông Klimkin, điều đầu tiên là chế độ ngừng bắn được thiết lập. Tiếp đó, tất cả vũ khí hạng nặng cần được rút một cách nghiêm túc và không nên lợi dụng điều này để đạt được những lợi ích chiến thuật. Điều thứ ba là mỗi bên nên trung thực với chính mình và những người thực hiện nhiệm vụ giám sát đặc biệt đến từ Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE).
Theo Ngoại trưởng Ukraina, OSCE nên được thông báo việc rút vũ khí hạng nặng diễn ra như thế nào và chúng được đưa đến đâu.
“Những gì không cần làm là tạo ra sự bổ sung lực lượng trên lãnh thổ của Donetsk và Lugansk, hoặc thay đổi vũ khí cũ sang vũ khí mới thay vì việc thu hồi chúng”, ông Klimkin nhấn mạnh.
Nhà ngoại giao Ukraina đã đệ trình dự thảo lên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về việc cử một đội thực hiện sứ mệnh gìn giữ hòa bình đến khu vực đông nam đất nước.
Hiện tại chính phủ Kiev cũng đang xem xét có nên yêu cầu triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình dọc theo đường liên lạc ở miền đông Ukraina và ở biên giới Nga-Ukraina.
Clip xem thêm: Ngoại trưởng Nga nói đàm phán hòa bình về Ukraina cần sớm được tiến hành. (Nguồn: Press TV)
Tổng thống Ukraine Poroshenko nói sai nhiều điều, nhưng nói đúng một điều: thỏa thuận Minsk 2 chỉ khiến cuộc chiến ở nước này tạm dừng...
Ukraine nghỉ giữa hiệp
0h ngày 15/2/2015, thỏa thuận Minsk 2 chính thức có hiệu lực. Theo thỏa thuận này, các bên phải chấm dứt ngay lập tức các hành động giao tranh, rút vũ khí hạng nặng theo giới tuyến được quy định, Kiev trao quyền tự trị cho Donbass, chấm dứt khủng hoảng, tái thiết đất nước.
Một tháng sau khi thỏa thuận này được thực hiện, người ta nhìn thấy điều gì? Theo báo cáo của OSCE, các hành động giao tranh đã giảm một cách tích cực, và không có thêm tử vong nhiều ngày nay, đây có thể được cho là tín hiệu đáng mừng.
Nó cho thấy rằng dù chậm chạp, Minsk 2 vẫn đang được thực hiện. Tuy nhiên, đây chưa phải một tín hiệu tích cực nếu nhìn sâu vào cách mà các bên đối đầu: Mỹ và phương Tây với Nga đang làm với các quân cờ của mình ở Ukraine.
Ngày 15/3, Ukraine nhận được khoản vay đầu tiên từ Quỹ tiền tệ quốc tế IMF trị giá 5 tỷ USD. Số tiền này là khoản giải ngân đầu tiên mang tính khẩn cấp trong gói vay tổng cộng 17,5 tỷ USD của IMF.
Thủ tướng Yatsenyuk, vốn nổi danh là hiếu chiến và cực đoan trong các vấn đề miền Đông đã hồ hởi phát biểu với báo giới nước này rằng khoản tiền đó đã đến rất đúng lúc, tạo ra cơ hội để Ukraine có thể giải quyết được các vấn đề cấp bách nhất hiện nay.
Còn với Tổng thống Poroshenko, ông này cũng báo tin vui với cả thế giới rằng họ sắp có thêm rất nhiều vũ khí: "Ukraine đã hoàn thành hợp đồng với hàng loạt các nước EU về việc cung cấp vũ khí sát thương. Quy định của EU về cấm vận vũ khí cho Ukraine đã chính thức được gỡ bỏ”.
Theo ông Poroshenko, có tất cả 11 quốc gia EU thỏa thuận hỗ trợ trang thiết bị quân sự cho Ukraine, trong đó có cả những vũ khí sát thương, dù không nói rõ đây là những quốc gia nào.
