Bí thư Khu tự trị Tân Cương xác nhận trong thời gian qua, một vài cá nhân đã bị bắt giữ khi trở về từ Trung Đông.
Truyền thông Trung Quốc hôm 10/3 dẫn lời giới chức nước này xác nhận có một số người dân ở khu vực Tân Cương đã vượt biên trái phép và gia nhập tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Iraq và Syria.
Phát biểu bên lề kỳ họp thường niên Quốc hội Trung Quốc, Bí thư Khu tự trị Tân Cương ông Trương Xuân Hiền xác nhận trong thời gian qua, một vài cá nhân đã bị bắt giữ khi trở về từ Trung Đông.
Theo ông Trương Xuân Hiền, Trung Quốc mới phá vỡ một nhóm khủng bố tại khu vực này với các thành viên cốt cán là những phần tử vừa mới trở về nước sau khi tham gia IS.
Đây được xem là lần đầu tiên Trung Quốc chính thức xác nhận về việc công dân nước này đã tham gia IS, mặc dù không đưa ra chi tiết về số lượng hay vai trò của các phần tử này.
Trung Quốc cho biết các phiến quân muốn thiết lập một nhà nước riêng gọi là Đông Turkestan tại Tân Cương, ẩn nấp dọc theo khu vực không bị kiểm soát ở biên giới Afghanistan - Pakistan. Bắc Kinh từng bày tỏ lo ngại rằng chúng đang tới Syria và Iraq tham chiến.
Truyền thông Trung Quốc hồi tháng 12/2014 đưa tin có khoảng 300 phần tử cực đoan Trung Quốc đang trong hàng ngũ IS. Tuy nhiên, con số này gần như là không thể xác thực.
Liên quan đến sự việc, trước đó Giáo sư Pan Zhiping thuộc Đại học Tân Cương nhận định, ông không nghi ngờ rằng Trung Quốc sẽ tham gia với một số khả năng, theo dạng ủng hộ tinh thần hoặc thông qua trao đổi thông tin tình báo.
Theo GS Pan, mục tiêu cuối cùng của các đối tượng ly khai Trung Quốc là quay lại Tân Cương thực hiện thêm các cuộc tấn công khủng bố; Bắc Kinh cần phải tăng cường kiểm soát biên giới nhằm ngăn chúng trở về, đồng thời nỗ lực đẩy lui chủ nghĩa tôn giáo cực đoan thông qua giáo dục.
Trong khi đó, The Diplomat ngày 22/10/2014 đưa tin, tổ chức khủng bố al-Qaeda đã gia nhập nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) và kêu gọi thánh chiến chống lại Trung Quốc ở Tân Cương.
Tháng 7/2014, một trùm khủng bố IS, Abu Bakr Al-Baghdadi đã tuyên bố, quyền của người Hồi giáo đang bị xâm phạm ở Trung Quốc, Ấn Độ, Palestine, sau đó IS phát hành bản đồ "biên giới Nhà nước Hồi giáo" và Tân Cương đã bị chúng đưa vào bản đồ này.
Tân Cương, vùng tự trị ở cực tây Trung Quốc giàu tài nguyên và là nơi sinh sống của tộc người Duy Ngô Nhĩ. Mâu thuẫn sắc tộc khiến nơi đây thường xuyên xảy ra các vụ bạo lực thậm chí là khủng bố.
Bắc Kinh cáo buộc các nhóm người Duy Ngô Nhĩ ly khai như Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan (ETIM) và đảng Hồi giáo Turkestan đứng sau những vụ tấn công này.
IS hiện kiểm soát nhiều phần lãnh thổ rộng lớn ở Iraq và Syria. Chúng bị thế giới lên án mạnh mẽ sau khi ghi hình rồi đăng tải cảnh chặt đầu nhiều con tin, trong đó có nhà báo và nhân viên cứu trợ nước ngoài.
------------------------
Hàn Quốc chuẩn bị cho kịch bản thống nhất không cần thỏa thuận
Tờ JoongAng Ilbo số ra ngày 11/3 dẫn lời Phó Chủ tịch Ủy ban Thống nhất của tổng thống Hàn Quốc, ông Chung Chong Wook cho biết Seoul đang chuẩn bị cho các kịch bản về việc thống nhất với Bình Nhưỡng mà không cần tới một thỏa thuận liên Triều.
Báo trên dẫn lời ông Chung Chong Wook phát biểu tại một diễn đàn hôm 10/3 rằng Chính phủ Hàn Quốc đang “tìm kiếm các phương án thống nhất mà có thể không cần đến một thỏa thuận (liên Triều)."
Ông nhấn mạnh: “Hiện có nhiều lộ trình cho tiến trình tái thống nhất, và ủy ban của chúng tôi đã giao nhiệm vụ cho một tổ chuyên nghiên cứu khả năng thống nhất không cần đồng thuận hay còn gọi là thống nhất chế độ.”
Đây là lần đầu tiên một quan chức cấp cao của ban Thống nhất của tổng thống Hàn Quốc tiết lộ có một nhóm chuyên gia đang nghiên cứu kịch bản thống nhất Bán đảo Triều Tiên thông qua một sự thay đổi trong chế độ Bình Nhưỡng hoặc thông qua hợp nhất với miền Nam.
