Xét về năng suất lao động, Việt Nam đã có mức tăng trưởng ấn tượng với hơn 184% trong giai đoạn từ 1991 đến 2012, tốc độ phát triển này thậm chí còn cao hơn cả các quốc gia nổi tiếng về năng suất lao động như Singapore và Malaysia.
Theo báo cáo tầm nhìn kinh tế mới nhất của ICAEW (Economic Insight Report), Việt Nam đang có những bước chuyển mình đáng kể trên con đường phát triển hướng đến nền kinh tế sản xuất hàng hoá nhờ vào tốc độ tăng trưởng năng suất lao động ấn tượng 184% trong giai đoạn 1991 - 2012 và sự gia tăng về lực lượng lao động có kỹ năng. Tiếp tục duy trì chi phí sản xuất thấp và phát triển các chương trình giáo dục bậc cao là chìa khoá cốt lõi giúp duy trì sự tăng trưởng này.
Báo cáo tầm nhìn kinh tế khu vực Đông Nam Á (Economic Insight: South East Asia) được thực hiện bởi Cebr, đối tác đồng thời là bộ phận dự báo kinh tế của ICAEW. Bản báo cáo cung cấp cho 144.000 khách hàng thành viên cái nhìn súc tích nhất về tình hình kinh tế theo từng quý của khu vực Đông Nam Á, tập trung vào Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.
Theo bản báo cáo này, sự sụt giảm giá dầu thế giới trong thời gian gần đây đã kéo theo việc hàng loạt các dự án khai thác mỏ bị huỷ bỏ tại các quốc gia giàu hàng hoá và chuyên xuất khẩu dầu mỏ như Indonesia và Malaysia. Tuy nhiên, tình hình đó cũng giúp ích cho chính phủ các quốc gia Đông Nam Á khi giờ đây các nước có thể cắt giảm các khoản trợ cấp nhiên liệu và chuyển dịch nguồn vốn cho các lĩnh vực đầu tư khác. Một trong những ưu tiên hàng đầu phải kể đến là giáo dục và cơ sở hạ tầng.
Theo đánh giá của ông Charles Davis, Cố vấn kinh tế ICAEW kiêm Giám đốc Cebr: Chính phủ các quốc gia Đông Nam Á đã và đang thực thi nhiều chiến lược gia tăng sản lượng đầu ra của quốc gia nhằm vượt qua những thách thức toàn cầu hiện nay. Một trong những yếu tố chủ chốt là gia tăng năng suất lao động hoặc mở rộng quy mô của lực lượng lao động.
Trong đó, “xét về năng suất lao động, Việt Nam đã có mức tăng trưởng ấn tượng với hơn 184% trong giai đoạn từ 1991 đến 2012, tốc độ phát triển này thậm chí còn cao hơn cả các quốc gia nổi tiếng về năng suất lao động như Singapore và Malaysia. Ngày càng nhiều các tập đoàn đa quốc gia trong lĩnh vực công nghệ đang di chuyển hoạt động sản xuất của họ vào Việt Nam. Việc duy trì chi phí cơ sở ở mức thấp là yếu tố then chốt để Việt Nam đảm bảo sự ổn định cho các dòng đầu tư”, ông Charles Davis nói.
Theo xu hướng phát triển tất yếu, kỹ năng của lực lượng lao động sẽ được cải thiện và và chi phí sẽ bắt đầu gia tăng, bước tiếp theo mà Việt Nam cần hướng đến là tiến đến mức cao hơn của chuỗi giá trị, phát triển các kỹ năng chuyên môn cần thiết như kỹ sư, khoa học và lập trình. Việt Nam hiện đang có lợi thế rất lớn về phổ cập giáo dục cơ sở. Tuy nhiên, việc phát triển giáo dục bậc cao như đại học và cao học là cần thiết. Nó là yếu tố quyết định trong việc nâng cao năng suất lao động khi đất nước đã đạt được những cột mốc nhất định.
