Tổng thầu Trung Quốc và nhà thầu phụ thường xuyên bị Ban Quản lý Đường sắt (Bộ GTVT) nhắc nhở về các yêu cầu thi công và biện pháp đảm bảo an toàn trên công trường xây dựng đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông.
Quá trình giám sát thi công và kiểm tra trên công trường Ban Quản lý Dự án Đường sắt phát hiện, Tổng thầu EPC tự ý đưa đơn vị thầu phụ thí nghiệm nén tĩnh cọc khi hợp đồng chưa trình Ban Quản lý dự án Đường sắt phê duyệt. Trong khi đó, tại ga Cát Linh, nhà thầu tự ý cẩu lắp xếp tải trọng thí nghiệm nén tĩnh vị trí cọc khi đề cương thử tải chưa được phê duyệt, gây mất an toàn lao động, ảnh hưởng đến tiến độ thi công của các nhà thầu phụ khác.
Trên công trường đoạn trụ CR9-CR24 đang chuẩn bị đổ bê tông cọc khoan nhồi trụ CR11, Tổng thầu EPC không thông báo cho cán bộ tư vấn giám sát vật liệu để giám sát theo quy định; đoạn trụ CR12-CR18 không bật đèn cảnh báo trên hàng rào vào ban đêm. Tại vị trí trụ CR30, nhà thầu phụ thực hiện công tác lắp dựng cốt thép thân trụ mà không có chống đỡ nên toàn bộ cốt thép thân trụ bị nghiêng ra ngoài hàng rào, gây mất an toàn.
Ban Quản lý Dự án Đường sắt đã nhắc nhở Tổng thầu Trung Quốc và các nhà thầu phụ thực hiện nghiêm các yêu cầu trong thi công, đảm bảo an toàn thi công, an toàn lao động tại dự án.
Trao đổi với PV Dân trí, đại diện Ban Quản lý Dự án Đường sắt cho biết, lãnh đạo Ban đi kiểm tra công trường hàng ngày, bất cứ hoạt động thi công nào không đảm bảo cũng bị nhắc nhở. “Kể cả việc thiếu 1 cái bóng điện chúng tôi cũng yêu cầu bổ sung đầy đủ để đảm bảo đủ ánh sáng phục vụ quá trình thi công vào ban đêm. Những sự nhắc nhở diễn ra thường xuyên, hàng ngày, nhằm đôn đốc và giám sát hoạt động thi công một cách tốt nhất, đảm bảo chất lượng công trình” - đại diện Ban Quản lý Đường sắt cho biết.
Trước đó, tại Dự án này từng xảy ra một số sự cố đáng tiếc, nguyên nhân là do nhà thầu không tuân thủ các quy định trong quá trình thi công. Các sự việc sau đó được xử lý nhanh chóng và phê bình đúng người đúng tội, sau các sự cố Ban Quản lý Dự án đã tăng cường việc giám sát nghiêm ngặt hơn nữa trên công trường trọng điểm này.
Công ty Cổ phần Truyền thông Việt Nam vừa có thông báo về việc thay đổi tên và địa chỉ hoạt động theo sự chấp thuận của Ủy ban nhân dân TP Hà Nội.
Cụ thể, từ ngày 05/3/2015, Công ty Cổ phần Truyền thông Việt Nam (tên tiếng Anh Vietnam Communication Corporation) chính thức đổi tên thành Công ty Cổ phần VCCorp (VCCorp Corporation).
Công ty cũng thay đổi địa chỉ, từ tầng 16,17,18 Tòa nhà VTC Online, Số 18 Tam Trinh, phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội sang Số 01 Nguyễn Huy Tưởng, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội.
VCCorp cho biết thêm, kể từ ngày 05/3/2015, các thông tin cũ về tên Công ty không còn có giá trị pháp lý, mọi hình thức sử dụng tên cũ của công ty để đại diện cho công ty trong giao dịch và quan hệ với quý khác hàng đều là giả mạo và trái pháp luật.
Tuy nhiên, việc đổi tên Công ty này không ảnh hưởng đến các giao dịch, quan hệ, nghĩa vụ kinh tế cũng như việc thực hiện các Hợp đồng đã ký kết trước đây. Trong trường hợp cần thiết, các đối tác có thể thực hiện ký bổ sung các phụ lục hợp đồng kinh tế theo tên mới là Công ty Cổ phần VCCorp.
Sau hơn 8 năm xây dựng và phát triển, VCCorp đã trở thành thương hiệu uy tín trên thị trường truyền thông - internet tại Việt Nam. Theo một lãnh đạo của VCCorp, việc đổi tên là nhằm khẳng định vị thế của thương hiệu, mở rộng, phát triển và nâng tầm các sản phẩm dịch vụ của công ty.
-----------------------
Quản lý Thị trường “đau đầu” xử lý sữa Ensure nước sau tịch thu
Không có hóa đơn, chứng từ, không nhãn phụ bằng tiếng Việt… một số lượng lớn mặt hàng Ensure nước đã bị Quản lý Thị trường bắt giữ, tuy nhiên cơ quan này đang không biết phải xử trí thế nào khi tiêu hủy không được, phát mại, biếu, tặng cũng không xong.
Cục Quản lý thị trường (QLTT) - Bộ Công Thương vừa có văn bản gửi Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế xin ý kiến xử lý sau tịch thu mặt hàng Ensure nước vì cho đến nay, cơ quan này vẫn chưa biết xử trí ra sao.
Trong công văn trên, Cục QLTT cho biết, thời gian qua đã kiểm tra và thu giữ được số lượng lớn mặt hàng Ensure nước không có hóa đơn, chứng từ, không nhãn phụ bằng tiếng Việt, trên nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài có dòng chữ “Not to be sold in Vietnam or Mexico” (Tạm dịch: Sản phẩm không được bán tại Việt Nam và Mexico).
Theo các quy định tại các Điều 5, Điều 12, Luật An toàn thực phẩm và Điều 3, Nghị định số 38/2012/NĐ-CP ngày 25/4/2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm thì mặt hàng Ensure nước nói trên không đủ điều kiện lưu thông trên thị trường.
Tuy nhiên, Cục QLTT cũng cho biết thêm, khoản 7, Điều 3 và các Khoản 4,5, Điều 17, Nghị định 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì lại khong có quy định về việc tiêu hủy đối với các trường hợp này.
Mặt khác, tại văn bản số 01/ENS ngày 18/2/2015 của Văn phòng đại diện Công ty Abbott Laboratories S.A tại Việt Nam gửi Cục An toàn thực phẩm có khẳng định: Hiện nay, mặt hàng Ensure này đang được lưu hành tại Mỹ, có hàm lượng dinh dưỡng cao, có lợi cho sức khỏe.
Do đó, cơ quan QLTT đang "bị vướng mắc trong việc xử lý sau tịch thu đối với mặt hàng Ensure nước nói trên: Nếu tiêu hủy thì không đúng quy định của Nghị định 185; còn nếu bán phát mại sung công quỹ hoặc sử dụng vào mục đích phi thương mại như biếu, tặng thì cũng không đúng quy định của Luật An toàn thực phẩm và Nghị định số 38".
Vì vậy, để có cơ sở hướng dẫn cơ quan quản lý thị trường cả nước kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính trong kinh doanh mặt hàng Ensure nước đúng theo quy định pháp luật, Cục QLTT đã đề nghị Cục An toàn thực phẩm cho ý kiến về xử lý sau tịch thu đối với mặt hàng Ensure nước nói trên.
-----------------------