Ủy bao này, gồm các chuyên gia chính phủ và phi chính phủ, được chính quyền của Tổng thống Pắc Cưn Hê thành lập vào tháng 7/2014 để chuẩn bị cho tiến trình tái thống nhất hòa bình hai miền Triều Tiên.
Tuy nhiên, Triều Tiên đã quyết liệt phản đối ý tưởng thống nhất bằng cách hợp nhất với Hàn Quốc vì như vậy đồng nghĩa với việc chế độ hiện hành tại Bình Nhưỡng sụp đổ./.
-------------------------
Cựu Thủ tướng Berlusconi trắng án trong bê bối tình dục
Ngày 10/3, Tòa án tối cao Italy đã tuyên trắng án đối với cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi sau 9 giờ tranh luận giữa các thẩm phán về cáo buộc ông này dính líu tới vụ bê bối mua dâm gái vị thành niên.
Theo phóng viên TTXVN tại Italy, phán quyết này y án bản án Tòa án phúc thẩm Milan đưa ra hồi tháng 7/2014, trong đó bác bản án sơ thẩm 7 năm tù đối với ông Berlusconi tuyên hồi tháng 6/2013 vì tội mua dâm một cô gái vị thành niên người Morocco, do cho rằng không có bằng chứng cho thấy ông Berlusconi biết tuổi thật của cô gái này vào thời điểm mua dâm vào năm 2009 khi ông đang là người đứng đầu Chính phủ Italy.
Báo chí Italy đưa tin vị cựu thủ tướng 78 tuổi này tỏ ra hài lòng với phán quyết của Tòa án tối cao, đồng thời khẳng định vụ bê bối trên là một "âm mưu" của các đối thủ chính trị nhằm gạt bỏ ông khỏi đời sống chính trị Italy.
Sự nghiệp chính trị của ông Berlusconi luôn gắn liền với các vụ bê bối và tai tiếng. Mới đây, ông Berlusconi cũng vừa mãn hạn án phạt lao động công ích một năm mà Tòa án Milan tuyên trước đó vì tội gian lận tài chính và trốn thuế. Vụ việc này đã khiến ông Berlusconi bị truất phế khỏi Thượng viện, bị tước quy chế miễn truy tố, bị cấm xuất ngoại và không được tham gia tranh cử trong bất cứ cuộc bầu cử nào cho đến năm 2019.
------------------------
Nga đình chỉ hoàn toàn tham gia CFE ở châu Âu
Bộ Ngoại giao Nga thông báo bắt đầu từ ngày hôm nay 11/3, Mátxcơva sẽ đình chỉ việc tham gia nhóm tham vấn chung về Hiệp ước các lực lượng vũ trang thông thường ở châu Âu (gọi tắt là CFE).
Theo Bộ Ngoại giao Nga, Mátxcơva đã quyết định đình chỉ việc tham dự các cuộc họp của Nhóm tham vấn chung từ ngày 11/3, qua đó hoàn tất việc ngừng tham gia hiệp ước CFE đã được Nga tuyên bố hồi năm 2007.
Trong khi đó, Ông Anton Mazur, Trưởng phái đoàn Nga tại cuộc đàm phán ở Vienna (Áo) về an ninh quân sự và kiểm soát vũ khí, thông báo: “Trong nhiều năm, Nga đã cố gắng hết sức để duy trì cơ chế kiểm soát vũ khí và là quốc gia nêu sáng kiến về việc thảo luận quá trình áp dụng CFE tại các nước, cũng như là quốc gia phê chuẩn Hiệp định về thông qua CFE".
"Tuy nhiên, kể từ năm 2011, đối thoại với NATO về tương lai của các cơ chế kiểm soát đã không còn được tiến hành tại Nhóm than vấn chung. Chưa kể đây Nhóm tham vấn đang trở thành diễn đàn bị các nước phương Tây kêu gọi Nga quay lại với CFE cũ mà Mátxcơva cho rằng không còn phù hợp với tình hình thực tế hiện nay", ông Mazur khẳng định.
Với những lý do nêu trên, xem xét cả các lợi ích về chính trị, kinh tế, tài chính, Nga quyết định không tham gia vào các cuộc họp của nhóm tham vẫn nữa. Belarus sẽ thay mặt Nga với tư cách đại diện trong nhóm này. Tuy nhiên, Mátxcơva khẳng định vẫn để ngỏ khả năng “tiếp tục đối thoại về kiểm soát vũ khí thông thường tại châu Âu nếu các đối tác trở nên sẵn sàng”.
Hiệp ước CFE được ký kết giữa hai khối liên minh chính trị quân sự là khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương NATO và khối Hiệp ước Warsaw trong thời kỳ Chiến tranh lạnh. Theo hiệp ước này, các bên tham gia ký kết CFE phải cắt giảm 2 lần số xe tăng, trọng pháo, máy bay chiến đấu, trực thăng và các thứ vũ khí hạng nặng khác của lục quân.
Tuy nhiên, theo quy định của CFE hồi năm 1999, Nga đã từng phải nhượng bộ lớn khi cắt giảm hơn 20.000 vũ khí và thiết bị quân sự. Việc rút khỏi CFE sẽ giúp Mátxcơva tăng cường khả năng phòng thủ, trong bối cảnh mối quan hệ Mátxcơva và phương Tây đang trở nên căng thẳng liên quan tới cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
---------------------------