Ông Mark Billington, Giám đốc ICAEW khu vực Đông Nam Á, cho hay: So với các quốc gia theo chế độ Xã hội chủ nghĩa trước kia, Việt Nam đã đạt được mức phổ cập giáo dục cả về chữ và số cao hơn các quốc gia có mức thu nhập tương đương. Tuy nhiên điều đó vẫn chưa được khai thác hiệu quả về mặt lợi ích kinh tế khi mà phần lớn các hoạt động thương mại vẫn đang bị đóng cửa, cũng như sự chênh lệch về kỹ năng sẵn có của lực lượng lao động với nhu cầu thực của nền kinh tế mới nổi. Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng tỷ lệ giữa lao động có kỹ năng và lao động không có kỹ năng cao nhất trong giai đoạn 2001 và 2012 với mức 76%.
“Các trường đại học, nơi cung cấp các kỹ năng chuyên môn về kỹ thuật theo xu hướng dịch chuyển từ lắp ráp cơ bản sang các hoạt giai đoạn sản xuất phức tạp khác, hiện vẫn chưa thật sự hoàn thiện. Đầu tư nhiều hơn nữa cho giáo dục bậc cao và các chương trình đào tạo kỹ năng là rất cần thiết khi Việt Nam đang trên con đường chuyển đổi từ nền kinh tế nông nghiệp sang nền kinh tế sản xuất hàng hoá”, ông Mark Billington nhấn mạnh.
Cũng theo đánh giá, các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á, những đất nước có nền kinh tế phát triển hơn như Singapore hiện đang tìm kiếm giải pháp mở rộng tỷ lệ tham gia vào lực lượng lao động; trong khi đó, Malaysia và Philippines đang phải đối mặt với hiện tượng chảy máu chất xám. Ước tính 10% dân số Philippines lựa chọn làm việc ở nước ngoài, và 295.000 người trong số 4,3 triệu lao động lành nghề của Malaysia rời nước này trong năm 2012. Tăng cường đầu tư nhằm phát triển và quốc tế hoá những lĩnh vực mà người lao động đang rời bỏ là rất cần thiết trong việc giữ chân nhân tài. Các thách thức khác phải kể đến là tỷ lệ nữ giới tham gia vào lực lượng lao động còn thấp cũng như vẫn còn nhiều các hoạt động lao động không đăng ký.
Hoạch định kế hoạch và đầu tư dài hạn hiện rất cần thiết cho các quốc gia Đông Nam Á trong việc nâng cao chất lượng nền kinh tế, nhằm chuẩn bị sẵn sàng cho các giao ước quốc tế cũng như chính sách khuyến khích sử dụng hàng nội địa trong những năm tới. Do đó, các nước trong khu vực hiện cần tập trung phát triển kỹ năng của lực lượng lao động, vốn dĩ là nguồn lực được nhìn nhận có khả năng thay thế cho các loại hàng hoá khác trong việc đem lại thu nhập từ hoạt động xuất khẩu.
---------------------
Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 10, 11 có cả hình ảnh, tiếng Anh và chữ Hán.
Ngày 5/3/2015, Sở GD-ĐT Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức kỳ thi chọn học sinh giỏi Olympic 27/4 (27/4/1975 là ngày giải phóng hoàn toàn tỉnh).
Đề thi môn Ngữ văn nhận được nhiều ý kiến khác nhau.
Cùng một bố cục (câu hỏi nghị luận xã hội 8 điểm, câu hỏi nghị luận văn học 12 điểm), các đề thi này còn được người ra đề "sinh động hóa" bằng các hình ảnh.
Một giáo viên dạy văn cho biết, đây là nỗ lực làm mới cách ra đề thi - một chủ trương đang được ngành giáo dục khuyến khích.
Tuy nhiên, anh băn khoăn ở một vài chi tiết.
Cụ thể, ở đề thi dành cho học sinh lớp 10, câu hỏi số 2 (12 điểm) chưa thật sự chuẩn xác. Gắn chữ Hán trong đề thi (chữ này có nghĩa là Trần) với biểu trưng "một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc" là hơi khiên cưỡng.
Còn ở đề thi dành cho học sinh lớp 11, câu hỏi số 1 (8 điểm), cách hỏi có thêm chú thích "Tham khảo gợi ý: Tại sao không phải thanh gươm hay khẩu súng mà là ngọn bút" cho thấy đề thi còn rườm rà.
Trên diễn đàn Học văn - Văn học có nhiều thảo luận về các đề thi này.