Thậm chí, Tổng thống này còn tự tin khẳng định: "Mỹ và EU sẽ có mặt lập tức, viện trợ những loại vũ khí hạng nặng, và lệnh trừng phạt sẽ lập tức áp đặt lên kẻ thù của Ukraine nếu có những sự đột biến chống lại chúng tôi. Ukraine đang làm nhiều điều tích cực, nhưng không vì thế mà làm mất đi khả năng và sự chủ động quân sự của mình."
Như vậy, nếu tiếp tục theo đuổi chiến tranh với miền Đông, Kiev đã có được vũ khí, và tiền để nuôi dưỡng chiến phí. Thực tế thì Kiev đã cạn tiền để theo đuổi chiến tranh với miền Đông, nhưng vào thời điểm này, có lẽ họ đang hồ hởi và hung hăng hơn bao giờ hết khi có đầy đủ cả tiền và súng.
Trong khi đó, nếu nói Minsk đang tích cực, thì bước tiếp theo, quyền tự trị cho người ly khai đang nằm ở đâu? Hôm 14/3, Tổng thống Poroshenko đệ trình lên Quốc hội một bản dự thảo nhằm trao cơ chế đặc biệt cho Donbass và Lugansk. Thế nhưng Quốc hội nước này chưa cho hồi âm, và bản thân quy chế đó như thế nào cũng không được tiết lộ. Và nếu nó không làm hài lòng Donetsk hay Lugansk, chắc chắn cuộc khủng hoảng sẽ không thể kết thúc.
Và cần nói thêm rằng, bản dự thảo này được đưa ra trong bối cảnh đại diện của Donetsk đã phải trực tiếp liên hệ với Pháp, Đức, Nga để họ tạo thêm sức ép thúc đẩy tiến trình từ phía Kiev.
Đó là với chính quyền Kiev, còn với quân ly khai, họ đang làm gì? Một tháng thỏa thuận Minsk được thực thi, phe ly khai chiếm được toàn bộ "nồi hơi Debaltsevo", nối liền một dải Lugansk, Donetsk. Những người ly khai mở rộng thêm vùng kiểm soát hàng trăm km2.
Ly khai di chuyển vũ khí hạng nặng, phân bổ lại lực lượng tác chiến của mình. Họ nói rằng đang thực thi thỏa thuận Minsk, nhưng Kiev cho rằng họ đang chuyển quân chiến lược để phục vụ cho các chiến dịch sắp tới.
Bản thân Donetsk vẫn đang tuyển quân, họ cũng tự thừa nhận rằng có 200 tân binh gia nhập mỗi ngày, và trong lực lượng của họ có rất nhiều người tình nguyện đến từ EU.
Đồng thời Lugansk áp dụng chính sách thanh toán đa tiền tệ với khu vực kiểm soát của mình. Nó cho thấy họ đa tìm cách thoát khỏi sự kiểm soát của chính quyền Kiev về kinh tế, và cũng tự cứu mình khỏi đồng tiền đang mất giá từng ngày của Ukraine. Bản thân Donetsk cũng đã lên tiếng rằng họ không thể chung sống với một chính quyền nợ đầm đìa, ngân khố trống rỗng, và thực tế đã phá sản.
Có thể thấy rằng, trong một tháng tạm ngừng chiến tranh, Kiev đã chuẩn bị đầy đủ cho mình chiến phí và vũ khí để tái khởi động các chiến dịch quy mô lớn. Còn phe ly khai cũng đã kiện toàn những hành động để tách khỏi Ukraine, tăng cường sức mạnh cho thế lực của mình.
Những điều ấy cho thấy Minsk đang bị lợi dụng như một nút tạm dừng, như thời gian nghỉ giải lao giữa hai hiệp đấu, và mọi thứ đang sẵn sàng quay trở lại, với một cường độ mạnh mẽ hơn, khốc liệt hơn.
Trên sàn đấu của Nga - Mỹ
Đó là những gì đang diễn ra bên trong Ukraine, nhưng nhìn rộng hơn, cả châu Âu cũng đang sục sôi trong đêm trước của cuộc chiến ở Ukraine.
Trước tiên, trong tuyên bố mới nhất của NATO ngày 14/3 vừa qua, liên minh quân sự này khẳng định họ sẽ không tham chiến ở miền Đông Ukraine hay có hành động quân sự chủ động tấn công Nga. Và ngược lại, Moscow cũng khẳng định họ không lên kế hoạch tấn công các quốc gia thuộc NATO hay EU sát biên giới với mình.