Ở đề thi dành cho học sinh lớp 10, một số ý kiến thắc mắc đề thi có chữ Hán như vậy "có tính đánh đố". Tuy nhiên, trong sách giáo khoa lớp 10, phần chú thích, các em đã được biết đến hình ảnh của chữ Hán đó, khi học bài về văn học thời Lý - Trần. Chữ "Trần" khi chiết tự ra có nghĩa là Đông A, gợi liên tưởng về "hào khí Đông A".
Ở câu hỏi số 1 trong đề thi dành cho học sinh lớp 11, thành viên Nguyễn Trường Kha liên tưởng ngay tới vụ biếm họa của tòa soạn báo Charlie Hebdo (Pháp) xảy ra cuối năm 2014.
Tuy nhiên, không phải ai cũng biết tới sự kiện này. Thành viên Noridomi Mèo trình bày:
"Nếu theo cách hiểu thông thường của mình, thì bức tranh đem đến hình ảnh: Hôm qua, hôm nay và ngày mai. Hình ảnh này gửi gắm thông điệp và ý nghĩa tốt đẹp.Về gợi ý: Gợi ý là ngọn bút, thì có lẽ hoặc là để chúng ta bàn về tác phẩm văn học. Hoặc là bàn về quá trình sáng tạo, tự hoàn thiện mình của người viết, của nhà văn.
Nhưng nếu làm bài như vậy thì mình không thích lắm, vì vấn đề bó hẹp, trong khi nếu không có gợi ý là ngọn bút thì ta có thể nói nhiều thứ hơn nữa.
Thứ ba: Đọc kĩ đề, ta thấy người ra đề ghi là: "bức ảnh biếm họa" tức là nói đến cái gì đó nhức nhối, không tốt. Vì vậy, giả thiết đưa ra ở điều thứ nhất và điều thứ hai của mình là không hợp lí".
------------------------
Thủ tướng đề nghị Campuchia sớm giải quyết vướng mắc đất đai cho doanh nghiệp Việt
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Việt Nam luôn khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào Campuchia, nhất là các dự án trồng cây cao su, đồng thời mong muốn Chính phủ Campuchia sớm giải quyết vấn đề cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các doanh nghiệp Việt.
Thông cáo báo chí của Văn phòng Chính phủ cho biết, chiều 10/3/2015, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp Bộ trưởng Kế hoạch Campuchia Chhay Nathan đang có chuyến thăm và làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam.
Tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá, sự hợp tác hiệu quả giữa hai Bộ cũng như giữa các Bộ, ngành khác của hai nước sẽ đóng góp thiết thực và hiệu qủa vào việc tăng cường quan hệ song phương, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư và du lịch.
Bày tỏ sự ủng hộ kế hoạch hợp tác giữa Bộ Kế hoạch Campuchia và Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị hai bên cần tập trung thực hiện kế hoạch kết nối hai nền kinh tế và kết nối nền kinh tế của Việt Nam, Lào và Campuchia, nhằm đem lại lợi ích cho cả ba nước.
Thủ tướng cũng đề nghị hai Bộ sớm đánh giá và có các giải pháp nhằm tăng kim ngạch thương mại song phương, phấn đấu sớm đạt mục tiêu đưa kim ngạch thương mại song phương 5 tỷ USD.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Việt Nam luôn khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào Campuchia, nhất là các dự án trồng cây cao su, đồng thời mong muốn Chính phủ Campuchia sớm giải quyết vấn đề cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các doanh nghiệp Việt Nam đang thực hiện dự án nhằm giúp các doanh nghiệp yên tâm đầu tư, kinh doanh lâu dài tại Campuchia.
Tại buổi tiếp, Bộ trưởng Kế hoạch Chhay Nathan thông báo tới Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kết quả làm việc giữa hai Bộ, trong đó có việc hai bên đã ký Bản ghi nhớ hợp tác trong năm 2015.
Theo đó, hai bên đã đề ra các kế hoạch kết nối hai nền kinh tế và kết nối 3 nền kinh tế, Việt Nam, Lào, Campuchia theo đúng với thỏa thuận mà Thủ tướng 3 nước đã nhất trí tại Hội nghị cấp cao Campchia, Lào, Việt Nam diễn ra tại Thủ đô Viêng Chăn (Lào) vào cuối năm 2014.
-----------------------