Như vậy, bản chất của cuộc chiến của Ukraine sắp tới cũng không có gì thay đổi: hai bên Nga - phương Tây mà cụ thể là Nga - Mỹ sẽ đối đầu với nhau, tử chiến với nhau, nhưng chỉ có người Ukraine là mất mạng, đất nước Ukraine bị tàn phá, chia cắt.
Còn trong bối cảnh cả khu vực, Mỹ đang làm gì tại đây? Trong thời gian ngắn, họ điều đến châu Âu khoảng 5.000 lính cả bộ binh, hải quân, thủy quân lục chiến. Mang đến gần 20 chiến đấu cơ, 120 xe tăng hạng nặng, hàng chục xe bọc thép, tăng cường tàu chiến cho các căn cứ gần Biển Đen.
Mỹ tiếp tục đưa tên lửa Patriot - lá chắn phòng thủ tên lửa đến sát nước Nga. Tập trận cách biên giới Nga chỉ 300m, tổ chức nhiều cuộc diễu binh, tập trận. Quan chức quân đội Mỹ cũng có một loạt động thái thăm nom, bàn thảo với những người đồng minh nhỏ bé đang là láng giềng với Nga.
Những hành động này của Mỹ cho thấy ba vấn đề: thứ nhất, Mỹ củng cố tuyến phòng thủ cho đồng minh NATO ở châu Âu. Thứ hai, Mỹ lợi dụng tình hình khủng hoảng ở Ukraine, sự leo thang đối đầu với Nga để mang vũ khí đặt sát cửa nhà nước Nga. Có thể quân đội Mỹ sẽ rút về, nhưng chắc chắn các hệ thống radar cảnh báo sớm, tên lửa phòng thủ của họ sẽ ở lại đây mai mãi.
Thứ ba, Mỹ úy lạo tinh thần đồng minh, và vòng vây cô lập, phong tỏa nước Nga cũng vì thế mà ngày càng siết chặt. Cuộc khủng hoảng Ukraine chỉ là cái cớ để Washington có thể tự do điều chuyển quân đội, đi những nước cờ có chiều sâu mà không lo vướng phải sự chỉ trích từ cộng đồng quốc tế.
Bản thân sự leo thang cẳng thẳng giữa Nga và phương Tây cũng khiến khả năng thuyết phục các quốc gia sở tại cho gia tăng đồn trú quân lính hay triển khai các thiết bị, khí tài phòng thủ từ xa cũng thuận lợi, dễ dàng hơn.
Trong khi đó, EU bất ngờ tuyên bố gia tăng trừng phạt Nga thêm 6 tháng và sẽ xem xét tiếp tục nếu kết thúc thời hạn này mà cuộc khủng hoảng Ukraine chưa có biến chuyển.
Tương tự như Ukraine có súng và tiền, Mỹ cũng đối đầu với Nga bằng súng họ đặt ở NATO, và tiền cũng là một mặt trận mà Mỹ sẽ chơi quyết liệt với Nga đến cùng.
Còn ngược lại, Nga cũng không phải không có sự chuẩn bị cho mình. Quân đội Nga ở Crimea ngày càng hiện đại, hùng mạnh. Vũ khí hạt nhân được triển khai đến đây. Còn hạm đội Biển Đen đóng ở bán đảo này được gia tăng trang bị mạnh lên từng ngày.
Cả hai bên đều đã có những sự chuẩn bị cho mình một cách kỹ lưỡng. Nhưng chỉ có điều, NATO đang đặt quân áp sát nước Nga, còn Moscow cũng sẵn sàng cho các hành động chiến tranh.
Nếu cuộc chiến ở Ukraine ngày càng khốc liệt và có thêm bất kỳ động thái nào leo thang, nó hoàn toàn có nguy cơ lan ra cả khu vực. Khi đó, một cuộc chiến tranh châu Âu được tái hiện, thậm chí sẽ là chiến tranh thế giới với vũ khí nguyên tử.
--------------------------